Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh thận mạn?

Bệnh thận mạn và suy thận giống hay khác nhau? Làm thế nào để phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh thận mạn? Các câu hỏi về căn bệnh này sẽ được BS.CK2 Châu Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội Nội Thận TPHCM, Nguyên Trưởng khoa Nội Thận Bệnh viện Chợ Rẫy giải đáp trong bài viết dưới đây…

1. Thận đảm nhận những chức năng gì và nguyên nào dẫn đến bệnh thận mạn?

Nhờ BS phân tích, thận của chúng ta đảm nhận những chức năng gì và tại sao thận lại có những vấn đề trục trặc?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Bệnh thận mạn mãn khá phổ biến không những ở nước ta mà trên toàn thế giới, chiếm trên dưới 10% dân số (có nơi 9%, có nơi 11% hoặc 12%), đây là con số khá cao trong dân số.

Các tổ chức trên thế giới đã có định nghĩa về bệnh thận mạn khá rõ ràng. Theo đó, bệnh thận mạn là khi tổn thương thận kéo dài trên 3 tháng và được biểu hiện bằng những thay đổi về chức năng qua xét nghiệm máu hoặc nước tiểu, qua những cấu trúc hoặc xét nghiệm về hình ảnh học. Ví dụ, 2 xét nghiệm thông thường nhất là qua Nitơ Urê, Creatinine hoặc trong nước tiểu có xuất hiện của đạm niệu, tiểu máu hồng cầu,… Có hoặc kèm theo thay đổi độ lộc cầu thận (GFR) < 60ml/phút/1,73m2 cơ thể.

Bệnh thận mạn có rất nhiều nguyên nhân, được chia thành 4 nhóm chính:

- Nguyên nhân do bệnh cầu thận: Được chia thành bệnh cầu thận nguyên phát (sang thương tối thiểu, bệnh cầu thận mạn,…) và bệnh cầu thận thứ phát (nhóm bệnh nhân đái tháo đường). Cho đến hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đái tháo đường là nguyên nhân lớn nhất chiếm từ 45-50% bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận.

- Nguyên nhân do bệnh ống thận mô kẽ: Bệnh lý về nhiễm trùng, bệnh tự miễn hoặc lạm dụng thuốc gây độc cho thận (nhất là thuốc giảm đau: NSAID - thuốc giảm đau kháng viêm không steroid). Một số bệnh nhân bị đau nhức nên đến tiệm thuốc tây mua thuốc uống từ tháng này qua tháng khác mà không biết đã vô tình dẫn đến bệnh lý bệnh thận mạn. Ngoài ra còn có những bệnh lý do tắc nghẽn, đặc biệt là sỏi thận hoặc những bệnh lý gây trào ngược bàng quang niệu quản,…

- Nguyên nhân do bệnh mạch máu thận: Hẹp động mạch thận.

- Các bệnh bẩm sinh, di truyền: Bệnh nang thận, thận đa nang.

2. Làm thế nào để phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh thận mạn?

Không dễ dàng để bệnh nhân có thể nhận diện ngay được các biểu hiện đặc hiệu của bệnh lý. Vậy làm sao để phát hiện sớm và điều trị một cách hiệu quả trước khi bệnh nhân bước vào giai đoạn muộn hơn?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Bệnh thận mạn rất âm thầm, nếu không tầm soát đôi khi bệnh nhân không biết mình đang có bệnh. Khi có triệu chứng, thông thường đã đi vào giai đoạn muộn.

Nếu tầm soát sớm ở giai đoạn bệnh nhân mới có tiểu đạm, tiểu máu hoặc mới tăng huyết áp,…

Những bệnh nhân có bệnh thận mạn muốn phát hiện sớm nên kiểm tra định kỳ. Vì bệnh không có triệu chứng hoặc đôi khi triệu chứng rất mơ hồ như ăn không tiêu, buồn nôn, nhợt nhạt,… cho đến khi bị phù mới nghĩ đến bệnh thận nhưng biểu hiện này đã là giai đoạn 3, giai đoạn 4 của bệnh.

3. Thận đảm nhiệm những chức năng nào trong cơ thể?

Bệnh thận sẽ diễn biến theo thời gian và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đến một lúc nào đó sẽ trở thành vấn đề bệnh lý với rất nhiều biến chứng nguy hiểm, nhờ BS phân tích kỹ hơn về vấn đề này.

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Thận đảm nhiệm rất nhiều chức năng như:

- Chức năng bài tiết: Thải ra chất độc, thải ra các nước thừa. Khi thận suy sẽ không thải được và ứ lại trong cơ thể gây phù, tim ứ nước hoặc nặng hơn bệnh nhân sẽ bị phù phổi (không thở nổi), phù phổi cấp trào bọt hồng.

- Chức năng điều hòa huyết áp: Thận là cơ quan điều hòa huyết áp, vì vậy khi thận mất chức năng sẽ có biểu hiện tăng huyết áp.

- Chức năng điều chỉnh điện giải: Những chất dư sẽ thải ra và chỉ giữ lại những chất cần thiết cho cơ thể. Một trong những chất điện giải là kali, nếu thận bị suy không thải được kali sẽ ứ lại trong máu. Đến một lúc nào đó, kali máu tăng quá cao sẽ dẫn đến tim ngừng đập.

- Điều hòa chuyển hóa canxi: Đây là lý do bệnh nhân thận suy bị chuột rút.

- Điều hòa tạo máu: Khi thận suy sẽ không tạo được chất tạo máu, dẫn đến thiếu máu.

4. Phân biệt bệnh thận mạn và suy thận như thế nào?

Một trong những biến nguy hiểm nhất của bệnh thận mạn là tình trạng suy thận. Vậy những hệ lụy tiếp theo mà bệnh nhân phải gánh chịu là gì?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Theo tổ chức về Thận học thế giới, chia thận mạn thành 5 giai đoạn, tùy thuộc vào độ lọc cầu thận.

- Giai đoạn 1: Độ lọc > 90ml/phút

- Giai đoạn 2: Độ lọc từ 60 đến dưới 90ml/phút

- Giai đoạn 3: Độ lọc từ 30 đến dưới 60ml/phút

- Giai đoạn 4: Độ lọc từ 15 đến dưới 30ml/phút

- Giai đoạn 5: Độ lọc dưới 15ml/phút

Tiên lượng nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào bệnh nhân có tiểu đạm (tiểu albumin hoặc vi đạm niệu) hay không. Người bệnh giai đoạn 1, giai đoạn 2 không có tiểu đạm tiên lượng sẽ khác với người có tiểu đạm.

Giai đoạn 5 mới gọi là suy thận, bệnh thận mạn giai đoạn cuối (độ lọc cầu thận giảm còn 15ml/phút).

5. Bệnh nhân suy thận điều trị thế nào?

Khi bước vào giai đoạn suy thận bệnh nhân phải lọc máu hoặc ghép thận. Vậy chỉ định cho vấn đề này như thế thưa BS?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Khi bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối (suy thận giai đoạn cuối) không phải tất cả đều lọc máu mà còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Giai đoạn 5, gọi là giai đoạn chuẩn bị điều trị thay thế thận. Lúc này thuốc không còn giải quyết được vấn đề loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể do thận suy, không lọc được chất thải vì vậy phải tìm phương pháp khác.

Tại Việt Nam cũng như toàn thế giới có đủ 3 phương pháp để điều trị thay thế thận:

- Chạy thận nhân tạo: Có đầy đủ các máy từ hiện đại nhất đến đơn giản nhất.

- Lọc màng bụng: Bằng tay hoặc bằng máy.

- Ghép thận: Đã có nhiều bệnh nhân ghép thận.

6. Có thể làm chậm tiến triển của bệnh lý suy thận mạn không?

Điều mà rất nhiều bệnh nhân quan tâm là chúng ta có thể làm chậm tiến triển của bệnh lý suy thận mạn hay không?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Chúng ta không chờ đợi cũng như không thúc đẩy diễn tiến tự nhiên của bệnh. Tất cả những nổ lực của bác sĩ điều trị cho bệnh nhân là làm sao để có thể chậm tiến triển bệnh thận mạn. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3 phải cố gắng trì hoãn, không để chuyển sang giai đoạn 4 và qua giai đoạn 5 để phải lọc máu. Vì đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như cho gia đình và xã hội. Nếu không điều trị chắc chắn bệnh thận sẽ tiến triển và đi vào giai đoạn cuối.

Điển hình, 2 bệnh nhân là chị em ruột, cùng phát hiện bệnh thận giai đoạn 3. Tuy nhiên người em trai không tuân thủ điều trị để làm chậm tiến triển nên chỉ sau 2-3 năm đã vào giai đọan cuối, phải chạy thận nhân tạo và đã mất. Ngược lại, người chị (60 tuổi) tuân thủ rất kỹ và được con gái chăm sóc tốt nên 15 năm sau mới đi vào giai đoạn cuối. Điều này cho thấy, nếu tuân thủ cách điều trị để làm chậm diễn tiến thì vẫn có thể sống chung với bệnh thận mạn - sống chung với lũ.

7. Làm thế nào để làm chậm diễn tiến của bệnh thận mạn?

Đứng ở góc độ của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và bác sĩ cần làm gì để làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy bệnh thận mạn phát triển nhanh, ví dụ:

- Bệnh nhân bị đái tháo đường: Nếu không điều chỉnh đường huyết tốt sẽ đi vào biến chứng bệnh thận mạn và tiến triển nhanh hơn người lúc nào cũng điều chỉnh lượng đường huyết bình thường.

- Người bị tăng huyết áp: Nên uống thuốc đầy đủ, điều chỉnh huyết áp ở mức ngang, không để huyết áp lúc lên lúc xuống sẽ rất xấu cho bệnh thận.

- Rối loạn mỡ trong máu (rối loạn lipid máu): Nếu người béo phì bị rối loạn lipid máu là một yếu tố làm bệnh thận mạn tiến triển.

- Người bị tăng axit uric hoặc gout: Nồng độ axit uric cao sẽ làm cho bệnh thận mạn tiến triển nhanh hơn.

Như vậy, trong điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn có 2 cách:

- Điều trị bằng thuốc đối với những lý do làm tiến triển bệnh thận như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ. Vấn đề cho thuốc là tùy thuộc vào bác sĩ và bệnh nhân phải tuân thủ uống thuốc.

- Phải tuân thủ chế độ ăn: Năm 2020, tổ chức thận của thế giới đưa ra một câu tạm dịch “ăn là điều trị”. Nghĩa là, trong bệnh thận mạn chúng ta điều trị vừa thuốc vừa kèm theo chế độ ăn đúng, ăn đúng là điều trị đúng - ăn sai là điều trị sai. Đối với một số bệnh lý khác như tim mạch, tiêu hóa,… ăn sẽ hỗ trợ thêm cho điều trị nhưng đối với bệnh thận ăn là điều trị.

Phần 2: Người bệnh thận mạn cần bổ sung đạm, kali, nước một cách hợp lý

Trân trọng cảm ơn Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X