Hotline 24/7
08983-08983

Ngứa vùng kín: làm sao để biết do viêm nhiễm hay kích ứng?

Ngứa vùng kín là tình trạng rất phổ biến ở chị em phụ nữ nhưng rất ít người quan tâm và và thăm khám phụ khoa để điều trị kịp thời. Vậy ngứa vùng kín do đâu? Điều trị ngứa vùng kín thế nào đúng cách? Tất cả sẽ được giải đáp bởi BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Chuyên Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ.

1. Ngứa vùng kín do đâu?

Có những nguyên nhân nào dẫn đến ngứa vùng kín của chị em phụ nữ, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Ngứa vùng kín là vấn đề được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Ngứa do viêm âm đạo có khoảng 75% phụ nữ bị một lần trong đời, nghĩa là cứ 10 người có ít nhất 1 người bị viêm âm đạo, cho thấy đây là bệnh lý rất thường gặp.

Khi có cảm giác ngứa chị em sẽ thấy lo lắng không biết bản thân có mắc viêm âm đạo hay không. Có 2 nguyên nhân chính gây ngứa âm đạo:

Thứ nhất là viêm âm đạo do các tác nhân khác nhau, có thể do bệnh lý, các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm… gây ngứa, nếu điều trị đúng nguyên nhân chị em sẽ khỏi bệnh. Thông thường chị em được điều trị trong một đợt thuốc từ khoảng 7-14 ngày, có những nguyên nhân do viêm nhiễm chỉ cần điều trị bằng thuốc uống trong thời gian ngắn.

Thứ hai là dị ứng, khi chị em tới một giai đoạn có thể thay đổi thói quen như dung dịch vệ sinh, băng vệ sinh hoặc chuyển sang dùng tampon… các tác nhân mới tiếp xúc trực tiếp vào vùng da ở âm hộ của người phụ nữ nếu có cơ địa dị ứng hoặc trong sản phẩm chị em sử dụng có một số loại hóa chất kích ứng, không phù hợp với da sẽ có cảm giác ngứa và châm chích.

Tuy nhiên đối với những tác nhân gây dị ứng (ví dụ: loại băng vệ sinh mới, nước rửa phụ khoa mới) khi chị em ngưng sử dụng, tình trạng dị ứng sẽ khỏi.

Riêng với tình trạng viêm nhiễm, chị em nên đi khám phụ khoa để kiểm tra nguyên nhân, từ đó bác sĩ phụ khoa sẽ kê loại thuốc phù hợp cho tình trạng viêm nhiễm của người bệnh.  

2. Phân biệt ngứa âm đạo do viêm nhiễm và do kích ứng

Làm sao để chị em iết bản thân ngứa vùng kín do bệnh lý đáng lo hay do ảnh hưởng bởi tác nhân bên ngoài chỉ cần điều chỉnh, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đây là thắc mắc thường gặp của chị em phụ nữ khi đến gặp bác sĩ sản phụ khoa.

Nếu nguyên nhân gây ngứa vùng kín liên quan đến viêm nhiễm sẽ kèm các triệu chứng khác như dịch âm đạo ra nhiều, có mùi hôi kèm cảm giác ngứa, đau bụng nhẹ.

Bình thường cơ thể người phụ nữ vẫn có một lượng nhỏ dịch tiết âm đạo trong và không có mùi hôi, nhưng nếu thấy dịch tiết ra nhiều hơn có thể dạng bã, nguyên nhân chủ yếu do viêm, khi đó chị em cần được điều trị.

Còn nếu chị em không có thay đổi gì khác ngoài cảm giác ngứa vùng da bên ngoài, nên kiểm tra lại thời gian gần nhất bản thân có sử dụng sản phẩm nào mới, ví dụ như xà bông mới, sữa tắm mới, đổi loại dung dịch phụ khoa khác hoặc mới đổi loại băng vệ sinh… đây là những yếu tố dễ phát hiện vì đột nhiên chị em có cảm giác ngứa kèm theo những thay đổi trong thời điểm nhất định.

3. Điều trị ngứa vùng kín có những phương pháp nào?

Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị ngứa vùng kín và trong quá trình điều trị nhiều người vẫn cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy thì nên giảm thiểu tình trạng này bằng cách nào bên cạnh việc sử dụng thuốc, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Thông thường các chị em bị ngứa âm đạo đến gặp bác sĩ sản phụ khoa trong tình trạng lo lắng về cách điều trị và thời gian điều trị.

Đầu tiên cần tìm hiểu khi chị em phụ nữ bị ngứa vùng kín, đến thăm khám phụ khoa sẽ được làm những xét nghiệm gì, khám thế nào để được chẩn đoán chính xác bệnh, sau đó là điều trị.

Khi đến khám phụ khoa, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về việc chăm sóc vệ sinh vùng kín xem cách vệ sinh của bệnh nhân đã đúng chưa, thời gian gần đây có sử dụng dung dịch vệ sinh, thuốc, băng vệ sinh mới có thể là nguyên nhân gây kích ứng hay không.

Sau khi loại trừ được các vấn đề này bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, sử dụng dụng cụ mỏ vịt đặt nhẹ vào âm đạo để quan sát khí hư sâu trong âm đạo có đặc điểm thế nào, tùy thuộc vào đặc điểm khí hư bác sĩ sẽ hướng tới nguyên nhân viêm nhiễm để điều trị.

Ví dụ ở những chị em ra dịch âm đạo bợn bợn như sữa chua, có thể nghĩ tới nguyên nhân do nấm. Một số nguyên nhân khác từ đặc điểm khí hư âm đạo xanh, có mùi hôi… Khi chẩn đoán và điều trị đúng nguyên nhân sẽ khỏi bệnh.

Một phương pháp hỗ trợ khi chị em đi khám phụ khoa là trong một số tình huống bác sĩ sẽ thử dịch âm đạo để soi, nhuộm hoặc cấy để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó điều trị trúng đích.

Nếu chị em đã biết chính xác bản thân có nhiễm viêm âm đạo do nguyên nhân nào, các bác sĩ sẽ cho một đợt điều trị bao gồm cả thuốc uốngthuốc đặt hoặc sử dụng một trong hai loại thuốc tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, một đợt điều trị của chị em có có thể kéo dài từ 7-14 ngày, thậm chí dài hơn.

Đa số các chị em phụ nữ thường lo lắng về việc tái phát hoặc đang trong đợt điều trị nhưng thấy không giảm ngứa nên ngưng điều trị đột ngột là việc làm sai, vì lộ trình điều trị thông thường trong tác nhân viêm nhiễm có một số loại thuốc phải điều trị đúng và đủ ngày mới có đủ hiệu quả. Thông thường các bác sĩ sản phụ khoa sẽ kết hợp thuốc điều trị cùng một số loại thuốc rửa hoặc dung dịch vệ sinh phù hợp để hỗ trợ điều trị. Tùy thuộc vào độ pH (độ chua âm đạo) sẽ quyết định chọn lựa loại vệ sinh phụ nữ phù hợp và hỗ trợ liệu trình điều trị có kết quả tốt hơn.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Chuyên Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ

4. Xịt nước hoặc đưa tay vào trong âm đạo gây loạn khuẩn và tăng viêm nhiễm

Khi bị ngứa vùng kín chị em cho rằng việc vệ sinh chưa đủ dẫn đến gia tăng số lần vệ sinh vùng kín trong ngày, cứ ngứa là chị em đi rửa, vậy việc lặp lại nhiều lần trong ngày vệ sinh vùng kín có ảnh hưởng gì, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Có rất nhiều câu hỏi và biện pháp đối với vấn đề vệ sinh vùng kín của chị em phụ nữ. Nhiều trường hợp đến gặp bác sĩ, bệnh nhân khẳng định việc vệ sinh vùng kín rất sạch, thậm chí xịt nước vào trong. Tuy nhiên trong góc nhìn y khoa của bác sĩ sản phụ khoa, chị em không cần vệ sinh liên tục vùng kín.

Bên cạnh đó việc xịt nước rửa quá nhiều vào sâu bên trong âm đạo có thể gây loạn khuẩn âm đạo, bởi vì trong âm đạo của người phụ nữ có một môi trường vi khuẩn tốt cho cơ thể, tạo độ chua nhất định trong âm đạo giúp ngăn ngừa viêm nhiễm.

Nếu chị em có thói quen xịt nước vào trong hoặc thậm chí đưa tay vào trong âm đạo, kể với bác sĩ rằng khi đưa tay vào âm đạo có thấy một cục bên trong khiến chị em lo lắng, tuy nhiên đó chỉ là đưa tay quá sâu và chạm tới cổ tử cung. Thao tác này nếu không vệ sinh tay kỹ sẽ trở thành đường dẫn đưa vi khuẩn từ ngoài vào âm đạo.

Ngoài ra một số chị em có móng tay dài khi thực hiện thao tác đó có thể tăng viêm nhiễm và làm trầy xước bên trong âm đạo.

5. Lựa chọn dung dịch vệ sinh hàng ngày có độ pH phù hợp tránh kích ứng da

Thưa BS, vậy vệ sinh vùng kín thế nào là đúng, đủ và vừa phải đối với các chị em phụ nữ khi không có vấn đề hoặc đang bị ngứa vùng kín?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Việc vệ sinh vùng kín của người phụ nữ sẽ tùy thuộc vào họ đang ngoài hay trong chu kỳ kinh.

Chị em đang trong chu kỳ kinh có máu kinh ra liên tục, tần suất vệ sinh phải tăng lên, thay băng vệ sinh mỗi 4 tiếng một lần, rửa sạch, lau khô, sau đó thay băng vệ sinh mới.

Còn đối với ngoài chu kỳ kinh, bác sĩ khuyên chị em chỉ nên rửa 1-2 lần một ngày, sau đó lau khô, thậm chí chỉ cần rửa bằng nước sạch, lau khô bằng khăn sạch mà không cần sử dụng dung dịch vệ sinh thường xuyên.

Bởi vì nếu xác định sử dụng dung dịch vệ sinh thường xuyên phải lựa chọn loại có pH âm đạo phù hợp và không gây kích ứng da, không làm thay đổi độ pH của âm đạo.

Có một số nước rửa phụ khoa với mục đích sử dụng để hỗ trợ điều trị nên có độ pH âm đạo chỉ phù hợp sử dụng trong giai đoạn đang điều trị viêm, không phù hợp cho việc sử dụng hàng ngày. Vì vậy đối với chị em muốn sử dụng dung dịch vệ sinh hằng ngày vì mang lại mùi dễ chịu nên cân nhắc lựa chọn loại phù hợp để tránh gây kích ứng da.  

6. Pha dung dịch đúng hướng dẫn của nhà sản xuất

Nếu chị em đang trong giai đoạn những ngày hành kinh nên vệ sinh như thế nào? Nên lựa chọn loại dung dịch vệ sinh phụ nữ thế nào cho phù hợp, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Hiện tại trên thị trường có rất nhiều dung dịch rửa, chị em luôn lo lắng nên lựa loại dung dịch vệ sinh nào cho phù hợp. Theo quan điểm của bác sĩ sản phụ khoa, dung dịch vệ sinh chỉ có tác dụng làm dịu nhẹ da vùng kín, rửa sạch và tạo mùi dễ chịu, nếu sử dụng cần có 2 điểm lưu ý:

Thứ nhất, xác định loại dung dịch vệ sinh đó có gây dị ứng da hay không, nhiều trường hợp rửa xong có tình trạng nổi mẩn ngứa, khô rát nên ngưng ngay. Còn trưởng hợp sử dụng loại phù hợp có thể dùng lâu dài mỗi lần hành kinh.

Thứ hai, khi sử dụng dung dịch vệ sinh cần pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Ví dụ trên thị trường có những loại đã pha sẵn, chị em chỉ cần đổ ra và rửa trực tiếp, một số loại dạng gói cần pha trong nước và ngâm rửa trong thời gian ngắn, do đó khi chị em quyết định sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn, hay một số loại có chứa i ốt sẽ gây kích ứng, do đó phải pha đúng nồng độ hướng dẫn của nhà sản xuất.

7. Xông hơi chỉ hỗ trợ trong điều trị viêm nhiễm

Nhiều chị em lựa chọn các phương pháp mang lại cảm giác dễ chịu như xông hơi, thậm chí trong dân gian có các bài thuốc dân gian như lá trầu không vò nát sau đó xông hơi sẽ giúp vùng kín tránh viêm nhiễm, sạch sẽ… liệu có nên áp dụng bài thuốc này? Theo góc nhìn y khoa hiện đại có nên thực hiện không, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Vấn đề xông hơi vùng kín đang được lan truyền khá rộng rãi và được nhiều chị em quan tâm, ngay tại các bệnh viện sản phụ khoa lớn có cung cấp dịch vụ xông hơi vùng kín, đặc biệt đối với các chị em vừa sinh xong. Tuy nhiên cần phân biệt việc sử dụng phương pháp xông hơi đó với mục đích gì.

Ví dụ nếu một người đang bị viêm nhiễm cần điều trị, việc đầu tiên cần điều trị đúng và đủ, xông hơi vùng kín chỉ là phương pháp hỗ trợ. Một số quan điểm như dùng lá trầu không hoặc một số phương pháp khác chỉ là các loại thuốc dân gian mang lại cảm giác mùi dễ chịu và chỉ là dung dịch rửa bên ngoài.

Còn đối với loại xông chuyên dụng sẽ có hơi ấm, tạo mùi dễ chịu, đối với chị em phụ nữ trong giai đoạn vừa sinh xong việc xông hơi vùng kín sẽ làm ấm, khô và sát trùng nhẹ bên ngoài, giúp vết thương mau lành, đặc biệt đối với những chị em mới sinh có cắt tầng sinh môn.

Với chị em bị ngứa do viêm nhiễm âm đạo bác sĩ không khuyến cáo chỉ sử dụng đơn thuần một phương pháp xông để điều trị. Nếu các chị em đang bị nấm, phải điều trị vấn đề này, không thể xông ở ngoài để chữa khỏi.

8. Viêm nhiễm phụ khoa có thể điều trị dứt điểm

Nhờ BS chia sẻ một số phương pháp bảo vệ vùng kín, vệ sinh đúng cách, tránh viêm nhiễm phụ khoa một cách hợp lý nhất?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Viêm nhiễm phụ khoa là vấn đề khiến nhiều chị em bận tâm, nhưng dưới góc nhìn của bác sĩ sản phụ khoa khuyên chị em phụ nữ không nên quá lo lắng về vấn đề này, vì đây là bệnh lành tính và có thể điều trị dứt điểm. Nếu chị em có chế độ chăm sóc vệ sinh hợp lý sẽ giảm thiểu khả năng lây nhiễm bệnh, giảm biến chứng sau này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X