Ngón tay cò súng, ngón tay bật, ngón tay lò xo điều trị thế nào mới hết?
Bệnh ngón tay cò súng hay ngón tay bật, ngón tay lò xo có thể điều trị bằng nội khoa, vật lý trị liệu và phẫu thuật. Theo ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh thì đây không hẳn là bệnh của người đếm tiền nhiều như câu nói vui về bệnh này.
1. Bệnh ngón tay cò súng là tình trạng như thế nào, bệnh này có mấy tên gọi?
ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh:
Bệnh ngón tay cò súng như Hiền Thục nói, đó là bệnh của người đếm tiền. Tuy nhiên, nó không phải là như vậy. Bệnh ngón tay cò súng cũng tương tự như hội chứng ống cổ tay. Hai bệnh này tương đối đồng hành với nhau.
Bệnh ngón tay cò súng là bệnh chèn ép hẹp của ròng rọc ở bao gân gấp. Mục đích của gân gấp giúp gân trượt trong ngón tay. Để gia tăng lực gấp trên ngón tay, bao gân gấp sẽ có nhiều ròng rọc để làm tăng lực. Đặc biệt trong ròng rọc, họ gọi ròng rọc A1 tại khớp ba ngón. Đây là vị trí dễ bị chèn ép, dễ đè lên gân.
Bệnh này có rất nhiều tên gọi. Trước tiên, ta sẽ xuất phát từ tên gọi tiếng Anh, nó tên là Trigger finger. Dịch từ tiếng Anh nó tên là ngón tay cò súng. Ở Việt Nam, chúng ta gọi đây là ngón tay bật hoặc ngón tay lò xo.
ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh - khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115
2. Dấu hiệu của bệnh ngón tay cò súng có dễ nhầm với những bệnh nào khác không?
ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh:
Để biết bệnh nó có nhầm lẫn với bệnh khác hay không, ta cần phải xem kỹ triệu chứng. Thông thường, ngón tay cò súng biểu hiện qua 4 giai đoạn (4 mức độ).
Ban đầu, bệnh nhân có cảm giác đau khi cầm nắm ở vị trí ba khớp ngón. Sau đó, nó có thể dẫn đến cảm giác đau nhiều hơn. Ngoài ra, ta không thấy có dấu hiệu gì khác.
Đến giai đoạn thứ hai, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau. Đặc biệt vào buổi sáng sau một đêm nghỉ ngơi và không làm việc. Lúc đó, bao gân nó co rút lại từ từ làm cho ta có cảm giác đau và lụp cụp khi nắm lấy đồ vật. Khoảng một thời gian sau, khi bệnh nhân hoạt động họ không còn nghe tiếng lụp cụp mà chỉ cảm thấy đau.
Đến giai đoạn thứ ba, buổi sáng khi bệnh nhân nắm tay lại hoặc buổi tối bệnh nhân co tay rồi nghe một tiếng cụp. Sau đó, họ dính ngón tay không xòe ra được. Họ phải tìm mọi cách để giãn ngón tay ra.
Đến giai đoạn thứ tư, bệnh nhân kéo ra không được hoặc bệnh nhân muốn nắm vào nhưng cũng không được vì ngón tay đã bị dính kẹt vào. Trong giai đoạn này, đây là giai đoạn mắc kẹt ngón tay.
Tuy nhiên, ta cần phân tích một số bệnh có liên quancũng có thể khiến ngón tay bị kẹt, chẳng hạn bị u màng gân trong bao gân, ngón tay sẽ bị co và bị giới hạn sự gấp duỗi. Hoặc những khối u nang ở ngay vị trí ròng rọc A1 nó sẽ khiến cho bệnh nhân cảm thấy vướng vướng chứ không phải là bị bệnh ngón tay cò súng.
3. Bệnh này được chẩn đoán bằng những phương tiện gì, có cần chụp MRI không?
ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh:
Theo tôi, việc chụp MRI đối với bệnh ngón tay cò súng thực sự là không cần thiết. Thứ nhất, MRI phải tốn nhiều tiền và nó không giúp gì nhiều trong việc chẩn đoán ngón tay cò súng. Có hay chăng, ta chỉ sử dụng siêu âm phần mềm để phát hiện tình trạng chèn hay hẹp ở phần ngón tay gần phần ròng rọc A1.
4. Hiện nay có các phương pháp nào điều trị ngón tay cò súng?
ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh:
Ta có thể điều trị bằng hai phương pháp là nội khoa và ngoại khoa. Ta có thể sử dụng thuốc kháng viêm, ta cũng có thể kháng viêm tại chỗ tức là ta sẽ chích tại chỗ. Cách thứ hai, ta có thể kết phương pháp vật lý trị liệu, mục đích chính là làm tăng tính đàn hồi bao gân gấp tại ròng rọc A1.
Đối với trường hợp ở mức độ nặng hơn, mức độ 3-4, khi kết quả điều trị nội khoa không còn đáp ứng nữa hoặc đáp ứng kém.
Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thì họ có thể cắt đường rạch da hoặc cắt ngay vị trí ở gần vị trí ròng rọc A1 thì có thể giải quyết được bệnh lý này.
Sau khi phẫu thuật, ta cần lưu ý một số điều. Khi bệnh nhân mổ ở vị trí lòng bàn tay, đây là vùng có cảm giác rất nhiều. Khi sinh hoạt nhiều, bệnh nhân sẽ có cảm giác rất đau và ít dám cử động. Nhưng sau khi mổ nên vận động sớm, giúp gân gấp hoạt động. Khi lưu thông máu tốt, thì vết phẫu thuật sẽ lành dễ dàng hơn. Như vậy, ta có thể mau chóng phục hồi khi vận động đúng cách.
5. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần làm gì để tránh tái phát?
ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh:
Trước hết, bị tái phát sau phẫu thuật là tình trạng hiếm khi xảy ra, còn khi điều trị bằng nội khoa thì nguy cơ tái phát khá cao. Sau một khoảng thời gian, bệnh nhân sẽ bị lại. Thường bệnh nhân có thể bị lặp đi lặp lại nhiều lần nếu điều trị nội khoa.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần vận động sớm để khoảng trượt của gân gấp được hoạt động và lưu thông máu tốt hơn, giúp bệnh nhân mau phục hồi hơn, chứ không phải để tránh tái phát.
6. Cách phòng ngừa bệnh ngón tay cò súng?
ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh:
Bệnh thường gặp nhiều ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau 30 tuổi, cũng có thể xảy ra ở người lớn hơn sau 40. Cách để phòng ngừa chính là bệnh nhân bị một ngón tay cò súng cần đi khám và điều trị sớm vì nhiều ngón tay khác cũng có nguy cơ bị như thế.
Để phòng ngừa tình trạng trên, ta cần ngâm tay vào nước muối ấm 2 lần trong một ngày để thư giãn ròng rọc và bao gân, bao khớp. Khi đó, bệnh nhân sẽ tránh bị ngón tay cò súng tiếp theo.
Trọng Dy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình