Hotline 24/7
08983-08983

Nghiệm pháp CPET giúp chẩn đoán nguyên nhân khó thở và kê toa vận động

CPET là nghiệm pháp tốt nhất giúp đánh giá được khả năng tim phổi, hô hấp so với cường độ vận động của bệnh nhân. PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, TS.BS Phan Vương Huy Đổng và ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân chia sẻ về vai trò của nghiệm pháp CPET, đồng thời hướng dẫn thở đúng cách cho người tham gia các môn thi đấu thể thao.

1. CPET giúp bác sĩ kê toa vận động theo mức độ an toàn và hiệu quả cho người bệnh

Cá thể hóa là xu thế chung trong y học hiện đại ngày nay. Một chế độ tập luyện không thể áp dụng cho tất cả mọi người, mọi bệnh nhân. Riêng với bệnh nhân hô hấp, thông qua việc thực hiện CPET sẽ giúp bác sĩ đưa ra liệu trình tập luyện cụ thể trên từng cá nhân như thế nào?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM trả lời: CPET được khuyến cáo thực hiện cho tất cả mọi người, không riêng cho bệnh nhân hô hấp, bởi vì quy trình CPET là bệnh nhân lên ngồi trên xe đạp hoặc trên thảm lăn. Người bệnh ngồi yên, nghỉ ngơi, tĩnh tại để bác sĩ lấy mức nền cơ bản của tất cả các thông số, sau đó vận động tăng dần, đòi hỏi của CPET là người bệnh phải vận động tối đa. Vì vậy, các bác sĩ, điều dưỡng luôn khuyến khích bệnh nhân ráng thêm 5 giây nữa thôi để người bệnh lên được mức tối đa.

Theo đó bác sĩ sẽ định ra được 3 mức: Thứ nhất, ngưỡng thông khí 1 (VT1), là lúc cơ thể không cung cấp đầy đủ oxy, chuyển qua tình trạng chuyển hóa yếm khí, lactic acid bắt đầu sinh sôi. Thứ hai, ngưỡng thông khí 2 (VT2), lúc này hệ hô hấp phải bù trừ cho thăng bằng toan kiềm. Thứ ba, đỉnh tối đa của bệnh nhân (VO2peak).

Dựa vào 3 mốc trên, các bác sĩ sẽ kê bài tập (kê toa vận động), sau đó bác sĩ căn dặn bệnh nhân về mức độ chạy, cường độ, thời gian tập. Sau 3 tháng người bệnh nên quay lại để đo xem đã cải thiện như thế nào, từ đó tiếp tục có cường độ mới để vận động.

Vì vậy CPET thật sự cần thiết để tìm hiểu nguyên nhân khó thở, giúp phát hiện được những bệnh lý hô hấp do vận động, đóng dây thanh do vận động, co thắt đường dẫn khí, hen do vận động, và xác định mức tập luyện an toàn và hiệu quả cho từng người.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM

2. Tập luyện đến khó thở một cách thông minh khác với tập đến khó thở và gây tử vong

Một số trường hợp không bị khó thở trong các hoạt động thường ngày nhưng nếu tham gia tập luyện, chạy bộ… sẽ xuất hiện biểu hiện này, song lại cho rằng điều này cho thấy việc tập luyện hiệu quả. Khó thở này có phải do việc tập luyện hiệu quả mà thành không, thưa BS? Chúng ta có nên ráng tập trong tình huống này và vì sao?

TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ - Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM trả lời: Một người sinh hoạt bình thường sau đó vào tập thể thao bắt đầu cảm thấy khó thở. Dấu hiệu khó thở này cần được phân biệt rõ:

- Đầu tiên là thở sai cách, dẫn đến nhanh mệt và khó thở.

- Thứ hai, do điều kiện môi trường tập luyện không tốt, ẩm, nóng, bụi bặm…

- Thứ ba, vấn đề hô hấp, vấn đề này thường tiềm ẩn, ở mức độ bình thường như làm văn phòng, đi bộ, nấu ăn không vấn đề, nhưng khi tập chạy bộ 5-10 km bắt đầu xuất hiện khó thở.

Nếu gặp tình trạng này khuyến cáo nên đi thăm dò chức năng tim phổi (CPET) sẽ tốt nhất cho bạn.

Thực hiện CPET giúp đánh giá được khả năng tim phổi, hô hấp so với cường độ vận động. Ví dụ, cường độ vận động A đối với một người bình thường không khó thở nhưng bạn bị khó thở, đánh giá mức độ khó thở theo thang điểm từ không khó thở/ mức độ nhẹ/ trung bình/ nặng/ rất nặng/ rất rất nặng. Như vậy bác sĩ sẽ đưa ra kê toa vận động, điều chỉnh chế độ luyện tập phù hợp.

Vì thực tế tập thể thao nếu không có cảm giác mệt, không khó thở sẽ như tập cho vui và không thể tiến bộ, không thể cải thiện thể lực, tim mạch, hô hấp. Trường hợp tập thở không ra hơi, thở khó khăn, có sự co kéo, mệt, choáng, bủn rủn… nghĩa là mức độ nặng và có nguy cơ cao.

Vì vậy khi tập luyện thể thao không nên cố gắng tập đến khó thở, lên cơn hen kịch phát, đặc biệt là người có bệnh nền hen suyễn… mà khi bắt đầu có khó thở, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân do bản thân tập không đúng cách, quá tải, quá lượng, thở sai hoặc các bệnh lý khác.

Muốn tìm ra nguyên nhân phải đến gặp chuyên gia thực hiện một số xét nghiệm tầm soát chức năng để đánh giá, kể cả tâm lý.

Trường hợp tập và cảm thấy khó thở vừa phải, ví dụ khi đo CPET nhận thấy cường độ vận động A có thể chấp nhận, khó thở vừa phải, bác sĩ sẽ hướng dẫn tập điều chỉnh cách thở, môi trường tập luyện… Có những bài tập thở sao cho đúng cách, kéo dài hơi thở, kéo dài độ thông khí, cải thiện chức năng thở. Sau một thời gian khi tập luyện ở cường độ vận động đó bạn sẽ không còn thấy khó thở, sau đó tập nâng cấp lên, thay đổi sức khỏe, đó mới gọi là tập khó thở một cách thông minh.

Còn tập cho khó thở đến tử vong, thở không được và nghĩ đó là khỏe, đây là điều phản khoa học.

TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­- Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM

3. Hướng dẫn hít thở cho các môn thể thao phổ biến

Với những người không phải vận động viên chuyên nghiệp, khi tập luyện, chạy mệt thường có xu hướng thở bằng miệng. Song tình huống này có thể đưa đến co thắt đường thở. Nhờ BS chia sẻ:

- Cách hít thở trong quá trình tập luyện kéo dài (đi bộ, chạy bộ, bơi…)?

- Cách hít thở khi tập luyện nặng?

- Cách hít thở khi luyện tập cơ bắp?

- Những sai lầm cần tránh khi hít thở trong tập luyện là gì, thưa BS?

TS.BS Phan Vương Huy Đổng trả lời: Trong mọi môn thể thao, ngoại trừ môn thể thao đặc thù như dưới nước, thống nhất thở bằng mũi, hít vào bằng mũi sau đó chuyển hơi xuống cơ hoành, hạ cơ hoành xuống để dồn hơi xuống bụng giúp lưu trữ lượng không khí tốt tối đa khi hít vào.

Tuy nhiên không làm căng thẳng quá mức vì có thể gây ra mệt mỏi, mệt mỏi cơ hô hấp và có thể gây ra các bất lợi về sau.

Khi thở ra, thở từ từ đưa hơi từ bụng lên, qua ngực và thở ra. Lưu ý việc thở trong tham gia thể thao marathon, nhịp hít vào chiếm 3 bước chân, thở ra 2 bước chân, đó là nhịp thở bình thường. Với một số trường hợp tình huống chạy nước rút về đích, nhịp thở của bạn có thể mạnh hơn, hít vào 2 bước và thở ra 1 bước. Đó là cách thở bình thường nhất, hiệu quả nhất.

Tuy nhiên trong một số môn thể thao đặc biệt, ví dụ như môn thể thao điền kinh cự ly ngắn, nước rút, hoặc boxing, quyền anh… việc thở bằng mũi lý tưởng sẽ không thể thực hiện. Trường hợp này cần lấy hơi cả mũi và miệng.

Về môn cử tạ thể hình, tập tạ nhẹ, cơ nhẹ, thả lỏng cơ, bạn cần hít vào dồn hơi xuống bụng, lúc này không thả lỏng cơ mà phải siết chặt cơ bụng để giữ áp lực ổ bụng tốt, các cơ cột sống, cạnh sống siết vào để bảo vệ cột sống. Sau đó đẩy tạ, nâng tạ, nếu tạ nhẹ có thể thở ra từ từ nhưng siết hóp chặt cơ bụng, không được nhả bụng ra. Với các tạ nặng, khi tạ được đẩy ra bạn không được hóp bụng, phải để cuối kỳ đẩy mới được hóp bụng và siết cơ.

Tóm lại, với tạ nhẹ thì hít vào và thở ra từ từ, đều đặn, còn tạ nặng phải hít vào nạp tối đa, giữ một hơi thật lâu, đẩy tạ ra sau đó mới được thở ra. Đó là lý do các vận động viên cử tạ luôn la to khi tạ được nâng lên, điều này giúp hơi đẩy ra và siết cơ bụng lại, giúp bảo vệ cột sống không bị lún ép, xô lệch do trọng lượng tạ quá nặng.

Riêng bơi lội không thể hít bằng mũi, dễ gây sặc và nguy hiểm nếu nước đi vào đường thở. Do đó chủ trương hít bằng miệng và kéo dài hơi thở ra bằng mũi hoặc miệng. Một điều may mắn là môi trường nước có nhiệt độ tốt, độ ẩm chuẩn nên không ảnh hưởng đến đường hô hấp.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò Chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

4. Đến gặp bác sĩ nếu phát hiện triệu chứng bất thường về hô hấp

Nhờ BS đưa ra một vài lời khuyên cho khán thính giả ạ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò Chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Mỗi một môn cần có kiểu thở khác nhau, cơ thể cũng tương tự, cùng một cường độ tập luyện, cùng biểu hiện nhưng có nguyên nhân khác nhau. Dưới góc nhìn của một bác sĩ hô hấp, nếu có cảm giác bắt đầu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ có khả năng bất thường hô hấp khi vận động như khó thở, nặng ngực, mệt mỏi hơn… Đó là các dấu hiệu báo động, nên đến gặp bác sĩ hô hấp để được thăm khám hỏi bệnh sử.

Đồng thời thực hiện thăm dò chức năng hô hấp đơn giản như chụp X-quang, đo hô hấp ký, thiết lập bài tập, hay có nhiều nguyên nhân sâu xa cần thực hiện xét nghiệm chuyên sâu như nghiệm pháp CPET để tìm ra nguyên nhân và kê toa vận động phù hợp.

>>> Bệnh nhân hen suyễn, COPD nên làm gì để tránh khởi phát bệnh khi vận động thể thao?

>>> Thở không đúng cách, thiếu oxy khi vận động dẫn tới đột tử do tim mạch

>>> Người luyện tập thể thao muốn vận động an toàn nên làm CPET, giá chỉ bằng nửa đôi giày

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X