Hotline 24/7
08983-08983

Người luyện tập thể thao muốn vận động an toàn nên làm CPET, giá chỉ bằng nửa đôi giày

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan và BS Trần Quốc Tài khẳng định: để chẩn đoán nguyên nhân gây khó thở, bệnh nhân cần kiểm tra từ các xét nghiệm “kiềng 3 chân” gồm: khám, Xquang, hô hấp ký, sau đó đến các thăm dò sâu hơn và cuối cùng là CPET.

1. Khò khè, khó thở, mệt mỏi khi gắng sức có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh hô hấp

Nhận biết bệnh lý hô hấp là một trong những vấn đề quan trọng để chúng ta xây dựng lối sống cũng như chế độ tập luyện phù hợp. Các triệu chứng cảnh báo chúng ta có vấn đề hô hấp gồm những gì, thưa BS? 

BS Trần Quốc Tài - Khoa Thăm dò Chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM  trả lời: Việc nhận biết được bệnh lý hô hấp khi vận động là vấn đề quan trọng. Trước tiên, khi vận động phải đảm bảo bản thân được an toàn, từ đó mới vận động tiếp tục.

Về nhận biết bệnh lý hô hấp, có rất nhiều bệnh lý hô hấp, đối với nhóm bệnh hen suyễn có nhiều triệu chứng khò khè, khó thở, thở mệt. Các triệu chứng này có thể xuất hiện khi thay đổi thời tiết, tiếp xúc một yếu tố như phấn hoa, hay khi gắng sức… Hoặc các bệnh lý như COPD, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng gây ra tình trạng khó thở, mệt mỏi, co thắt phế quản khi gắng sức, cử động dây thanh nghịch thường khi gắng sức ở người bệnh hen suyễn.

Các vấn đề này chủ yếu xuất hiện khi bệnh nhân gắng sức trong lúc vận động, hoặc sau vận động 5-10 phút, thậm chí 1-2 tiếng sau vận động.

Các triệu chứng của bệnh nhân hen suyễn liên quan nhiều đến gắng sức, tuy nhiên cần lưu ý khi cảm thấy khó thở, nặng ngực, hụt hơi khi gắng sức, cần phân biệt với tình trạng hoảng loạn ở một số người. Ví dụ nhiều trường hợp hệ hô hấp bình thường nhưng có cảm giác rất khó thở, mệt, thực tế khi đó người này chỉ đang lo lắng nên xuất hiện các triệu chứng tương tự bệnh nhân hen suyễn.

Trong các trường hợp tương tự, để đảm bảo an toàn, đảm bảo triệu chứng khó thở, nặng ngực trong lúc đang gắng sức thật sự do hô hấp, người bệnh nên đến thăm khám với các bác sĩ để xác định triệu chứng đó có thật sự do hô hấp, tim mạch hay do cơn lo lắng gây ra.

2. “Kiềng 3 chân” trong chẩn đoán khó thở cho bệnh nhân

Trong đó, khó thở là một biểu hiện thường gặp của bệnh lý hô hấp, nhưng cũng có thể gặp ở nhiều chuyên khoa khác nhau.

- Trong đó, như PGS đã chia sẻ, đơn cử như khoa Hô hấp, khi bệnh nhân có triệu chứng khó thở đến thăm khám, các bác sĩ phải loại trừ đến 26 nguyên nhân. Vì sao chỉ có một triệu chứng khó thở nhưng lại “muôn hình vạn trạng” như vậy ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM  trả lời: Chẩn đoán nguyên nhân khó thở là thử thách lớn nhất của các bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Ví dụ một bệnh nhân đến phòng khám đông bệnh, tối đa một bác sĩ sẽ có khoảng 12 phút để thăm khám cho một bệnh nhân, khi bệnh nhân tới chỉ nói với bác sĩ là bị khó thở, từ đó bác sĩ phải chẩn đoán đúng bệnh trong 26 nguyên nhân gây khó thở.

Nếu bác sĩ không chẩn đoán đúng nguyên nhân sẽ không thể điều trị, khi đã chẩn đoán ra bệnh, tất cả sách vở, hướng dẫn điều trị đều đã có.

Tại Việt Nam, việc đầu tiên bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp phim phổi, vì đây là quốc gia đứng thứ 13 trên thế giới về tỷ lệ mắc bệnh lao và lao kháng thuốc, do đó trước hết là loại trừ lao phổi.

Sau đó bác sĩ hỏi về bệnh sử để gợi ý cho bác sĩ. Ví dụ một người hút thuốc trên 10 năm thì khả năng bị bệnh phổi mạn tính rất cao; người có biểu hiện khò khè từng đợt sẽ nghĩ đến hen suyễn.

Bước ba, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm hô hấp ký, người hướng dẫn thực hiện hô hấp ký sẽ giúp bác sĩ phân biệt nghẽn tắc nằm trong hay ngoài lồng ngực, hoặc nghẽn tắc cố định… tất cả các nguyên nhân khác.

Ba nghiệm pháp trên được gọi là “Kiềng 3 chân”, bao gồm: bệnh sử và khám lâm sàng; hình ảnh học; thăm dò chức năng hô hấp (trong đó hô hấp ký là cơ bản).

Sau hô hấp ký bác sĩ sẽ tiếp tục thăm khám, kiểm tra vì có rất nhiều nguyên nhân từ tim mạch, thần kinh, cơ, tâm lý, nội tiết…

Tóm lại, để chẩn đoán nguyên nhân vì sao một bệnh nhân bị khó thở cực kỳ phức tạp.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM

- Tình trạng khó thở trong bệnh lý hô hấp thường được bệnh nhân mô tả như thế nào, có những mức độ và tình huống ra sao ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Mô tả về tình trạng khó thở ở bệnh nhân rất đa dạng. Ví dụ: khó thở khi làm nặng; nghe tiếng cò c khi thay đổi thời tiết; phải lấy hơi mới có thể hít thở đủ; hít thở không nổi, khi hít vào cảm thấy không đủ… Rất đa dạng mô tả và bác sĩ cần lắng nghe, đồng thời có nhiều kinh nghiệm để đưa tới chẩn đoán xác định.

3. Những phương pháp chẩn đoán cho bệnh nhân có triệu chứng khó thở

Khi một bệnh nhân gặp các triệu chứng trên, bệnh nhân cần làm gì để phát hiện sớm nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời, thưa BS?

BS Trần Quốc Tài trả lời: Với một vận động viên, một người tập luyện khi gặp cảm giác khó thở, khò khè, ho, xuất hiện trong hoặc sau lúc gắng sức, nên đi gặp chuyên gia về y học thể thao, hô hấp và tim mạch.

Với kiềng 3 chân đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, X-quang ngực thẳng và làm hô hấp ký. Với hô hấp ký là bước cơ bản đã cho bác sĩ các dữ kiện tốt để chẩn đoán hen suyễn.

Ngoài ra còn có các dấu hiệu cắt cụt trên lưu lượng hít vào, tìm xem có dấu hiệu có thắt thanh quản hay không. Sau đó nếu bác sĩ nghi ngờ nhiều tới hen suyễn và thể hiện rõ trên hô hấp ký thì bác sĩ sẽ điều trị luôn.

Trường hợp còn nghi ngờ bác sĩ sẽ thực hiện các thăm dò sâu hơn như đo nồng độ nitric oxide (một khí viêm trong phổi) theo hướng dị ứng có thể thăm dò thêm, hoặc bác sĩ đánh giá đường dẫn khí nhỏ qua dao động xung ký; thăm dò khí cặn, ứ khí trong phổi qua phế thân ký; sâu hơn là nếu đang còn nghi ngờ hen suyễn hoặc nghi ngờ co thắt phế quản bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm test đo gắng sức tim mạch, hô hấp (CPET).

Một số bệnh nhân nếu nghi ngờ theo hướng co thắt thanh quản khi gắng sức, bác sĩ sẽ gửi đi nội soi tai mũi họng. Tuy nhiên không thể xác định được cho tất cả các trường hợp vì co thắt này sẽ xảy ra khi gắng sức nhiều, khi hết gắng sức đường thở sẽ được giải phóng và mở ra. Vì vậy ở những đơn vị chuyên sâu có thể làm nghiệm pháp nội soi thanh quản trong lúc gắng sức mới có thể xác định chính xác bệnh nhân này có thắt thanh quản khi gắng sức hay không.

Cuối cùng, luôn đồng hành với khó thở là nguyên nhân tim mạch, những bệnh nhân đến khám vì khó thở, đặc biệt là trong lúc gắng sức, bác sĩ luôn thực hiện các xét nghiệm về tim mạch như siêu âm tim, điện tâm đồ

4. CPET được thực hiện khi các kiểm tra trước đó không tìm ra nguyên nhân khó thở

PGS cho biết phương tiện hiện đại nhất hiện nay để phục vụ chẩn đoán khó thở là “nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - “CPET”.

- Như vậy, thông qua việc thăm khám, đánh giá bằng CPET có giúp chẩn đoán được khó thở là do bệnh lý của Hô hấp, Tim mạch hay nguyên nhân nào khác không, thưa BS?

- Xin PGS cho biết thêm về nghiệm pháp này, nó sẽ cung cấp những thông tin gì, và ưu điểm so với các phương tiện trước đây là gì ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Theo lưu đồ 3 bước cơ bản đầu tiên bao gồm: khám lâm sàng và hỏi bệnh sử, chụp X-quang ngực, hô hấp ký, nếu chưa xác định được có thể đo FeNO, nitric oxide trong khí thở ra, dao động xung ký, phế thân ký. Nếu các xét nghiệm trên bình thường, bệnh nhân cần được làm CPET (nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - nghiệm pháp cao cấp nhất của hô hấp) để kích thích bệnh nhân, từ đó xác định rõ nguyên nhân.

Khi bệnh nhân vận động sẽ tương tự khi bệnh nhân thực hiện các nghiệm pháp thể thao, lúc đó đường hô hấp bị kích thích, người bệnh thở nhanh, mạnh, bị khô, lạnh và nhiễm dị nguyên, từ đó có thể phát hiện được co thắt thanh quản, co thắt đường dẫn khí và thậm chí lên cơn hen.

Đồng thời bệnh nhân có một đường cong lưu lượng thể thích rất đẹp trong CPET, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân thở sai cách, do đó gây ra khó thở. Nghĩa là bệnh nhân có thể thở với thể tích lồng ngực quá lớn hoặc lồng ngực hẹp đều sai cách hết. Hoặc kết quả đó có thể cho bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân khó thở do cơ, hay do các bệnh lý tim mạch, vì trong CPET bác sĩ luôn đo 12 điện tim.

Như vậy có thể chẩn đoán ra các nguyên nhân do hô hấp, tim mạch, cơ, thở sai cách, hoặc có thể do tâm lý, nhận thấy bệnh nhân lo lắng, nếu kết quả CPET bình thường có thể chúc mừng bệnh nhân vì tất cả hệ liên quan tới hô hấp và tim mạch của bệnh nhân đều bình thường.

Ngoài ra một tình trạng thường gặp gây ra khó thở hiện nay là béo phì, do làm nặng công hô hấp và làm hạn chế thể tích phổi, hay do nguyên nhân ít tập luyện.

Tất cả các vấn đề trên đều thể hiện hết trên CPET, vì vậy hi vọng các bác sĩ và bệnh nhân nếu thăm khám nhiều lần mà không tìm ra nguyên nhân gây khó thở thì nên đến các trung tâm cao cấp như Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng CHAC, đây là những nơi thực hiện CPET thành thục.

Một thông tin mới, hiện nay tại Mỹ CPET có chi phí thực hiện lên tới 2.290 đô la (57 triệu VNĐ) trong khi đó tại Việt Nam chi phí chỉ 2 triệu/ một lần thực hiện CPET, chỉ bằng một nửa đôi giày thể thao.

Vì vậy, những vận động viên, người muốn chạy an toàn, hiệu quả thì nên làm CPET, giống như các bệnh nhân khó thở đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, hãy tìm đến các đơn vị có thực hiện CPET.

BS Trần Quốc Tài - Khoa Thăm dò Chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

5. CPET là công cụ không thể thay thế để phát hiện dấu hiệu bất thường trong tập luyện

Nếu bệnh nhân đã thực hiện CPET, liệu có cần làm thêm các phương pháp thăm dò chức năng hô hấp khác (điển hình như đo hô hấp ký…)? Vai trò của các phương pháp thăm dò chức năng hô hấp khác (ngoại trừ CPET) trong chẩn đoán, phát hiện bệnh lý hô hấp, nguy cơ đột tử khi vận động sẽ như thế nào, thưa BS?

BS Trần Quốc Tài trả lời: Để chẩn đoán nguyên nhân gây khó thở, bệnh nhân cần kiểm tra từ các xét nghiệm “kiềng 3 chân” gồm: khám, Xquang, hô hấp ký, sau đó đến các thăm dò sâu hơn và cuối cùng là CPET. Trong đó, CPET là công cụ duy nhất và không thể thay thế để phát hiện các dấu hiệu bất thường trong tập luyện.

>>> Bệnh nhân hen suyễn, COPD nên làm gì để tránh khởi phát bệnh khi vận động thể thao?

>>> Thở không đúng cách, thiếu oxy khi vận động dẫn tới đột tử do tim mạch

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X