Hotline 24/7
08983-08983

Thở không đúng cách, thiếu oxy khi vận động dẫn tới đột tử do tim mạch

Đột tử do vận động luôn là vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt đối với các vận động viên thi đấu chuyên nghiệp, thường xuyên tập luyện cường độ cao, rủi ro đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vấn đề này sẽ được PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, TS.BS Phan Vương Huy Đổng và BS Trần Quốc Tài đề cập.

1. Hệ hô hấp phải tăng cường thở gấp khoảng 6 lần/phút khi cơ thể vận động

Những bộ phận trong hệ hô hấp phối hợp với nhau để luân chuyển oxy đi khắp cơ thể và loại bỏ khí thải như CO2. Như vậy, hệ hô hấp của chúng ta sẽ hoạt động như thế nào để cung cấp đủ oxy cho chúng ta khi vận động, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM trả lời: Cơ thể cần rất nhiều oxy khi vận động để đốt năng lượng, cung cấp cho hệ cơ xương khớp vận động, trong quá trình đó còn thải CO2, nếu thiếu oxy nhiều có thể tạo thêm Lactic Acid. Vì vậy hệ hộ hấp phải tăng cường hoạt động.

Ví dụ như bình thường thở 5 lít/phút, khi vận động phải thở khoảng 30 lít/phút, điều này tạo stress lên hệ hô hấp, cơ thể phải thích nghi tốt, bên cạnh đó còn có khả năng xảy ra bất thường khi cố gắng huy động hệ hô hấp như vậy.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM

2. TOP 3 bệnh lý hô hấp thường gặp gây đột tử

Khi vận động không đúng cách sẽ khiến hệ hô hấp của chúng ta bị tổn thương như thế nào, thưa BS? Những bệnh lý hô hấp nào sẽ có nguy cơ đột tử khi vận động hơn ạ?

TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­ Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM trả lời: Vận động không đúng cách được định nghĩa như sau:

Thứ nhất là nhịp thở, khi vận động con người thở không đúng cách như thở bằng miệng nhiều, VD: thở trong khi tham gia các môn vận động như marathon, nếu thở bằng miệng sẽ không ổn đối với hệ hô hấp. Hoặc cơ thể giữ ở tư thế cúi đầu nhiều gây tắc nghẽn, hạn chế đường hô hấp.

Thứ hai là sang chấn đặc thù của môn thể thao. Trong một số môn vận động đặc thù khác, có tính va chạm cao như vật võ, leo núi… đòi hỏi có sự va chạm lớn, nguy cơ gây ra chấn thương. Trong đó có chấn thương vùng cột sống cổ, ngực, xương sườn sẽ rất đau, từ đó gây ra hiện tượng không thể thở được.

Một số trường hợp chấn thương vào trung tâm hô hấp ở thành tủy, rách màng phổi, chảy máu màng phổi… có thể dẫn đến suy hô hấp cấp và gây tử vong.

Thứ ba, một số bệnh lý khác như lao phổi mạn tính, u phổi, xơ hóa phổi… hay người đó có thể bị vẹo cột sống do một số môn thể thao co kéo nặng làm áp lực lên và gây ra hiện tượng khó thở, vấn đề này cũng làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp. 

Những bệnh lý hô hấp gây ra đột tử bao gồm:

Cơn hen suyễn cấp tính gây co thắt đường hô hấp dẫn đến thiếu oxy, dẫn đến hiện tượng đột tử, tử vong do lượng oxy lên não bị giảm sút và không xử lý kịp.

Co thắt đường hô hấp do vận động quá sức… gây ra cơn kịch phát về co thắt đường hô hấp cấp tính.

Co thắt thanh quản cấp tính.

Đó là 3 nguyên nhân thường dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn, không lưu thông, thiếu oxy khiến não bộ không được nuôi dưỡng tốt, từ đó nguy cơ tử vong cao.

TS.BS Phan Vương Huy Đổng ­Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TPHCM trả lời: 

3. Nếu hệ hô hấp không cung cấp đủ oxy có thể dẫn tới nguy cơ tử vong do tim mạch

Hô hấp chiếm khoảng 4% trong nguyên nhân gây ra đột tử khi vận động. Song nhiều người tin rằng, đột tử là do tim ngừng hoạt động, trong khi đó hệ hô hấp tách biệt với tim, vậy vì sao bệnh lý hô hấp lại có thể gây ra đột tử, ngừng tim. Nhờ BS lý giải thêm về mối liên hệ này ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Nhiệm vụ lớn nhất của cơ thể là cung cấp oxy và thải CO2 để giữ pH của cơ thể ở mức ổn định. Do đó hệ hô hấp không thể làm việc một mình, nó phải lấy được oxy vào, sau đó nhờ máu chuyên chở oxy đến các cơ quan khác. Muốn máu chảy đi được phải nhờ tim co bóp và tạo đủ áp suất để đẩy máu đi đến tất cả các mô. Vì vậy, hô hấp, tim mạch và máu là 3 bộ phận liên kết chặt chẽ với nhau trong việc cung cấp oxy, thải CO2 và giữ pH cho cơ thể.

Nếu hệ hô hấp ngừng hoạt động do các vấn đề như đóng dây thanh, co thắt thanh quản, lên cơn suyễn ác tính, oxy lúc này không có. Trường hợp oxy giảm đi, hệ tim mạch sẽ cứu bằng cách tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim, tăng huyết áp. Nếu người bệnh có bệnh lý nền hoặc nhiều trường hợp không mắc bệnh lý nền, nhưng khi nhịp tim nhanh quá, thời gian nuôi máu cơ tim không đủ, hoặc sức co bóp lớn, huyết áp tăng cao, bệnh nhân có thể đột tử do tim mạch vì nguyên nhân hô hấp.

Như vậy, hô hấp, máu, tim mạch là 3 hệ thống phải làm việc chặt chẽ với nhau và sẵn sàng cứu nguy nếu 1 trong 3 hệ thống trên không làm việc tốt. Khi hô hấp quá nặng không cung cấp đầy đủ oxy có thể dẫn tới tử vong do tim.

4. Đột tử do hen và co thắt đường dẫn khí gặp phổ biến ở vận động viên từ 13-21 tuổi

Đột tử thường xảy ra trong những tình huống nào trên bệnh nhân hô hấp ạ? Nhờ BS chia sẻ một (hoặc vài) trường hợp đột ngột ngã quỵ khi vận động có/hoặc chưa biết bản thân mắc bệnh hô hấp (độ tuổi, tình huống nhập viện, may mắn được cứu sống/ hoặc đáng tiếc may mắn không đến với bệnh nhân) ạ?

BS Trần Quốc Tài - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Để hiểu hơn về đột tử trong thể thao, theo một nghiên cứu nước ngoài báo cáo năm 2019, tổng kết 7 năm các chấn thương do thể thao tại Hoa Kỳ từ năm 2012 – 2019, nghiên cứu ghi nhận 295 trường hợp đột tử, trong đó có 69% do nguyên nhân tim mạch, 15% do chấn thương, 8% do nhiệt môi trường, một vấn đề thường gặp là 3,5% do hen và co thắt đường dẫn khí. Nghĩa là cứ 30 ca đột tử trong thể thao sẽ có 1 ca do nguyên nhân hô hấp.

Cụ thể các vận động viên đột tử do hen được nhận thấy đều là vận động viên trẻ, đỉnh cao ở độ tuổi khoảng từ 13-21 tuổi, thường tập luyện cường độ cao. Trong đó có 70% xảy ra tình huống đột tử trong lúc đang làm việc hoặc đang thi đấu; 30% sẽ xảy ra đột tử sau khi tập luyện vài tiếng hoặc ngày hôm sau khi nghỉ ngơi ở nhà sẽ xuất hiện cơn hen.

Các môn thể thao ghi nhận đột tử rất đa dạng, trong đó trường hợp đột tử do hen và co thắt đường dẫn khí có thể gặp: 60% môn thể thao bóng bầu dục; 10% do bóng đá; 10% đấu vật và 10% chạy bộ.

Qua đó cho thấy mặc dù tỷ lệ của hen và co thắt đường dẫn khí gây ra đột tử không cao, nhưng gây ra những hậu quả đáng tiếc ở các trường hợp trẻ tuổi và có thể gặp ở rất nhiều môn thể thao. Vì vậy chẩn đoán sớm điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng.

5. Thở không đúng cách có thể khởi phát cơn hen và các vấn đề nguy hiểm khác

Việc thở rất quan trọng khi tập luyện thể dục, thể thao. Thở không đúng cách sẽ đưa chúng ta đến rủi ro gặp các vấn đề sức khỏe khi tập luyện, nguy hiểm hơn là đột tử như thế nào, thưa BS? 

TS.BS Phan Vương Huy Đổng trả lời:

Trong thể dục thể thao, thở có tính đặc thù tùy thuộc vào bộ môn tham gia thi đấu, và cường độ thi đấu.

Thở không đúng cách là thở bằng miệng, lúc này không khí hít vào đặc biệt là môi trường khí lạnh, độ ẩm khô, mà không khí cần cho trao đổi oxy ở phế nang phải đạt độ ẩm tốt và ấm. Trường hợp đường hô hấp thở bằng miệng, không khí lạnh tràn xuống, kết hợp với độ lạnh và độ ẩm thấp, gây kích ứng và khởi phát cơn hen cấp tính, điều này rất nguy hiểm.

Như vậy, thở không đúng cách nghĩa là gây ra tình trạng không khí và oxy không tốt.

Thứ hai là khi thở trong chạy bộ, nếu cúi cổ, gập cằm nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến đường thở, khả năng thông khí giảm sút. Hậu quả cuối cùng là lượng oxy đưa tới phế nang không tốt, dẫn đến việc tưới máu trong mô kém, hạn chế vận động thể thao.

Ngoài ra thở không đúng cách còn liên quan đến môi trường thở, nếu thở trong môi trường quá lạnh hoặc quá nóng, độ ẩm quá cao, nhiều bụi, nếu ráng thở khi tập luyện trong môi trường như vậy sẽ gây ra nhiều rủi ro. Cụ thể hít bụi nhiều có thể dẫn đến dị ứng, cơn kịch phát, khó thở, viêm phổi, viêm phế quản sau đó. Thở trong môi trường quá lạnh và quá nóng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp, do đó phải thở đúng cách.

Thở đúng cách là vấn đề đặc thù, nhưng theo khuynh hướng trong thể thao được thống nhất thở làm sao cho lượng oxy hít vào và CO2  ép ra phải đạt được thể tích tối đa.

Lưu ý, vấn đề này sẽ tùy theo môn thể thao tham gia mà nhịp thở sẽ thay đổi. Ví dụ các môn thông thường như chạy bộ, cố gắng hít vào bằng mũi, đưa hơi xuống bụng (thở bằng cơ hoành và hạ cơ hoành xuống), bụng phình lên, giữ một nhịp, sau đó thở ra từ từ bằng mũi hoặc miệng hay có thể cả hai. Đó là thở sinh lý, nhịp thở giữ 3:2, nghĩa hít vào trong 3 bước chạy và thở ra trong 2 bước chạy. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề lệch một bên và sự cân bằng của cơ hô hấp.

Riêng đối với các vận động viên thi chạy ở giai đoạn nước rút, hoặc nhanh hơn thì nhịp thở sẽ là 2:1 (hít vào 2 bước, thở ra 1 bước).

Ngoài ra đối với những người bị hen suyễn cố gắng không hít quá mức, vì sẽ tạo ra sự căng thẳng về tâm lý, cơ thể, cơ hô hấp, đó cũng là các yếu tố gây khởi phát cơn hen suyễn. Vì vậy hít vào vừa phải nhưng lưu trữ không khí trong phổi lâu bằng cách mím môi và thở ra từ từ (có thể 4 nhịp).

Bên cạnh đó cần chú ý đến ngữ cảnh vận động của người hen suyễn sẽ khác người bình thường. Khi bạn chạy vận động, người có tiền căn bệnh phổi, hen suyễn, nếu thấy nhịp vận động bắt đầu khó bạn cần chậm lại để nhu cầu oxy không tăng lên nữa, nhịp thở có thể điều chỉnh được. Nếu tiếp tục cố tăng lên sẽ không thể kiểm soát nhịp thở.

Tóm lại, thở không đúng cách sẽ dẫn đến rủi ro, vì vậy cần tập thở và tham khảo thêm cách tập thở trên các phương tiện truyền thông, cũng như AloBacsi. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X