Bệnh nhân hen suyễn, COPD nên làm gì để tránh khởi phát bệnh khi vận động thể thao?
Hen suyễn, COPD có thể khởi phát bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi bệnh nhân gắng sức. Vậy, người bệnh hen suyễn, COPD nên làm gì để tránh khởi phát bệnh khi thi đấu, tham gia thể thao? Vấn đề này sẽ được giải đáp bởi PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân và BS Trần Quốc Tài.
1. Giảm cường độ vận động, điều chỉnh lại nhịp thở khi nghi ngờ đóng dây thanh
Kỳ trước, các bác sĩ đã đề cập đến một số trường hợp bị đóng dây thanh trong lúc vận động. Tình huống này sẽ đặt người bệnh vào nguy hiểm như thế nào? Vì sao lại có tình trạng đóng dây thanh khi đang vận động?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò Chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Khi vận động cơ thể sẽ thích nghi rất tốt nhưng đôi khi có các bất thường xảy ra, chẳng hạn như việc cử động dây thanh nghịch thường.
Triệu chứng có thể nhận diện là khi đang vận động gắng sức đột nhiên cảm thấy khó thở, mệt, hụt hơi, không thể thở được. Rất khó phân biệt triệu chứng co thắt dây thanh khi gắng sức với hen suyễn.
Tình trạng co thắt dây thanh khi gắng sức là khi vận động, chạy bộ, bạn cần hít vào thở ra thì dây thanh luôn luôn phải mở ra để đưa oxy vào và thải CO2. Tuy nhiên, ở người có co thắt dây thanh khi gắng sức, nếu nhẹ chỉ bị hẹp đường thở nhưng nếu tình trạng nặng đường thở hẹp nhiều quá, việc đưa oxy vào hoặc thải CO2 sẽ khó khăn hơn, dẫn đến triệu chứng khó thở vì cơ thể không đủ oxy khi đang vận động ở cường độ cao và thải CO2 theo nhu cầu của cơ thể.
Triệu chứng thường gặp ở các trường hợp vận động từ trung bình cao trở lên. Khó thở đột ngột so với bình thường. Ví dụ ngưỡng thở của một người có thể là 10 lít/phút nhưng hôm nay chỉ đạt được 7-8 lít/phút đã bắt đầu có vấn đề, khó thở, tức ngực. Có thể đây là dấu hiệu của co thắt cử động dây thanh nghịch thường.
Nếu nghe được âm thanh từ dây thanh quản, đây là triệu chứng đặc hiệu nhưng sẽ khá khó vì người bị co thắt cử động dây thanh nghịch thường chưa nghe bao giờ.
Tóm lại, nếu nghe được tiếng thở bất thường, đó là dấu hiệu báo động.
- Khi xuất hiện tình trạng đóng dây thanh cần xử trí ra sao trong tình huống này ạ?
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Trong các tình huống có cảm giác khó thở, việc đầu tiên cần giảm cường độ vận động.
Co thắt dây thanh có thể xuất hiện khi vận động gắng sức hoặc chậm hơn sau khi vận động xong từ vài phút đến vài giờ, do đó ngoài việc giảm cường độ vận động, cần trấn tĩnh và điều chỉnh lại nhịp thở của bản thân. Phần lớn dẫn đến co thắt dây thanh nghịch thường có thể do căng thẳng, lo lắng và stress nhiều, khi đó làm dây thanh cử động bất thường. Theo đúng nguyên lý khi vận động dây thanh phải được mở ra.
2. Khuyến cáo phòng ngừa co thắt đường dẫn khí
Co thắt đường dẫn khí có thể đưa đến tình trạng đột tử, nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân do đâu đưa đến nguy cơ co thắt đường dẫn khí này? Khi đang vận động, làm sao để nhận biết được bản thân đang có tình trạng co thắt đường dẫn khí và xử trí ra sao trong tình huống này ạ?
BS Trần Quốc Tài - Khoa Thăm dò Chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Co thắt đường dẫn khí là một kết luận bệnh mà bác sĩ thường phải phân biệt với co thắt thanh quản do gắng sức.
Đặc điểm của bệnh nhân này sẽ có một số điểm khác như: người bệnh không nhất thiết có bệnh hen trước đó; người bệnh trải qua cảm giác khó thở, cảm giác này xuất hiện nhiều hơn sau khi gắng sức (khoảng 15 phút hoặc nhiều tiếng sau đó). Cơn co thắt bắt đầu và biểu hiện ở hai cuống phổi là hai đường dẫn khí lớn, triệu chứng chính là khó thở, hụt hơi, có thể kèm theo ho nhiều, nghe tiếng rít, khò khè, bệnh nhân có thể nghe thấy tiếng cò cưa trong phổi.
Ngoài ra, một số bệnh nhân có cảm giác nặng ngực hoặc chẹn ở ngực, nếu có cảm giác nặng hơn và kéo dài khi gắng sức và không hồi phục khi nghỉ ngơi thì nên tìm đến bác sĩ để thăm dò xem có bệnh lý co thắt đường dẫn khí hay không.
Thứ nhất, để xử trí các trường hợp co thắt đường dẫn khí, có một số biện pháp khởi động kỹ trước tập luyện giúp bảo vệ đường thở rất tốt. Bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên khởi động cho ấm người khoảng 15-20 phút trước khi tập luyện.
Thứ hai, ưu tiên thở bằng mũi để giúp lọc dị nguyên, chất ô nhiễm tốt hơn.
Thứ ba, không nên tập trong môi trường quá khắc nghiệt như quá nóng hoặc quá lạnh.
Thứ tư, cần tập vừa phải, đúng ngưỡng, không tập quá sức. Nhiều ghi nhận ở những vận động viên đỉnh cao tập quá ngưỡng tim phổi, có khoảng 90% vận động viên sẽ gặp tình trạng co thắt phế quản, co thắt đường dẫn khí.
- Có cơ chế nào dẫn tới co thắt đường dẫn khí, thưa BS?
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch LCH Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM trả lời: Khi vận động, nhu cầu nhận oxy và thải CO2 tăng lên rất cao, hệ hô hấp phải tăng thông khí lên, thông thường chỉ cần 5 lít/phút nhưng khi vận động phải lên 30 lít/phút, thậm chí hơn.
Bình thường hệ hô hấp, đặc biệt là mũi sẽ làm 3 nhiệm vụ: làm ấm khí, ẩm khí và lọc khí. Tuy nhiên, nếu vận tốc lưu chuyển của luồng khí quá nhanh có thể không bảo đảm được, gây ra tình trạng khô đường dẫn khí, lạnh đường dẫn khí. Đó là cơ chế lớn nhất của co thắt đường dẫn khí, được gọi là cơ chế nhiệt.
Về sau nhận thấy còn nhiều nguyên nhân làm co thắt đường dẫn khí. Khi đường dẫn khí hoạt động nhanh, mạnh có thể làm tổn thương đường hô hấp. Bạn có thể hít phải hạt bụi, dị nguyên, kích thích tình trạng viêm do TH2, các đường dẫn khí nhỏ có thể co thắt lại, nguy cơ hệ thần kinh tự chủ hoạt động bất thường. Đó là nguyên nhân gây co thắt phế quản khi gắng sức. Do đó cần chuẩn bị tốt, làm theo lời khuyên của bác sĩ để tránh tình trạng này.
3. Vận động viên hen suyễn có thể tham gia thi đấu an toàn nếu kiểm soát hen tốt
Hen suyễn là bệnh lý có thể đưa đến cả hai tình huống co thắt dây thanh, đóng thanh quản, đặt bệnh nhân vào tình trạng khẩn cấp khi vận động. Song, những bệnh nhân hen suyễn nào thì có nguy cơ này hơn, thưa BS?
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Các bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân hen suyễn vận động và thậm chí hứa với người bệnh nếu tuân thủ tốt, có thể sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí, làm việc như một người bình thường, với điều kiện kiểm soát hen tốt.
Như vậy bệnh nhân cần thăm khám đều đặn, làm các thăm dò chức năng hô hấp như bác sĩ đề xuất, xịt thuốc đúng cách, đúng liều, tránh các yếu tố nguy cơ, các bệnh lý đi kèm phải được xử lý tốt. Nếu làm đúng được tất cả các điều trên, bệnh nhân hen suyễn vẫn an toàn để tham gia các cuộc thi đấu.
- Nhiều bệnh nhân hen suyễn e ngại và dừng vận động vì những tin tức liên quan đến đột tử. Theo BS, điều này có nên không? Những bài tập/môn thể thao nào sẽ phù hợp với bệnh nhân hen suyễn? Tập ở cường độ nào sẽ hợp lý ạ?
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Vừa qua tại Hội nghị thường niên của Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM đã đề cập vấn đề chạy an toàn cho bệnh nhân hen suyễn. Tổng kết có tới 17 lời khuyên, với những điều nên và không nên ở bệnh nhân hen suyễn khi tham gia các môn thể thao và phổ biến nhất hiện nay là chạy.
1/ Phải kiểm soát hen tốt: Xịt thuốc đúng cách, đúng liều, điều trị các bệnh lý đi kèm và tránh các yếu tố nguy cơ. Ví dụ như bệnh nhân hen suyễn nhưng trong nhà có người hút thuốc lá, đốt nhang, đốt nhang muỗi, xịt thuốc trừ gián… những điều này người bệnh cần tránh.
2/ Luôn mang theo thuốc cấp cứu bên người: Dù có kiểm soát tốt, các yếu tố kịch phát hen rất đột ngột, đặc biệt là trong lúc vận động, thở nhanh. Mặc dù thở đúng cách nhưng hệ hô hấp vẫn phải chịu một stress lớn, có thể bị khô, lạnh, bụi hoặc dị nguyên…
3/ Trước khi vận động luôn phải làm ấm cơ thể từ 15-30 phút. Vận động viên có thể đi bộ hoặc kéo giãn các cơ.
4/ Theo dõi chất lượng không khí. Hiện nay trên điện thoại luôn có ứng dụng báo động chất lượng không khí hàng ngày, nếu PM 2.5 cao quá, ozon xấu đi, nên vận động ở nhà.
5/ Nếu trời lạnh nên đeo khẩu trang hoặc che khăn ngang mũi.
6/ Uống nhiều nước trước khi vận động (vài giờ và ngay trước vận động), nhận biết uống đủ nước là khi nước tiểu trong.
7/ Luôn hít vào bằng mũi để làm nóng khí, ấm khí và lọc khí. Vì vậy, nếu hít vào bằng miệng, khí sẽ khô, lạnh, chứa bụi và dị nguyên… khi đó sẽ kích thích co thắt đường dẫn khí và dẫn tới cơn hen suyễn.
8/ Trong khi chạy nên chạy từng đoạn, có lúc nghỉ ngơi để đảm bảo an toàn.
9/ Phải chạy chậm hoặc ngừng khi có triệu chứng, không cố quá có thể gây kịch phát cơn suyễn.
10/ Khi vận động không ngừng đột ngột. Cần làm nguội cơ thể bằng cách chạy chậm, đi chậm lại trong khoảng 15 phút để cơ thể thích nghi, trở về trạng thái bình thường.
11/ Chọn môn vận động ít căng thẳng. Các bác sĩ rất sợ việc một bệnh nhân hen suyễn chọn môn marathon, bệnh nhân nên chọn các môn như đi bộ, đi bộ tốc độ cao sẽ an toàn hơn.
12/ Nên có một môn thể thao đồng đội, vì khi mệt sẽ có đồng đội tiếp sức.
13/ Nếu cảm thấy cuộc thi đấu rất căng thẳng thì nên dùng thuốc cấp cứu. Thuốc cấp cứu thông thường nhất là đồng vận Beta-2 tác dụng ngắn trước khi vận động 15-20 phút. Tuy nhiên nếu bệnh nhân phải sử dụng thuốc cắt cơn hàng ngày nghĩa là kiểm soát hen không tốt, phải đi gặp bác sĩ.
14/ Nếu lên cơn hen, cần trấn tĩnh lại, vì chỉ cần xúc động đã đủ gây tăng cơn hen. Sau đó xịt 4 nhát thuốc mỗi 20 phút. Nếu 4 nhát đầu bệnh nhân đã ổn thì ngưng, nhưng nếu chưa ổn đợi 20 phút sau tiếp tục xịt thêm 4 nhát, lặp lại tương tự khi chưa ổn định trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên nếu trong 1 tiếng đồng hồ xịt 3 lần chưa hết, bệnh nhân cần cấp cứu.
15/ Không hút thuốc, đây là thói quen cực kỳ có hại cho đường hô hấp.
16/ Giữ cân nặng tốt.
17/ Có một thực đơn tốt: ăn ít muối, ăn nhiều và uống nhiều dầu cá omega-3, hoặc các loại cá có mỡ như cá thu, cá hồi. Sử dụng vitamin C và tránh lycopene (các thực phẩm có màu đỏ nư cà chua).
Đó là tất cả các lời khuyên đối với bệnh nhân hen suyễn, dù nội dung khá dài nhưng rất khả thi đối với nhóm bệnh nhân này. Bác sĩ hi vọng bệnh nhân hen suyễn vẫn tham gia các vận động vừa sức, đều đặn là điều quan trọng nhất.
4. Khuyến cáo người bệnh COPD nên tập luyện thường xuyên ở mức vừa phải
Bên cạnh hen suyễn, bệnh nhân COPD cũng có những lo ngại tương tự. Chương trình đề cập nhiều đến nguy cơ đột tử trên bệnh nhân hen suyễn, vậy trên bệnh nhân COPD thì sao, thưa BS? Những bài tập/môn thể thao nào sẽ phù hợp với bệnh nhân COPD? Tập ở cường độ nào sẽ hợp lý ạ?
BS Trần Quốc Tài trả lời: 17 lời khuyên dành cho bệnh nhân hen suyễn có thể áp dụng được trên cả bệnh nhân COPD.
Trên lâm sàng, khi điều trị cho bệnh nhân COPD, điều khó khăn nhất là khuyến khích bệnh nhân tập luyện, vì những người bệnh này thường lớn tuổi, sức khỏe và vận động yếu, phải có người chăm sóc và bệnh rất nặng, có nhiều bệnh lý đi kèm như tim mạch, tiểu đường và lười tập luyện.
Có những nghiên cứu nhận thấy, nếu bệnh nhân COPD tập luyện thường xuyên sẽ giảm được khoảng 47% nguy cơ tử vong so với người không tập. Bên cạnh đó, nếu không tập thường xuyên mà tập gián đoạn, thông thường cũng có thể giảm đến khoảng 28%. Vì vậy bác sĩ luôn khuyến cáo bệnh nhân COPD tập luyện.
Về mức độ tập luyện, để biết được ngưỡng an toàn cho bệnh nhân cần kiểm tra qua CPET. Theo một nghiên cứu so sánh 15 bệnh nhân COPD tập cường độ cao với 16 bệnh nhân COPD tập cường độ vừa ghi nhận: nhóm 15 bệnh nhân có 5 trường hợp tử vong theo dạng đợt cấp, không có ghi nhận đột tử như thể thao. Cho thấy không nên khuyên bệnh nhân tập nặng, chỉ cần ở mức độ vừa phải, và để biết chính xác ngưỡng tập luyện phải cần đến phương pháp sâu hơn.
5. Không chống chỉ định tuyệt đối tham gia thể thao ở bệnh nhân hô hấp và tim mạch
Bệnh nhân hen suyễn, COPD và những bệnh lý hô hấp khác có phải là những trường hợp “chống chỉ định” với các giải thể thao, giải chạy ở bất kỳ quy mô nào không, thưa BS?
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời: Không có điều gì xác định 100%, thực tế bác sĩ vẫn điều trị cho những bệnh nhân hen suyễn tham gia marathon và có đoạt giải, những đó là những người kiểm soát hen tốt và tập luyện từ rất lâu, bắt đầu từ mức độ thấp đến cao.
Không có chống chỉ định tuyệt đối, bệnh nhân hô hấp và tim mạch nếu muốn tham gia các giải thể thao đều phải có quá trình tập luyện trước đó, không nên đột ngột tham gia chạy 42km trong marathon rất dễ dẫn đên đột tử.
Ngoài ra những bệnh nhân đó phải được bác sĩ thăm khám như bác sĩ thể dục thể thao, thực hiện CPET để xác định mức độ, cường độ khi tham gia thể thao là bao nhiêu, đảm bảo an toàn cho bản thân.
Các bác sĩ thường nói tập luyện phải hiệu quả và an toàn, do đó không có chỉ định tuyệt dối. Nếu kiểm soát an toàn, tập luyện đầy đủ, đủ thời gian, đủ cường độ bệnh nhân vẫn có thể tham gia thi đấu.
>>> Thở không đúng cách, thiếu oxy khi vận động dẫn tới đột tử do tim mạch
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình