Nghệ có ưu thế trong bệnh viêm dạ dày cấp và mãn tính
Hoạt chất cucumin trong nghệ có nhiều công dụng không ngờ đối với sức khỏe và đặc biệt có khả năng hỗ trợ đẩy lùi bệnh dạ dày. Vậy chữa đau dạ dày bằng nghệ có hiệu quả không? Có phải trường hợp đau dạ dày nào cũng có thể dùng nghệ? Mời bạn đọc AloBacsi tham khảo phần tư vấn của ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời.
Curcumin trong nghệ có tác dụng chống viêm, chống dị ứng
Nhờ BS giải thích, vì sao nghệ thường được dùng để trị bệnh dạ dày?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Tên khoa học của nghệ là Curcuma Longa, được dùng trong y học cổ truyền từ rất lâu, cũng như được dùng như một loại gia vị.
Y học hiện đại đã làm rõ hoạt chất chính có tác dụng của nghệ là Curcumin. Chất này có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, hạ mỡ máu. Thay vì giã nghệ thủ công như trước đây, công nghệ hiện đại đã có thể trích tinh, tổng hợp chất Curcumin.
Không nên dùng nghệ khi bị loét dạ dày
Xin BS cho biết, khi nào bệnh dạ dày nên dùng nghệ và khi nào bệnh dạ dày không nên dùng nghệ?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Có ít nhất 3 tình huống đau bao tử:
- Viêm dạ dày thông thường là tình trạng bao tử bị sưng đỏ, trầy xước. Viêm dạ dày mãn tính là bao từ không sưng đỏ, trầy xước mà bị mòn, mỏng đi. Khi còn trẻ, da mặt chúng ta căng, đẹp như hoa hậu nhưng đến khi lớn tuổi, da mỏng và nhăn đi, giống với viêm dạ dày mãn tính hay viêm dạ dày teo.
- Loét dạ dày: Bao tử sinh ra những ổ lở loét.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Axit dịch vị dạ dày không đi xuôi mà đi ngược chiều.
Nhờ có tính chất chính là chống viêm và tính chất phụ là phủ bề mặt, nghệ được dùng chủ yếu cho tình trạng viêm dạ dày cấp lẫn mãn tính.
Đối với loét dạ dày nghệ tác động kém hơn, vì nghệ còn có tính chất làm loãng máu. Giống như trong bất cứ sự vật, hiện tượng, con người nào cũng luôn có hai mặt xấu và tốt, triết học Mác-Lênin gọi là sự thống nhất và đấu tranh giữa hai mặt đối lập.
Tính chất làm loãng máu nhẹ là tốt, để không xuất hiện những cục máu đông. Đông y ngày xưa cũng thường dùng để tan viêm, tan máu bầm. Nhưng tác dụng này không quá tốt với những người loét dạ dày vì loét dạ dày có biến chứng chảy máu dạ dày.
Đúng như triết học Mác-Lênin nói về sự thống nhất và đấu tranh giữa hai mặt đối lập, không có cái gì tốt 100%. Mọi sự vật trên đời đều như vậy, không riêng gì trong y học.
Mặt tốt của nghệ là có ưu thế mạnh trong trị đau dạ dày với những dạ dày chưa có vết loét. Nếu đã có tình trạng loét bao tử, nghệ có mặt yếu hơn.
Nghệ không có tác dụng ngăn trào ngược dạ dày thực quản, không giảm tiết dịch trào ngược. Đôi khi vị của nghệ nguyên chất có thể làm khó chịu các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Nghệ sinh học là dạng bào chế chất Curcumin có thể hạn chế bớt sự khó chịu này, nhưng không đồng nghĩa với việc trị được trào ngược dạ dày thực quản. Lấy ví dụ, GS Ngô Bảo Châu giỏi toán không đồng nghĩa với việc ông cũng giỏi về hóa học.
Những người mới bị xuất huyết tiêu hóa, mới phẫu thuật thủng bao tử, cắt nối bao tử, trong 1 - 2 tháng đầu không nên dùng nghệ để hạn chế tác dụng không tốt của tính chất loãng máu.
Những người uống nhiều bia rượu dẫn đến viêm dạ dày xuất huyết không nên dùng nghệ để điều trị. Tác dụng loãng máu khiến dạ dày chưa kịp lành tốt mà tình trạng xuất huyết đã nặng hơn.
Cần nhớ, nghệ có ưu thế đối với bệnh viêm dạ dày khó tiêu, viêm dạ dày cấp, viêm dạ dày mãn.
Những ai không nên sử dụng nghệ?
Xin hỏi BS, dùng nghệ như thế nào để an toàn cho sức khỏe?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Theo những nghiên cứu của y học hiện đại, nghệ tương đối an toàn với liều như thức ăn thông thường. Liều chế biến thành dạng thuốc hỗ trợ điều trị, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe vẫn được xét là an toàn nếu dùng trong 3 tháng.
Tuy nhiên, một số nhóm cần lưu ý khi sử dụng nghệ là:
- Phụ nữ mang thai: Nghệ có tính chất hơi loãng máu, dễ gây chảy máu nguy hiểm. Ngoài ra, nghệ còn có tính chất kích thích tử cung, có thể tăng nguy cơ sinh non.
- Những người có bệnh về mật và gan: Theo nghiên cứu, Curcumin ảnh hưởng đến hoạt động của túi mật và bài tiết mật. Với những người bị sỏi túi mật hay bệnh về gan, mật, nghệ có thể làm nặng hơn tình trạng đó.
Chính vì vậy, người có bệnh bao tử kèm theo bệnh gan, mật nên hạn chế sử dụng nghệ. Chúng ta hãy quen với khái niệm “sự thống nhất và đấu tranh giữa hai mặt đối lập” của triết học Mác-Lênin. Cuộc sống bây giờ mà không có quét mã QR, không có điện thoại thông minh thì cực kỳ rối rắm. Tuy nhiên, mặt trái của nó là dễ bị hacker tấn công hay thỉnh thoảng hệ điều hành hay phần mềm chập chờn khiến chúng ta không thể làm việc, sinh hoạt bình thường.
Vấn đề là chúng ta sử dụng mặt mạnh, mặt yếu sao cho hợp lý.
- Nghệ có thể giúp hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, dùng nghệ cùng với thuốc điều trị đái tháo đường dễ có tác dụng phụ giống như tăng liều thuốc, có thể bị hạ đường huyết mà không hay biết.
- Những người bị tim mạch đang dùng thuốc loãng máu phải cẩn thận khi dùng nghệ, tránh tình trạng loãng máu nhiều hơn mong muốn, có thể gây biến chứng chảy máu trong cơ thể.
Ngoài ra, nghệ còn có thể tương tác với một số thuốc về huyết áp hay thuốc chống ung thư. Chúng ta nên hạn chế sử dụng chung.
Chuyện gì cũng có lá mặt lá trái, không phải tất cả đều là màu hồng. Chuyện tình yêu khi yêu nhau đẹp tuyệt vời nhưng sau kết hôn sẽ thấy ít nhất một chút mặt trái. Nhưng bao dung được, hiểu được người mình yêu thì sẽ chấp nhận được mặt trái. Trên đời không có người hoàn hảo, nghệ cũng vậy.
Dùng nghệ và thuốc tây cách nhau 2 - 3 giờ
Xin hỏi BS, trong trường hợp bệnh dạ dày được dùng nghệ, nên dùng cách thuốc tây bao lâu và dùng nghệ khi đói hay no?
ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đầu tiên, nghệ có uống trước ăn hoặc sau ăn đều được vì nghệ có tác dụng kháng viêm tại chỗ từ từ. Có thể uống trước từ 5 - 10 phút để có tác dụng rồi mới ăn vào.
Thứ hai, nếu dùng nghệ chung với nhiều loại thuốc tây, nên dùng nghệ cách xa thời điểm uống thuốc tây 2 - 3 tiếng đồng hồ. Nghệ có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu và tương tác với những thuốc tây khác.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình