Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều nguồn lây, ổ dịch khác nhau?
Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều ổ dịch mới, biến thể mới? Mỗi người dân cần làm gì góp phần xây dựng những pháo đài chống dịch vững chắc? Để giải đáp những thắc mắc này, TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã nhận lời mời của AloBacsi tham dự chương trình giao lưu trực tuyến ngày 10/5/2021.
Những ngày vừa qua, thông tin liên tục về làn sóng COVID-19 thứ 4 được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá đợt dịch lần này phức tạp, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước.
Kết quả giải trình tự gene virus của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từ 8 mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, cho thấy nhiễm biến chủng Ấn Độ - chủng đã đưa quốc gia đông dân thứ 2 thế giới vào vực thẳm COVID-19 với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn và làm giảm tác dụng của vắc xin.
Trong khi đó, dịch bệnh xâm nhập đến các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện K… - những “thành trì” quan trọng của ngành y tế khu vực phía Bắc. Chưa kể, thông tin về một trường hợp tử vong do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm) sau khi tiêm COVID-19 khiến nhiều người hoang mang:
Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều ổ dịch mới, biến thể mới?
Mỗi người dân cần làm gì góp phần xây dựng những pháo đài chống dịch vững chắc?
Tất cả những thắc mắc này đã được Thầy thuốc nhân dân.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam - Nguyên Giám đốc Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xây dựng, hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại Việt Nam - giải đáp trong chương trình hôm nay. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn:
1. Kỳ nghỉ lễ vừa qua là khởi nguồn cho những ổ dịch COVID-19 hiện nay?
Gần đây Việt Nam ghi nhận cùng lúc nhiều ổ dịch tại nhiều địa phương, làm dấy lên nỗi lo lắng trong cộng đồng. GS có thể lý giải về tình hình này không ạ? Liệu có phải liên quan đến hoạt động vui chơi, tụ tập trong kỳ nghỉ lễ vừa qua?
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Có 2 nguồn căn bản để tạo ra ổ dịch tại nhiều tỉnh thành cùng lúc. Thứ nhất, do nước ta cho nhập cảnh nhiều chuyên gia nước ngoài và đưa nhiều người Việt ở nước ngoài về nước. Chẳng hạn như đợt này, 1 người nhập cảnh ở Đà Nẵng sau khi cách ly 14 ngày đã trở về quê hương Hà Nam, nhưng do đây là chủng virus mới, có thời gian ủ bệnh lâu hơn và không triệu chứng nên khi bùng phát dịch thì mới phát hiện được.
Vấn đề thứ 2, đây là bệnh dịch lây qua đường hô hấp và bây giờ các chuyên gia Mỹ cũng khẳng định còn lây qua đường không khí. Do đó, nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng khá lớn, nhất là khi chúng ta có những hoạt động tập trung đông người. Vì vậy có những ca bệnh sau khi đi dự đám cưới, đám giỗ, các lễ tôn giáo trở về xuất hiện các bệnh cảnh lâm sàng thì sau đó chúng ta mới phát hiện ra.
Thầy thuốc nhân dân.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính được mệnh danh là người xây thành lũy ngăn dịch bệnh bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam
2. Khoảng bao lâu dịch COVID-19 sẽ lắng dịu?
Theo GS dự đoán, tình hình sắp tới sẽ diễn ra theo kịch bản thế nào và khoảng bao lâu nữa sẽ lắng dịu?
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Trước hết, tình hình dịch hiện tại đang rất phức tạp, không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả ở những nước láng giềng như Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, đặc biệt là các nước Nam Á như Ấn Độ, Nepal, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản cũng diễn biến khó lường.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng dịch bệnh sẽ kéo dài, chỉ khi nào chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng thì lúc đó dịch mới có thể được không chế. Để đạt được miễn dịch cộng đồng thì chúng ta phải tiêm vắc xin ít nhất 2/3 dân số. Nhiều quốc gia đang lên chương trình rất lớn để tiêm vắc xin COVID-19, tuy nhiên nguồn cung ứng là vấn đề mà các quốc gia đều lưu tâm.
3. "Làn sóng" COVID-19 thứ 4, những nơi trọng yếu nào cần bảo vệ nghiêm ngặt?
GS có thể chia sẻ các kinh nghiệm, phương pháp giúp ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong bệnh viện? Những nơi nào là trọng yếu cần bảo vệ nghiêm ngặt? Về phòng ốc, cơ sở hạ tầng cần thay đổi gì không ạ?
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Trước hết, để phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch, chúng ta phải dựa vào đường lây, cơ chế bệnh sinh và các phương pháp điều trị có hiệu quả với nó hay không.
Đối với COVID-19 đến thời điểm này, chúng ta chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị trên diện rộng, trừ một số trường hợp có thể sử dụng kháng thể đơn dòng nhưng giá thành rất cao và số lượng sản xuất ở Mỹ cũng rất hạn chế. Một số thuốc khác cũng đang được thử nghiệm như remdesivir, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng.
Việc tổ chức điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng. Hoặc khi biến chứng xảy ra thì chúng ta tổ chức điều trị. 2 hậu quả nghiêm trọng theo cơ chế bệnh sinh của COVID-19 là rối loạn hô hấp dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) và rối loạn đông máu. Một số yếu tố khác như bội nhiễm dẫn đến nhiễm độc khuẩn.
Trong những hướng dẫn, chúng tôi đưa ra về cách thức chẩn đoán và điều trị, Bộ Y tế đã xếp loại các mức nặng để chúng ta tiếp cận và điều trị phù hợp. Trong đó, gần 80% các trường hợp không có triệu chứng, triệu chứng rất nhẹ, mơ hồ nên mọi người không để ý đến, 20% sẽ có triệu chứng và 5% trong số đó sẽ diễn tiến nặng, nguy kịch, cần phải chạy ECMO; 15% còn lại có thể thở oxy dòng cao.
Bộ Y tế đã xây dựng đầy đủ các hướng dẫn về tổ chức điều trị dự phòng cho các thầy thuốc. Thứ nhất là vấn đề chẩn đoán và điều trị phòng bệnh thì đều có cơ sở khoa học, chúng ta dựa trên cơ chế bệnh sinh và đường lây truyền để thực hiện.
Chúng ta biết rằng, virus này lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, qua đường không khí, tiếp xúc gần, đặc biệt là qua giọt bắn. Dựa trên đó, chúng ta hoạch định chiến lược để dự phòng việc lây qua đường hô hấp, đường không khí.
Phương pháp này đã được Bộ Y tế ban hành, vì vậy tất cả các cơ sở y tế đều phải thực hiện quyết liệt, đầy đủ những hướng dẫn rất chi tiết. Trong đó có hình thành khu khám sàng lọc riêng biệt, đi theo đường 1 chiều riêng; đặt phòng khám này ở cuối ngõ để không phát tán; đưa bệnh nhân vào phòng cách ly nghiêm ngặt.
Như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương thì đều đưa những ca bệnh đầu tiên vào phòng áp lực âm, không để mầm bệnh phát tán ra ngoài. Sau này, những ca bệnh nặng sẽ đưa vào phòng hồi sức tích cực được khử khuẩn tuyệt đối để tránh lây chéo giữa các bệnh nhân. Các bệnh viện hiện nay đang thực hiện hướng dẫn này.
Bộ Y tế còn ban hành quy chuẩn bệnh viện an toàn để phòng chống COVID-19, thường xuyên kiểm tra và giám sát. Sở Y tế và người đứng đầu phải thực hiện điều này thường xuyên. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu bệnh viện nào không đủ điều kiện an toàn để khám chữa bệnh thì lập tức bị đóng cửa.
Đối với mỗi người dân, chúng tôi đưa ra khẩu hiệu 5K. Mỗi người dân là 1 chiến sĩ chống dịch, thực hiện hiện tốt khẩu hiệu 5K thì sẽ hạn chế bớt nguồn lây nhiễm. Bởi vì với phòng chống bệnh dịch nói chung và phòng chống dịch COVID-19 nói riêng thì việc dự phòng là cần thiết, để hạn chế số ca nhập viện, tránh quá tải như Ấn Độ. Trong 3 giai đoạn vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt việc dự phòng và điều trị. Vì vậy số ca bệnh của nước ta không nhiều và điều trị hiệu quả.
Ngay từ đầu, khi thế giới chưa có phác đồ điều trị thì chúng tôi đã dựa trên kinh nghiệm phòng chống bệnh SARS năm 2002 - 2003 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - bệnh viện đầu tiên của thế giới phòng chống thành công dịch SARS, để xây dựng phác đồ điều trị COVID-19 cho các nhân viên y tế thực hiện.
Sau đó, dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn và hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), CDC của châu Âu để chúng ta ngày càng chi tiết hóa, phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh hiệu quả hơn.
GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính tham dự lớp tập huấn do Tổng Hội Y Học Việt Nam chủ trì cùng với Sở Y tế TPHCM và Hội Y Học TPHCM tổ chức vào tháng 7/2021 với chuyên đề: "Tập huấn giáo dục Y đức, Y nghiệp và những kinh nghiệm trong phòng, chống điều trị COVID-19 tại Việt Nam”
4. Phát hiện SARS-CoV-2 lây qua không khí, có ảnh hưởng quy trình chống dịch của Việt Nam?
Mới đây, CDC Mỹ nhấn mạnh đến việc phải chú ý nhiều hơn đến khả năng virus SARS-CoV-2 lây lan qua không khí, điều này có ý nghĩa gì với công tác phòng chống dịch ở nước ta không, thưa GS?
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Như tôi đã nói trong một môi trường chật hẹp dù rằng chúng ta đang thực hiện nghiêm túc việc giãn cách thì vẫn phải đeo khẩu trang, vận dụng điều này trong từng gia đình, trong từng khu cách ly. Đặc biệt trong các cơ sở y tế phải 100% đeo khẩu trang bất cứ lúc nào. Từng loại khẩu trang đều có những ý nghĩa khác nhau.
- Nếu đi ra đường, chúng ta có thể đeo khẩu trang vải. Hiện nay có những loại khẩu trang vải 2 lớp, 3 lớp thậm chí có cả những chất sát khuẩn rất tốt vừa ngăn chặn bụi vừa ngăn chặn sự xâm nhập của virus.
- Nếu vào môi trường bệnh viện - đây là một môi trường rất quan trọng nên buộc bạn phải đeo khẩu trang y tế.
- Nếu đến khu điều trị và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thì cần nhớ nguyên tắc thực hiện tốt việc dùng các phương tiện phòng vệ cá nhân: khẩu trang, kính đeo mắt, mạng che mặt, bộ quần áo, giày, găng tay; tất cả đều phải cẩn thận sử dụng đúng quy định. Tuy nhiên riêng với khẩu trang bạn phải đeo loại N95 trở lên thì mới ngăn chặn được. Thậm chí ngay cả khẩu trang N95 cũng chỉ ngăn được 95%. Như vậy nếu chúng ta tiếp xúc rất lâu với người bệnh thì nguy cơ bị lây nhiễm vẫn tăng.
Do đó, có thể nói COVID-19 là một căn bệnh lây lan mạnh nhất cho cán bộ y tế, tỷ lệ lên đến 35%. Theo thống kê người ta nhận thấy trong tổng số những người nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới thì có 10% là cán bộ y tế; bệnh diễn biến cũng rất nặng và cuối cùng là dẫn đến tử vong.
Điều vô cùng quan trọng mà tôi muốn nhắn nhủ đến cán bộ y tế và nhân viên y tế: bạn chính là nhóm người ưu tiên số 1 trong việc phòng vệ, bởi bạn cần phải có sức khỏe tốt thì mới có thể giúp đỡ và chữa cho người khác. Hãy thực hiện việc bảo hộ một cách “vô cùng nghiêm ngặt” các quy trình về chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, quy trình bảo hộ, bảo vệ cá nhân.
Hiện nay ở một số nước đã sử dụng robot thay cho con người để làm những việc như: mang cơm, nước, thuốc men cho bệnh nhân; dùng robot để giúp trao đổi giữa những bệnh nhân trong phòng cách ly với thầy thuốc (với những bệnh nhân còn đi lại được). Còn riêng với những bệnh nhân trong phòng ICU thì thầy thuốc buộc phải bên cạnh bệnh nhân để theo dõi.
Chúng ta có thể chia ca, kíp để làm việc, sau đó những người tiếp xúc vẫn phải cách ly, nghỉ ngơi rồi lại xuống phòng bệnh để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Bản thân người thầy thuốc vô cùng vất vả, căng mình để nhận nhiệm vụ, thậm chí sau những ca làm việc tâm tư bác sĩ trĩu nặng, thậm chí không thể ngủ được. Nhất là các anh em bác sĩ ở tuyến đầu, những ngươi trực tiếp chăm sóc cho người bệnh.
Bên cạnh những lực bởi chăm sóc bệnh nhân thì còn đó nỗi nhớ nhà vì một tháng mới được gặp gia đình và sự cô đơn… Đó là lý do vì sao cán bộ y tế trong tuyến đầu chống dịch rất dễ bị rối loạn tâm lý.
Hơn thế nữa là sự e ngại, kỳ thị, tâm lý sợ lây của hàng xóm láng giềng. Tôi mong mỗi người dân cần hiểu rõ hơn để cảm thông, chia sẻ, có như vậy thì những cán bộ y tế mới yên tâm xử lý công việc. Mọi người cùng đồng lòng, xã hội cùng chung tay để có thể ngăn chặn được dịch tốt nhất, sớm nhất.
5. Dịch COVID-19 phức tạp, có cần mua máy đo SPO2 cầm tay?
Trong đại dịch COVID-19, có một số người bàn đến việc mua máy đo SPO2 cầm tay để biết khi nào nên đến bệnh viện cấp cứu, theo GS điều này có cần thiết không?
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Nếu có điều kiện mua thì cũng tốt. Nhưng thực tế điều này không cần thiết, bởi nếu SPO2 giảm được 92% thì cũng không chịu được tại nhà. Với COVID-19 việc tụt oxy diễn biến có thể rất nhanh, vì thế dù chỉ cảm thấy hơi khó khó thở một chút là phải đến cơ sở y tế ngay, không thể đợi ở nhà đến khi hôn mê rồi mới vào bệnh viện.
Với bối cảnh COVID-19 đang lây lan ở rất nhiều địa phương thì việc quan trọng là chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác. Xác định được F0 là rất quan trọng. Nhưng khi truy vết ra F1 thì bản thân những người này phải cách ly và được y tế theo dõi sát sao, không phải đợi ở nhà chờ khi SPO2 giảm rồi mới biết.
Theo tôi, SPO2 có 2 mặt, một là sẽ tạo cho chúng ta tâm lý chủ quan không đến bệnh viện sớm, hai là không phối hợp với y tế để khai báo giúp sớm tìm ra F1, F2. Khi xác định được bạn là F mấy, từ đó cán bộ y tế sẽ dựa theo đúng phác đồ để điều trị, như vậy việc điều trị và phòng chống sẽ được tốt hơn chứ không phải cậy nhờ vào những loại máy này.
6. Tích cực và chủ động, mỗi người sẽ là chiến sĩ chống dịch quan trọng
GS có thông điệp dành cho cán bộ y tế tuyến đầu, dành cho cộng đồng trong tình hình dịch diễn biến căng thẳng như hiện nay?
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Chúng ta cần cảm thông với những nỗi vất vả của các thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch. Trên mặt trận chống dịch này có nhiều mặt trận nhỏ, trong đó mặt trận y tế là vô cùng quan trọng.
Nhưng không phải chỉ một mình ngành y tế có thể giải quyết được vấn đề. Thủ tướng đã kêu gọi chúng ta “Chống dịch như chống giặc”, vì thế mỗi người dân phải là một chiến sĩ chống dịch - đây mới chính là điều quan trọng.
Bản thân mỗi người hãy thực hiện tốt việc dự phòng cho mình, cho gia đình và cho cộng đồng, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh, giảm bớt số người mắc bệnh. Như vậy, cán bộ y tế mới có thời gian để cứu chữa những ca bệnh nặng, không được để quá tải giống như một số nước khác.
Trong 3 đợt dịch trước chúng ta đã làm điều này rất tốt. Đặc biệt với thời điểm hiện nay chúng ta cần tham gia vào việc chống dịch với tinh thần tích cực và chủ động. Xung quanh chúng ta là các nước với tình hình dịch bệnh rất phức tạp, số ca tăng lên hàng ngày.
Cần ngăn chặn trước tình hình nhập cảnh trái phép, không cho mang mầm bệnh về nước. Nếu có nhập cảnh thì cần cách ly ngay lập tức giúp việc truy vết được thực hiện sớm hơn. Lực lượng tuyến đầu lúc này chính là bộ đội biên phòng.
Thứ 2 là ngành công an và Bộ y tế hãy giúp cho việc truy vết thật sớm và nhanh những người được cho là F1, F2. Bởi chính những người F1 nếu không biết mình nhiễm bệnh sau đó di chuyển đến nhiều nơi, tỉnh khác nhau thì chính điều này sẽ tạo nên thêm nhiều ổ dịch mới.
Hãy quyết liệt, thật nhanh, truy vết càng sớm càng tốt người bệnh, ổ dịch để chúng ta dập dịch được sớm hơn và phát hiện được những ca bệnh nặng, từ đó giúp cứu được sinh mạng cho nhiều người.
Với bệnh tật, tốt nhất chỉ có chẩn đoán sớm và điều trị sớm, điều này giúp giảm tỷ lệ, số ca tử vong. Khi đã quá tải, con số tử vong không ai có thể tưởng tượng được, quá nhiều còn hơn cả sóng thần và chiến tranh.
Mỗi người hãy tự phòng vệ thực hiện nghiêm quy tắc 5K; tăng cường tiêm vắc xin. Trong bối cảnh số ca mắc còn ít và chúng ta vẫn có thể ngăn chặn thì 5K rõ ràng vẫn hữu hiệu. Nhưng khi đã lan tràn và bùng nổ rất nhiều rồi thì miễn dịch cộng đồng mới là điều quan trọng.
Mặc dù vắc xin còn khiến nhiều người e ngại nhưng chúng ta phải đặt lên bàn cân giữa lợi ích và nguy cơ. Phải làm sao để tiêm được cho 2/3 dân số, lúc đó khi đã có miễn dịch cộng đồng thì chúng ta mới có thể an yên hơn với virus này.
Cả thế giới cùng lúc cần vắc xin nhưng nhà máy san xuất có hạn, vì vậy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang đưa ra những chương trình vắc xin COVID-19 để mang đến sự tiếp cận công bằng cho cả những nước nghèo và những nước đang phát triển.
Hiện, chúng ta có ít nhất 3 nhà máy tham gia vào nghiên cứu sản xuất vắc xin. Trong đó đi đầu là Nanocovax đã được thử nghiệm sang giai đoạn 3, đang chạy đua với thời gian để khi đủ dữ liệu công bố và có những cơ quan thẩm định về tính an toàn, miễn dịch của vắc xin, khi đó người Việt sẽ sử dụng an toàn. Chúng tôi cũng đang cố gắng để làm sao có thể tiêm vắc xin cho nhiều người nhất có thể.
Từng biện pháp chống dịch góp ích vào một chút, như vậy mới sớm ngăn chặn được lây nhiễm. Thời gian trước đây khi chưa có vắc xin chúng ta đã làm rất tốt bây giờ phải làm tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa và quyết liệt hơn nữa. Toàn dân hãy cùng chung tay với cán bộ y tế trong cuộc chiến vất vả, gian nan này.
Nhà báo Hồng Tâm trao hoa cảm ơn đến Thầy thuốc nhân dân.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính
Trân trọng cảm ơn Tổng Hội Y học Việt Nam và Thầy thuốc nhân dân.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!
Mời xem thêm các bài viết về chuyên đề COVID-19 TẠI ĐÂY!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình