Hotline 24/7
08983-08983

Nang não ở trẻ: Khi nào cần theo dõi, khi nào phải phẫu thuật?

Nang não ở trẻ em có thể lành tính hoặc gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe. BS Huỳnh Hữu Danh - Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, tùy vào vị trí, kích thước nang, độ tuổi của trẻ… bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Phụ huynh cần đưa trẻ đi thăm khám, chữa trị nang não kịp thời tại cơ sở y tế uy tín.

1. Nang não thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh

Xin hỏi BS, nang não có cấu trúc như thế nào và được phân loại ra sao?

BS Huỳnh Hữu Danh trả lời: Nang não khá thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Siêu âm não trẻ mới sinh sẽ thấy có nang.

Nang não cấu tạo từ các dịch não tủy, là loại dịch hết sức bình thường. Nang não không to ra sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

2. Nang não không nguy hiểm nếu không chèn ép mô não xung quanh

Trẻ bị đau đầu dai dẳng, khi chụp CT phát hiện có nang trong não nhưng các bác sĩ cho biết đó là các nang bẩm sinh, không cần điều trị. Nhờ BS giải thích rõ hơn, nang não trong trường hợp này có gây nguy hiểm không?

BS Huỳnh Hữu Danh trả lời: Nang não thường được gọi là nang màng nhện. Nếu không gây ảnh hưởng đến những mô não xung quanh, nang não cũng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Trong trường hợp trẻ bị đau đầu dai dẳng, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm những nguyên nhân khác. Sau khi đã loại trừ tất cả các nguyên nhân mới nghĩ đến nang não. Nang não to, có triệu chứng chèn ép mô não xung quanh có thể sẽ cần phẫu thuật.

Theo BS Huỳnh Hữu Danh - Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nang não thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh

3. Theo dõi nang não nhỏ trong 6 tháng

Đối với những trường hợp nang não không cần điều trị, phụ huynh nên lưu ý điều gì khi chăm sóc trẻ, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Danh trả lời: Những trường hợp trẻ có nang não nhỏ, không cần điều trị, phụ huynh nên theo dõi thường xuyên. Có thể siêu âm thóp nếu trẻ vẫn còn thóp. Khi thóp đã đóng, có thể chụp CT để theo dõi.

Thời gian theo dõi thường diễn ra trong 6 tháng. Phụ huynh có thể yên tâm tiếp tục theo dõi tại nhà, không cần chụp CT lại nếu trong thời gian này nang não không có dấu hiệu to ra.

4. Cần phẫu thuật khi nang não chèn ép cấu trúc xung quanh

Xin BS cho biết, những loại nang não nào thực sự đáng lo ngại?

BS Huỳnh Hữu Danh trả lời: Tình huống đáng lo ngại là khi nang não ngày càng to, gây chèn ép các cấu trúc não xung quanh, dẫn đến trẻ bị đau đầu, tăng áp lực nội sọ. Những trường hợp này sẽ cần phải phẫu thuật.

5. Chưa có bằng chứng về khả năng gây đột quỵ của nang não

Trẻ có nang não liệu có bị tăng nguy cơ đột quỵ không, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Danh trả lời: Các nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa ghi nhận mối liên hệ giữa nang não và đột quỵ.

6. Hiếm trường hợp nang não tái phát sau phẫu thuật

Nang não có nguy cơ tái phát sau khi đã điều trị không, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Danh trả lời: Tỷ lệ tái phát của nang não sau phẫu thuật rất hiếm, tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp bị tái phát.

7. Trẻ có thể sinh hoạt bình thường khi nang não lành tính

Trẻ có nang não cần chú ý những điều gì khi sinh hoạt hằng ngày, vui chơi? Trẻ có cần tránh hoạt động nào không, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Danh trả lời: Đối với nang não lành tính, không có triệu chứng, trẻ có thể chung sống hoàn toàn bình thường.

8. Những di chứng sau phẫu thuật loại bỏ nang não

Nang não không cần điều trị hoặc nang não đã được loại bỏ có ảnh hưởng đến trí tuệ, tâm lý của trẻ về sau không?

BS Huỳnh Hữu Danh trả lời: Nang não không cần điều trị sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến trí tuệ của trẻ.

Chức năng thần kinh của trẻ cũng không phải chịu tác động gì nếu cuộc phẫu thuật loại bỏ nang não thành công, không để lại biến chứng.

Chỉ những trường hợp xuất hiện di chứng sau phẫu thuật mới ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Những di chứng thường gặp là yếu tay chân, chậm phát triển...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X