Hotline 24/7
08983-08983

Mùa COVID-19, cần làm gì khi có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh, trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115 đưa ra hướng dẫn nhận biết dấu hiệu viêm đường hô hấp và trong đại dịch COVID-19 chúng ta cần làm gì khi có những triệu chứng này.

1. Ho, hắt hơi, sổ mũi lúc giao mùa có phải cảnh báo bệnh nguy hiểm gì về đường hô hấp?

Khi thời tiết giao mùa, nhiều người bị ho, hắt hơi, sổ mũi… nhiều người cho rằng đó là do thời tiết thôi. Theo BS, những triệu chứng này có thể cảnh báo những bệnh nguy hiểm gì về đường hô hấp?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh: Ho, hắt hơi, sổ mũi là các triệu chứng thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Đó là phản ứng quá kích của đường hô hấp đối với các tác nhân tiếp xúc với đường hô hấp ví dụ như phấn hoa, bụi, mùi ô nhiễm môi trường. Nó khiến cho người bệnh dễ bị sổ mũi và hắt hơi kéo dài.

Một số bệnh có thể liên quan đến bệnh như viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, hen xuyễn tắc phổi mãn tính hoặc cơ địa bị dị ứng về khí hậu như thay đổi thời tiết bất chợt.

Những bệnh như vậy thường thấy nhiều nhất là bệnh cảm cúm (cúm mùa), virus hay nấm có thể gây ra một số bệnh như vậy. Một số bệnh có thể xảy ra như thời tiết đang nóng bỗng trở lạnh, nó có thể làm cho bệnh nhân nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ho, đau họng, bệnh nhân có thể đau các cơ giống như cảm cúm.

Đối với tình trạng như vậy, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ. Nếu để bệnh kéo dài lâu, nó sẽ gây bội nhiễm cho đường hô hấp dưới, viêm phổi.

Viêm niêm mạc mũi xảy ra do thay đổi khí hậu, bệnh này không thể điều trị hết. Khi nó lên cơn, mình sẽ phải uống thuốc và chăm sóc, tránh những đợt cấp khi khí hậu thay đổi.

Viêm xoang có thể do vi khuẩn, virus, nấm và nó thường xảy ra sau khi viêm amidane, mũi tiết dịch. Các triệu chứng của bệnh chúng ta thường gặp như ho, sổ mũi, hắt hơi.

2. Viêm đường hô hấp cấp là biểu hiện của những bệnh gì?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh: Viêm đường hô hấp cấp có nhiều bệnh: viêm đường hô hấp cấp trên, viêm đường hô hấp cấp dưới. Viêm đường hô hấp cấp trên xảy ra từ phần thanh môn đi lên như viêm họng, viêm mũi, viêm tai, viêm xoang. Viêm đường hô hấp dưới là viêm phế quản, viêm phổi. Thông thường, người bệnh sẽ bị bội nhiễm ở đường hô hấp dưới, hô hấp trên đi xuống và lâu dần nó sẽ lây nhiễm ở đường hô hấp dưới.

Trong giai đoạn COVID-19 hiện tại, khi có những triệu chứng điển hình của viêm đường hô hấp chúng ta nên nghĩ đó là có phải là COVID-19 không. Cúm mùa có thể gây ra các triệu chứng của viêm đường hô hấp, triệu chứng và hậu quả không nặng nề bằng SARS-CoV-2 gây ra. Triệu chứng thường gặp nhất của virus SARS-CoV-2 (từ hai đến 15 ngày sau khi tiếp xúc với F0), bệnh nhân sẽ bị mệt mỏi, hơi sốt nhẹ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị sốt cao, đau họng.

Một số người có thể bị mất khứu giác, vị giác. Nếu chúng ta không điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến các hậu quả của viêm đường hô hấp dưới. Nếu bệnh trở nặng hơn, nó sẽ gây ra tình trạng suy hô hấp do bội nhiễm phổi.

Đối với tình trạng viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2, nếu bệnh nhân nghi ngờ có các triệu chứng cần đi khám ngay hay nhờ bác sĩ tư vấn.

3. Có phải khi viêm đường hô hấp cấp trường hợp nào cũng cần test COVID-19?

Khi mọi người có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp, ở thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, mọi người nên làm gì, thưa BS? Có phải trường hợp nào cũng cần test COVID không ạ?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh: Hiện tại, đợt bùng phát của dịch có thể diễn ra một lần nữa, việc lây nhiễm trong cộng đồng đang lan tràn. Chúng ta có thể ngăn ngừa được bệnh hay không là do ý thức của mỗi người.

Mọi người phải tuân thủ 5K, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai có các dấu hiệu nghi ngờ hay sau khi tiếp xúc với F0 mà không có phòng hộ đủ, mình cần phải theo dõi.

Người bệnh có bị đau họng hay không, bị sốt, có dấu hiệu của cảm cúm như mệt mỏi, nhức đầu, rát họng. Người nhà cần tìm bác sĩ chuyên điều trị COVID-19 cho người có các dấu hiệu đó, bệnh nhân có nguy cơ cao thì cho làm test nhanh, khai PCR.

Tóm lại, khi có dấu hiệu nghi ngờ mình cần có sự tư vấn từ bác sĩ và chuyên viên y tế.

4. Người có sẵn bệnh hô hấp, khi có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp cần làm gì?

Riêng với những người đã có sẵn bệnh viêm xoang, hen suyễn, COPD, người hút thuốc lá… khi có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp thì cách xử trí cần lưu ý gì ạ?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh: Đối với người có bệnh nền như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi cũ hoặc các bệnh nhân hút thuốc lâu ngày, nền của phổi không còn được tốt nữa.

Trước hết, người hút thuốc cần ngưng hút thuốc. Thứ hai, cần ngăn chặn các khởi phát gây ra bệnh nền. Ví dụ như các yếu tố gây bệnh hen suyễn như dị ứng phấn hoa hoặc các bệnh COPD, mình sẽ ngăn chặn các dấu hiệu gây đợt cấp bùng lên.

Khi bệnh suyễn và COPD vào đợt cấp, nó sẽ gây ra tình trạng khó thở, bệnh nhân phải sử dụng thuốc cắt cơn theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần sử dụng thuốc ngay lập tức và gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn cách dùng thuốc khi lên cơn đợt cấp.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bị COVID, mình nên hỏi bác sĩ: “Tôi có nên làm xét nghiệm hay không, tôi nên đi khám ở đâu?”. Khi ấy, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ cho người bệnh để họ khỏi hoang mang, đi không đúng tuyến khám bệnh.

5. Làm sao để bảo vệ cơ quan hô hấp của mình trong thời điểm hiện nay?

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh: Để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm bệnh hoặc đã nhiễm bệnh nhưng có triệu chứng nhẹ, chúng ta cần tuân thủ 5K của bộ y tế. Chúng ta phải rửa tay bằng cồn, dung dịch sát khuẩn và xà bông thường xuyên. Thứ hai, khi tiếp xúc với người ngoài hoặc phải đi vào đám đông, chúng ta phải đeo khẩu trang 100%.

Phải giữ khoảng cách và không tụ tập quá 10 người. Vệ sinh môi trường cũng rất quan trọng, chúng ta cần làm vệ sinh môi trường chúng ta làm việc, nơi làm việc phải sạch không được để bụi bám quá nhiều vì người bị bệnh phổi hít vào sẽ bị đợt cấp. Đợt cấp bùng lên, hệ miễn dịch cơ thể sẽ giảm xuống và người đó sẽ dễ mắc các loại virus, đặc biệt là virus SARS-CoV-2. Chúng ta cũng phải chủng ngừa.

Đối với người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, bị suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng như bệnh tim mạch, tắc phổi mãn tính, hen suyễn cần phải đi tiêm ngừa phổi, virus cúm hằng năm. Người có bệnh nền cần đi khám bác sĩ định kỳ để được tư vấn đúng hướng dẫn, đặc biệt là kháng sinh. Trong giai đoạn mùa dịch COVID này, đa số bệnh nhân sẽ lo sợ và họ tự động ra nhà thuốc.

Đa số nhà thuốc có bán kèm theo đơn thuốc kháng sinh. Khi chúng ta sử dụng như vậy, nó sẽ dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc lan tràn và gây hiện tượng đề kháng với kháng sinh. Bệnh nhân bị bội nhiễm phổi khi sử dụng kháng sinh sẽ gây ra đề kháng không đáp ứng điều trị. Bệnh sẽ diễn tiến rất nặng.

Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X