Mới phẫu thuật nâng mũi xong, uống bia có sao không?
Thời gian mang thai sau khi tiêm ngừa thủy đậu, rubela và quai bị; thai nhi có lây bệnh lao từ người cha… là những nội dung được BS Cao Thị Lan Hương tư vấn trong buổi chiều nay, 20/6.
- Tran Phu – tokyo…@gmail.com
Chào BS, em mới phẫu thuật nâng mũi xong, uống bia có sao không, và cần chú ý ăn uống như thế nào ạ?
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Sau phẫu thuật thì em nên kiêng bia rượu cho tới khi vết thương lành hẳn, vì bia rượu có thể làm vết thương chậm lành, dị ứng, giảm tác dụng thuốc uống đi kèm...
Về chế độ ăn sau phẫu thuật, thì theo dân gian thì các loại rau có nhiều mủ hay nước tương, đồ biển không tốt cho người mới mổ xong, vì nghĩ là sẽ tạo mủ, khó lành, sẹo lồi... Tuy nhiên, theo bằng chứng khoa học thì điều đó không được chứng minh.
Người sau mổ khi đã ổn định thì có thể ăn uống lại bình thường như trước đây, không kiêng cử gì cả, miễn là thức ăn phải nấu chín uống sạch, rau nên luộc chín để dễ tiêu, những món ăn trước đây gây dị ứng nếu có thì không dùng. Người bệnh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì mới mau lại sức.
- Nguyen Huyen – huyen…@gmail.com
Thưa BS,
Ngày 29/4/2016, em có đi tiêm mũi 3 trong 1 là thủy đậu, rubela và quai bị. Em định giữa tháng 7 tới đây mang thai thì có ảnh hưởng gì không hay chưa nên mang thai vội ạ? Em cảm ơn BS.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Tháng 7 tới em có thai là hoàn toàn an toàn, mũi vắc xin 3 trong 1 gồm thủy đậu, rubela và quai bị sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển và hình thành phôi thai em nhé.
- Ngan – ngan…@gmail.com
Xin chào BS,
Chồng cháu đang điều trị bệnh lao được 4 tháng thì 2 vợ chồng có quan hệ, cháu có thai được 2 tháng (cháu không bị bệnh). Liệu cháu mang bầu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Liệu cháu có khả năng bị lây bệnh không? Đứa con cháu mang liệu có bị bệnh gì không ạ? Cháu cảm ơn BS ạ.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào bạn,
Khi bạn quan hệ tình dục, phát sinh những hành vi như hôn sâu, hôn có trao đổi nước bọt thì cũng có thể làm lây bệnh cho người bạn tình. Nó lây ở đường đấy chứ không phải lây ở đường quan hệ tình dục. Dù đã được điều trị đến tháng thứ 4 nhưng nếu trong đờm của chồng em vẫn còn vi khuẩn lao (BK+) thì khả năng lây bệnh cho vợ con rất lớn. Tuy trẻ sơ sinh ra đời được tiêm phòng lao ngay, nhưng cũng khó tránh được bị sơ nhiễm lao vì có nguồn lây nhiễm thường xuyên và gần gũi.
Muốn kết luận chính xác tình trạng bệnh lao của chồng em còn vi khuẩn lao hay không, cần phải đến cơ sở điều trị lao để biết rõ tổn thương lao đã ổn định chưa và trong đờm có còn vi khuẩn lao hay không, đồng thời kiểm tra sức khỏe hiện tại của em xem có nhiễm lao hay không.
Thuốc lao cũng ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng, nhưng chưa có ghi nhận là gây quái thai cho nên không có chống chỉ định mang thai. Nếu em lỡ mang thai rồi thì cách tốt nhất là khám thai định kỳ, theo dõi sát quá trình phát triển của thai, có chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng tốt để tránh nhiễm lao (vì khi có thai, khả năng phòng bệnh của người mẹ suy giảm nên dễ nhiễm bệnh, đặc biệt khi gần gũi với nguồn lây).
- Khánh Duy, 18 tuổi – Thái Nguyên
Thưa BS,
Cháu tiêm phòng dại xong được gần 3 tháng. Dạo này cháu bị sẩn ngứa và có triệu chứng mất ngủ về đêm, ban ngày thì mệt mỏi. Cháu xin hỏi, những biểu hiện đó có phải do tác dụng của vắc xin phòng dại không? Cháu có thể dùng thuốc chứa corticoid để chữa ngứa được chưa ạ? Cảm ơn BS!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Sau tiêm ngừa dại có thể có biểu hiện dị ứng, nhưng thường chỉ kéo dài 3-6 ngày là hết. Do vậy, những biểu hiện nổi mẩn ngứa, mất ngủ về đêm và ban ngày mệt mỏi của em xuất hiện 3 tháng sau tiêm ngừa dại không phải là tác dụng phụ của vắc xin phòng dại.
Về nguyên nhân gây dị ứng thì rất nhiều, thường có liên quan đến căng thẳng đầu óc, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm ăn vào, nhiễm giun sán, sản phẩm tắm gội, quần áo khô cứng còn cặn bột giặt, thay đổi môi trường (nhiệt độ, độ ẩm)...làm cho cơ thể nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng hơn.
Nếu em bị mất ngủ kèm nổi mẩn ngứa thì điều trị tốt nhất là thuốc kháng histamin loại có tính an thần nhẹ giúp dễ ngủ như chlopheniramin, buổi sáng thì có thể dùng loại kháng histamin loại không gây buồn ngủ như telfast, cetirinze... không nên dùng corticoid uống, có rất nhiều tác dụng phụ. Đối với các mẩn ngứa nặng thì có thể dùng ngắn ngày các thuốc bôi có chứa corticoid.
Ngoài ra, em nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, mặc đồ thoáng mát, hạn chế các thực phẩm có thể gây dị ứng nặng lên như đồ biển, thịt bò, thịt rừng và tẩy giun định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Theo Đông y thì gan và thận là 2 nơi thải độc của cơ thể, khi 2 cơ quan này hoạt động không tốt thì cơ thể dễ bị dị ứng hơn nên em cũng có thể uống những bài thuốc lọc gan lọc thận ở nơi chữa Đông y uy tín, có bằng cấp.
- Đức Phong – Phongthuy…@gmail.com
Chào BS,
Hôm qua em có sử dụng ma túy đá. Trước khi sử dụng em chưa ăn gì, đến đêm thấy chóng mặt, đầy bụng, nôn, khô mồm. Xin hỏi những triệu chứng kia có làm sao không và cách chấm dứt các triệu chứng đó? Đây là lần đầu em thấy lo lắng, mong BS giúp em.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Tất cả những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của tụt đường huyết, có thể là tác dụng phụ của ma túy đá gặp ở người lần đầu sử dụng, cũng có thể là do quá liều hay ngộ độc với thành phần trong ma túy đá. Do vậy, nếu như khi có các biểu hiện trên, em cần lập tức kiếm gì ăn vào, như kẹo ngọt, nước ngọt, sữa, trái cây... để loại trừ tụt đường huyết, nếu triệu chứng vẫn còn thì cần phải vào bệnh viện để kiểm tra và theo dõi.
Ngoài ra, chắc em cũng đã nghe ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng tôi vẫn nhắc lại điều này với em, rằng ma túy là thuốc độc giết người, không chỉ bản thân người dùng mà còn là những người thân xung quanh họ.
Những người thường xuyên sử dụng ma túy có thể chém giết người vô cớ, cuồng dâm, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi, nặng hơn sẽ mắc tâm thần và hậu quả cá nhân là suy kiệt thể chất và suy giảm khả năng tình dục. đã dính vào ma túy thì rất khó cai, em mới dùng lần đầu thì còn đường rút lui, em đừng tiếp tục “đào mồ chôn mình”, em nhé.
- Kim Ngân, 32 tuổi – TP Vũng Tàu
Xin chào BS,
Chân tay mình nhức nhối khó chịu lắm. Hai tay khi co lại thì 2 khuỷu tay không sát vào nhau được. Với tuổi của mình thì giờ có phẫu thuật hay làm gì để chữa được bệnh ấy được không? Cám ơn BS!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào bạn,
Triệu chứng 2 khuỷu tay không khép sát vào nhau có thể gặp trong các bệnh lý gây cứng khớp, kẹt khớp, xơ cứng bì... Trước mắt, bạn cần đến khám tại chuyên khoa Cơ xương khớp để BS định bệnh (qua thăm khám, chụp phim Xquang khớp, xét nghiệm tổng quát chung...), tùy vào nguyên nhân mới có hướng xử trí thích hợp.
Hiện tại, để giảm đau, bạn có thể uống thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, ibuprofen, meloxicam... nghỉ ngơi, xoa bóp, mát xa sẽ giúp dễ chịu hơn nhưng điều cần thiết nhất vẫn là tranh thủ đi khám sớm.
- Huỳnh Thi, 25 tuổi – Ang Giang
Chào BS,
Em hiện có một bé trai 22 tháng vẫn còn cho bú. Em dùng thuốc tránh thai Avalo (thuốc tránh thai dùng cho phụ nữ cho con bú). Qua quá trình sử dụng em thấy có tác dụng phụ xảy ra là 1 tháng có 2 chu kỳ kinh nguyệt, nhưng máu kinh ít hơn so với lúc chưa dùng thuốc mà thường là kéo dài khoảng 7-10 ngày. Lượng máu rất ít. Em sử dụng được 1 năm rồi nhưng vẫn như vậy chứ không phải chỉ xuất hiện tác dụng phụ trong vài tháng đầu sử dụng. Em phải làm sao? Ngưng thuốc hay đổi thuốc? Cám ơn BS!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Biểu hiện kinh nguyệt của em gọi là rong kinh, rong huyết. Thông thường các nội tiết thuốc tránh thai cần có một khoảng thời gian là 3 tháng để cơ thể thích nghi. Nếu sau 3 chu kỳ mà em vẫn gặp triệu chứng rong kinh rong huyết thì em nên trao đổi với bác sĩ Sản phụ khoa để tìm một biện pháp tránh thai thích hợp khác (như đặt vòng tránh thai, chọn loại thuốc ngừa thai công thức khác...).
Ngoài ra, thuốc tránh thai được khuyến cáo không nên sử dụng quá 5 năm (có tài liệu nói rằng 10 năm) vì có thể làm tăng nguy cơ đông máu, gây nghẽn mạch máu, tăng nguy cơ u buồng trứng, u xơ tử cung.
- Thanh Tuyền – Quảng Ngãi
Thưa BS,
Theo chuẩn đoán em bị lao phổi (M-). Em xin BS ở BV Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho chuyển về Quảng Ngãi điều trị. Vậy 1 tháng sau em vô lại TPHCM điều trị tiếp tục được không? Lao phổi (M-) có nguy hiểm, nặng không, có dễ lây cho mọi người không ạ? Em cảm ơn BS!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Lao phổi M (-), cách viết khác là lao phổi AFB (-), nghĩa là người bệnh lao phổi không mang nhiều vi khuẩn lao trong dịch tiết đường hô hấp - đàm, do đó chưa phát hiện được vi khuẩn lao trong đàm khi xét nghiệm đàm (vi khuẩn lao rất khó phát hiện, đặc biệt khi số lượng ít), vì vậy khả năng lây cho người khác là không cao (nhưng vẫn có thể lây).
Bởi vì đường lây chủ yếu của người bị lao phổi là khi người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ, sẽ thải vào không khí các hạt nhỏ li ti từ chất tiết của đường hô hấp, và vi khuẩn lao nằm trong dịch tiết, đàm nhớt này chính là nguồn lây bệnh lao cho người khác.
Ngoài ra, nếu hôn sâu có trao đổi nước bọt thì cũng là đường lây bệnh. Giai đoạn đầu điều trị thì nguy cơ lây bệnh cao hơn giai đoạn sau. Để xác định mức độ nặng của bệnh lao, không chỉ dựa vào M âm hay dương, mà còn tùy thuộc vào thể trạng, bệnh đi kèm... của người bệnh.
Điều trị lao là được nhà nước chi trả hoàn toàn, với điều kiện người bệnh tuân theo phân luồn về điều trị lao tại địa phương (phác đồ điều trị thống nhất toàn quốc). Do vậy, tôi thấy em điều trị lao tại Quảng Ngãi vẫn rất tốt, nếu vì lý do nào đó em phải chuyển lên TPHCM thì em cần trao đổi với BS tại trạm chống lao tỉnh Quảng Ngãi để xem xét, nếu tự ý chuyển tuyến điều trị thì e rằng em phải tự chi trả chi phí.
- Thu Hương – Quảng Bình
Chào BS,
Em bị viêm gan B mạn đã điều trị bằng thuốc kháng virut hơn 2 năm. Hơn 1 năm nay em đi xét nghiệm thì hbeag (-) vi rút cũng không còn. Vậy khi nào em ngưng sử dụng thuốc được ạ? Em cảm ơn BS.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Trước hết có thông tin này cần phải được làm rõ, nếu em dựa vào HbeAg âm tính mà kết luận là “virus không còn” là không đúng, vì HbeAg âm tính có thể trong 2 tình huống, một là virus không tăng sinh nữa, hai là virus chuyển dạng đột biến sang thể HbeAg âm tính. Do đó phải dựa vào HbsAg và định lượng nồng độ virus mới kết luận được virus còn hay không, em nhé.
Nếu thật sự là virus không còn nữa, điều này là đáng mừng cho em, chứng tỏ em đáp ứng tốt với thuốc đặc trị kháng virus viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên, con virus viêm gan siêu vi B rất “ranh ma”, khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ để lại 1 “dấu ấn” của mình, do vậy ngay cả khi điều trị thuốc uống đến khi không còn thấy virus trong cơ thể nữa, vẫn có những trường hợp “tái phát bệnh”, đặc biệt hay gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch (dùng thuốc corticoid kéo dài, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc trị ung thư...).
Vì thế, ở 1 số nước như Úc quy định điều trị thuốc uống trị viêm gan siêu vi B dùng suốt đời. Một số trường phái khác thì chấp thuận ngưng thuốc khi điều trị hiệu quả, nhưng vẫn phải được theo dõi chặt chẽ mỗi năm vì tái phát cao. Em nên trao đổi với bác sĩ điều trị để chọn lựa hướng điều trị thích hợp.
- K Tuyến, 30 tuổi – Quảng Ngãi
Chào BS,
Tôi 30 tuổi, có gia đình 2 năm nhưng chưa có con, chồng tôi vừa bị tai biến qua đời. Tôi luôn cảm thấy sợ với mọi thứ quen thuộc, sợ khi ở 1 mình, sợ ai đó tới thăm, sợ người khác nhìn mình Đặc biệt tôi sợ hãi khi tỉnh giấc, mỗi khi tỉnh giấc tôi run người, khóc, sợ một thứ cảm giác giống như mình phải nhớ về sự thật kinh khủng vừa xảy ra. Tôi luôn nghĩ tới cách để được chết nhẹ nhàng. BS ơi, tôi đã bị tâm thần chưa? Hiện tại tôi vẫn đi làm. Công việc của nhân viên văn phòng. Tuy nhiên tôi thường hay mất trí nhớ vào 1 việc nào đó mà trước kia thì không bao giờ bị như thế. BS tư vấn giúp tôi với.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào bạn,
Trong cuộc sống vẫn thường có những giai đoạn chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, làm tinh thần bất ổn; trong đó biến cố mất đi người thân đột ngột có thể tạo ra cú sốc tâm lý quá lớn mà nhất thời bản thân không giải quyết, khống chế nổi, cần một thời gian mới “hồi phục”, mới bình ổn lại được.
Do vậy, những biểu hiện của bạn xuất hiện sau khi gia đình có chuyện không may, đó chưa phải là bệnh tâm thần, nhưng thời điểm này bạn cần được giúp đỡ, vì nếu kéo dài mà dứt ra không được, có thể sẽ thành bệnh tâm thần thật. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để BS kê thuốc điều trị hỗ trợ ngắn hạn và tư vấn tâm lý cho bạn, sẽ giúp bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Ngoài ra, bạn nên hạn chế thời gian trống trải của mình bằng cách tập thể dục, nên nghỉ ngơi đi du lịch 1 thời gian cho khuây khỏa.
- Duc Nam – phamducnam…@yahoo.com.vn
BS ơi cho em hỏi, sao nước tiểu của em mấy tháng nay màu vàng đặc, khi em uống bia thì họa lắm nước tiểu mới trong. Có phải em bị sao không ạ? Em thì không thấy có gì bất thường cả. Cám ơn BS!
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Nước tiểu màu vàng đặc có thể do nước tiểu bị cô đặc do em thường xuyên uống ít nước (trời nóng hay làm việc nhiều thì cơ thể sẽ bị mất nước qua mồ hôi), có thể do thực phẩm (ăn quá nhiều cà rốt, đu đủ, cam...), có thể do bệnh lý gan mật...
Khi uống bia, rượu thì nước tiểu có màu trong là do lượng nước uống vào tăng, và bản thân trong bia rượu cũng có chất lợi tiểu nên nước tiểu được tạo ra nhiều, pha loãng nên bớt vàng. Do vậy bia rượu không phải là cách để điều trị vấn đề nước tiểu vàng đục, dùng bia rượu nhiều sẽ có hại cho sức khỏe, trong đó có bệnh gan mật.
Như vậy, trước hết em nên khám chuyên khoa Thận - tiết niệu để kiểm tra xem nguyên nhân do đâu, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp.
- Vo Van Duc – vovan…@gmail.com
Thưa BS,
Em bị chảy máu cam mà không biết có phải bệnh không? Em đi khám bệnh mãi BS bảo em bị nóng trong người. Lâu lâu bị chảy máu cam, 1 tháng có thể chảy 3-4 lần. Mong BS tư vấn.
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com
Chào em,
Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam, có cả do tại chỗ hoặc do bệnh toàn thân.
Tại chỗ: do viêm nhiễm như viêm mũi cấp, viêm mũi mãn, viêm mũi do vi khuẩn, viêm mũi virút; viêm xoang cấp; viêm mũi vận mạch; viêm mũi dị ứng…
Do chấn thương vì ngoáy mũi hoặc dị vật lọt vào mũi (thường gặp ở trẻ em); sỏi mũi ở cả người lớn và trẻ em; sang thương gây loét hốc mũi thường gặp ở công nhân ngành hoá chất khi bảo hộ chưa tốt, do lao, giang mai hoặc bệnh phong (hủi). Do cấu trúc bất thường ở hốc mũi như vẹo hoặc gai của vách ngăn mũi… Do khối u: lành tính như u xơ vòm mũi họng, u do nấm và u ác tính như ung thư vòm họng, u hốc mũi, u xoang, u sàn sọ…
Nguyên nhân toàn thân như bệnh toàn thân cấp tính gây rối loạn đông cầm máu ban đầu như cúm, sởi nặng, sốt tinh hồng nhiệt, sốt xuất huyết, sốt rét…
Bệnh của hệ tim mạch như cao huyết áp; vỡ các phình mạch của hệ mạch máu động mạch cảnh; bệnh xơ vữa động mạch. Bệnh của hệ máu gặp ở những người có thể trạng thiếu máu nặng, nhiễm trùng nhiễm độc, thiếu vitamin. Bệnh bạch cầu cấp; suy tuỷ; giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, rối loạn chất lượng tiểu cầu, và những bệnh thuộc về mạch máu như bệnh ưa chảy máu.
Một số nguyên nhân khác như sự thay đổi nội tiết trong cơ thể ở người có thai, có kinh nguyệt hoặc dùng corticoide xịt mũi kéo dài không đúng chỉ định, dùng thuốc chống đông; do thay đổi áp lực của khí quyển, thay đổi thời tiết… Còn lại khoảng 5% không tìm được nguyên nhân (vô căn), thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, chảy máu tự nhiên số lượng ít tái diễn nhiều lần và hay gặp khi làm việc gắng sức hoặc đi ngoài nắng quá lâu.
Nếu
em đã khám bác sĩ Tai mũi họng và kết luận không có gì bất thường thì em có thể
yên tâm. Khi chảy máu cam ít, em nhớ dùng ngón cái cùng bên ấn nhẹ bên cánh mũi
chảy máu, giữ trong 5 - 10 phút, trong khi đầu để thẳng. nếu tình trạng chảy
máu cam tăng lên thì em nên khám lại bác sĩ để nội soi mũi kiểm tra. Nhớ chú ý
hạn chế thức ăn cay nóng.
Sau đây là lịch tư vấn tuần này (từ thứ hai ngày 20/6 đến chủ nhật ngày 26/6), AloBacsi trân trọng cập nhật để bạn đọc tiện theo dõi. Trân trọng thông báo:
|
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình