Hotline 24/7
08983-08983

Mồ hôi gây mùi khó chịu: Đông y chữa thế nào?

Đông y có cách trị liệu để giảm tiết mồ hôi và khử mùi, qua đó giảm hôi.

Mùi cơ thể hôi làm "khổ chủ" mất tự tin, gây trở ngại trong giao tiếp, ảnh hưởng khả năng thành đạt trong cuộc sống. Đông y có cách trị liệu để giảm tiết mồ hôi và khử mùi, qua đó giảm hôi.

Sự bài tiết mồ hôi giữ vai trò quan trọng trong điều hòa nhiệt độ cơ thể, giúp cơ thể duy trì nhiệt độ ổn định khi nhiệt độ môi trường bên ngoài có sự thay đổi. Tuy nhiên, theo thống kê trên thế giới có khoảng 3% số người bị chứng tăng tiết mồ hôi. Khi thời tiết nóng bức, mồ hôi có thể bị tăng tiết ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể như: vùng nách, hai bên bẹn, bộ phận sinh dục, bàn tay… gây trở ngại cho sinh hoạt và giao tiếp. Tăng tiết mồ hôi gây ẩm ướt, còn có thể gây hôi.

Y học cổ truyền có hai cách điều trị là cách dùng ngoài và uống trong.

Dùng ngoài

Cách 1: sau khi tắm sạch, dùng quả chanh tươi thái lát mỏng, xát vào nách, chờ khoảng 15 phút rồi rửa sạch, làm thường xuyên, ngày 1 lần sẽ có tác dụng khử mùi rất tốt.

Cách 2: bạc hà 10g, bạch chỉ 10g tán thành bột, trộn đều, tắm rửa sạch, rồi xát vào nách ngày 1 lần, liên tục 10 ngày.

Chanh tươi có tác dụng khử mùi rất tốt

Chanh tươi có tác dụng khử mùi rất tốt

Cách 3: dùng phèn chua nung lên thành bọt xốp, tán mịn. Sau khi tắm sạch, lau khô hố nách, lấy bột phèn chua xát vào hai hố nách. Mỗi ngày một lần.

Cách 4: dùng 4 lá trầu tươi, rửa sạch, giã nát. Sau khi tắm sạch chà xát vào hố nách. Làm liên tục trong 1 tháng sẽ cải thiện tình trạng hôi nách, do trầu có tác dụng khử khuẩn, khử mùi mồ hôi cơ thể.

Cách 5: mai hoa băng phiến, thanh mộc hương, thiên trạch hương, khô phàn, hoạt thạch, mỗi thứ 30g. Nghiền nhỏ mịn các dược liệu. Sau khi tắm sạch, thoa vào hố nách, kẽ ngón chân, mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 10 - 15 ngày, đạt hiệu quả cao.

Phèn chua
Phèn chua

Uống trong

Vệ khí hư: bệnh nhân tự ra mồ hôi không do mệt nhọc hay nhiệt độ oi bức, đồng thời có sợ gió sợ lạnh, dễ bị cảm, thường là do vệ khí hư, cần bổ vệ khí và khu phong.

Phương thuốc hay dùng là Ngọc bình phong tán gồm: hoàng kỳ 8g, bạch truật 16g, phòng phong 8g. Sắc uống.

Mồ hôi cũng được gọi là "tâm dịch" (dịch của tâm), vì vậy nên thêm thuốc để bổ tâm âm tâm khí và liễm âm khí gồm các vị: đảng sâm hoặc sa sâm 10g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 4g.

Khí huyết hư: bệnh nhân gầy yếu, mới ốm nặng dậy có vã mồ hôi thường do khí huyết hư. Cần phải bổ cả khí và huyết.

Phương thuốc thường dùng là Thập toàn đại bổ gồm: đảng sâm 16g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo 6g, đương quy 12g, thục địa 20g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, hoàng kỳ 10g, nhục quế 6g. Sắc uống.

Khí hư: do dùng thuốc làm ra mồ hôi quá liều (xông, thuốc cảm) làm mồ hôi cứ chảy liên tục không dứt, cần phải bổ khí. Có thể ngậm những lát nhân sâm để bổ khí, mồ hôi sẽ ngừng ra.

Hoặc dùng bài Nhân sâm dưỡng vinh thang gồm: nhân sâm 12g, 16g, đương quy 16g, thược dược 16g, địa hoàng 16g, bạch truật 16g, phục linh 16g, quế chi 8g, hoàng kỳ 12g, trần bì 8g, viễn chí 8g, ngũ vị tử 8g, cam thảo 6g.

Khí huyết hư thoát: do sau sinh mất nhiều máu hoặc mất nhiều máu do nguyên nhân khác có vã mồ hôi hột (choáng mất máu), đó là do khí thoát theo với huyết thoát. Cần bổ gấp nguyên khí. Phương thuốc hay dùng là Độc sâm thang: nhân sâm 6 - 8g sắc uống. Nếu ngoài vã mồ hôi hột lại có thêm chân tay lạnh toát, mạch rất khó bắt, đó là do cả dương và khí đều thoát, phải bổ gấp cả dương và khí (hồi dương cứu nghịch).

Phương thuốc hay dùng là Sâm phụ thang: nhân sâm 8g, phụ tử 8g sắc uống. Nếu thấy chân tay ấm lại, mạch đập rõ là đã có kết quả.

Âm hư: ban đêm ngủ say tỉnh giấc thấy: mồ hôi ướt quần áo và không thấy mồ hôi ra nữa gọi là mồ hôi trộm (đạo hãn). Thường do âm hư, cần bổ âm.

Phương thuốc Lục vị hoàn gồm: đan bì 9g, bạch linh 9g, trạch tả 9g, thục địa 24g, sơn thù 12g, hoài sơn 12g. Luyện mật làm hoàn ngày uống từ 8 - 12g, ngày dùng từ 2 - 3 lần uống với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt.

Tâm khí bất túc, Tỳ khí hư: bệnh nhân hồi hộp, ngủ không yên, ăn uống kém, không ngon miệng, thường đổ mồ hôi.

Phương thuốc: Quy tỳ thang gồm: đảng sâm 12g, chích hoàng kỳ 8g, đương quy 8g, bạch truật (sao) 8g, chích thảo 4g, táo nhân (sao) 8g, viễn chí 4g, phục thần 8g, long nhãn 8g, ngũ vị 10 hột, hồng táo 2 quả, gừng sống 3 lát. Sắc uống.

Trúng thử thuộc Thái Dương: bệnh nhân nóng sốt, khát nước, đổ mồ hôi, sợ lạnh, chân lạnh, mạch vi.

Phương thuốc: Bạch hổ gia nhân sâm thang gồm: thạch cao 40g, tri mẫu 16g, sinh cam thảo 8g, gạo tẻ 20g, nhân sâm 12g. Sắc uống.

Thương hàn tà ở Thiếu dương, hỏa uất: bệnh nhân lúc nóng, lúc lạnh, ngủ ra mồ hôi.

Phương thuốc: tiểu sài hồ thang gồm: sài hồ 12g, hoàng cầm 12g, bán hạ 8g, chích thảo 4g, nhân sâm 8g, gừng 3 lát, táo 2 quả. Sắc uống.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X