Hotline 24/7
08983-08983

Máy CT Photon khác gì so với MRI, ai cần chụp?

Mới đây, máy CT Photon thế hệ mới nhất, hiện đại nhất - là một trong 80 máy lắp đặt trên toàn cầu đã chính thức cập bến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để phục vụ tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim. AloBacsi đã trao đổi với TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn của bệnh viện về chiếc máy hiện đại này.

CT Photon và MRI có gì khác nhau?

Xin hỏi BS, máy CT Photon mới về Bệnh viện S.I.S Cần Thơ và MRI có gì khác nhau?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Máy CT Photon cũng như tất cả các loại máy CT thế hệ trước, khác hoàn toàn với máy MRI hay máy cộng hưởng từ về cơ chế. Máy CT là tạo hình ảnh sử dụng tia X, máy MRI hay máy cộng hưởng từ là dùng từ trường để tạo hình ảnh.

Máy MRI là một khối nam châm khổng lồ, người bệnh nằm bên trong, xung quanh là vùng từ trường rất cao, tạo ra những tín hiệu về tế bào các phân tử Hydro trong cơ thể để tạo hình ảnh.

Còn máy CT và máy X-quang sẽ có một lượng chùm tia X phát ra xuyên qua cơ thể, một bộ phận thu nhận tín hiệu từ tốc độ xuyên, độ dày, độ mỏng của mô, việc xuyên thấu đó cao hay thấp, sử dụng phân tích tín hiệu để tạo ra hình ảnh.

Máy CT Photon đặt chứng nhận của FDA 

- BS có đánh giá như thế nào về hiệu quả của máy CT Photon ạ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Các chuyên gia về tim mạch trên thế giới đã đánh giá máy CT Photon là một cuộc cách mạng về chẩn đoán hình ảnh CT. Với sự ra đời của máy CT Photon, việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý động mạch vành, bệnh lý tim mạch, ung thư phổi, tầm soát ung thư toàn thân,... sẽ bước sang một chương mới.

Chúng ta có thể yên tâm hơn về chất lượng hình ảnh, giúp được rất nhiều cho bệnh nhân trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là bệnh lý động mạch vành.

Máy CT Photon có phải là phương tiện tuyệt vời nhất để tầm soát đột quỵ?

- Hiện nay, các phương tiện tầm soát được coi là “thần thánh hóa” và trở thành vấn đề nóng hổi trong thời gian gần đây, vậy theo BS, máy CT Photon có thật sự thần thánh hóa như lời đồn về các các thiết bị tầm soát không ạ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Trong thời gian gần đây, rất nhiều thông tin có thể làm sai lệch giá trị của việc tầm soát như: lọc máu chữa đột quỵ, các quảng cáo về tầm soát,... Do đó, mọi người cần hiểu các vấn đề sau:

Đánh giá yếu tố nguy cơ đột quỵ: Việc đánh giá yếu tố nguy cơ gây đột quỵ chỉ cần xét nghiệm máu, không cần đợi kết quả chụp MRI, CT. Người bệnh cũng có thể biết bản thân có nguy cơ đột quỵ hay không thông qua việc lắng nghe sức khỏe của bản thân.

Vấn đề chẩn đoán sớm chỉ thực hiện khi bệnh nhân thật sự cần thiết. Ở mức độ cộng đồng, không nên đẩy tầm soát thành một trào lưu. Điều đó không đúng với các bác sĩ làm về chuyên khoa đột quỵ.

Tuyên truyền nguyên nhân gây đột quỵ: Hiện nay, việc tuyên truyền mọi người ngưng hút thuốc lá và rượu bia là hai vấn đề quan trọng. Hút thuốc lá có nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ, tim mạch, ung thư phổi,... Uống rượu bia nhiều có thể dẫn đến đột quỵ trực tiếp, gia tăng nguy cơ tiểu đường, gia tăng nguy cơ mỡ máu, ảnh hưởng một quá trình dài về sức khỏe con người. Còn hiện nay, uống rượu bia thường xuyên, bán thuốc lá cho trẻ em,... là câu chuyện thực tế vẫn diễn ra.

Với việc mọi người vào bệnh viện tầm soát, sau đó tiếp tục thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia,... yên tâm với kết quả đã tầm soát là điều sai lầm. Cần phòng ngừa từ xa, nguyên nhân nằm ở khắp nơi trong quá trình sinh hoạt, từ chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng, không khí, môi trường, áp lực công việc có thể gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Nhóm người cần ưu tiên tầm soát:

Người từng bị đột quỵ: Tầm soát có thể giúp bệnh nhân phát hiện được nguy cơ như: túi phình, dị tật, dị dạng, các tắc nghẽn mạch máu… Nguy cơ xảy ra đột quỵ trong khoảng thời gian gần, trên những nhóm người đã đột quỵ trước đó. Tại Việt Nam, hàng trăm ngàn người từng bị đột quỵ nhưng việc điều trị dự phòng tái phát vẫn chưa được thực hiện tốt. Đây chính là nhóm quan trọng nhất để tập trung tầm soát, tìm nguyên nhân và điều trị dự phòng.

Người có yếu tố nguy cơ cao: Những người có yếu tố nguy cơ cao về đột quỵ bao gồm: tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, tiểu đường không thể kiểm soát,..

Người có triệu chứng đột quỵ: Cơn thiếu máu não thoáng qua, chóng mặt, nói đớ, nói ngọng, tê yếu tay chân thoáng qua hoặc từng đo điện tim và có dấu hiệu thiếu máu cơ tim,... Tuy nhiên, bác sĩ đã tư vấn về những yếu tố nguy cơ mà người bệnh gặp phải nhưng họ không quan tâm.

Nhóm người có nhu cầu về sức khỏe cao: Những người này có thể bỏ ra chi phí để sang nước ngoài khám tầm soát sức khỏe định kỳ, thực hiện tầm soát, thậm chí bỏ ra hàng trăm triệu để kiểm tra sức khỏe mặc dù lúc này họ chưa mắc bệnh.

Trong tương lai của ngành y, chúng ta có thể đáp ứng được tất cả yêu cầu. Tuy nhiên, giá trị thực được ưu tiên nằm ở nhóm người thật sự có nhu cầu. Bởi vì, với những công nghệ của máy CT Photon, không bao giờ có thể tăng độ phủ để tất cả các bệnh viện tại Việt Nam có đủ thiết bị hiện đại, để đưa ra một kết quả chính xác nhất.

Điều quan trọng, nếu không có công nghệ cao, chúng ta sẽ không thể chứng minh và tìm ra nguyên nhân để điều trị phòng ngừa được cho bệnh nhân. Đó là lý do của sự phát triển công nghệ.

Hệ thống phòng chụp CT Photon tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S cần Thơ

Ai cần chụp CT Photon?

- Như vậy, theo BS, nhóm bệnh nhân nào nên/ không nên chụp để tránh tình trạng ồ ạt đi tầm soát bệnh, tốn kém về chi phí?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Một phương pháp chẩn đoán hình ảnh luôn có giá trị riêng và được chỉ định rõ ràng. Khi người bệnh có những cơn đau ngực, khó thở khi gắng sức, được chẩn đoán bệnh lý động mạch vành hoặc từng điều trị can thiệp động mạch vành qua da, từng đặt stent mạch vành và cần theo dõi diễn tiến bệnh,... Đó là những ưu tiên hàng đầu nếu có chỉ định chụp máy CT Photon.

Ngoài ra, những bệnh nhân có triệu chứng rối loạn nhịp tim, các dòng máy trước đây không thể ghi lại hình ảnh, thì đây là một ưu điểm vượt trội của máy CT Photon.

Chúng ta không có chỉ định đại trà hoặc chỉ định thay thế tất cả các loại máy CT khác. Bởi vì các vấn đề cơ xương khớp, những chấn thương sọ não vẫn có thể sử dụng các loại máy CT thế hệ trước mà không có sự khác biệt về kết quả chẩn đoán, chỉ khác về tốc độ chụp. 

Vì vậy, đây không phải cuộc chạy đua cách mạng trong việc đầu tư các trang thiết bị mắc tiền, để làm tốn kém nhiều hơn cho bệnh nhân. Đặc biệt, nhằm tránh làm dụng việc chẩn đoán hình ảnh, khi đi khám bệnh, người bệnh cần chuẩn bị đầy đủ các loại hồ sơ, giấy tờ để bác sĩ có thể sử dụng và tham chiếu.

Công nghệ luôn đi đôi với chuyên môn và tay nghề. Do đó, nếu chỉ tập trung chuyên môn, thiếu công cụ, máy móc cũng không thể giúp nhiều cho bệnh nhân. Ngược lại, chất lượng hình ảnh tốt nhưng việc điều trị, chẩn đoán, tái khám, chăm sóc sau bệnh, dặn dò người bệnh… không đúng, sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Đó là điều đặc biệt quan trọng, có tác động lớn nhất đến quyết định hiệu quả của một liệu trình điều trị.

Bởi vì khi đưa ra một chẩn đoán rõ ràng, bệnh nhân có bệnh lý động mạch vành, đã được đặt stent và điều trị tốt, nhưng bệnh nhân không uống thuốc, hút thuốc lá, uống rượu bia, thừa cân, béo phì, ít vận động, tăng huyết áp, tiểu đường,... việc điều trị không giúp được gì cho bệnh nhân cho dù đã có công nghệ cao.

Bài 1: Máy CT Photon quét toàn bộ cơ thể chỉ trong 12 giây

Xin chân thành cảm ơn TS.BS Trần Chí Cường!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X