Hotline 24/7
08983-08983

Máy CT Photon quét toàn bộ cơ thể chỉ trong 12 giây

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là đơn vị đầu tiên tại Đông Nam Á đầu tư và sắp đưa vào sử dụng máy CT Photon - có thể quét toàn bộ cơ thể chỉ trong khoảng 12 giây, trên thế giới chỉ mới có 80 chiếc máy được lắp đặt. TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn của bệnh viện chia sẻ về chiếc máy đặc biệt trị giá 150 tỷ này.

1. Máy CT Photon giảm đến gần 90% tia X phát ra, quét toàn cơ thể trong khoảng 12 giây

- Trước tiên, để bạn đọc hiểu rõ hơn, nhờ TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ thêm một số thông tin, mát CT Photon là gì, ra đời từ khi nào?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Cũng giống các loại máy CT thông thường, máy CT Photon ứng dụng các nguyên tắc cơ bản như tia X để tạo hình ảnh. Tuy nhiên, loại máy này đã bắt đầu ứng dụng công nghệ đầu tiên trên thế giới - đếm số photon phát ra, bằng cách tăng cường đầu thu. Đó là cuộc cách mạng mới trong công nghệ CT hiện nay.

Máy CT Photon được chính thức sản xuất và ra đời năm 2022, tiến hành thương mại hóa từ năm 2023 và bắt đầu có những máy đầu tiên trên thế giới được lắp đặt. Hiện nay, trên thế giới chưa tới 80 máy CT Photon, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á sở hữu chiếc máy công nghệ cao này.

- Công nghệ mới của máy CT Photon có gì khác biệt so với các loại máy thông thường, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Máy CT ra đời dựa vào số lát cắt để thực hiện đánh giá tốc độ chụp của máy và những chức năng, cơ quan mà máy có thể chụp được. Với các thế hệ máy CT trước đây, có thể đếm 680 - 800 lát cắt.

Trong khi đó, hiện nay máy CT Photon không sử dụng lát cắt mà áp dụng cách phát ra lượng tia X rất nhỏ, ghi nhận lại, rồi cụ thể hóa - đếm những gì chúng ta đã phát ra. Do đó, việc chẩn đoán hình ảnh hiện nay sẽ tái tạo được hình ảnh tốt nhất, giảm liều tia X phát ra an toàn cho bệnh nhân, gia tăng tốc độ chụp.

Kỹ thuật viên chuẩn bị chụp CT bằng máy CT Photon

Điều ấn tượng là tốc độ chụp của máy CT Photon, với chức năng quét toàn thân chỉ trong khoảng 12 giây, ngay lập tức có thể thấy cấu trúc trên hình ảnh học ở lát cắt với độ dày 1mm.

Những máy CT thế hệ cũ có chức năng tương tự nhưng tốc độ chậm, khiến bệnh nhân nằm trong máy thời gian dài, do đó, lượng thuốc cản quang cần bơm rất nhiều. Đặc biệt, lượng tia X phát ra rất lớn, không thể chụp cho bệnh nhân đang hôn mê, bất tỉnh, chấn thương sọ não và bệnh nhân có nhịp tim gia tăng.

Còn máy CT Photon khắc phục được tất cả các nhược điểm và chức năng trước đây chưa làm được ở CT.

2. CT Photon có thể thực hiện ở trẻ em, phụ nữ mang thai và người từng đặt stent

- Thưa BS, CT Photon giảm lượng tia X phát ra, như vậy mức độ ảnh hưởng bởi bức xạ khác biệt ra sao so với những dòng máy cũ?  

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Theo nhiều nghiên cứu thống kê và phân tích của các nhà khoa học hiện nay, lượng tia phát ra trên máy CT Photon giảm đến khoảng 90% so với các loại máy trước đây. Liều lượng tia có thể so sánh tương đương với tia bức xạ mặt trời.

Một liệu trình quét toàn cơ thể cũng giảm rất nhiều như một vài tấm phim chụp X-quang khu trú trên cơ thể. Đây là lý do máy CT Photon có thể thực hiện trên trẻ em an toàn hơn.

- CT Photon an toàn với trẻ em. Vậy còn với những nhóm người đặc biệt như phụ nữ mang thai thì sao ạ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Trên lý thuyết, chúng ta không nên tiếp xúc với tia X trong thời gian mang thai hoặc những người không được chỉ định, không có nhu cầu.

Song, nếu cân nhắc giữa mặt lợi và mặt hại, giả sử, phụ nữ mang thai bị chấn thương sọ não hoặc những trường hợp bắt buộc phải sử dụng máy CT, thì vẫn phải áp dụng cho nhóm người này. Bởi vì không phải tất cả phụ nữ mang thai khi vào máy CT hoặc chụp X-quang đều dẫn đến dị tật, dị dạng bào thai. Điều này chỉ có xác suất rất nhỏ (1/1000), nếu tiếp xúc 1 - 2 lần để áp dụng cho điều trị thì không phải chống chỉ định tuyệt đối.

Chuẩn bị cho người bệnh chụp CT

Nếu chúng ta chiếu một lượng tia X trong thời gian phân chia của tế bào, có thể ảnh hưởng của nhiễm sắc thể, làm đứt gãy các nhiễm sắc thể, tạo nên đột biến và có thể dẫn đến dị tật, dị dạng bào thai. Còn việc tiếp xúc với tia X trong máy CT Photon trong thời gian rất ngắn, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Thậm chí trong y khoa, trường hợp bệnh nhân đi khám thai hoặc những trường hợp trong 3 tháng cuối của thai kỳ, việc chụp X-quang hoàn toàn an toàn cho bệnh nhân. Nếu sản phụ sinh khó hoặc cần chụp X-quang khung chậu trước khi sinh, việc này vẫn được thực hiện thường quy. Vì lợi ích mang lại nhiều hơn là tác hại, bệnh nhân phải chấp nhận khi chụp tia X.

Hình ảnh hiển thị trong thời gian máy quét cơ thể

3. Chi phí và những vấn đề cần lưu ý trước khi chụp CT Photon

- Hiện tại, máy CT Photon chụp được trên những cơ quan nào, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời:

Trường hợp thứ nhất, chụp tầm soát khối u toàn thân bằng máy CT. Hiện nay với tốc độ của loại máy này, chỉ cần khoảng 12 giây để quét toàn cơ thể với lát cắt chiều dày 1mm.

Trường hợp thứ hai, những bệnh lý về ung thư phổi, vấn đề liên quan đến phổi, cơ xương khớp hoặc hệ mô mềm, gan, mật, tụy, lách,... đều có thể dùng máy CT để chẩn đoán các bệnh lý như chấn thương sọ não, chấn thương lồng ngực, khối u trung thất, u gan, u tụy, u lách, mạc treo hoặc những cấu trúc về thận, hệ sinh dục, tử cung, tuyến tiền liệt,... Đó là những cấu trúc có thể sử dụng máy CT Photon để chẩn đoán.

Tuy nhiên, có 2 vai trò quan trọng và được các bác sĩ quan tâm nhất. Một là chụp chẩn đoán hệ động mạch vành trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp, dự phòng chẩn đoán sớm bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp. Trước đây, trường hợp mạch vành đóng vôi khiến chúng ta chụp CT không thể thấy rõ mạch vành, vôi có thể che lấp và tạo xảo ảnh rất nhiều trong chụp CT.

Hai là, có thể chỉ định chụp bệnh nhân đã từng đặt stent mạch vành. Đây là vai trò khiến các chuyên gia rất tâm đắc. Bởi vì bệnh nhân cần kiểm tra và tái khám định kỳ, để chống việc tái hẹp trong stent, tắc stent dẫn đến tử vong.

Hiện nay, trong cộng đồng, có rất nhiều người đã từng đặt stent mạch vành. Nếu có bất kỳ các triệu chứng: đau thắt ngực, khó thở, mệt khi gắng sức,... giống như trước khi người bệnh đặt stent thì CT Photon là lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân.

Vì khi chụp bằng máy CT Photon thì bệnh nhân không cần chụp DSA, không cần tốn 2 ngày để bác sĩ luồn ống vào người chụp DSA rất xâm lấn. Khi ứng dụng máy CT Photon chỉ cần đặt đường truyền và một liều thuốc cản quang tối thiểu (chưa bằng 50%) so với lượng thuốc chụp DSA. Đồng thời, giúp bệnh nhân đi về trong ngày, thời gian chụp động mạch vành chưa đầy 10 phút, có thể đánh giá được nguy cơ tái hẹp, tắc lại stent đã đặt hay không?…

- Thưa BS, hiện chi phí chụp CT Photon tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ là bao nhiêu và BHYT có chi trả cho dịch vụ này?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Hiện nay, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, BHYT vẫn chưa chi trả cho việc chụp tầm soát. Do đó, với chiếc máy CT Photon có giá trị rất cao, lên đến hơn 150 tỷ đồng, nếu đặt vấn đề về bài toán kinh doanh là điều vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, thấy được nhu cầu của người dân, đáp ứng chuyên môn của bệnh viện thì hiện tại (năm 2023) chi phí cho mỗi lần chụp CT Photon là 7.500.000 VNĐ, với mức chi phí này so với thế giới là khá thấp. 

- Quy trình đăng ký chụp CT Photon tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ được tiến hành như thế nào, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Để tiến hành chụp CT, người bệnh cần nhịn ăn trước giờ chụp 4 - 6 tiếng, nhằm giảm nguy cơ bệnh nhân nôn ói, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, cần thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá chức năng thận vì thuốc cản quang có thể làm tăng nguy cơ suy thận.

Hiện máy CT Photon không chống chỉ định cho người suy giảm chức năng thận. Tuy nhiên, cần thận trọng trên bệnh nhân có suy giảm chức năng thận để sử dụng lượng thuốc phù hợp và theo dõi sau khi khi sử dụng thuốc cản quang, tránh nguy cơ tăng tình trạng suy thận.

Đặc biệt, người nhà và bệnh nhân cần lưu ý, khi sử dụng thuốc cản quang, sẽ có xác xuất nhỏ bị dị ứng, nổi mề đay, ngứa, nhưng chỉ là triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, xác suất 1/1.000.000 lần chụp CT trên toàn thế giới, vẫn có ca sốc thuốc nặng liên quan đến thuốc cản quang. Vì vậy, bác sĩ cần tư vấn cho gia đình và người bệnh. Đồng thời, ký giấy đồng ý chụp CT có bơm thuốc cản quang.

Nếu bệnh nhân tiểu đường có sử dụng thuốc metformin, cần ngưng trước 2 ngày nếu bệnh nhân có biểu hiện suy thận, giúp tránh việc tương tác thuốc làm suy thận nặng hơn.   

Trong trường hợp, bệnh nhân đã từng chụp cản quang hoặc có tiền căn dị ứng thuốc cản quang, cần thông báo cho bác sĩ để bác sĩ dự phòng vấn đề sốc thuốc cản quang có thể xảy ra.

Người bệnh có thể đăng ký giờ chụp và giải đáp các vấn đề liên quan qua hotline của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ 1800 1115. Nếu người bệnh đã có đầy đủ các xét nghiệm trước đó, việc chụp và nhận kết quả chỉ diễn ra trong 2 giờ, sau đó, bệnh nhân có thể ra về.

Bài 2: Máy CT Photon khác gì so với MRI, ai cần chụp?

Xin chân thành cảm ơn TS.BS Trần Chí Cường!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X