Hotline 24/7
08983-08983

Ma túy tổng hợp đội lốt “nước xoài”, “trà sữa”, “khô gà” - làm sao giúp trẻ tránh xa?

Ma túy tổng đội lốt món ăn vặt như “nước xoài”, “trà sữa”, “khô gà”,... len lỏi vào các trường học. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca để bảo vệ con trẻ trước những loại ma túy mới này.

alobacsima túy giả dạng nước xoài, trà sữaĐại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ca - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 175

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ma túy giả dạng món ăn vặt là chất gì?

Thông tin xuất hiện ma túy dưới hình dạng là món ăn vặt như: nước xoài, trà sữa, khô gà… khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Xin hỏi BS, loại ma túy đó cụ thể là chất gì?

Hiện nay các hoạt động của ma túy rất phức tạp qua những hình thức là đội lốt các thực phẩm và có ảnh hưởng rất nhiều đến giới trẻ hiện nay. Đặc biệt gần đây có nước “nước xoài” là một dạng có chứa bromazepam - đây là một chất được dùng trong y học để điều trị 1 số bệnh lý. Tuy nhiên với nồng độ của 1 gói có tới trên 17gram thì nó có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí có thể tử vong khi sử dụng loại nước xoài này.

Tùy từng loại mà nó có chứa thêm các thành phần khác nhau; nhưng nhìn chung những loại thực phẩm này đều có tác động lên thần kinh, và từ đó dẫn đến các rối loạn như:

- Nếu nhẹ: mất ngủ, suy nhược.

- Nặng hơn: ảo giác gây nên rối loạn hành vi và một số bất thường khác.

Đặc biệt với trẻ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập, các mối quan hệ trong quá trình sinh hoạt ở nhà trường và gia đình.

2. Làm sao để nhận biết đồ ăn thức uống có chất gây nghiện?

Mọi người có thể phát hiện trong thức ăn, đồ uống của mình có chất gây nghiện hay không ạ? Nếu đã ăn phải món ăn, đồ uống có chất gây nghiện, trong người sẽ cảm thấy như thế nào?

Bằng những cảm quan của con người như: khứu giác, vị giác chúng ta rất khó để phát hiện ra được các chất gây nghiện ở trong những thực phẩm này. Thậm chí phải bằng những nghiệp vụ rất tiên tiến của các cơ quan nghiệp vụ mới có thể phát hiện được ẩn chứa trong sản phẩm là các chất gây nghiện.

Tuy nhiên, khi sử dụng những thực phẩm có chứa chất gây nghiện thì sẽ gây ra những phản ứng cho cơ thể ví dụ như: trẻ bị kích thích, bồn chồn, khó chịu, lâng lâng, các phản ứng thần kinh có thể xảy ra. Tiêu biểu như:

- Trẻ bị rối loạn giấc ngủ: ngủ nhiều, mất ngủ.

- Gây ra ảo giác dẫn đến những rối loạn trong quá trình học tập sinh hoạt.

3. Cha mẹ hướng dẫn con thế nào để trẻ tránh xa món ăn vặt có ma túy?

Theo BS, cha mẹ nên hướng dẫn như thế nào để con trẻ nhận biết món nào ăn được, món nào phải tránh xa?

Để có thể cấm trẻ sử dụng những loại thức ăn bán ở cổng trường thật sự là rất khó, bởi đây là những sản phẩm kích thích sự tò mò và cảm hứng của trẻ khi sử dụng. Do đó phụ huynh cần:

- Tăng cường giáo dục hướng dẫn trẻ em biết phân biệt các loại thực phẩm bán ở trường.

- Hạn chế việc cho trẻ tiền tiêu vặt để mua những loại thực phẩm đó.

- Chuẩn bị các thực phẩm cho trẻ mang đến trường mà gia đình có thể quản lý được.

- Phối hợp cùng nhà trường trong quá trình hướng dẫn giáo dục trẻ. Đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương để hạn chế việc bán những thực phẩm không rõ nguồn gốc quanh trường học

Một vài điều chúng ta cần lưu ý trong việc giáo dục trẻ:

- Không có gì ngon, rẻ mà lại bổ! Chắc chắn những thực phẩm bán ở cổng trường là những thực phẩm không có lợi.

- Những sản phẩm được bán một cách lén lút, thiếu sự công khai về nhãn mác, địa chỉ, tên nhà cung cấp thì chúng ta cần hướng dẫn thật kỹ cho trẻ để trẻ nhận biết được.

- Hướng dẫn trẻ mua hàng ở những nơi được phép cung cấp, trao đổi, mua bán; tránh việc lên mạng mua một cách lén lút.

- Dò hỏi trẻ mua những thực phẩm gây nghiện từ đâu, đôi khi chính bạn bè của trẻ là những người buôn bán các loại thực phẩm gây nghiện này.

Với tất cả các cơ sở sản xuất như: trà sữa, khô gà hoặc các sản phẩm khác có đăng ký sản xuất và tuân thủ quy định của pháp luật thì những cơ sở này đủ điều kiện để kinh doanh và sản xuất cũng như cung cấp cho người tiêu dùng. Chỉ có một số cơ sở đội lốt các sản phẩm, lợi dụng để trà trộn vào thị trường nhằm mục đích riêng, không tuân thủ pháp luật, khi đó chúng ta cần thật sự cảnh giác với những sản phẩm này.

Thông qua đó, chúng ta cần phải đưa ra những thương hiệu an toàn đối với người sử dụng đồng thời cảnh báo những sản phẩm nào không an toàn để người dân biết và phòng tránh không cho con trẻ của mình sử dụng.

4. Biểu hiện của trẻ bị nghiện?

Nhờ BS đưa ra hướng dẫn để phụ huynh và các thầy cô giáo nhận ra biểu hiện trẻ đã bị nghiện?

Khi trẻ bị nghiện thường có những biểu hiện:

- Trẻ bồn chồn muốn làm một điều gì đó, cảm giác thèm thuồng.

- Hay ngáp vặt, chảy nước mắt, nước mũi.

- Lơ là buồn ngủ, không tập trung cho việc học.

- Có những hành vi bất thường trong giờ học cũng như lúc ở nhà.

- Sụt cân (thay đổi cân nặng trong một thời gian ngắn)

- Hay tụ tập với nhau sử dụng một thực phẩm, chất nào đó.

Nồng độ chất gây nghiện trong thực phẩm là không nhiều, thế những nếu sử dụng lâu ngày cũng có thể khiến trẻ bị nghiện. Vì thế cần phải để ý, theo dõi, quan sát và quản lý trẻ nhiều hơn để có thể sớm phát hiện tình trạng trẻ bị nghiện.

Khi trẻ sử dụng những thực phẩm có chất gây nghiện, nếu quan sát chúng ta có thể phát hiện ra những biểu hiện như: thường xuyên sử dụng thực phẩm ở một địa chỉ nào đó, có những biểu hiện như đi lại bồn chồn, khó chịu, gầy (sụt cân), xanh xao, ăn uống kém, đôi khi trẻ sẽ nói nhiều hơn hoặc có những trẻ thích ở một mình, ít tiếp xúc với mọi người. Khi trẻ bị nghiên sẽ gây ra những hậu quả như: trẻ sử dụng tiền một cách bừa bãi, lừa dối cha mẹ, người thân để lấy tiền.

5. Xét nghiệm máu có phát hiện được trẻ bị nghiện không?

Xét nghiệm máu có phát hiện được trẻ bị nghiện không ạ? Và nên đưa trẻ đến cơ sở y tế nào để xét nghiệm chất gây nghiện?

Hiện nay có nhiều cách xét nghiệm các chất gây nghiện ở trong máu, nước tiểu. Tuy nhiên vấn đề quan trọng vẫn là thời điểm sử dụng các chất gây nghiện từ khi nào.

Thời gian các chất gây nghiện ở trong máu là rất ngắn; vì thế kết quả xét nghiệm trả về có thể bị “âm tính giả”; không dễ dàng để phát hiện ra được những chất gây nghiện nào đang ở trong máu.

Ngoài Bệnh viện Nhi Đồng hiện nay có rất nhiều bệnh viện có các test (kiểm tra) để chúng ta có thể test nhanh. Tuy nhiên thời gian các chất gây nghiện lưu ở trong máu, nước tiểu là rất ngắn vì thế việc đợi kết quả xét nghiệm để có thể biết dương tính hay âm tính thì có thể lúc đó đã muộn. Quan trọng vẫn là phòng hơn chữa.

6. Ngoài xét nghiệm, còn những phương pháp nào để chẩn đoán một người bị nghiện?

Có những người muốn giấu việc mình bị nghiện và chờ cho ma túy đào thải khỏi cơ thể mới đi xét nghiệm thì BS còn những phương pháp nào để chẩn đoán người đó bị nghiện?

Một số trẻ có những cách thức đối phó trong quá trình tiến hành xét nghiệm, khi đó về mặt nguyên tắc chúng ta vẫn phải tiến hành lấy mẫu nước tiểu trong thời gian sớm nhất (khoảng 4 giờ). Trong một số tình huống bất lợi có thể lấy nước tiểu sau đó lưu lại trong tủ lạnh để có thể thực hiện xét nghiệm. Các bậc phụ huynh cần tinh tế trong việc vận động sự phối hợp của trẻ, giúp các bác sĩ lấy được mẫu xét nghiệm một cách nhanh nhất.

Một khi đã nghiện, người dùng có thể vẫn tiếp tục sử dụng chứ không thể chờ cho các chất ma túy đào thải khỏi cơ thể.

Để đánh giá người đó có bị nghiện hay không, chúng ta có thể kiểm tra và từ đó đánh giá qua những điều khác thường trong quá trình sinh hoạt, cuộc sống của họ. Bởi khi chất gây nghiện vào cơ thế nó không phải là một liều cao để có thể gây nên tình trạng “nhiễm độc cấp tính” mà đây chỉ là những thực phẩm có chất gây nghiện ở nồng độ thấp. Nhưng nếu dùng lâu người bị nghiện sẽ bị ảnh hưởng và có những thay đổi trong cuộc sống như: thức khuya, giảm chất lượng trong lao động, học tập, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, trong các mối quan hệ có thể không kiểm soát được cảm xúc,….

7. Điều trị cai nghiện cho trẻ được tiến hành như thế nào?

Nếu chẳng may trẻ thật sự đã bị nghiện rồi, việc điều trị cai nghiện cho trẻ sẽ được tiến hành như thế nào ạ?

Nếu không may trẻ bị nghiện những loại sản phẩm có chứa ma túy thì cần: đánh giá tác động của chất gây nghiện trên thần kinh trẻ như thế nào. Tùy theo mức độ để chúng ta có những bước xử trí tiếp theo:

+ Nếu chỉ dừng lại ở việc trẻ mới sử dụng thì các bậc phụ huynh có thể giáo dục, khuyên răn để trẻ từ bỏ.

+ Qua quá trình thăm khám, xét nghiệm phát hiện trẻ có những rối loạn về thần kinh như: ảo giác, rối loạn hành vi, cảm xúc do những chất gây nghiện gây nên thì buộc trẻ sẽ phải tuân thủ theo một quá trình điều trị một cách nghiêm ngặt hơn.

Liệu trình điều trị sẽ tùy theo từng mức độ:

- Mức độ nhẹ: có thể chăm sóc tâm lí, sử dụng các loại thuốc sinh tố để bồi bổ cho cơ thể cho bệnh nhân.

- Mức độ nặng: có thể sẽ phải sử dụng thuốc an thần và các loại thuốc hỗ trợ khác.

- Mức độ nặng hơn: Cần phải ở lại bệnh viện một thời gian để tiện cho việc điều trị theo dõi như việc các bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân cắt được các cơn rối loạn ảo giác, cảm xúc của người bệnh.

Tái nghiện là một điều dễ xảy ra nếu như không có sự đồng bộ trong việc phối hợp giữa các bậc phụ huynh, nhà trường,... Có thể các bậc phụ huynh sẽ nghiêm cấm không cho trẻ sử dụng, nhưng môi trường xung quanh trẻ vẫn có nhiều sản phẩm được bán trôi nổi trên thị trường; có thể trẻ vẫn sẽ bị tái nghiện một cách dễ dàng.

Khi tái nghiện việc điều trị chắc chắn sẽ khó khăn hơn, những tổn thương ở thần kinh sẽ nặng nề hơn, thậm chí phải sử dụng nhiều thuốc hơn bình thường. Những di chứng về mặt thần kinh chủ yếu là những tổn thương không hồi phục với não và dẫn đến những rối loạn về mặt cảm giác, cảm xúc của bệnh nhân như trầm cảm, rối loạn lo âu,… Kết quả là chất lượng học tập của trẻ bị sút giảm, mối quan hệ với các bạn trong nhà trường, giữa các thành viên trong gia đình bị biến đổi tùy theo những mức độ tổn thương của thần kinh.

Khi các chất ma túy này không được quản lí chặt chẽ thì đây chính là gánh nặng cho toàn xã hội. Trong việc giúp trẻ phòng được những chất gây nghiện này, có thể nói đây chính là một cuộc chiến kết hợp bởi nhiều các yếu tố tham gia.

- Đối với địa phương: Cần phải có các quy định, đặc biệt là phát hiện, phòng ngừa và nghiêm cấm các đối tượng cung cấp, sản xuất các chất gây nghiện.

- Đối với nhà trường: cần giáo dục thường xuyên, quản lí các địa bàn xung quanh nhà trường để môi trường xung quanh nhà trường được “trong sạch”.

- Đối với phụ huynh: Ngoài việc tăng cường, giáo dục giúp trẻ nhận biết các sản phẩm đội lốt ma túy; bên cạnh đó cần quản lí việc chi tiêu của con, em mình cho phù hợp. Không để trẻ sử dụng tiền một cách tự do. Thường xuyên theo dõi những biểu hiện, hành vi, các thay đổi của trẻ sau một ngày học để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X