Hotline 24/7
08983-08983

Lý do trẻ ít bị COVID-19 hơn người lớn, nếu mắc bệnh cũng không nặng?

Dường như trong đại dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân là trẻ em không nhiều, có bị bệnh thì cũng không nặng. Vậy nguyên nhân do đâu? Mời quý bạn đọc theo dõi phần giải đáp của TS.BS Trần Anh Tuấn ngay dưới đây!

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hệ miễn dịch của trẻ hình thành như thế nào?

Nhiều người thường nghĩ trẻ em có sức đề kháng yếu, cần được bảo vệ kỹ càng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng hệ miễn dịch của trẻ em còn “trẻ trung”, hoạt động nhạy bén nên trẻ nhỏ thường mau khỏi bệnh. Như vậy, chúng ta nên hiểu thế nào về hệ miễn dịch của trẻ nhỏ, thưa BS?

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta cần phải hiểu để biết cách chăm sóc trẻ cho đúng. Thực chất môi trường sống có rất nhiều loại mầm bệnh, vi sinh vật khác nhau như vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng,…luôn chực chờ để tấn công, gây bệnh cho cơ thể.

Để chống lại sự tấn công này thì cơ thể cần có một hàng rào bảo vệ. Hàng rào này có thể là da hay hệ thống niêm mạc, khiến các mầm bệnh không thể xâm nhập sâu vào trong cơ thể.

Tuy nhiên, khi các mầm bệnh vượt qua hàng rào bảo vệ đầu tiên thì cơ thể sẽ tận dụng hệ thống miễn dịch để ngăn chặn và tiêu diệt chúng. Nếu các tác nhân này xâm nhập sâu hơn thì cả hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được huy động, bao gồm các tế bào bạch cầu và các tế bào miễn dịch khác. Các tế bào này sẽ tiết ra rất nhiều hóa chất và protein có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh.

Với trẻ em, làn da của các bé rất non và dễ tổn thương khi bị tác động xấu từ các yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của trẻ cũng còn khá non yếu. Nhất là các bé sơ sinh ở những ngày đầu đời thì hoàn toàn không đủ kháng thể để chống lại các mầm bệnh trên. Thời gian này, các bé không có khả năng tự sản xuất ra kháng thể, mà chủ yếu được thừa hưởng từ mẹ trong 6 tháng đầu của thai kỳ.

Sau 6 tháng, lượng kháng thể từ mẹ truyền sang con bắt đầu suy giảm và trẻ phải tự lực cánh sinh. Vì vậy, khi còn nhỏ trẻ rất dễ mắc bệnh chứ không phải như chúng ta hay lầm tưởng. Do đó, trẻ cần được bảo vệ đoàng hoàng và kỹ lưỡng hơn.

Các loại kháng thể mà trẻ có được chủ yếu từ những lần tiếp xúc hoặc nhiễm bệnh từ các loại vi khuẩn, virus bên ngoài. Sau những lần nhiễm bệnh như vậy sẽ kích thích cơ thể các bé sản xuất ra được một nguồn kháng thể. Kháng thể này được lưu trữ và giúp cơ thể chống lại virus này ở lần xâm nhập tiếp theo. Nhiều lần như vậy sẽ giúp trẻ tích lũy đủ các loại kháng thể chống lại các mầm bệnh gây bệnh thông thường.

Nguồn kháng thể thứ 2 là tiêm chủng. Bằng các phương pháp khoa học khác nhau, người ta đưa vào cơ thể loại sinh vật đã bị làm yếu khả năng gây bệnh để kích thích cơ thể sinh kháng thể. Và khi lớn lên, trẻ sẽ có được hệ thống miễn dịch đầy đủ và tương đối hoàn chỉnh để chống lại các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng.

TS.BS Trần Anh TuấnTS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1

2. Độ tuổi trẻ có sức đề kháng tốt nhất?

BS có thể cho biết từ lúc mới sinh cho đến 14-15 tuổi, giai đoạn nào trẻ có sức đề kháng tốt nhất không ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Đây là điều chúng ta cần chú ý, đặc biệt là với trẻ sinh non, trẻ dưới 3 tháng tuổi hệ thống miễn dịch rất kém. Giai đoạn này trẻ rất non nớt và dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, khi vượt qua mốc 3 tuổi, 5 tuổi thì lượng kháng thể đã được hình thành đầy đủ qua các “trận chinh chiến” và việc chủng ngừa.

Qua 5 tuổi, sức đề kháng của trẻ tương đối ổn định. Trẻ càng lớn lên thì hệ thống miễn dịch càng mạnh cháu đủ để chống lại các bệnh khác nhau, trong đó có nhiễm trùng, đúng với câu nói “tuổi 17 bẽ gãy sừng trâu”.

3. Tại sao trẻ em ít mắc COVID-19 hơn người lớn?

Dường như trong đại dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân là trẻ em không nhiều, có bị bệnh thì cũng không nặng. Xin BS cho biết nhận định này sau 1 năm có còn đúng không? Và vì sao có hiện tượng này ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Đây là điều được ghi nhận rất rõ ràng ở khắp nơi trên thế giới. Người ta nghĩ rằng, khi bệnh dịch tấn công vào cơ thể thì sức đề kháng của trẻ nhỏ yếu, nên dễ nhiễm bệnh hơn. Nhưng trong dịch COVID-19, người ta ghi nhận số trẻ nhiễm bệnh lại ít hơn.

Theo những báo cáo đầu tiên từ Trung Quốc, Hàn Quốc, tỉ lệ trẻ nhiễm COVID-19 chỉ chiếm 2,4%. Khi dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới thì tỉ lệ này có tăng nhẹ nhưng chỉ chiếm khoảng 3-4%. Tuy nhiên, khoảng 80% trẻ em mắc COVID-19 lại không có triệu chứng. Đặc biệt, trường hợp trẻ em tử vong do COVID-19 lại rất hiếm.

Theo số liệu chúng tôi có được thì tỉ lệ trẻ em phải nằm hồi sức do COVID-19 chỉ khoảng 0,2%. Đây là một sự việc rất đặc biệt.

Đến bây giờ, người ta nêu ra hơn chục giả thuyết khác nhau để giải thích vấn đề này. Giả thuyết được nhiều người ủng hộ nhất bao gồm nhiều yếu tố. Lý do đầu tiên, người ta cho rằng khi corona virus gây ra COVID-19 muốn tấn công vào cơ thể thì nó phải bám được vào những điểm tiếp nhận, đặc biệt là màng tế bào. Đối với trẻ em thì những điểm tiếp nhận này chưa phát triển nhiều nên virus này không có chỗ bám để xâm nhập vào cơ thể giống như người lớn.

Lý do thứ hai, trẻ em dưới 5 tuổi rất thường dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mà trong đó 70-80% là các bệnh do virus. Sau mỗi lần nhiễm bệnh trẻ được hình thành kháng thể, mặc dù những kháng thể này không chuyên biệt cho một loại virus nào. Sau nhiều lần nhiễm bệnh như vậy thì trẻ có một hàng rào bảo vệ. Khi corona virus tấn công vào cơ thể thì bị hàng rào bảo vệ ngăn chặn.

Lý do thứ ba, người ta cho rằng có thể là tác động khác của chủng ngừa lao. Ở nước ta, việc chủng ngừa lao là việc được ưu tiên hàng đầu. Việc chích ngừa lao sinh ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn lao. Ngoài ra, nó còn kích thích hệ thống miễn dịch tế bào hoạt động mạnh hơn. Hệ thống miễn dịch tế bào vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của virus, trong đó có corona virus.

Bên cạnh đó, trẻ cũng không mắc những bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, thận,… nên cũng không bệnh nặng hơn khi nhiễm corona virus.

Tôi và những thành viên khác của Hội lồng ngực Hoa Kỳ nhận được đề nghị phải nghiên cứu xem vì sao trẻ em lại ít bị nhiễm bệnh và khi nhiễm bệnh lại ít diễn biến nặng. Và điều này vẫn đang được khảo sát.

4. Biến thể virus SARS-CoV-2 có gây nguy hiểm cho trẻ?

Tuy nhiên gần đây, có nhiều điều đáng lo ngại về biến chủng, biến thể virus SARS-CoV-2, rằng những biến thể này sẽ gây nguy hiểm cho trẻ em hơn so với trước. Theo BS, những thông tin này có đúng với tình hình ở Việt Nam không?

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Gần đây, người ta ghi nhận thấy tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng so với trước đây. Đặc biệt ở những nước đang có dịch bệnh nhiều như Hoa Kỳ thì số trẻ mắc bệnh có cao hơn trước. Vì vậy, chúng ta luôn phải cảnh giác.

Khi số lượng trẻ mắc bệnh tăng ở những nước dịch bệnh nhiều thì điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế sẽ hạn chế và đặt ra bài toán khó về phương diện y tế. Khi đó, số lượng trẻ mắc bệnh nặng cũng sẽ tăng theo tỷ lệ nhất định. Trước mắt, chúng ta có thể mừng vì trẻ ít mắc bệnh COVID-19 nhưng đồng thời không được chủ quan, vì hiện tại nhân loại chưa biết đầy đủ về bệnh COVID-19 ở người lớn cũng như trẻ em.

Khi dịch COVID-19 diễn ra, Việt Nam đã áp dụng giãn cách xã hội và hạn chế đến các cơ sở y tế. Trong thời gian này, nếu trẻ mắc các bệnh thông thường khác như bệnh nhiễm trùng hô hấp hay nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc vì nhiều lý do khác nhau mà trẻ không thể đến được các cơ sở y tế để chăm sóc đầy đủ, thì sẽ có ít điều kiện để nhận được điều trị đầy đủ như thuốc men, nguồn lực, tài lực,...

Do đó, có thể thấy COVID-19 không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe trẻ mà còn gián tiếp. Người ta ước tính rằng, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài thì tỉ lệ tử vong do bệnh nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi ở trẻ em có khả năng gia tăng tới 75% so với bình thường. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan với dịch bệnh này ở trẻ em.

Còn việc COVID-19 biến thể là vấn đề thời sự và được rất nhiều người quan tâm. Chúng ta biết rằng, virus là loại có cấu trúc di truyền cực kỳ đơn giản và có đặc điểm rất hay đột biến, phát sinh ra những biến thể virus khác nhau. Riêng với COVID-19, hiện người ta nhận thấy có 3 biến thể chính và được quan tâm nhiều nhất trên thế giới. Biến thể thứ nhất có nguồn gốc từ Anh Quốc, biến thể thứ 2 từ Nam Phi và biến thể thứ 3 từ Brazil.

Hiện người ta vẫn chưa biết đầy đủ về mức ảnh hưởng của những loại biến thể này đối với sức khỏe cộng đồng, sức khỏe của người lớn cũng như trẻ em. Những nhận xét đầu tiên chỉ ra rằng, những biến thể mới có khả năng lây bệnh mạnh hơn, nhanh hơn. Tuy nhiên, chúng có thể làm bệnh nặng hay tử vong nhiều hơn hay không thì vẫn chưa biết rõ, vì vấn đề còn quá mới.

Khi virus lây lan mạnh hơn, số người mắc nhiều hơn thì số lượng người mắc bệnh nặng nhập viện và tử vong nhất định sẽ tăng đáng kể. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm là tiếp tục theo dõi và giám sát sự xuất hiện và lây lan của những biến thể mới này. Chưa kể việc liên quan đến vấn đề điều trị và đặc biệt là vắc xin. Người ta vẫn phải nghiên cứu rằng những loại vắc xin đang “HOT” hiện tại có đủ sức để bảo vệ cơ thể trước những biến thể mới.

5. Làm sao bảo vệ trẻ trước COVID-19?

Xin BS đưa ra lời khuyên làm thế nào để các bậc phụ huynh có thể bảo vệ con em mình trước tình hình SARS-CoV-2 có nhiều biến thể khó lường?

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Đối với Việt Nam, một trong những giải pháp phòng chống sự lây lan của COVID-19 đó là giải pháp 5K. Đây là một sáng kiến rất hay của Chính phủ cũng như ngành y tế Việt Nam. Giải pháp này vẫn có thể áp dụng được cho trẻ em trong một chừng mực nào đó, tuy nhiên người lớn cần hỗ trợ và tác động cho trẻ.

Đầu tiên là việc đeo khẩu trang. Nếu như người lớn đã quen với việc đeo khẩu trang thì cũng phải giúp trẻ có thói quen đó. Chẳng hạn, khi ra đường, chúng ta cho trẻ đeo khẩu trang bằng vải. Trong trường hợp trẻ đến các cơ sở y tế để khám bệnh thì phải đeo các loại khẩu trang y tế 2 -3 lớp để tăng khả năng bảo vệ cao hơn.

Thời gian đầu khi COVID-19 bùng nổ, các bậc cha mẹ lo lắng trẻ nhỏ có chịu đeo khẩu trang hay không. Nhưng hiện tại chúng ta có thể thấy các em nhỏ đeo những chiếc khẩu trang nhỏ nhắn có màu sắc, họa tiết bắt mắt khiến các cháu thích thú hơn. Đó là thói quen tốt cần duy trì.

Thứ hai là khử khuẩn. Khử khuẩn bao gồm rửa tay và khử khuẩn môi trường xung quanh. Với điệu nhảy “Ghen cô vy” thì các em nhỏ cũng quen với tập quán rửa tay. Với làm này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn phòng các bệnh hô hấp khác.

Ngoài ra, chúng ta cần chú ý việc khử khuẩn môi trường xung quanh. Cha mẹ cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, để chống ô nhiễm. Tập cho trẻ biết sắp xếp đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp sau khi chơi xong.

Thứ 3 là vấn đề giữ khoảng cách. Thời điểm hiện tại đa số các trường học vẫn tiếp tục cho trẻ học ở nhà, đó là một hình thức giữ khoảng cách. Việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét là vô cùng quan trọng.

Theo nghiên cứu, người bệnh khi ho, hắt hơi, nhảy mũi thì nước bọt bắn ra tối đa 2 mét. Nếu giữ được khoảng cách này và tránh cho trẻ tiếp xúc với người lạ cũng là một cách để phòng chống bệnh đường hô hấp, trong đó có COVID-19.

Thứ 4 là không tụ tập nơi đông người. Cha mẹ nên cho trẻ ở nhà, không lui tới những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết.

Thứ 5 là khai báo y tế. Trẻ em không thể tự khai báo y tế nên người lớn phải giúp đỡ con em mình. Nếu người lớn đi cùng trẻ đến vùng dịch hoặc tiếp xúc với người là F0, F1, F2,… thì phải tự giác khai báo y tế để kịp thời phát hiên bệnh và cách ly.

6. Trẻ khỏi COVID-19 có bị hội chứng “hậu COVID” không?

Trên thế giới đã có những cảnh báo về hội chứng “hậu COVID” xảy ra ở người lớn sau khi khỏi bệnh, họ vẫn mệt mỏi, mất ngủ trong thời gian dài, thậm chí bị trầm cảm. Theo BS, nếu trẻ em đã khỏi bệnh COVID-19 liệu có bị hội chứng này không ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu nào nói về vấn đề “hậu COVID” ở trẻ em, nhưng theo tôi là có. Bởi, khi trẻ mắc bệnh vẫn sẽ bị virus corona tấn công vào những cơ quan khác nhau.

Thời gian dịch bệnh làm trẻ bị xáo trộn thời gian học tập, không được gặp bạn bè, phải cách ly xã hội, những hạn chế giao tiếp,… khiến tinh thần bị tác động mạnh. Việc đi học bị gián đoạn khiến cho trẻ khi đi học trở lại khó khăn hơn.

Vì vậy, hội chứng “hậu COVID” ở người lớn như thế nào thì tôi nghĩ rằng ở trẻ em hoàn toàn có khả năng xảy ra nhưng biểu hiện, mức độ thế nào thì cần thêm thời gian để đánh giá đầy đủ.

7. Tác dụng của việc rửa tay và đeo khẩu trang ở trẻ trong mùa dịch COVID-19?

Có ý kiến rằng việc tuân thủ rửa tay và đeo khẩu trang trong mùa dịch COVID-19 đã góp phần giảm đáng kể các bệnh lây qua đường hô hấp khác. Theo quan sát của BS trong 1 năm qua, tình hình có đúng như ý kiến vừa nêu không ạ? Thật sự có những bệnh nào đã tăng/giảm số lượng.

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Sau đợt bùng phát dịch đầu tiên, số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện ở các bệnh viện trên toàn quốc đều giảm đáng kể. Số lượng bệnh nhân giảm từ 20-25% ở các bệnh viện thường xuyên quá tải như: BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Ung bướu, BV 115. Vấn đề giảm số lượng bệnh nhân tới khám và nhập viện trong thời gian COVID-19 là có thật.

Lý do đầu tiên là việc đeo khẩu trang và việc rửa tay. Rửa tay là “vũ khí” lợi hại, là loại vắc xin rẻ tiền nhưng vô cùng hiệu quả. Hai bệnh hô hấp quan trọng khiến trẻ nhập viện và tử vong là viêm phổi và viêm phế quản. Mặc dù là bệnh đường hô hấp nhưng nguyên nhân chính là từ đôi bàn tay nhiễm bẩn. Cả thế giới loay hoay gần 50 năm vẫn chưa tìm được vắc xin phòng ngừa bệnh viêm đường phế quản và người ta công nhận rằng rửa tay là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.

Nếu làm tốt việc rửa tay thì sẽ giảm thiểu số trẻ mắc bệnh, nhập viện và tử vong do viêm phổi. Vì vậy, tuân thủ việc rửa tay và đeo khẩu trang sẽ giúp giảm thiểu đáng kể các bệnh về đường hô hấp cũng như COVID-19.

Bên cạnh đó, việc đưa trẻ về quê sống với môi trường trong lành giúp các em ít bị mắc bệnh hơn. Ngoài ra, trẻ không đi học cũng giúp giảm đáng kể việc mắc các bệnh đường hô hấp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X