Hotline 24/7
08983-08983

Lý do khiến vết thương ở người tiểu đường lâu lành hơn bình thường

Trong sinh hoạt hàng ngày, việc bị thường là điều vô cùng bình thường, một số vết thương nặng có dấu hiệu nhiễm trùng nhẹ đều có thể tự lành lại. Ngược lại, vết thương ở người bệnh tiểu đường lâu lành do hệ thống miễn dịch suy giảm, tuần hoàn máu kém làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng lên tim, mắt, phổi, thận…

I. Vì sao vết thương ở người mắc bệnh tiểu đường lâu lành hơn bình thường?

Hầu hết người bệnh tiểu đường đều suy giảm hệ miễn dịch. Tế bào bạch cầu đóng vai trò là trung tâm của hệ thống miễn dịch. Đường huyết ở mức cao làm suy giảm chức năng tế bào bạch cầu khiến cơ thể giảm hoặc không còn khả năng chống lại vi khuẩn. Việc điều trị vết thương ở người bệnh tiểu đường rất khó khăn và dễ tái phát.

Đường huyết không được kiểm soát tốt làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Các mảng bám tích tụ bên trong thành mạch dẫn đến xơ cứng và thu hẹp mạch máu nên ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn. Điều này khiến dinh dưỡng, oxy… di chuyển chậm, thậm chí không đến được các tế bào ở (nhất là các vị trí tay, chân). Do đó, vết thương sẽ chậm lành hoặc không thể lành lặn.

Nhiều trường hợp vết loét không lành gây hoại tử mô (một tập hợp tế bào có cấu tạo giống nhau cùng nhau thực hiện một chức năng nào đó trong cơ thể), người bệnh phải cắt cụt chi nên ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, trên thế giới, cứ 30 giây lại có một người bị mất một chi do các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Trong đó, hơn 80% trường hợp cắt cụt chi có khởi đầu từ vết loét không lành gây tổn thương nghiêm trọng đến các mô xương ngón chân, bàn chân.

Trong những bệnh nhân tiểu đường thì người mắc bệnh thần kinh tiểu đường dễ gặp nguy hiểm nhất. Người bệnh bị tổn thương dây thần kinh vì glucose huyết tăng cao trong máu.

Bệnh được chia thành 2 nhóm chính:

Bệnh lý thần kinh ngoại biên (ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở tay, chân, thần kinh sọ não)

Bệnh lý thần kinh tự chủ (ảnh hưởng đến các dây thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ quan: dạ dày, ruột, tim mạch, hệ tiết niệu).

Người bị bệnh lý thần kinh ngoại biên sẽ khó nhận biết các tổn thương ngoài da khi có vật nhọn đâm vào, khiến vết thương trầm trọng hơn. Chính vì không cảm giác được tổn thương trên cơ thể và vết thương lâu lành nên người bệnh tăng nguy cơ nhiễm trùng. Từ một vết loét, trầy xước, vi khuẩn sẽ theo máu di chuyển đến các mô, xương và khắp cơ thể. Khi không được cấp cứu, chăm sóc tích cực kịp thời, người bệnh gặp các biến chứng nặng về tuần hoàn, rối loạn đông máu, hạ huyết áp, sốc nhiễm trùng… dẫn đến tử vong.

II. Vết thương ở người tiểu đường được phân loại như thế nào?

Một số điều cần lưu ý về vết thương ở bệnh nhân bị tiểu đường:

Vết thương ở người bị tiểu đường có nguy cơ nhiễm trùng và bị loét cao hơn bình thường do có lượng đường trong máu cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sống và phát triển.

Nếu để vết thương bị loét thì việc điều trị sẽ trở lên rất khó khăn, mất nhiều thời gian cũng như công sức của cả đội ngũ y tế và người bệnh. Đã có rất nhiều bệnh nhân phải cắt cụt hay tháo khớp chân vì mức độ nhiễm trùng hay loét bàn chân quá nặng không thể duy trì điều trị được. Ở rất nhiều bệnh viện tuyến trung ương đã thành lập khoa chăm sóc riêng đối với bệnh nhân tiểu đường được gọi là chăm sóc bàn chân tiểu đường.

Đa số các vết thương thường được phát hiện muộn, đến khi phát hiện có thể đã ở mức độ nghiêm trọng do đường huyết cao gây tổn thương thần kinh, làm giảm khả năng nhận biết các tổn thương của cơ thể.

Vì những lý do trên, vết thương ở người tiểu đường cần phải được chăm sóc đúng cách và đúng theo giai đoạn. Để thuận tiện cho việc chăm sóc cũng như điều trị, người ta phân mức độ tổn thương của vết thương ở người tiểu đường thành 4 độ khác nhau:

Độ 0: Vết thương chỉ nông trên bề mặt da, không có tổn thương loét

Độ 1: Vết thương có loét nông nhưng chưa tổn thương đến các mô như dây chằng, bao khớp, cơ xương

Độ 2: Tổn thương loét ăn sâu đến dây chằng hoặc bao khớp

Độ 3: Vết loét đến xương khớp.

Nếu dựa theo mức độ nhiễm trùng, thiếu máu thì vết thương ở bệnh nhân bị tiểu đường được chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn A: Vết thương còn sạch, chưa nhiễm trùng.

Giai đoạn B: vết thương đã bị nhiễm trùng.

Giai đoạn C: Vết thương bị thiếu máu.

Giai đoạn D: Vết thương bị nhiễm trùng và thiếu máu.

III. Làm thế nào để phòng ngừa việc xuất hiện vết thương ở người tiểu đường?

Vết trầy xước, vết bỏng là những tổn thương không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Với người bình thường, những tổn thương này nhanh lành nhưng ở người bệnh tiểu đường sẽ mất nhiều thời gian, vết thương nhỏ cũng rỉ máu liên tục, vết thương lớn hơn có khi dẫn tới biến chứng cắt cụt chi. Vết thương lâu lành dễ tăng nguy cơ nhiễm trùng và thúc đẩy các biến chứng khác lên phổi, tim, thận…

Để tránh dẫn đến vết thương lâu lành, người bệnh cần điều trị vết loét, trầy xước đúng cách và ổn định đường huyết.

Chăm sóc bàn chân, vùng chân là nơi dễ bị tổn thương nên mỗi ngày ngoài việc vệ sinh, cắt móng cẩn thận, người bệnh phải kiểm tra vùng da chân. Không nên đi chân trần, chọn giày thoải mái, vệ sinh giày thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc.

Xử lý vết thương, khi bị loét, trầy xước, người bệnh rửa sạch vết thương và băng lại bằng gạc sạch, theo dõi hàng ngày. Nếu vết thương không lành hoặc lan rộng, sưng tấy, mưng mủ… phải đến bệnh viện để được xử trí y tế kịp thời, tránh tình trạng nhiễm trùng nặng, hoại tử mô dẫn đến cắt cụt chi.

Kiểm soát đường huyết, người bệnh tiểu đường type 1 phải dùng insulin, còn người bệnh tiểu đường type 2 có thể được điều trị nhiều phương pháp hơn: dùng insulin, các loại thuốc khác trị tiểu đường (nhóm Sulfonylurea, nhóm Biguanid, nhóm thuốc ức chế men Alpha-glucosidase…) và đặc biệt tuân thủ đúng lời bác sĩ dặn.

Thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh với nhiều chất xơ và protein (rau cải, xà lách, súp lơ, thịt, cá, trứng…), hạn chế thực phẩm nhiều tinh bột (cơm, bún…), tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày.

Xem thêm: Hoại tử mô mỡ ở da do biến chứng bệnh tiểu đường: Nhận biết để phòng tránh

IV. Chăm sóc vết thương ở người tiểu đường như thế nào?

A. Đối với vết thương nông, chưa bị loét hay nhiễm trùng

Các bước chăm sóc vết thương tại nhà:

Bước 1: Làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch thông thường. Nếu sử dụng cồn iod thì nên pha loãng trước khi dùng. Có một vài quan điểm cho rằng dùng oxy già sẽ giúp sát khuẩn tốt hơn tuy nhiên không cần thiết với vết thương độ 0, độ 1. Mặt khác, tính sát khuẩn của oxy già rất mạnh có thể gây tổn thương tới các tế bào lành tại vị trí tổn thương

Bước 2: Thoa thuốc mỡ sát trùng lên vùng da tổn thương. Việc sử dụng loại thuốc cũng như liều lượng cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Bước 3: Băng vết thương. Có thể sử dụng băng keo cá nhân đối với các vết thương nhỏ. Còn với vết thương lớn cần dùng băng gạc, có thể kết hợp thêm các loại thuốc tái tạo kích thích quá trình liền thương để rút ngắn thời gian điều trị

Bước 4: Thay băng vết thương ít nhất mỗi ngày 2 lần hoặc có thể thay khi thấy băng bị bẩn ướt.

Lưu ý: Nếu thấy vết thương có dấu hiệu bị nhiễm trùng, loét cần đến cơ sở y tế sớm để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời.

B. Đối với vết thương sâu hoặc đã bị nhiễm trùng

Khuyến cáo bệnh nhân nên đi khám khi vết thương từ độ 2 trở lên. Tùy theo mức độ tổn thương các bác sĩ sẽ chỉ định chăm sóc điều trị bằng thuốc tại nhà hoặc điều trị can thiệp tại bệnh viện.

Nếu bệnh nhân được chỉ định điều trị tại nhà cần lưu ý:

- Tuân thủ theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ

- Dùng thuốc theo đơn nếu có. Trường hợp dùng thuốc không thấy bệnh tiến triển, dấu hiệu nhiễm trùng loét càng ngày càng nặng, cần đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời

- Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt các loại kháng sinh rắc vết thương hay các loại lá đắp theo kinh nghiệm dân gian

- Không tì đè vào vết thương

- Nên nằm kê cao chân, thay đổi tư thế nằm thường xuyên, đặc biệt những bệnh nhân bị loét ở vùng xương cụt, mông hay lưng

- Khi bôi thuốc cho bệnh nhân cần đi găng tay y tế để đảm bảo vô trùng.

C. Chế độ dinh dưỡng cho vết thương của bệnh nhân tiểu đường

Để tốt cho sức khỏe đồng thời giúp vết thương nhanh lành, trong vấn đề dinh dưỡng, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:

Có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng khoa học lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao tùy theo sức của bản thân

Chế độ ăn giảm đường, giảm tinh bột

Bổ sung nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin đặc biệt vitamin C và các loại protein như cá hay các loại đậu, kẽm... sẽ giúp kích thích quá trình liền thương

Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia thuốc lá vì sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Bệnh tiểu đường tuy không gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe luôn nhưng có rất nhiều biến chứng nặng nề. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn thấy có những bất thường trong sức khỏe để được thăm khám tư vấn điều trị sớm, tránh xảy ra biến chứng ảnh hưởng về sau.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X