Hotline 24/7
08983-08983

Lưng luôn thẳng thì đời mới vui

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tuy không làm chết người nhưng có thể gây đau và tàn phế, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và giao tiếp xã hội.



Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống vùng thắt lưng như lao động nặng lâu ngày, nhấc một vật nặng quá đột ngột và sai tư thế, gây tác động mạnh đến vòng xơ bao quanh đĩa đệm (khi vòng xơ bị vỡ, nhân đệm lồi ra sau chèn ép rễ thần kinh); cũng có khi nhân nhày chui qua các khe hở dây chằng dọc sau vào trong ống sống, chèn ép rễ thần kinh và chùm đuôi ngựa làm rối loạn vận động và cảm giác, đôi khi ảnh hưởng đến cơ vòng gây tiểu khó, triệu chứng thường gặp trong các thoát vị đĩa đệm chui vào trong ống sống chèn ép chùm đuôi ngựa như một giả u (trường hợp này phải mổ cấp cứu).

Chẩn đoán

Trong toàn bộ cột sống, thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng chiếm vị trí hàng đầu, kế đến là vùng cổ. Thoát vị đĩa đệm cột sống vùng thắt lưng, thường gặp nhất là L4-L5 và L5-S1. Đau rễ thần kinh L4, L5 và S1 thường do thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp đau các rễ L4, L5 và S1 do hẹp ống sống, điều này có thể chứng minh rõ trên cộng hưởng từ (MRI).
 
Đa số những trường hợp này do lỗ thần kinh bị hẹp chèn ép rễ thần kinh L4, L5 hoặc S1, lỗ thần kinh hẹp thường do phì đại mặt khớp trên, dày dây chằng vàng, đôi khi có lồi nhẹ đĩa đệm hoặc có chồi xương, thường liên quan đến những bệnh nhân thoái hoá cột sống trong nhiều năm. Nói chung, khi có đau vùng thắt lưng lan xuống hai chân hoặc một chân, đôi khi kèm theo tê hoặc không tê chân thì nên làm cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác, rồi từ đó thầy thuốc chuyên khoa tư vấn phương pháp điều trị hợp lý nhất.

Khi nào cần phẫu thuật?

Điều trị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng không phải lúc nào cũng áp dụng phương pháp ngoại khoa (mổ). Đa số các trường hợp phải được điều trị nội khoa (dùng thuốc) từ 3 - 4 tuần, nếu trong thời gian điều trị nội khoa đáp ứng trên 50% là có thể chấp nhận tiếp tục dùng thuốc, nhưng không nên dùng nhiều loại thuốc giảm đau ảnh hưởng đến bao tử và giữ nước làm cho người trở nên mập. Ngoại khoa chỉ được chỉ định sau khi điều trị thuốc không hiệu quả.

Quyết định can thiệp phẫu thuật phải dựa vào hai yếu tố chính: trên lâm sàng có dấu hiệu đau rễ thần kinh điển hình; cộng hưởng từ (MRI) có dấu hiệu rõ ràng của thoát vị đĩa đệm. Các chỉ định phẫu thuật trong trường hợp thoát vị đĩa đệm thắt lưng bao gồm: thoát vị đĩa đệm thắt lưng kèm đau rễ điển hình (đau một hoặc hai chân); thoát vị đĩa đệm thắt lưng kèm teo cơ cẳng chân và tê ở bàn chân - ngón chân; nhân đệm nằm trong ống sống như một khối u; hẹp lỗ thần kinh nặng biểu hiện rõ trên cộng hưởng từ kèm đau rễ và tê chân điển hình. Cho đến nay, hai phương pháp ngoại khoa được áp dụng rất phổ biến trên thế giới để điều trị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng mang lại kết quả rất tốt là vi phẫu thuật loại bỏ nhân đệm và lấy nhân đệm qua nội soi.

Phòng ngừa

Đau vùng thắt lưng xảy ra thường xuyên ở người trên 40 tuổi, khi cột sống dễ bị thoái hoá, các khối cơ dọc cột sống ở phía sau rất dễ bị kích thích làm đau vùng thắt lưng, thậm chí đau lan đến vùng lưng gây ra khó khăn trong đi lại hoặc khi nằm nghỉ, hoặc đau tăng lên khi làm việc lâu ngày hoặc ngồi lâu tại bàn làm việc.
 
Đối với những người có cột sống bị thoái hoá, dân gian thường cho là cột sống mọc gai hoặc mặt khớp của đốt sống bị viêm làm ảnh hưởng đến lao động chân tay hoặc làm việc ở văn phòng. Đôi khi những người này ngồi lâu trên bàn làm việc cũng bị đau vùng thắt lưng. Những trường hợp đau này nếu đứng dậy đi lại tới lui trong vòng 10 - 15 phút cho các cơ cạnh cột sống không bị co thắt thì cơn đau sẽ giảm và có thể tiếp tục công việc trở lại.
 
Người lớn tuổi luôn phải giữ khối cơ cạnh cột sống trong tình trạng tối ưu như căng giãn khối cơ này một cách chậm chạp và điều hoà, không có những động tác quá đột ngột làm cho khối cơ đó quá kích thích dẫn đến co thắt dữ dội gây đau. Nên tập thể dục mỗi ngày như bơi lội, đi bộ tốc độ hơi nhanh, cũng có thể chạy bộ.
 
Buổi sáng là thời gian lý tưởng nhất để vận động bởi lưng người lớn tuổi sau một đêm nằm ngủ không hoạt động thì các khối cơ cạnh cột sống trở nên cứng, đó là lý do nhiều người than phiền khi ngủ dậy không thể ngồi hay đứng lên ngay được, phải ngồi dậy và đứng lên từ từ để các khối cơ vùng thắt lưng hoạt động trở lại và mềm mại hơn (thông thường phải mất 15 - 30 phút).
 
Người ta ước tính áp lực bên trong đĩa đệm sẽ tăng 200% khi chuyển từ tư thế nằm nghiêng sang đứng, và giảm nhanh 400% khi ngồi ở ghế với tư thế thoải mái. Cho nên, biết chọn tư thế ngồi đúng và dễ chịu sẽ làm giảm áp lực trong đĩa đệm, từ đó tránh được đau lưng và gây lồi đĩa đệm.

Khi chúng ta nhấc một vật nặng, nếu để lưng và thắt lưng cong (gập lại), sau đó có thể bị đau vùng thắt lưng, thậm chí bị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng. Đối với người đã bị đau vùng thắt lưng mãn tính, động tác sai tư thế như trên thậm chí có thể làm đĩa đệm chui vào trong ống sống gây chèn ép nặng rễ thần kinh và chùm đuôi ngựa, đôi khi không thể đi lại được hoặc đau dữ dội với bất cứ tư thế nào. Những trường hợp này cần phải được các thầy thuốc chuyên khoa ngoại thần kinh và cột sống tư vấn sau khi chẩn đoán xác định bằng cộng hưởng từ (MRI), phương tiện chẩn đoán chính xác loại bệnh lý này.

AloBacsi.vn
Theo PGS.TS.BS Võ Văn Nho - SGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X