Hotline 24/7
08983-08983

Lựa chọn thuốc giảm đau, hạ sốt cho trẻ bị sốt xuất huyết sao cho an toàn, hiệu quả?

Đây là những vấn đề chính được BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM và ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - PGĐ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đề cập trong chương trình giao lưu trực tuyến diễn ra trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Nam.

Phần 1: Sốt mấy ngày cần xét nghiệm sốt xuất huyết, làm sao phân biệt với COVID-19?

Phần 3: Chuyên gia giải đáp các thắc mắc thường gặp về thuốc hạ sốt dạng bột sủi Efferalgan

1. Thuốc hạ sốt có bao nhiêu loại?

Có thể nói, hạ sốt là vấn đề quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh khi có nhiều dịch bệnh chồng chéo hiện nay, mà thuốc hạ sốt lại có nhiều nhãn hiệu. Nhờ BS hướng dẫn: hạ sốt cho trẻ em về cơ bản có mấy loại thuốc?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trên thị trường Việt Nam có nhiều tên thuốc hạ sốt khác nhau (ví dụ như Efferalgan là tên thương mại), nhưng tựu chung bản chất là hai hoạt chất chính, gồm Paracetamol hoặc Ibuprofen. Thứ hai là dạng bào chế, có thể là dạng gói, dạng viên hoặc nhét hậu môn… với nhiều liều lượng khác nhau.

Trong sốt xuất huyết, người ta khuyên nên sử dụng Paracetamol để hạ sốt và uống nhiều nước. Chúng ta cần nhớ, khi điều trị sốt cho trẻ, liều lượng phải theo kilogram, không phải dùng theo tuổi.

Nhiều người cho rằng, thuốc nhét hậu môn hạ sốt nhanh hơn. Tuy nhiên, thực tế thuốc nhét hậu môn khó lựa chọn bởi vì chỉ có một vài liều lượng (có thể là 80mg hoặc “nhảy vọt” lên 150 mg hay 300 mg, trong khi trẻ có thể cần nhiều hơn hoặc thấp hơn các liều lượng sẵn có này, dẫn đến “lệch” liều lượng cần dùng).

Hơn nữa, dạng uống tác dụng sẽ nhanh hơn. Thuốc nhét hậu môn có thể sử dụng thuận lợi hơn ở những trẻ không chịu uống thuốc.

Điều quan trọng là khi trẻ sốt phải được hạ sốt. Bác sĩ không cần sờ vào đầu hoặc cặp nhiệt độ để xác định sốt, mà chỉ cần biết trong tiền căn trẻ có sốt để có hướng xử trí phù hợp. Bởi vì sốt sẽ khiến trẻ rất khó chịu, thậm chí là co giật.

Không chỉ nhiều nhãn hiệu mà thuốc hạ sốt nhiều dạng bào chế, BS có thể chỉ ra: thuốc bột sủi, viên nén, viên nhét hậu môn… thì dạng bào chế nào phù hợp cho trẻ ở độ tuổi nào ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Cho đến nay, Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt an toàn và hiệu quả cho trẻ. Hiện nay, trên thị trường có nhiều liều lượng tương ứng (80mg, 150mg, 250mg, 325mg, 500mg…) với cân nặng của trẻ. Liều dùng Paracetamol đường uống là 10 - 15 mg/kg cho một lần sử dụng. Chẳng hạn, trẻ nặng 10kg, khi bị sốt sẽ sử dụng gói hạ sốt 150mg (nghĩa là khoảng 15mg/ kg). Hoặc một trẻ nặng 22kg, khi bị sốt có thể sử dụng gói hạ sốt 250mg.

Thuốc hạ sốt là thuốc không cần toa, mua và sử dụng tùy theo cân nặng của trẻ. Mỗi lần sử dụng một liều 10-15mg/ kg. Sau khi uống thuốc, trẻ sẽ giảm sốt (không phải hết sốt). Đây là lo lắng của nhiều bậc phụ huynh, vì thấy con uống nhưng chưa hết sốt sẽ cho rằng thuốc không hiệu quả, sốt không hạ. Ví dụ, trước khi uống thuốc trẻ sốt 39 độ, sau khi uống thuốc còn 38 độ. Mặc dù chưa về nhiệt độ bình thường là 37 độ nhưng sau khi trẻ uống thuốc có hạ nhiệt độ, trẻ dễ chịu là được.

Mỗi 4-6 tiếng, nếu trẻ còn sốt thì có thể tiếp tục sử dụng thuốc hạ sốt. Một ngày có thể sử dụng 4-5 lần liều thuốc hạ sốt (mỗi lần uống cách nhau 4-6 tiếng).

2. Thuốc hạ sốt dạng bột sủi có phải là thuốc cắt cơn sốt nhanh nhất?

Nhiều phụ huynh rất sốt ruột mong cho con mau chóng hạ sốt, theo BS, có phải thuốc hạ sốt dạng bột sủi là thuốc cắt cơn sốt nhanh nhất?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Hiệu quả giảm sốt của thuốc hạ sốt dạng sủi tương tự như các dạng khác, không có sự khác biệt nhiều. Tuy nhiên, đối với dạng sủi dễ uống và dễ hấp thu. Đôi khi, phụ huynh có thể cho thêm một chút hương vị trái cây để dễ uống hơn. Việc sử dụng viên sủi cũng giúp trẻ tránh cảm giác sợ uống thuốc. Bởi vì khi pha thuốc, ly nước gần như là màu trong, và dạng sủi có một chút gas nên uống sẽ tạo cảm giác dễ chịu.

3. Bao lâu sau khi dùng thuốc hạ sốt phụ huynh có thể kẹp nhiệt độ kiểm tra thân nhiệt của trẻ?

Thường thì bao lâu sau khi cho trẻ dùng thuốc, phụ huynh sẽ đo lại nhiệt độ của trẻ ạ? (để tránh đo quá sớm, quá nhiều)

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nhiều bậc phụ huynh thường đo nhiệt độ ngay sau khi uống thuốc. Tuy nhiên, thuốc không thể tác dụng nhanh như vậy được. Thông thường, 30-60 phút sau khi uống thuốc trẻ mới hạ sốt. Trong thời gian này, nếu trẻ sốt cao có thể sử dụng thêm các biện pháp vật lý.

Khó khăn nhất của bậc phụ huynh trong điều trị sốt xuất huyết đó là nhầm tưởng trẻ hết sốt là bệnh sẽ lui, nên cho uống thuốc hạ sốt liên tục. Điều này có thể dẫn đến quá liều, gây ảnh hưởng đến gan. Do đó, chúng ta đừng “gấp” trong việc uống thuốc hạ sốt, chỉ cần uống đúng liều lượng, đúng khoảng cách.

4. Những lưu ý nào cần nhớ khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết?

Trong trường hợp trẻ đã xét nghiệm cho kết quả là sốt xuất huyết và được theo dõi tại nhà thì giai đoạn này phụ huynh cần lưu ý gì khi cho trẻ dùng thuốc hạ sốt ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Sốt xuất huyết diễn tiến qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, 3 ngày đầu tiên trẻ sẽ bị sốt. Giai đoạn thứ hai, 3 ngày tiếp theo (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 tính từ ngày sốt đầu tiên) rất nguy hiểm cần được theo dõi sát sao, vì nếu có biến chứng thì sẽ xảy ra trong giai đoạn này. Giai đoạn thứ ba (sau ngày thứ 6) là giai đoạn hồi phục.

Trong ba ngày đầu, chúng ta có thể phát hiện ra sốt xuất huyết bằng xét nghiệm thực hiện tại các cơ sở y tế. Khi xác định trẻ bị sốt xuất huyết, chúng ta cần lưu ý:

- Sốt xuất huyết là bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị triệu chứng là chủ yếu (chẳng hạn, nếu trẻ sốt thì uống thuốc hạ sốt).

- Cho trẻ uống nước đầy đủ, bởi vì khi sốt cao dễ gây mất nước. Bên cạnh đó, người ta thấy rằng với trẻ bị sốt xuất huyết nếu được cung cấp nước đầy đủ sẽ giảm nguy cơ nhập viện. Các bậc phụ huynh có thể cho trẻ uống nước trái cây, nước lọc hoặc nước bù điện giải… đều được.

- Đưa trẻ đi khám, để ngoài vấn đề được tư vấn cách chăm sóc, thì bác sĩ sẽ lưu ý việc tái khám cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là vào các ngày nguy hiểm (từ ngày thứ 3 trở đi), đồng thời được hướng dẫn nhận biết dấu hiệu cần nhập viện, dấu hiệu nào có thể tiếp tục theo dõi.

- Dinh dưỡng đầy đủ, nên ưu tiên thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. Lưu ý, không nên cho trẻ ăn uống thực phẩm có màu đỏ hoặc đen, vì dễ nhầm lẫn hoặc bỏ sót triệu chứng nặng.

- Khi trẻ bắt đầu sốt, cần đánh dấu ngay là ngày thứ nhất. Từ đó cộng thêm các ngày kế tiếp và bắt đầu từ ngày thứ 3 cần lưu ý trẻ nhiều hơn.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - PGĐ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

5. Những sai lầm thường gặp khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

BS có thể kể lại một số sai lầm khi phụ huynh cho con dùng thuốc hạ sốt trong quá trình tư vấn online trong những làn sóng COVID-19 vừa qua, và thời điểm căng thẳng vì bệnh sốt xuất huyết hiện tại?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có nhiều sai lầm trong sốt xuất huyết nhưng điều chính yếu là phụ huynh thường rất gấp khi hạ sốt. Ví dụ mới uống thuốc không thấy hạ sốt, lo lắng sử dụng thêm các liều hạ sốt khác. Điều này là không nên. Nếu đã uống thuốc đúng liều thì cần phải chờ cho trẻ hạ sốt, không còn cách nào khác.

Thứ hai, phụ huynh thường thắc mắc, sao bác sĩ yêu cầu khám, thử máu liên tục. Những ngày nguy hiểm, với những trẻ nguy cơ chưa rõ, nếu nhập viện có thể không thuận tiện nên nên bác sĩ sẽ hẹn tái khám. Khám và xét nghiệm máu là yếu tố sẽ quyết định cần làm gì cho trẻ (ví dụ cần nhập viện ngay, cần truyền dịch hay cần theo dõi sát sao…). Điều này rất có lợi cho trẻ để can thiệp sớm.

Thứ ba, một thắc mắc thường gặp của phụ huynh đó là vấn đề ăn uống. Cha mẹ cho trẻ ăn uống bình thường, cần lưu ý tránh đồ ăn, thức uống màu đỏ, màu đen.

Thứ tư, khi thấy trẻ hết sốt đừng vội mừng, cho trẻ vận động quá nhiều. Bởi vì sau khi hết sốt trẻ cần có thời gian nghỉ ngơi, ngày thứ 4, thứ 5, thứ 6 hết sốt nhưng có thể diễn tiến nặng.

6. Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị sốt xuất huyết cần đến bệnh viện?

Một lần nữa, nhờ BS nhắc lại những lưu ý cần nhớ khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Thứ nhất, khi trẻ bị sốt cần phải sử dụng thuốc hạ sốt và dùng đúng liều (10-15mg/ kg cho mỗi lần hạ sốt và có thể lặp lại sau 4-6 tiếng nếu còn sốt). Phụ huynh không nên quá sốt ruột mà cho dùng thuốc hạ sốt liên tục. Sau khi uống thuốc 60 phút có thể đo lại nhiệt độ và tốt nhất là đo bằng nhiệt kế (không đo bằng cách sờ tay lên người trẻ).

Thứ hai, khi thuốc hạ sốt chưa có tác dụng hoàn toàn thì áp dụng các biện pháp vật lý như uống nhiều nước, chườm nước ấm. Trong chăm sóc sốt xuất huyết, việc uống nước rất quan trọng.

Thứ ba, đối với một số trường hợp khi đến ngày nguy hiểm, bác sĩ xét nghiệm sẽ thấy tình trạng cô đặc máu, tiểu cầu giảm, nguy cơ xuất huyết thì phải nhập viện. Hoặc nếu ở nhà, đến ngày nguy hiểm, trẻ li bì, mệt hơn, đau bụng, buồn nôn, nôn, ăn uống không tiêu, một số trường hợp trẻ chảy máu bất thường (ví dụ như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nổi chấm xuất huyết dưới da, ra máu kinh nguyệt bất thường đối với bé gái tuổi vị thành niên…) cần đưa trẻ đi khám, kiểm tra lại để nhập viện theo dõi.

Ngày nay, số lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện tăng cao, tỷ lệ nằm viện do sốt xuất huyết tại các bệnh viện nhi đồng cũng như bệnh viện đa khoa khá nhiều, thậm chí là quá tải. Tuy nhiên, việc nhập viện là bắt buộc. Bởi vì sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu, khi nhập viện sẽ được theo dõi sát hơn, được can thiệp kịp thời. Không nên áp dụng các biện pháp không chính thống như cắt lễ, hoặc tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định.

Đối với những trường hợp không có điều kiện theo dõi trẻ thì cần đến cơ sở y tế sớm hơn, để được hướng dẫn kỹ hơn và đôi khi phải nhập viện để theo dõi.

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng Efferalgan của Pháp đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X