Hotline 24/7
08983-08983

Loại bỏ hôi miệng bằng cách nào?

Hôi miệng khiến nhiều người tự ti khi giao tiếp, không dám mở miệng khi tiếp xúc gần. Vậy làm gì để giải quyết vấn đề này? BS.CK1 Phan Bá Ngọc - Giám đốc Nha khoa Hạnh Phúc sẽ đưa ra lời khuyên bổ ích, giúp bạn đọc tìm đúng nguyên nhân, cải thiện vấn đề này.

1. Hôi miệng do đâu?

Nhiều người than phiền rằng mình thường xuyên đánh răng súc miệng nhưng vẫn thấy hôi. BS có thể cho biết nguyên nhân từ đâu?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Có rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng, do nguyên nhân tại miệng hoặc vấn đề bệnh lý khác. Trong đó, nguyên nhân tại miệng bao gồm tình trạng vôi răng nhiều, viêm nướu, viêm nha chu, viêm loét miệng hoặc vệ sinh răng miệng không kỹ, không đúng kỹ thuật. Ngoài ra, nếu không sử dụng tăm nước, chỉ nha khoa, thức ăn vẫn ở trong kẽ răng, không hết tình trạng hôi miệng.

Ngoài vấn đề tại miệng, nhiều người vệ sinh răng miệng rất kỹ nhưng vẫn bị hôi miệng, có thể do nguyên nhân ở các bệnh toàn thân. Ví dụ, bệnh lý về dạ dày như hở tâm vị, trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên hay những bệnh lý khác.

Ví dụ như bệnh tai mũi họng, viêm amidan, viêm xoang; một số trường hợp thay đổi nội tiết như phụ nữ trong quá trình sinh nở; dùng thức ăn có mùi… Đó là một số nguyên nhân chính gây hôi miệng.

2. Đến gặp nha sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị hôi miệng

Nếu nguyên nhân hôi miệng xuất phát từ khoang miệng và nướu thì người bệnh sẽ được khám những gì ạ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Đầu tiên cần đến gặp nha sĩ để đánh giá việc vệ sinh răng miệng có đảm bảo sạch hay chưa, nếu chưa, vấn đề hôi miệng vẫn tiếp diễn. Ví dụ, vẫn còn mắc thức ăn ở kẽ răng, nếu không dùng tăm nước hoặc chỉ nha khoa thì vẫn hôi miêng, hay bệnh nhân bị viêm nướu, viêm nha chu, vôi răng quá nhiều, nha sĩ sẽ phát hiện nguyên nhân tại miệng do đâu. Nếu đúng nguyên nhân, nha sĩ sẽ hướng dẫn cách giải quyết như cạo vôi răng, điều trị viêm nha chu, hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách, chắc chắn sẽ hết.

3. Hôi miệng nên khám chuyên khoa nào?

Sau khi đã điều trị các bệnh răng miệng nhưng bệnh nhân vẫn bị hôi miệng thì cần khám tiếp ở chuyên khoa nào ạ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Nguyên nhân ở miệng nên đến nha sĩ và được giải quyết, nhưng sau đó, tình trạng hôi miệng không được cải thiện, bệnh nhân nên đi khám những chuyên khoa khác dẫn đến tình trạng hôi miệng như chuyên khoa Tiêu hóa, giúp phát hiện bệnh nhân có mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa hay không, hay chuyên khoa Tai mũi họng để phát hiện vấn đề viêm xoang, viêm họng mủ, viêm amidan, viêm tai giữa có thể gây hôi miệng.

Đó là những chuyên khoa cần đi khám sau khi đã giải quyết các vấn đề răng miệng nhưng không hết tình trạng hôi miệng.

4. Làm gì để giảm hôi miệng?

Song song với quá trình khám và điều trị bệnh lý liên quan, trong sinh hoạt thường ngày người bệnh cần làm gì để giảm bớt hôi miệng?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Phần lớn nguyên nhân chính gây hôi miệng do tại miệng, vì vậy, cần thực hiện vệ sinh răng miệng đúng và đủ. Thứ nhất, trải răng đúng là chải đầy đủ các mặt: mặt ngoài, mặt nhai, mặt trong.

Thứ hai, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sáng và tối, buổi trưa có thể vệ sinh bằng nước súc miệng.

Thứ ba, đánh răng đúng, thay vì thói quen trải răng ngang, cần thay đổi thành đánh răng xoay tròn hoặc dọc thân răng trên dưới, điều này sẽ làm sạch các mảng bám đọng lại gây hôi miệng.

Ngoài việc đánh răng, cần dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng, thức ăn còn đọng. Bên cạnh đó, không chải lưỡi cũng là nguyên nhân gây hôi miệng.

Để tốt hơn, có thể bổ sung thêm nước súc miệng, giúp làm sạch toàn bộ khoang miệng. Nếu thực hiện đầy đủ sẽ giúp cải thiện tình trạng hôi miệng.

Một số người có thói quen ăn gia vị gây hôi miệng như tỏi, hành, cần đánh răng ngay sau ăn hoặc hạn chế loại thực phẩm này để giảm hôi miệng.

5. Thành phần sát khuẩn trong nước súc miệng quá mạnh gây ê buốt, mòn răng

Có phải việc dùng nước súc miệng có tính sát khuẩn mạnh quá càng làm cho miệng hôi hơn?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Nước súc miệng có nhiều thành phần, trong đó có thành phần sát khuẩn, bất cứ sản phẩm nào đều cần dùng vừa đủ, một sản phẩm dùng quá mạnh sẽ không tốt. Nếu dùng nước súc miệng có thành phần sát khuẩn mạnh, ngoài việc không thể chống hôi miệng còn làm, không thể chống sâu răng, việc này còn ảnh hưởng đến sức khỏe răng, làm răng ê buốt, mài mòn răng. Do đó, cần lựa chọn đúng sản phẩm nước súc miệng, nếu chọn sai sẽ phản tác dụng.

6. Dùng kẹo sinh-gum thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến cơ nhai

Nếu nhai kẹo sinh-gum thường xuyên để giảm hôi miệng thì có ảnh hưởng gì đến các cơ xương khớp ở hàm, mặt không ạ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Sinh-gum là giải pháp được nhiều người áp dụng, điều này sẽ cải thiện một phần vấn đề hôi miệng vì trong sinh-gum có thành phần hương liệu khử mùi hôi, có hương vị bạc hàm, trà xanh.

Tuy nhiên, nếu nhai quá nhiều hoặc nhai một bên lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến cơ hàm. Bởi vì, cơ thể và các cơ quan đều có thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, nếu nhai liên tục sẽ làm đuối sức, lâu dài gây ảnh hưởng cơ nhai.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X