Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: Tiểu đường và Giải pháp hỗ trợ từ thảo dược thiên nhiên

Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường? Làm sao kiểm soát bệnh tốt nhất? Kết hợp thảo dược trong điều hòa đường huyết sao cho khoa học?... là những vấn đề được PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay và bác sĩ Lương Lễ Hoàng giải đáp trong chương trình tư vấn trực tuyến chiều ngày 5/6/2019. Mời bạn đọc theo dõi.





TRÒ CHUYỆN VỚI MC KIM ÁNH

MC Kim Ánh: Trong Đông y, bệnh tiểu đường được diễn giải như thế nào thưa bác sĩ? Các triệu chứng nhận diện căn bệnh này trong Đông y có gì khác so với y học hiện đại không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:

Thuật ngữ đái tháo đường trong đông y không xuất hiện. Tuy nhiên những mô tả về triệu chứng học khi bệnh nhân có đường huyết tăng cao có trong y học cổ truyền. Đường huyết tăng cao có khi không có triệu chứng, nhưng một thời gian dài sẽ xuất hiện các dấu hiệu “các nhiều”: dù ăn nhiều vẫn có cảm giác thèm ăn, ăn nhiều vẫn gầy, rất khát nước, uống bao nhiêu vẫn không có cảm giác đã khát dẫn đến đi tiểu nhiều, gây ra hội chứng tiêu khát. Nhưng qua nhiều nghiên cứu hội chứng này cũng xuất hiện ở một số bệnh mãn tính như cường giáp, thể trạng huyết áp tăng cao…

Vì vậy hội chứng tiêu khát không đồng nghĩa với đái tháo đường, nhưng trong đông y có mô tả tiêu khát xuất hiện khi đường huyết tăng cao.

Thông thường bệnh nhân không biết mình bị tiểu đường, chỉ qua xét nghiệm đường mới biết bản thân mắc đái tháo đường.

Bên cạnh đó có 1 số trường hợp muộn xuất hiện biến chứng, đến thầy thuốc điều trị mới biết mắc bệnh tiểu đường.

Không thể căn cứ vào những triệu chứng để kết luận mắc bệnh tiểu đường, chỉ có thể nhận diện bệnh bằng xét nghiệm đường huyết lúc đói mới chính xác nhất, mọi triệu chứng chỉ mang tính báo động để chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay (bên phải), bác sĩ Lương Lễ Hoàng (giữa) và MC Kim Ánh trong chương trình tư vấn chiều ngày 5/6/2019

MC Kim Ánh: Vì sao nhiều người mắc bệnh tiểu đường trong thời gian gần đây, kể cả nhiều người rất trẻ? Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?

BS Lương Lễ Hoàng trả lời:

Việc chẩn đoán bằng Đông y không phải không có mà là không cần thiết khi Tây y có tiến bộ nhảy vọt để chẩn đoán nhanh và chính xác.

Bệnh tiểu đường không phải bây giờ mới trẻ đâu, ngày xưa có rồi nhưng chương trình tầm soát không phổ biến. Trước đây người ta nghĩ tiểu đường là do ăn ngọt, nhưng ngày nay thậm chí có chất còn đắng nữa, làm rối loạn biến dưỡng đẩy đường huyết lên, đó là cuộc sống căng thẳng, stress…

Có thể nói, bệnh tiểu đường chính là “già không bỏ, nhỏ không tha” vì bây giờ giới trẻ căng thẳng nhiều hơn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi căn bệnh này là cơn đại dịch của thế kỷ. Nó nguy hiểm ở chỗ chẩn đoán rồi, điều trị rồi nhưng vẫn đeo theo suốt đời. Do đó, điều quan trọng nhất là phát hiện sớm. Đây là vấn đề cấp bách của xứ ta, xin hỏi liệu có mấy ai đi tầm soát tiểu đường? Rất nhiều trường hợp chỉ phát hiện bệnh tiểu đường khi đi tầm soát bệnh khác mà thôi.


MC Kim Ánh: Với nhiều năm công tác trong ngành y học cổ truyền, nghiên cứu về các loại thảo dược, mong 2 chuyên gia có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm, những lưu ý trong việc điều trị tiểu đường bằng Đông y?

Trong quá trình công tác, câu chuyện nào về người bệnh tiểu đường làm bác sĩ ấn tượng nhất?


PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:

Là một thầy thuốc đông y, tôi đã gặp nhiều bệnh nhân đái tháo đường, nhất là các trường hợp bệnh mạn tính. Thông qua các nghiên cứu và kinh nghiệm chữa bệnh, tôi rút ra được rằng: điều trị bệnh đái tháo đường thực sự không đơn giản, bởi đây là bệnh liên quan nhiều khía cạnh. Các nguyên nhân gây bệnh thường phối hợp với nhau.

Tiểu đường liên quan đến rối loạn hấp thu hay đề kháng insulin, nếu bạn bị stress thì trong nội tạng người bệnh đã có ảnh hưởng đến vấn đề chuyển hóa, dù đã sử dụng thuốc nhưng cũng gây tình trạng tăng đường huyết.

Muốn điều trị phải phối hợp theo nguyên tắc “kiềng ba chân”: thuốc, tập luyện, dinh dưỡng. Đây là điều bắt buộc bệnh nhân đái tháo đường kết hợp điều trị.

Ở lĩnh vực kết hợp đông tây y, thông thường sử dụng thuốc tây để kiểm soát, thuốc đông y để hỗ trợ, điều chỉnh cân bằng trong cơ thể. Hoặc là sử dụng thuốc thuần túy y học cổ truyền để kiểm soát đường trong máu. Nếu kiểm soát được có thể sử dụng “kiềng ba chân” gồm có dinh dưỡng, tập luyện, và thuốc y học cổ truyền. Việc kết hợp này luôn được theo dõi bằng cận lâm sàng của y học hiện đại.

Việc điều trị và kiểm soát bệnh rất quan trọng, căn cứ vào sự ổn định của đường trong máu, không phụ thuộc thuốc mà lệ thuộc vào dinh dưỡng và sự tập luyện của bệnh nhân trong cuộc sống thường ngày.

BS Lương Lễ Hoàng trả lời:

30 năm trước, tiểu đường được coi như căn bệnh nan y, lúc đó chỉ làm được việc hạ đường huyết thôi. Thời đó, thuốc Tây không phải dễ dàng, kể cả insullin. Thuốc Tây bây giờ tốt hơn xưa rất nhiều.

Tuy nhiên, thuốc tốt nhưng vẫn có nhiều vấn đề. Chẳng hạn, theo thống kê ở các nước có kế hoạch phòng ngừa tiểu đường chủ động, như CHLB Đức, năm 2018 không có tỷ lệ biến chứng nào giảm xuống, thậm chí còn tăng hơn như mù mắt, cắt chi. Chính vì vậy, các chuyên gia đặt ra câu hỏi, thuốc đặc hiệu có phải giải pháp không?

Hạ đường huyết không khó, ổn định mới khó. Nếu bệnh nhân không có chế độ dinh dưỡng, tập luyện đúng và tuân theo chỉ định của bác sĩ... thì biến chứng cao hơn, nặng hơn.

Thầy thuốc cần biện pháp khác toàn diện để làm sao ổn định đường huyết. "Tôi chữa Tây y không khỏi thì qua Đông y" hay chữa bằng Đông y “nát nước” rồi mới lật đật tìm đến Tây y là không đúng. Cả Đông và Tây y cần hỗ trợ cho nhau. Vận dụng nền y học hiện đại của Tây y để chẩn đoán, điều trị rồi kết hợp với liệu pháp Đông y cầm chân căn bệnh này. Chữa lành trong Đông y không phải là giúp người bệnh tiểu đường quay trở lại cuộc sống có thể ăn thả ga như lúc chưa bệnh mà là ổn định đường huyết, sống vui - khỏe.

Với hơn 30 năm công tác và kinh nghiệm trong lĩnh vực khám, điều trị bệnh bằng y học cổ truyền, PGS.TS Nguyễn Thị Bay là người có đóng góp to lớn cho ngành Đông y nước nhà

MC Kim Ánh: Bệnh tiểu đường là bàn tay đánh lén trong bệnh tim mạch, thần kinh và thận. Vậy thưa bác sĩ, bị tiểu đường bao lâu thì sẽ diễn tiến nặng, gặp nhiều biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể? Nguyên nhân gây ra biến chứng là gì và làm sao phòng ngừa?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:

Khi nói đến biến chứng của bệnh tiểu đường, nhiều người nghĩ đến cấp, mạn.

Biến chứng cấp là do tăng/hạ đường huyết đột ngột. Nhưng thông thường người ta nói nhiều đến biến chứng mạn tính. Khi đường huyết tăng cao và duy trì trong thời gian dài sẽ gây tổn thương các mạch máu nhỏ và dẫn đến suy thận, mù lòa, tê bì tay chân… Biến chứng mạch máu nhỏ ảnh hưởng liên đới đến thần kinh, gây ra các tổn thương đến dây thần kinh ngoại biên.

Bên cạnh biến chứng mạch máu nhỏ còn ảnh hưởng đến mạch máu lớn. Rối loạn đường trong máu mãn tính dẫn đến rối loạn mỡ mãn tính. Mỡ có các thành phần mỡ xấu, loại mỡ này bám vào bên trong thành mạch. Ở người bệnh có bệnh nền đái tháo đường làm các nội mạc mạch máu không còn trơn láng, đây là cơ hội cho các loại mỡ xấu di chuyển vào tạo nên các mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch máu. Đây là nguyên nhân gây bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, không cung cấp máu lên não đủ gây đột quỵ.

Từ rối loạn chuyển hóa đường dẫn đến rối loạn chuyển hóa mỡ, ảnh hưởng chuyển hóa đạm, có thể kèm theo huyết áp tăng cao. Khi phối hợp nhiều tổn thương như vậy sẽ gây nên đột quỵ.

Đường trong máu tăng cao là điều kiện để nhiễm trùng, các vi khuẩn có môi trường sống tốt và dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tiểu, nhất là ở phụ nữ.

Vấn đề tổn thương mạch máu, nhiễm trùng bàn chân gây bội nhiễm, không lành lặn, ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng các chi dưới, điều này dẫn đến đoạn chi.


MC Kim Ánh: Như vậy có nên kết hợp Đông Tây y trong điều trị đái tháo đường không, thưa BS Lương Lễ Hoàng?

BS Lương Lễ Hoàng trả lời:

Hiện nay, việc sử dụng Đông - Tây y không phải là vấn đề ở riêng xứ mình mà tất cả các nước khác, hầu như các nước đi đầu trong y khoa đều áp dụng. Bởi khi dùng Tây y nhiều năm họ nhận thấy rằng nhiều lĩnh vực cần được bổ sung, kết hợp với Đông y.

Nói vậy không có nghĩa là "Tôi không dùng Tây y thì chuyển sang Đông y". Vấn đề của người bệnh là làm sao có được phương pháp điều trị toàn diện, hiệu quả, đáng tiền.

Hiện nay, xứ ta đang thiếu rất nhiều các bác sĩ chấp nhận - thích - hoặc là chủ động áp dụng Đông y.

Trong tiểu đường, việc áp dụng Đông y là điều không phải nên làm mà là cần làm. Thuốc Tây hiện nay đã rất tốt rồi nhưng không giải quyết hết vấn đề. Việc sử dụng các dược thảo không phải để thay thế thuốc tây như nhiều người lầm tưởng mà là kết hợp cả Đông và Tây để có kết quả tốt hơn, hiệu quả hơn, nhanh - mạnh hơn và quan trọng là ít tác dụng phụ hơn.

Khi sử dụng các cây thuốc làm cho insulin của tuyến tạng - không phải thiếu mà mất hoạt tính thì giờ sẽ có hoạt tính, làm sao để đừng tăng mỡ máu, để sống thư giãn, lạc quan, đừng sợ thiếu đường nữa.

Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay chất độc nhất chính là tâm trạng bi quan, kể cả các bệnh lý hay ung thư cũng vậy. Đến nay đã có các nghiên cứu chứng minh được rằng, nhóm bệnh nhân tiểu đường nặng mà lạc quan, yêu đời thì ít biến chứng hơn. Nhưng ngược lại nếu buồn, bi quan, "đời tôi đến đây hết rồi" thì kết quả rất xấu. Đó chính là vai trò của thầy thuốc. Người thầy thuốc có quan điểm Đông y, gần gũi bệnh nhân, không phải để chữa bệnh mà là chữa người bệnh. Áp dụng dược thảo không phải là lối thoát cho bệnh nhân mà chính là thầy thuốc, vì ngay cả những người làm trong ngành y đều mong rằng tìm được liệu pháp hiệu quả nhất.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng xuất thân từ Đại học Y khoa Minh Đức - Trường y đầu tiên và duy nhất ở miền Nam. Ông là vị chuyên gia vận dụng kinh nghiệm của y học dân gian nhưng với tri thức cập nhật và kỹ thuật thực nghiệm của y học hiện đại.

MC Kim Ánh: Thưa PGS Nguyễn Thị Bay, làm sao để ổn định đường huyết, sử dụng thảo dược từ thiên nhiên hỗ trợ như thế nào cho người bệnh?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:

Trong thời gian khám chữa bệnh, tôi có trường hợp một bệnh nhân rất hay. Bạn ấy 26 tuổi, tình cờ phát hiện đái tháo đường khi đi khám sức khỏe, đang là người trẻ tuổi, có nhiều kế hoăc. Bạn trẻ đó đã đọc nhiều các nghiên cứu, thử sử dụng và sau đó đến khám bệnh và hỏi ý kiến, tôi đã đưa ra một vài giải pháp.

Sau đó, bạn có đọc tài liệu về khổ qua thấy giúp ổn định đường huyết và quyết định dùng loại thảo dược này bằng cách ép uống ngày 2 trái lớn. Thời gian sau thì sử dụng thêm khổ qua rừng. Bạn ấy sử dụng và được hướng dẫn theo dõi với thầy thuốc, tập luyện theo chỉ định thì đường huyết ổn định rất lâu sau đó.

Điều đó cho thấy, thảo dược góp phần điều trị bệnh như thế nào còn tùy thuộc vào lượng đường trong máu của người bệnh, giai đoạn, cơ địa và cơ chế nào gây tăng đường huyết.

Chẳng hạn, như chúng ta đã biết, đã có nhiều nghiên cứu về khổ qua tốt cho người bệnh tiểu đường. Thực chất, căn bệnh đái tháo đường xảy ra khi insulin trong tuyến tụy không mở được cánh cửa đưa đường vào trong tế bào, thì chất có trong trái khổ qua có công dụng thúc đẩy, tránh tình trạng kháng insulin, để màng tế bào mở rộng cửa đưa đường vào.

Bên cạnh khổ qua còn có dây thìa canh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra nó có cơ chế, trong đó quan trọng nhất là cạnh tranh với sự hấp thu nơi niêm mạc ruột, vấn đề đề kháng insulin và nó hoạt hóa những insulin bất hoạt. Như thầy Hoàng đã nói, nhiều khi tụy vẫn sản xuất insulin bình thường nhưng không hoạt động. Dây thìa canh lại có tác động làm kích hoạt nó.

Những vấn đề là những nghiên cứu này có tác dụng ổn định đường huyết, hạ đường huyết khi thực nghiệm trên động vật. Cần có thử nghiệm trên người, nghiên cứu để đánh giá hiệu quả thực sự.

Đông dược không phải cơ chế trúng đích như Tây y, sốt thì dùng hạ sốt, nhiễm trùng dùng kháng sinh, mà là làm cơ thể đẩy lùi bệnh tật.

Hiện nay, khá nhiều loại thảo dược như khổ qua, giảo cổ lam, vú sữa đất, dây thìa canh... đã được thử nghiệm nhận thấy có tác dụng ổn định đường huyết.


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC

Thanh Hà - Hà Nội

Thưa bác sĩ,

Trong bệnh tiểu đường, hạ đường huyết hay tăng đường huyết sẽ nguy hiểm hơn? Vì tôi thường nghe nói tăng đường huyết sẽ dễ dẫn đến biến chứng về tim mạch, thần kinh hơn. Nếu vậy cứ để đường huyết hạ thì có phải tốt hơn cho sức khỏe người bệnh tiểu đường hơn chăng?

Mong bác sĩ hướng dẫn giúp tôi cách xử lý khi có biểu hiện hạ đường huyết, tăng đường huyết? Khi nào thì cần đưa người bệnh đi bệnh viện?


BS Lương Lễ Hoàng trả lời:

Nếu tăng/hạ đường huyết không được can thiệp sẽ dẫn đến hôn mê. Điều quan trọng không phải là nên tăng hay hạ mà cần duy trì ở mức bình thường. Nếu bị hạ đường huyết không do thuốc thì nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao bị hạ. Nguyên nhân có thể do ăn uống không đủ, suy dinh dưỡng... Câu trả lời là do thầy thuốc chứ không phải người bệnh.

Người tiểu đường bị tăng đường huyết nên bàn với thầy thuốc vì sao các biện pháp điều trị không hiệu quả, có thể có thiếu sót trong toa thuốc hoặc nằm ngoài khả năng của bác sĩ. Điều này chứng minh rằng: tăng hay hạ đường huyết đều ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh hầu như giống nhau.

Tăng đường huyết điều trị không khó bởi đã có thuốc hạ đường huyết. Nếu bị hạ đường huyết không phải do các nguyên nhân khác thường thì xem lại nếp sinh hoạt của bản thân.


Hoàng Quốc Trung - Quảng Ngãi

Chào bác sĩ,

Bà xã tôi bị tiểu đường type 2 10 năm mà lại có thêm tăng huyết áp. Đôi khi bà bị tăng huyết áp cao đột quỵ làm gia đình sợ quá. Bác sĩ tư vấn giúp tôi với người bệnh tiểu đường bị tăng huyết áp đột quỵ thì cần xử ký như thế nào?

Uống rau cần tây, nước rau ngô, nước rau cải có tác dụng hạ huyết áp ngay tức thì không? Nếu có thì chế biến và dùng liều lượng sao cho hợp lý?

Ngoài ra, tôi nghe nói bấm huyệt có thể hạ áp trong những trường hợp thế này nữa. Bác sĩ tư vấn giúp tôi các huyệt đó là gì, bấm như thế nào?

Chân thành cảm ơn và kính chúc các bác sĩ nhiều sức khỏe.


PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:

Bà xã của anh vừa mắc đái tháo đường, vừa tăng huyết áp, đây đều là những căn bệnh mang tính thời đại.

Đột quỵ do tăng huyết áp, dù có đái tháo đường hay không có căn bệnh này thì đều là trường hợp khẩn cấp, cấp cứu là việc làm cần thiết.

Vậy khi có đột quỵ, cấp cứu như thế nào? Nếu chẳng may huyết áp, đường huyết tăng cao dẫn đến đột quỵ, anh cần đưa chị đến nơi chăm sóc, có điều kiện cấp cứu đột quỵ tốt nhất, vì thời gian vàng chỉ có 3 giờ để cứu não, hạn chế di chứng về sau, can thiệp thì cũng trong chỉ 6 giờ.

Khi có dấu hiệu đột quỵ như liệt mặt, méo miệng, đau đầu dữ đội… thì cần để người bệnh nằm nơi thoáng, đầu hơi cao, nghiêng mặt để lỡ có nôn, chất dịch không rơi vào đường thở.

Bên cạnh đó, cần tây hay bấm huyệt là dùng cho bình thường, chưa xảy ra đột quỵ. Còn khi đã diễn tiến rồi, tức là có cơn đột quỵ thì không nên bấm huyệt gì cả... bởi không những không tỉnh mà còn kéo dài thời gian cấp cứu, mất đi cơ hội sống.

Các loại nước uống giải nhiệt, lợi tiểu như nước mía lao có lợi ích giúp ổn định huyết áp, nhất là cần tây qua thử nghiệm cũng chứng minh được tác dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta kiểm soát được chứ không phải cầu may. Việc sử dụng các loại thực phẩm chỉ giúp duy trì ổn định gián tiếp, tuân theo chỉ định của bác sĩ mới là trực tiếp. Ngoài ra, cần thận trọng khi uống các loại nước mát, chúng có thể giúp ổn định huyết áp nhưng lại chưa chất đường, có nguy cơ tăng đường huyết, như vậy cũng không hay.


Hoàng Việt - Q.1, TPHCM

Vợ em đang mang thai và phát hiện bị tiểu đường. Bác sĩ có chỉ định tiêm insulin nhưng vợ chồng em vẫn sợ sẽ ảnh hưởng đến con. Xin hỏi bác sĩ, với trường hợp bị tiểu đường thai kỳ nếu ăn uống lành mạnh, vận động đúng cách thì không tiêm insulin được không?

Thay vào đó có thể sử dụng cac thảo dược từ thiên nhiên như giảo cổ lam, ổ qua không thưa bác sĩ? Vì vợ em rất ghiền loại quả đắng này mà em tìm hiểu thì nó cũng giúp ổn định đường huyết.

Sau khi sinh thì vợ em có khỏi bệnh tiểu đường không? Bệnh này có truyền sang cho thai nhi? Vợ em có nên cho con bú không thưa bác sĩ?

Vì là con đầu lòng mà bị như vậy vợ chồng em rất lo lắng. Mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ.


PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:

Đây là câu hỏi hay và rất thực tế. Việc dùng thuốc hạ đường huyết, insulin trên thai phụ bác sĩ cần theo dõi mức đường huyết của chị bằng các xét nghiệm HbA1c, đường huyết lúc đói để quyết định liều lượng. Anh chị không cần quá lo lắng việc sử dụng thuốc ảnh hưởng đến thai nhi mà “lờ đi” chỉ định của bác sĩ.

Thông thường, trên 60% qua giai đoạn sinh nở thì các chị em sẽ chấm dứt căn bệnh này, tuy nhiên cũng có một tỷ lệ nhất định vẫn còn đái tháo đường tiếp diễn.

Hiện, chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh insulin có hại cho mẹ và bé nhưng những loại thuốc hạ đường huyết khác thì có thể. Do đó, khi có chỉ định từ thầy thuốc, chỉ nên tuân thủ và theo dõi định kỳ với bác sĩ.

Ngoài ra, trên sản phụ, liều insulin sủ dụng thường về cơ bản rất thấp, mục đích là để duy trì chứ không nhất thiết phải điều trị như người bình thường. Việc điều trị không ảnh hưởng gì đến sữa, mẹ có thể yên tâm cho con bú sau sinh.


Vũ Phương Thùy – vuthuy87…@gmail.com

Tôi bị tiểu đường, vừa rồi do không kiểm soát trong việc ăn uống nên đường huyết tăng cao. Ông bạn tôi đưa cho 1 hộp glugaz dùng thì thấy đỡ. Tôi đọc thành phần thấy toàn các vị thảo dược như giảo cổ lam, dây thìa canh, nấm linh chi, khổ qua rừng... đều đã có nghiên cứu tác dụng tốt trên bệnh nhân tiểu đường.

Tôi tính dùng luôn nhưng không biết với những sản phẩm từ thảo dược thì nên dùng trong bao lâu rồi ngưng? Dùng lâu dài có tác dụng phụ không? Sau khi dùng thì có nên bỏ thuốc tây và liều insulin không?


BS Lương Lễ Hoàng trả lời:

Bệnh nhân nên tự trả lời cho câu hỏi: Có nên ăn uống cẩu thả rồi uống thảo dược hay không? Chứ không phải là: Tôi nên dùng thảo dược loại nào, dùng bao lâu?

Nếu ngủ không đủ, ăn uống thất thường, tự mình làm tăng đường huyết rồi dùng thảo dược thì liệu pháp này chắc chắn không phải là thượng sách.

Hiện nay có nhiều tin đồn không được xác minh đúng sai. Một viên thuốc tốt tự nó không thể thay thế vai trò của thầy thuốc trong phác đồ điều trị. Bệnh nhân nên xem lại vì sao đường huyết của mình không ổn định và tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị có nên dùng thuốc hay không.

Các loại dược thảo đã được nghiên cứu, lưu hành có giấy phép thì vẫn có sự tham vấn của người thầy thuốc xem thuốc đó có giúp bệnh nhân không bằng các xét nghiệm khách quan như xét nghiệm HbA1c để biết đường huyết có ổn định không, chứ không thể xem quảng cáo rồi sử dụng một cách bừa bãi.

Nếu điều trị quá đơn giản  như vậy thì bệnh tiểu đường không nằm trong danh sách mà Tổ chức Y tế thế giới xem là bệnh nặng, bệnh nan y. Tôi muốn nhắn nhủ với bệnh nhân 1 điều rằng: Người bệnh không nên tự ý làm thầy thuốc.


Trần Văn Bằng - Bắc Ninh

Tôi bệnh tiểu đường cũng lâu và nay đã bị suy thận, đi khám bệnh bác sĩ điều trị chỉ cho uống thuốc để ổn định đường huyết và huyết áp. Hiện nay huyết áp của tôi luôn ở mức 13/7 và đường huyết luôn dao động ở mức 8. trở lại. Không biết như vậy có ổn không? Đúng ra bác sĩ điều trị phải cho uống thuốc làm giảm bớt suy thận, còn đằng này chỉ là uống thuốc điều trị tiểu đường và huyết áp?

Ngoài ra, tôi còn mới mua thêm thực phẩm chức năng Glugaz. Xin hỏi uống bao lâu có thể đưa đường huyết về mức ổn định? Nếu tôi đã bị suy thận, chỉ số creatine khi khám sức khỏe dao động 300 trở lại, vậy uống Glugaz có tác dụng phòng ngừa biến chứng nữa không?


BS Lương Lễ Hoàng trả lời:

Với bệnh nhân bị suy thận thực sự phải lọc thận thì không có các chỉ số tốt như thế. Vì vậy người bệnh cần xem lại có thực sự bị suy thận hay không.

Bệnh nhân cũng không nên tìm cách làm thêm điều gì đó để bệnh khá hơn. Thông thường khi người bệnh muốn tìm giải pháp cho bệnh khá hơn thì lại dẫn đến điều tệ hơn. Nếu đã ổn định thì cứ duy trì như hiện tại, nếu cần thiết quá thì nên bổ sung thêm một nhúm LẠC QUAN. Điều này giúp ổn định đường huyết một cách hiệu quả.


Ngọc Thành - Thanh Hóa

Tôi mắc bệnh đái tháo đường từ năm 2006, đường trong máu là 3.07mmg, uống nước khổ qua (lá, cây, trái phơi khô sao vàng nấu nước uống hàng ngày) và khế chua phơi khô nấu nước kết hợp điều trị thuốc tây theo đơn bác sĩ thấy giảm xuống còn 1.63 xin hỏi uống thường xuyên khổ qua và khế chua lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:

Khế và khổ qua độc lập thì không hại gì nhưng sự phối hợp này dựa trên kinh nghiệm chứ chúng tôi chưa có kiểm nghiệm tốt hay không tốt.

Bởi vì trường hợp này tôi không rõ khổ qua dùng lá hay trái. Một vị đắng, một vị chua kết hợp với nhau, sự tương tác chưa khẳng định. Tuy nhiên, trong trường hợp anh/ chị Ngọc Thành sử dụng thấy có hiệu quả, giảm đường huyết từ 3.07 xuống 1.63, đây là kinh nghiệm từ chính người bệnh, tôi xin phép không bàn luận gì thêm.

Tuy nhiên, chỉ có một lưu ý nhỏ đó là việc gì thái quá cũng gây hại. Một thực phẩm ăn quá nhiều cũng gây hại, do đó cần theo dõi thường xuyên, xem có ảnh hưởng đến cơ thể hay không bằng các xét nghiệm thường quy. Do đó, anh/ chị có thể sử dụng thuốc này nhưng có sự theo dõi của thầy thuốc như một trường hợp nghiên cứu, kiểm chứng mức độ hiệu quả trên cơ thể.


Trần Hoàng Yến - Đồng Hới, Quảng Bình

Người mắc bệnh tiểu đường có được dùng các loại nước có gaz như Coca, Pepsi, Sprite…? Tôi uống các loại dành cho người tiểu đường, ăn kiếng thấy lờ lợ nên không thích lắm? Xin hỏi tôi có thể uống loại bình thường và cắt giảm liều lượng được không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:

Hoàn toàn không nên, kể cả người bình thường, bởi nước ngọt có gas có nhiều thành phần về đường gây hại cơ thể. Người bình thường uống vào đã gây rối loạn cơ thể huống chi người tiểu đường.

Các loại nước giành cho người tiểu đường thì người bệnh cũng không nên dùng. Người bệnh nên uống các loại nước lành mạnh như nước lọc, nước suối là tốt nhất. Bất cứ các loại nước đóng hộp, đóng lon luôn có các thành phần gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.


Phạm Thanh Thủy - 42 tuổi, TPHCM

Mới đây tôi đọc được thông tin, một người tài xế bị tiểu đường do quên ăn sáng nên bị hạ đường huyết nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê sâu. Vì chồng tôi cũng là tài xế, mới phát hiện tiểu đường type 2 có sử dụng insulin được 2 tháng nên tôi rất lo lắng.

Xin hỏi bác sĩ vì sao lại sảy ra hiện tượng này? Bữa sáng có phải là bữa ăn quan trọng nhất với người tiểu đường? Người làm công việc như lái tàu xe, vận hành máy móc, thợ xây dựng làm việc trên giàn giáo… cần lưu ý gì để không gặp các tình huống nguy hiểm như trên?


BS Lương Lễ Hoàng trả lời:

Khi bệnh nhân đã chích insulin bắt buộc phải hạ đường huyết. Trước đây chỉ có bệnh nhân nặng mới phải chích suốt đời. Hiện nay quan điểm điều trị đã thông thoáng hơn, trong giai đoạn cấp cứu có thể dùng được insulin... Các thầy thuốc ngành y được khuyên thay thế insulin bằng loại thuốc khác như thuốc uống. Riêng những người đã lỡ chích cần quan trọng phải ăn sáng vì nó sẽ gây tuột đường huyết.

Bệnh nhân tiểu đường nên lạc quan và cần thư giãn trong quá trình điều trị bệnh.

Thực hiện: Yến Phương - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X