Hotline 24/7
08983-08983

Liệu pháp Scrambler - giảm đau không dùng thuốc tại BV Ung bướu TPHCM

Tại Hội thảo hàng năm Phòng chống Ung thư TPHCM lần thứ 20, liệu pháp Scrambler-giảm đau bằng xung điện được chú ý vì giúp hạn chế việc dùng thuốc, không xâm lấn, chưa ghi nhận tác dụng phụ.

Liệu pháp Scrambler được FDA của Mỹ chứng nhận là phương pháp giảm đau mới, không dùng thuốc, giúp giảm đau trong những bệnh mạn tính có liên quan đến đau thần kinh như: đái tháo đường, đau sau zona, đau sau phẫu thuật, chấn thương, đau viêm thần kinh do hóa trị… trong đó nhấn mạnh hiệu quả kiểm soát đau: 3-6 tháng (trên bệnh nhân không dùng thuốc hoặc giảm được liều thuốc giảm đau đang dùng).

Liệu pháp Scrambler - giảm đau bằng xung điện

Cơ chế hoạt động của liệu pháp Scrambler: sử dụng nguồn xung điện từ máy Scrambler tác động lên bề mặt da của vùng đau trên cơ thể, nhằm “reset” (thành lập lại) đường dẫn truyền thần kinh từ vùng đau lên vỏ não, thông qua sự thay đổi điện thế của kênh Na 1.7 tạo nên những đường dẫn truyền thần kinh mới, làm chuyển đổi tín hiệu dẫn truyền từ “đau”, thành “không đau”.

Liệu pháp Scrambler mới được áp dụng tại BV Ung bướu TPHCM và giới thiệu tại Hội thảo hàng năm Phòng chống Ung thư TPHCM lần thứ 20, qua đề tài: “Đánh giá bước đầu hiệu quả giảm đau của liệu pháp Scrambler trên bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại khoa chăm sóc giảm nhẹ - BV Ung bướu TPHCM”, do ThS.BS.CK2 Quách Thanh Khánh, BS Phạm Tuấn Linh và các cộng sự tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ thực hiện nghiên cứu.

BS Phạm Tuấn Linh trình bày các bước vận hành máy Scrambler

Bước đầu thực hiện trên 6 bệnh nhân, hầu hết các bệnh nhân đều đang dùng thuốc giảm đau Opioid (Morphin, Tramadol) và giảm đau thần kinh (Gabapetin) với liều lượng từ trung bình cho đến rất nhiều trước khi bắt đầu liệu trình điều trị. Sau nửa chu kỳ đầu (4-5 ngày) đã có dấu hiệu cải thiện.

Cụ thể, trong 6 ca nghiên cứu thì có 4/6 ca đạt được mục tiêu giảm đau như mong muốn (khoảng 67%), giảm về mức đau nhẹ và không đau. Tuy nhiên, có đến 3 ca chỉ theo dõi được nửa lộ trình (do hoàn cảnh cá nhân) nên kết quả khảo sát về mức độ giảm đau của liệu pháp Scrambler bước đầu còn khiêm tốn. Cần phải có nhiều công trình nghiên cứu và theo dõi nhiều hơn để đảm bảo tính khách quan và khoa học về hiệu quả giảm đau của phương pháp mới.

Bên cạnh đó, chi phí điều trị bằng máy Scrambler còn cao và giá trị của máy cũng lớn, hiện BV Ung bướu TPHCM chỉ có một máy nên chưa thể áp dụng vào hoạt động chăm sóc giảm nhẹ tại nhà cho các bệnh nhân giai đoạn cuối.

Tuy vậy, nhóm nghiên cứu ghi nhận Scrambler hầu như không gây ra tác dụng phụ (tê bì, nóng rát, châm chích…), mà còn giúp cải thiện sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân trong giấc ngủ và vận động, nâng cao chất lượng sống.

BS Phạm Tuấn Linh cho biết: “Khi tham gia điều trị bằng máy Scrambler, có bệnh nhân đã ngủ thẳng giấc tới sáng mà không cần thức dậy nửa đêm để uống thuốc giảm đau như trước đây”.

Liệu pháp Scrambler được nhiều bác sĩ tại hội thảo chú ý vì đây là phương pháp không xâm lấn (dùng điện cực chứ không dùng kim) và mở ra hi vọng mới với bệnh nhân ung thư, giúp họ hạn chế được việc dùng thuốc giảm đau và nguy cơ nghiện thuốc này.

Hồng Nhung - Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X