Hotline 24/7
08983-08983

Làm thế nào để phục hồi trí nhớ sau đột quỵ?

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất, não bộ sau biến cố đột quỵ có cơ chế tự sửa chữa và phục hồi, cơ chế này có thể kéo dài từ 3-6 tháng hoặc đến 1 năm. Vì vậy, việc điều trị phòng ngừa và phục hồi là vấn đề về thời gian. Trong bài viết dưới đây BS sẽ chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này.

1. Người bệnh mắc suy giảm trí nhớ liệu có thể phục hồi?

Khi xuất hiện tình trạng suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức liệu có phục hồi lại được không?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Phục hồi là vấn đề lâu dài đối với bệnh nhân. Bởi vì não bộ sau biến cố đột quỵ có cơ chế tự sửa chữa và phục hồi, cơ chế này có thể kéo dài từ 3-6 tháng hoặc đến 1 năm. Vậy việc điều trị phòng ngừa và phục hồi là vấn đề về thời gian.

Nhiều trường hợp thiếu tính kiên nhẫn, phản ánh với bác sĩ điều trị về khả năng phục hồi quá lâu. Tuy nhiên, cơ chế phục hồi của não bộ cần có thời gian. Những loại thuốc được sử dụng để điều trị cao huyết áp, thuốc phòng ngừa đột quỵ, thuốc ổn định hệ thống mạch máu, thuốc phòng ngừa và cải thiện chức năng sau đột quỵ, đều là những loại thuốc có cơ chế tác động lên quá trình bệnh sinh. Vì vậy, việc điều trị phục hồi luôn là quá trình lâu dài.

Ngoài biện pháp sử dụng thuốc, hiện có rất nhiều phương pháp điều trị không dùng thuốc, kể cả việc thể dục, luyện tập trí não… đều hỗ trợ việc phục hồi trí nhớ và chức năng sau đột quỵ. Gần đây có rất nhiều loại thuốc tác động đến cơ chế gây ra thiếu máu não, gây tổn thương đột quỵ trong não. Những loại thuốc này chỉ có hiệu quả tốt nhất khi phát hiện ở giai đoạn sớm.

Bệnh nhân sau khi bị đột quỵ có những vấn đề về suy giảm trí nhớ, chức năng nhận thức. Ngay từ đầu chúng ta vẫn có thể sử dụng thuốc để tác động lên cơ chế thiếu máu hoặc những cơ chế đột quỵ để giúp não bộ tăng cường khả năng tự điều chỉnh, tự phục hồi. Những loại thuốc này hiện đang được các hội đột quỵ, hội sa sút trí tuệ tại Việt Nam và trên thế giới khuyến cáo sử dụng.

2. Nhận biết sớm sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ như thế nào?

Tình trạng sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức được nhận biết sớm qua dấu hiệu nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Nhận biết sớm một người bị suy giảm nhận thức sau đột quỵ ngay từ khi có các yếu tố nguy cơ như: nguy cơ về mạch máu, đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não. Lúc này, cần nhận diện về sự suy giảm trí nhớ ở người bệnh bằng cách đặt các câu hỏi tầm soát.

Vừa qua, Hội bệnh Alzheimer và Rối loạn Thần kinh nhận thức Việt Nam đã đặt ra bộ 6 câu hỏi để các bác sĩ áp dụng cho bệnh nhân và người nhà. Nếu câu trả lời là “có” ít nhất 2/6 câu hỏi này, rất có khả năng người đó đã mắc suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ sau đột quỵ.  Người bệnh này nên được tư vấn đến khám tại trung tâm chuyên về trí nhớ và suy giảm nhận thức để đánh giá sâu hơn và xác định tình trạng bệnh đang ở giai đoạn rất nhẹ, nhẹ hay diễn tiến bình thường.

Ở TPHCM, có ba trung tâm hoặc những phòng khám chuyên về trí nhớ và sa sút trí tuệ có thể đảm nhiệm được vấn đề trên. Đặc biệt là phát hiện, chẩn đoán sớm, giúp điều trị và can thiệp sớm. Ba trung tâm này bao gồm: phòng khám trí nhớ và sa sút trí tuệ của Bệnh viện Thống Nhất, phòng khám trí nhớ của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, đơn vị trí nhớ của Bệnh viện 30/4 TPHCM. Ngoài ra, một số tỉnh thành khác như Hà Nội, Huế cũng có các trung tâm đảm nhiệm vấn đề này.

Khi tới trung tâm kiểm tra, người bệnh sẽ được đánh giá sâu hơn, kỹ hơn về tất cả lĩnh vực nhận thức để đưa ra một chẩn đoán xác định chứng suy giảm trí nhớ của bệnh nhân do đột quỵ, alzheimer hay sự kết hợp của cả hai, từ đó có biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt. Có những loại thuốc hoặc những can thiệp không dùng thuốc chỉ có hiệu quả khi can thiệp ở giai đoạn suy giảm nhẹ. Mục tiêu là phát hiện sớm để can thiệp sớm.

Chúng ta cần phòng ngừa đột quỵ và đột quỵ tiên phát. Ví dụ, người này có yếu tố đột quỵ nhưng không bị đột quỵ, hoặc bị đột quỵ lần đầu nhưng không tái phát, điều đó có nghĩa chúng ta đã ngăn chặn được suy giảm trí nhớ sau đột quỵ.

3. Làm sao để tầm soát yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ?

Tầm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như thế nào để phòng ngừa đột quỵ một cách tốt nhất?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Nếu chúng ta muốn tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ, trước tiên cần tìm xem người bệnh này có các cơ chế hoặc các yếu tố nguy cơ chính hoặc các yếu tố nguy cơ chủ yếu gây đột quỵ hay không.

Những yếu tố nguy cơ đột quỵ thường gặp nhất như vấn đề tuổi tác đây là yếu tố không thể thay đổi. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể thay đổi, bao gồm: cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia. Đó là các yếu tố nguy cơ mà chúng ta có thể xác định được, đôi khi còn có thể phát hiện bằng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bởi vì cao huyết áp không có triệu chứng rõ ràng nhưng được gọi là “sát thủ thầm lặng”. Khi cao huyết áp có triệu chứng thì lúc đó, người bệnh đã xảy ra đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Như vậy, chúng ta chỉ có thể tầm soát bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo huyết áp định kỳ, xét nghiệm máu định kỳ, để kiểm tra đường huyết, rối loạn lipid máu. Nếu mắc các vấn đề này, người bệnh sẽ tiến tới bước hai là kiểm tra những cơ chế gây ra đột quỵ gồm: xơ vữa mạch, hẹp mạch máu não, bệnh lý tim mạch đặc biệt là rung nhĩ, bệnh lý van tim. Như vậy trên thực tế lâm sàng, có những khảo sát giúp xác định những nguy cơ cao bị đột quỵ bằng những khảo sát cận lâm sàng.

Có một số khảo sát giúp đánh giá nguy cơ đột quỵ cao hay thấp vì mỗi người có một mức độ khác nhau, tùy theo mức độ mà có những biện pháp can thiệp như ổn định huyết áp, ổn định đường huyết… Nếu có xơ vữa phải có thuốc để cải thiện tình trạng, hoặc bị rung nhĩ cần các loại thuốc để phòng ngừa đột quỵ là những loại thuốc chống đông trên bệnh nhân rung nhĩ đó hay các bệnh nhân hở van tim… Đó là những trường hợp cần sử dụng thuốc phòng ngừa đột quỵ trên những bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ về tim.

4. Phòng ngừa suy giảm trí nhớ sau đột quỵ bằng cách nào?

Thưa BS, có thể can thiệp bằng phương pháp dùng thuốc hay không dùng thuốc ngoài việc phòng ngừa như bác sĩ đã nói hay không? Vì ở nhà em cũng có người nhà sau đột quỵ và có liên quan đến suy giảm trí nhớ ạ.

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Việc phòng ngừa vô cùng quan trọng trong vấn đề điều trị suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức. Chúng ta phòng ngừa ở những người có yếu tố nguy cơ đột quỵ hoặc không tái phát đối với người đã bị đột quỵ. Vì đối với người sau khi tái phát đột quỵ, nguy cơ sa sút trí tuệ, rối loạn nhận thức sẽ tăng lên gấp đôi hoặc ba lần.

Ngoài ra, một vấn đề đối với người suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức sau khi đột quỵ, có phương pháp nào để kết hợp với cơ chế tự nhiên của não bộ để thúc đẩy não bộ tăng khả năng hồi phục trí nhớ và chức năng nhận thức là điều vô cùng quan trọng.

Hiện nay, có một số phương pháp điều trị, thứ nhất là điều trị triệu chứng, người bệnh đã có suy giảm về trí nhớ, chức năng sẽ sử dụng các loại thuốc để điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, những loại thuốc này trong vòng 10 năm nay không có gì thay đổi, chưa có đột phá đối với bệnh nhân suy giảm nhận thức sau đột quỵ và hiệu quả của những loại thuốc này trên bệnh nhân suy giảm nhận thức sau đột quỵ không rõ ràng so với khi sử dụng trên bệnh nhân alzheimer.

Vậy chúng ta nên sử dụng những loại thuốc nào khác ngoài các loại thuốc điều trị triệu chứng và những biện pháp không dùng thuốc nào có thể thúc đẩy sự phục hồi trí nhớ và chức năng nhận thức?

Cho tới hiện nay, sự tiến bộ của khoa học đã cho chúng ta nhiều biện pháp từ dùng thuốc đến không dùng thuốc trong việc tác động đến cơ chế và nguyên nhân gây bệnh, giúp người bệnh tăng khả năng hồi phục sau đột quỵ.

Các biện pháp không dùng thuốc có thể đề cập như:

- Các biện pháp tác động lên chế độ dinh dưỡng: cung cấp các chất dinh dưỡng cho não bộ.

+ Thứ nhất, áp dụng các chế độ giảm muối, vì sẽ làm tăng huyết áp nếu ăn quá nhiều.

+ Thứ hai, các chế độ ăn giảm tinh bột.

+ Thứ ba, chế độ ăn giảm chất béo bão hòa (mỡ động vật), tăng chất béo thực vật (dầu đậu nành), tăng rau củ quả, đặc biệt là các loại rau củ quả nhiều màu sắc càng tốt cho não bộ. Hoặc một số loại hạt như hạt hướng dương, hạt óc chó,.. chứa một số chất giúp cải thiện trí nhớ và não bộ.

+ Thứ tư, luyện tập thể lực, việc này giúp tăng tuần hoàn cơ thể, có lợi cho tim mạch và não bộ. Bên cạnh đó, đây còn là yếu tố chống stress oxy hóa - một yếu tố gây hại cho não. Vì vậy, nếu người bệnh không có khiếm khuyết về vận động thì nên luyện tập một cách phù hợp.

+ Thứ năm, luyện tập trí não, tham gia những trò chơi hoạt động về nhận thức như: trò chơi ô chữ, chơi game… Hiện nay đã có một số game dành cho người cần phục hồi suy giảm nhận thức. Những loại game này có thể miễn phí hoặc phải trả tiền.

+ Thứ sáu, giảm stress. Người mắc các chứng suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức thường được khuyến khích áp dụng các bài tập thư giãn như: yoga, ngồi thiền, thái cực quyền… tùy sức khỏe thể chất của mỗi người.

+ Thứ bảy, giấc ngủ, người bệnh cần có một giấc ngủ tốt, giảm stress, tham gia các hoạt động cộng đồng để gắn kết xã hội.

Một số phương pháp điều trị dùng thuốc như:

Có rất nhiều loại thuốc tác động lên quá trình thiếu máu não hoặc làm ngăn chặn quá trình chết tế bào do tình trạng thiếu máu não. Rất nhiều loại thuốc hiện nay có thể sử dụng và được gọi chung là nhóm thuốc dinh dưỡng hoặc thuốc bảo vệ thần kinh.

Thuốc Ginkgo biloba (Egb 761) là một trong những thuốc giúp tăng tuần hoàn não, bảo vệ thần kinh đặc biệt là cơn thoáng thiếu máu não.

5. Lựa chọn Ginkgo biloba thế nào để an toàn cho sức khỏe?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại Ginkgo biloba, vậy cần lựa chọn như thế nào để đáp ứng nhu cầu cải thiện và đảm bảo an toàn sức khỏe, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Ginkgo biloba được chiết xuất từ một loại thảo mộc, có nguồn gốc từ rất lâu đời ở châu Âu. Cách đây rất nhiều năm, người dân châu Âu sử dụng loại thảo dược này trong việc cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi.

Với sự phát triển của hoa học ngày nay, nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu về công dụng của cây bạch quả cho việc cải thiện trí nhớ hay các chức năng nhận thức ở những người cao tuổi hoặc những người có tổn thương não. Đặc biệt là những người bị đột quỵ, hoặc thiếu máu não. Nghiên cứu phát hiện trong loại cây này chứa thành phần flavonoid glycoside. Thành phần này có tác dụng tăng tuần hoàn não, chống stress oxy hóa, chống viêm và những cơ chế này tác động lên quá trình thiếu máu não. Như vậy, khi sử dụng các sản phẩm này, nó vừa có tác dụng tăng tuần hoàn não, vừa có tác động bảo vệ tế bào thần kinh trong một môi trường não bị thiếu máu.

Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng có tác động như nhau. Vì vậy, nếu chiết xuất các thành phần có lợi từ cây bạch quả với tỷ lệ thích hợp, đồng thời loại bỏ các thành phần không có lợi từ cây bạch quả thì thuốc mới đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Trên thị trường có rất ít sản phẩm đã được chiết xuất theo một quy trình công nghệ để giữ lại thành phần có lợi và loại bỏ thành phần có hại gây tác dụng phụ. Tebonin là một trong những sản phẩm và với quy trình chiết xuất tiêu chuẩn để lọc ra những thành phần có lợi trong việc phục hồi chức năng về nhận thức và loại bỏ thành phần gây tác dụng phụ.

Các sản phẩm từ tebonin trên lâm sàng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy có hiệu quả dựa vào các thành phần có lợi. Đồng thời không có tác dụng phụ gây ra bởi các thành phần bất lợi.

6. Mắc đồng thời sa sút trí tuệ và đột quỵ sẽ gây hại trí nhớ ra sao?

Bà của em bị sa sút trí tuệ sau đó bị đột quỵ, cả hai tình trạng này ảnh hưởng đến nhau như thế nào? Nếu mắc cùng một lúc hai tình trạng này thì có phải sức khỏe và trí nhớ sẽ kém hơn hay không?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Ở những người bị đột quỵ thì nguy cơ người bệnh này bị suy giảm về trí nhớ hoặc chức năng nhận thức sau đột quỵ. Tùy thuộc vào một số yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là người bệnh trước khi bị đột quỵ đã mắc chứng suy giảm trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ. Nếu đã có tình trạng này, thì nguy cơ mắc suy giảm nhận thức nặng hơn sau đột quỵ là điều đương nhiên.

Đối với những người không có vấn đề sức khỏe trước đó nhưng mắc đột quỵ 2-3 lần, thì nguy cơ suy giảm nhận thức tăng gấp 3 lần so với những người trước đó hoàn toàn bình thường. Như tình trạng người thân của bạn đã có đột quỵ, đã có suy giảm trí nhớ thì chắc chắn tình trạng suy giảm trí nhớ sau đột quỵ sẽ nặng hơn so với trước đột quỵ.

Nguyên nhân của tình trạng suy giảm trí nhớ này không chỉ là thiếu máu não mà có thể mắc đồng thời bệnh alzheimer và suy giảm nhận thức do đột quỵ. Do đó, ta thấy trên những người lớn tuổi không chỉ có một bệnh gây ra suy giảm nhận thức mà vừa là đột quỵ, vừa bị thoái hóa thần kinh. Ví dụ như alzheimer đều có thể xảy ra trên cùng một người bệnh.

>>> Nguyên nhân nào dẫn đến mất trí nhớ sau đột quỵ?

Trân trọng cảm ơn nhãn hàng Tebonin đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X