Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân nào dẫn đến mất trí nhớ sau đột quỵ?

“Nếu trước khi bị đột quỵ không có suy giảm về trí nhớ hay nhận thức và đây là đột quỵ lần đầu thì khả năng suy giảm trí nhớ hay suy giảm nhận thức sau đột quỵ chỉ khoảng 12%. Trường hợp có tiền sử suy giảm trí nhớ (trước khi bị đột quỵ đã có suy giảm trí nhớ) hoặc đã bị đột quỵ một lần thì nguy cơ suy giảm nhận thức sau đột quỵ lần 2 tăng lên gấp đôi (từ 21 - 24%)” là một trong những chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất trong bài viết dưới đây.

1. Tình hình đột quỵ ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Nhờ BS khái quát bức tranh của tình hình đột quỵ ở Việt Nam hiện nay?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Cách đây một thời gian, con số thống kê đột quỵ ở Việt nam khoảng 200.000 ca. Tuy nhiên, số lượng trường hợp đột quỵ mới trong một năm tính đến thời điểm này sẽ tăng lên khoảng 20% của con số trước đây.

Huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, stress trong cuộc sống,… là các nguyên nhân gây ra đột quỵ. Những bệnh lý này sẽ tăng lên ở các nước đang phát triển, cuộc sống đô thị ngày càng mở rộng. Một điều hiển nhiên là đột quỵ càng xảy ra nhiều hơn ở những người trẻ.

Bệnh nhân sau khi đột quỵ chỉ khoảng 30% có thể quay trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường như trước khi đột quỵ và 70% có những khiếm khuyết thần kinh nhất định, làm giảm khả năng về nghề nghiệp, hoạt động bình thường trong cuộc sống.

Từ trước đến nay khiếm khuyết chúng ta quan tâm ở bệnh nhân đột quỵ là yếu liệt tay chân và chỉ chú ý đến vấn đề này. Với nhứng tiến bộ hiện nay của việc điều trị trong giai đoạn cấp chúng ta thấy rằng nhiều bệnh nhân khả năng phục hồi vận động hoặc các chức năng khác đôi khi rất tốt tuy nhiên vẫn có những khiếm khuyết thần kinh khác như khiếm khuyết về ngôn ngữ (bệnh nhân gặp vấn đề về ngôn ngữ), vấn đề về cảm xúc (trầm cảm sau đột quỵ) hoặc suy giảm trí nhớ, chức năng nhận thức sau đột quỵ.

Ở những bệnh nhân này, nếu không nhận diện sớm, không can thiệp sớm những suy giảm về cảm xúc, nhận thức sẽ ảnh hưởng đến công việc. Mặc dù vẫn đi lại được, vẫn đến công ty được nhưng khả năng làm việc sẽ bị suy giảm. Do đó, mối quan tâm hiện nay sau đột quỵ là vấn đề suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ.

2. Nếu các vấn đề sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ sau đột quỵ không được chú ý sẽ như thế nào?

Bên cạnh những di chứng sau đột quỵ liên quan đến vận động, ngôn ngữ được chú ý thì các vấn đề khác như sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, thậm chí là mất trí nhớ có rất nhiều người mặc định nguyên nhân xuất phát từ sau khi bị đột quỵ nên không quan tâm nhiều. Đối với chuyên khoa nội thần kinh vấn đề này đang diễn ra như thế nào thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Khi người thân bị đột quỵ câu hỏi quan trọng nhất sau đó là: “Có đi lại được không? Có tự sinh hoạt, ăn uống được không?” nhưng chúng ta lại ít để ý đến những vấn đề khác.

Ví dụ, một bệnh nhân sau khi bị đột quỵ hồi phục tốt về vấn đề vận động (như đi lại, ăn uống, tắm rửa, sinh hoạt) khi đến khám với bác sĩ mặc dù người đó có những vấn đề khác như vấn đề về ngôn ngữ (nói khó), trầm cảm (buồn, chán,…) hoặc có sự suy giảm về trí nhớ nhưng bác sĩ lại cho rằng hồi phục như vậy là rất tốt.

Ngay cả bác sĩ tại các phòng khám đa khoa đôi khi bỏ qua các vấn đề khác và nghĩ rằng hồi phục vận động là tốt và thỏa mãn với sự hồi phục đó, trong khi bệnh nhân vẫn có những hạn chế về sinh hoạt hằng ngày như giảm khả năng làm việc, công việc hằng ngày bị ảnh hưởng. Nếu bác sĩ chú ý hơn đến các vấn đề ngoài vận động có thể sẽ cải thiện chức năng sống của bệnh nhân tốt hơn.

3. Suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ ở bệnh nhân sau đột quỵ phụ thuộc vào yếu tố nào?

Thưa BS, suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ ở bệnh nhân sau đột quỵ có phụ thuộc vào yếu tố nào hay không như yếu tố về tuổi tác, giới tính hay mức độ của tình trạng đột quỵ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Không phải ai sau khi đột quỵ cũng bị suy giảm về trí nhớ hoặc suy giảm chức năng nhận thức. Một số yếu tố nguy cơ dễ gây suy giảm trí nhớ sau đột quỵ:

- Vấn đề về tuổi tác

- Giới tính

- Bệnh nhân có suy giảm về trí nhớ trước khi bị đột quỵ

- Số lần bị đột quỵ

- Các vấn đề cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá,…

- Yếu tố gen: Trong gia đình có người bị suy giảm về trí nhớ

- Trầm cảm sau đột quỵ.

Trong tất cả những yếu tố nguy cơ đó có 2 yếu tố rất quan trọng là tình trạng suy giảm nhận thức trước đột quỵ và đột quỵ tái phát hay không tái phát.

- Nếu một người trước khi bị đột quỵ không có suy giảm về trí nhớ hay nhận thức và đây là đột quỵ lần đầu thì khả năng người đó bị suy giảm về trí nhớ hay suy giảm nhận thức sau đột quỵ chỉ khoảng 12%.

- Trường hợp có tiền sử suy giảm trí nhớ (trước khi bị đột quỵ đã có suy giảm trí nhớ) hoặc đã bị đột quỵ một lần thì nguy cơ suy giảm nhận thức sau đột quỵ lần 2 tăng lên gấp đôi (từ 21 - 24%).

- Nếu kết hợp cả 2 yếu tố: Một người đã có tiền sử suy giảm trí nhớ trước đột quỵ và đây là đột quỵ tát phát (lần 2, lần 3,…) thì nguy cơ tăng gấp 3,5 lần so với người trước đó hoàn toàn bình thường.

Từ đó, cho thấy vai trò của việc dự phòng đột quỵ rất quan trọng.

4. Sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ sau đột quỵ diễn tiến ra sao và làm thế nào để phân biệt với bệnh Alzheimer?

Vấn đề sa sút trí tuệ hay suy giảm trí nhớ sau đột quỵ diễn tiến như thế nào? Làm thế nào để nhận diện sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ sau đột quỵ với sa sút trí tuệ trong bệnh Alzheimer?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Suy giảm về nhận thức sau đột quỵ có bối cảnh hoàn toàn khác so với bệnh Alzheimer, nếu là một người chuyên về thần kinh sẽ có thể nhận biết được.

Sa sút trí tuệ trong bệnh Alzheimer thường diễn tiến bệnh đều đều và đi xuống từ từ. Ngược lại, đối với sa sút trí tuệ sau đột quỵ bệnh cảnh sẽ đột ngột. Nghĩa là một người đang có trí tuệ tương đối bình thường, sau một lần bị đột quỵ thì trí nhớ hoặc chức năng nhận thức giảm một cách đột ngột (gọi là diễn tiến theo kiểu bậc thang).

Tuy nhiên cũng giống với những khiếm khuyết về thần kinh khác như vận động,… sau một thời gian, não bộ của chúng ta có thể tự sửa chữa, tự phục hồi một phần nào đó. Do vậy, tình trạng suy giảm trí nhớ hoặc nhận thức có thể cải thiện một phần. Thời gian cải thiện trong vòng 3-6 tháng và sau thời gian đó thì khả năng của não bộ không thể phục hồi sửa chữa được.

Tuy nhiên nếu tình trạng bệnh lý mạch máu não vẫn tiếp diễn hoặc có đột quỵ tái phát thì một lần nữa tình trạng trí nhớ, chức năng nhận thức của người đó lại xuống thêm một bậc. Có thể hình dung như bước từng bước xuống một bậc thang, đây là kiểu cách diễn tiến đặc trưng.

Thứ hai là triệu chứng của người suy giảm trí nhớ do đột quỵ cũng sẽ khác. Đối với bệnh Alzheimer triệu chứng về trí nhớ là triệu chứng nổi bật nhất. Tức là, người đó quên những chuyện xảy ra gần đây, giảm khả năng thu thập kiến thức gần đây. Ví dụ, quên chuyện xảy ra vào buổi sáng hay chuyện xảy ra ngày hôm qua hoặc quên một cuộc hẹn, quên uống thuốc.

Suy giảm về nhận thức sau đột quỵ bối cảnh sẽ khác so với bệnh Alzheimer:

- Biểu hiện của bệnh nhân có thể không phải trí nhớ là đầu tiên mà là các vấn đề nhận thức khác như giảm tập trung. Người bệnh hay bị sao nhãng khỏi một vấn đề, ví dụ khi nói chuyện phải lặp đi lặp lại mới có thể tập trung vào sự việc đó và đồng thời dễ sao nhãng qua sự việc khác.

- Khả năng tính toán, suy nghĩ rất chậm chạm trong khi những chức năng vận động hoàn toàn tốt.

- Chức năng điều hành (khả năng lên kế hoạch giải quyết vấn đề) sẽ suy giảm rõ rệt ở người bị đột quỵ. Nếu một người đang đi làm, đặc biệt là làm ở vị trí quản lý chắc chắn công việc sẽ bị ảnh hưởng.

5. Nguyên nhân nào dẫn đến đột quỵ tái phát?

Những yếu tố khách quan hay chủ quan nào làm cho đột quỵ tái phát dễ diễn ra hơn?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Người bị đột quỵ lần đầu đã có tổn thương trong não, có kích thước nhất định,… Khi bị đột quỵ lần thứ 2 hoặc thứ 3, vùng tổn thương trong não sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba. Não của chúng ta có những vùng chỉ bị tổn thương kích thước rất nhỏ nhưng vẫn bị suy giảm về trí nhớ và nhận thức. Trong khi ở một số bệnh nhân bị tổn thương những vùng vận động nhưng không ảnh hưởng về nhận thức. Do đó, cần phòng ngừa không bị đột quỵ để ngăn chặn tiến triển của suy giảm nhận thức.

Những trường hợp dễ đột quỵ là người có nguy cơ về mạch máu như huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia. Nếu không phòng ngừa đột quỵ tốt, không kiểm soát yếu tố nguy cơ sẽ dễ mắc đột quỵ lần 2, từ đó nguy cơ suy giảm nhận thức sẽ tăng lên gấp đôi.

6. Tỷ lệ tái phát sau đột quỵ được ghi nhận ra sao?

Tái phát đột quỵ là vấn đề mà các bác sĩ khoa thần kinh cảnh báo rất nhiều đối với cộng đồng và đối với bệnh nhân. Vậy tỷ lệ tái phát sau đột quỵ được ghi nhận cụ thể như thế nào thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Bất kỳ đột quỵ nào (nhồi máu não, xuất huyết não) cũng đều có nguy cơ tái phát. Nguy cơ này sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, cơ chế gây ra đột quỵ.

Đối với trường hợp đột quỵ nhồi máu, nguy cơ tái phát cao nhất là nhồi máu do xơ vữa động mạch lớn. Bên cạnh đó, nguy cơ tái phát cao nhất trong giai đoạn đầu tiên, đặc biệt là trong tuần lễ đầu tiên hoặc tháng đầu tiên. Do đó, vấn đề điều trị phòng ngừa trong giai đoạn cấp hoặc bán cấp rất quan trọng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nếu chúng ta điều trị phòng ngừa qua tháng đó thì có thể hoàn toàn yên tâm trong tương lai không bị đột quỵ. Cần xác định điều trị phòng ngừa là điều trị suốt đời.

Đối với trường hợp xuất huyết não, 80% do nguyên nhân cao huyết áp. Bệnh cao huyết áp là bệnh điều trị suốt đời, vì vậy cần điều trị để nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não thấp nhất. Không phải uống một viên thuốc huyết áp thì có thể yên tâm từ năm này qua năm khác. Trong thực tế lâm sàng có rất nhiều trường hợp bệnh nhân xuất viện, bác sĩ cho một đơn thuốc và bệnh nhân uống từ năm này qua năm khác mà không biết huyết áp hiện tại bao nhiêu.

Do đó, khi điều trị phòng ngừa có 2 yếu tố cần quan tâm:

- Điều trị phòng ngừa là điều trị suốt đời.

- Tái khám định lỳ theo hẹn của bác sĩ để biết đã đạt được mục tiêu phòng ngừa hay chưa.

>>> Làm thế nào để phục hồi trí nhớ sau đột quỵ?

Trân trọng cảm ơn nhãn hàng Tebonin đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X