Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để phát hiện sớm bệnh lây qua đường tình dục?

Sau khi có quan hệ tình dục không an toàn, nhiều người ngại đi khám bệnh. ThS.BS Lê Vũ Tân - Bệnh viện Bình Dân chỉ ra các dấu hiệu sớm của một số bệnh lây qua đường tình dục, cách thăm khám và cần làm gì để hạn chế lây lan những bệnh này.

I. Chủ đề: Phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục

1. Quan hệ tình dục có nguy cơ lây truyền những loại bệnh gì, bệnh nào chữa được?

Thưa BS, quan hệ tình dục có nguy cơ tiềm ẩn lây truyền những loại bệnh nào cho bạn tình? Những loại bệnh nào thường gặp và nguy hiểm nhất? Đối với các bệnh vừa kể trên thì loại nào có thể chữa được, loại nào không?

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Bệnh lây qua đường tình dục bao gồm rất nhiều bệnh do 2 tác nhân chính là vi khuẩn và virus. Những bệnh do tác nhân vi khuẩn gây ra gồm: lậu, viêm niệu đạo, giang mai,... Nhóm bệnh do tác nhân virus gồm: HIV, viêm gan, sùi mào gà, herpes…

Những bệnh lây qua đường tình dục nếu không được điều trị kịp thời đều gây biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Ví dụ, ở nam giới, khi bị viêm niệu đạo nhưng không điều trị sẽ dẫn đến viêm tinh hoàn, nặng hơn là viêm bàng quang hoặc viêm thận.

Hầu như những bệnh tình dục do viêm nhiễm vi khuẩn đều có thể chữa được. Những bệnh do virus gây là thì chưa thể chữa dứt điểm được. Ví dụ, khi bị nhiễm HIV thì chắc chắc sẽ không điều trị khỏi, tuy nhiên bệnh nhân có thể điều trị để khống chế virus, củng cố hệ miễn dịch của cơ thể, giúp duy trì sức khỏe và cuộc sống bình thường.

2. Quan hệ tình dục bằng miệng có tác hại gì?

Xu hướng tình dục bạo lực hay quan hệ bằng miệng được truyền tai nhau khá rộng rãi. Vậy, xu hướng này mang lại tác hại gì, thưa bác sĩ?

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Quan hệ tình dục bằng miệng là dùng miệng, môi, lưỡi để kích thích cơ quan sinh dục hoặc vùng hậu môn của bạn tình. Theo thống kê, những bệnh lây qua đường tình dục không chỉ lây qua đường quan hệ chính thống mà còn lây qua đường quan hệ bằng miệng. Tuy nhiên khả năng lây qua đường quan hệ bằng miệng sẽ thấp hơn.

3. Có phải quan hệ tình dục qua ngả hậu môn thì ít bị lây bệnh?

Những người có đa dạng bạn tình, thường quan hệ tình dục qua ngả hậu môn, làm sao để phòng tránh mắc các bệnh nhiễm qua đường đường tình dục, thưa BS?

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Nhiều người nghĩ rằng, quan hệ tình dục qua đường hậu môn sẽ không bị viêm nhiễm. Đó là quan niệm sai lầm bởi quan hệ qua đường hậu môn sẽ dễ nhiễm vi khuẩn từ hậu môn gây ra nhiều bệnh.

Theo nghiên cứu, quan hệ tình dục qua đường hậu môn dễ mắc bệnh hơn quan hệ qua đường âm đạo. Để quan hệ tình dục an toàn, cần sử dụng bao cao su.

alobacsi ThS.BS Lê Vũ Tân ThS.BS Lê Vũ Tân - khoa Nam khoa, Bệnh viện Bình Dân

4. Làm sao để phát hiện bệnh lây qua đường tình dục, cần làm xét nghiệm gì?

Nếu quan hệ tình dục không an toàn hoặc có nguy cơ thì làm sao để phát hiện bệnh? Người bệnh cần làm xét nghiệm gì, đến đâu để khám bệnh và có những lưu ý gì khi đi khám không thưa bác sĩ?

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Nếu chúng ta quan hệ tình dục không an toàn thì sẽ có nguy cơ dễ mắc các bệnh tình dục. Khi đó, chúng ta cần để ý những triệu chứng như tiểu buốt, đau, chảy mủ nhiều ở lỗ tiểu, đặc biệt là buổi sáng.

Ngoài ra, bệnh lây qua đường tình dục sẽ gây viêm mào tinh, viêm tinh hoàn. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra áp-xe và phải cắt bỏ tinh hoàn đó.

Bên cạnh đó, tại cơ quan sinh dục sẽ xuất hiện vết loét nếu bị nhiễm giang mai, nếu nổi hạt li ti, phát triển to dần thành nụ sùi thì đây là triệu chứng của sùi mào gà. Nếu bị nhiễm herpes thì cơ quan sinh dục sẽ nổi bong bóng nước và lan ra xung quanh.

Nếu chúng ta có nghi ngờ mắc bệnh tình dục thì đến ngay khoa nam học hoặc phòng khám da liễu để được thăm khám. Tại đây, sau khi hỏi về bệnh sử và quan sát sang thương thì BS sẽ cho bệnh nhân làm xét nghiệm.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng về đường tiểu thì sẽ được xét nghiệm và nội soi đường tiểu để tìm vi khuẩn gây bệnh. Nếu bệnh nhân có các sang thương do virus thì sẽ được xét nghiệm để tìm ra virus gây bệnh là gì.

Cần lưu ý, nếu nghi ngờ hoặc đã bị nhiễm bệnh thì cần sắp xếp công việc để đi khám trong thời gian sớm nhất. Vì thời gian kéo dài, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng hơn. Bệnh nhân cần lựa chọn cơ sở uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh thì cần phải giữ vệ sinh cơ quan sinh dục thật tốt và kiêng quan hệ.

5. Mụn nhỏ mọc ở quy đầu, không đau, không ngứa là bệnh gì?

Nhiều bạn đọc AloBacsi thắc mắc là xuất hiện tình trạng mọc mụn nhỏ ở quy đầu, không đau, không ngứa, đây liệu có phải là bệnh lây qua đường tình dục không?

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Theo mô tả, BS cảm nhận  đây là chuỗi hạt ngọc dương vật. Đây là một bệnh lý có cơ chế sinh bệnh không rõ ràng và không nguy hiểm đến sức khỏe tình dục bệnh nhân. Nếu chẳng may bạn mắc phải bệnh này và chuỗi hạt ngọc phát triển quá mức thì cần đến bệnh viện để khám và chữa trị. Trường hợp, chuỗi hạt ngọc dương vật không phát triển, không gây khó chịu thì không cần điều trị.

6. Bao cao su có ngăn chặn hoàn toàn bệnh lây qua đường tình dục không?

Các biện pháp phòng chống hoặc hạn chế mức tối đa sự lây lan của bệnh khi quan hệ tình dục? Có phải cứ dùng bao cao su là đã an tâm?

Để tránh bệnh tình dục thì không quan hệ với người lạ, người mà mình không tin tưởng. Dùng bao cao su hầu như tránh được các bệnh tình dục. Tuy nhiên, một số bệnh lây qua đường tiếp xúc trực tiếp như sùi mào gà, herpes thì bao cao su không ngăn lây bệnh được. Bệnh nhân mang bao cao su quan hệ nhưng vẫn bị sùi mào gà là do dịch tiết từ người bạn tình dính vào vùng bìu sẽ làm lây lan bệnh.

7. Mắc bệnh qua đường tình dục rồi phải chữa trị thế nào, làm sao để tránh lây cho người khác?

Mắc bệnh qua đường tình dục có phải là dấu chấm hết? Những lưu ý để điều trị bệnh hoặc làm thuyên giảm bệnh? Làm sao để hạn chế lây lan cho bạn tình hoặc những người xung quanh?

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Mắc bệnh qua đường tình dục không phải là dấu chấm hết. Những bệnh do virus sẽ không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bạn có lối sống lành mạnh, sức khỏe tốt thì virus sẽ không bùng phát và gây ra sang thương. Đối với bệnh do vi khuẩn gây ra nhưng được điều trị kịp thời và đúng đắn thì tỷ lệ khỏi bệnh sẽ cao.

Để hạn chế lây lan, nam giới phải kiêng quan hệ với bạn tình trong thời gian nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, nam giới cần đưa người bạn tình của mình đi thăm khám vì có khả năng người bạn tình đó cũng nhiễm bệnh.

II. Giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi

1. Thưa bác sĩ con muốn hỏi: khi con bầu bé thứ 2 được 3 tháng đi xét nghiệm phát hiện bị giang mai (bản thân không quan hệ ngoài luồng 1 chồng), chồng đi xét nghiệm cũng mắc bệnh? Tại sao mình mắc bệnh đến giờ vẫn là dấu hỏi. Con đã điều trị và chọc ối xét nghiệm lúc thai 6 tháng tuổi. Kết quả thai nhi không nhiễm bệnh. Giờ bé con gần được 4 tuổi lúc nào con cũng lo sợ con bị giang mai? Con xin hỏi có cần phải cho bé con đi xét nghiệm sau sinh không ạ? Và bản thân con có bị tái lại không? Con xin cảm ơn.

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Bạn quan hệ 1 vợ 1 chồng tuy nhiên nguồn lây bệnh giang mai có thể từ chồng bạn. Bằng chứng là chồng bạn đã nhiễm giang mai. Vợ chồng bạn nên đi khám và xét nghiệm để điều trị bệnh. Sau khi tầm soát bệnh và điều trị thì mới có hướng để điều trị cho bé.

Nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và cho bé hiểu hơn về bệnh giang mai. Trường hợp này, BS khuyên nên đưa bé đến BV Nhi đồng 1 để được tư vấn và xét nghiệm máu. Các BS sẽ xét nghiệm và theo dõi trong máu của bé có vi khuẩn giang mai hay không. Nếu bé có nguy cơ nhiễm cao thì sẽ được điều trị bằng kháng sinh thích hợp.

2. Thưa bác sĩ, cháu năm nay 22 tuổi, bị sùi mào gà nhưng lại đi tiểu thấy buốt và thỉnh thoảng ra máu. Cháu đi khám nam khoa bác sĩ bảo bị mắc bệnh sùi mào gà. Cháu không quan hệ lăng nhăng, có khi nào chúng cháu lây bệnh từ tấm trải giường và khăn ở khách sạn không vậy bác sĩ?

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Bạn bị sùi mào gà nhưng lại đi tiểu buốt và ra máu thì có thể vị trí sùi mào gà nằm ở lỗ tiểu. Khi bạn đi tiểu rất dễ chảy máu, chứ virus HPV không gây chảu máu. Ngoài ra, trường hợp bạn tiểu ra máu có thể do viêm nhiễm niệu đạo do hoặc bị sỏi ở đường tiết niệu.

Trường hợp bạn quan hệ tình dục an toàn thì vẫn có thể bị nhiễm từ tấm trải giường và khăn ở khách sạn. Nếu bạn qua đêm tại những khách sạn mà trước đó phòng này đã có cặp tình nhân khác quan hệ và dịch tiết dính vào những vật dụng xung quanh. Sau đó, những vật dụng này không được vệ sinh kĩ thì khả năng bạn bị nhiễm bệnh là rất cao.

3. Thưa bác sĩ, em nghe nói là bệnh lậu cũng có nguy cơ lây nhiễm qua đường nước bọt không ạ? Em và bạn gái em hôn nhau, cô ấy mắc bệnh lậu, thì em có bị nhiễm lậu từ bạn gái em không. Nếu cô ấy oral sex cho em thì có bị lây nhiễm không ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp em với ạ.

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Lậu cũng có khả năng lây khi quan hệ bằng miệng. Một số trường hợp nam giới đi massage, được kích thích bằng miệng và sau đó bị tiểu ra mủ. Vì vậy, khi quan hệ tình dục bằng miệng cũng sẽ lây lan bệnh tình dục.

4. Mới đây em quan hệ tình dục với một cô gái massage. 2 ngày sau khi quan hệ với người ấy, em thấy ngứa ở cổ, ngực, dương vật, có phải bị nhiễm HIV không? Em rất lo sợ lây nhiễm HIV. Xin bác sĩ cho biết giai đoạn đầu của HIV có triệu chứng gì? Em cám ơn.

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Virus HIV khi vào cơ thể sẽ gây ra triệu chứng mệt mỏi như bệnh cảm thông thường và không có triệu chứng rõ ràng. Trong thời gian đầu, nếu bạn đi xét nghiệm ngay thì có khả năng không phát hiện ra bệnh. Vì vậy, 3 tháng sau, bạn nên đi khám và xét nghiệm để kiểm tra xem có nhiễm HIV hay không.

5. Em là sinh viên, vì ở chung phòng với các bạn nam khác nên nhiều khi thoải mái, mượn hoặc lấy đồ lót của nhau để mặc. Dù có giặt sạch sẽ nhưng em nghe nói vẫn có thể mắc các bệnh tình dục. Kính mong bác sĩ cho em lời khuyên. Em xin cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Lê Vũ Tân:

Bạn không nên dùng chung khăn lau mặt, khăn tắm, đặc biệt là đồ lót. Vì khi dùng chung khả năng lây bệnh bình dục là khá cao.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X