Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì khi trẻ bị răng thưa?

Tình trạng răng thưa ở trẻ em là một trong những bệnh lý răng miệng phổ biến ở giai đoạn răng sữa. Rất nhiều phụ huynh quan tâm lo ngại rằng, răng cửa thưa ở trẻ em có khắc phục được không và có ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ không? Phần tư vấn của BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến - Quyền điều hành Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sẽ giải đáp những thắc mắc cũng như giải tỏa nỗi lo cho quý phụ huynh.

1. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 chiếc răng thưa là 0,5mm

Đầu tiên, xin hỏi BS, kết cấu răng của trẻ như thế nào thì gọi là răng thưa?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: “Răng thưa” là tình trạng giữa hai răng có khoảng cách, tối thiểu từ 0,5mm. Khoảng cách này có thể xuất hiện ở giữa hai răng hoặc nhiều răng.

Hệ răng sữa của trẻ có 20 chiếc. Những chiếc răng phía trước, mọc đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng răng thưa.

2. Hệ răng sữa thường có khoảng cách sinh lý

Có phải trẻ nào cũng gặp vấn đề răng thưa không, thưa BS? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Cần nhấn mạnh rằng hàm răng của trẻ, nhất là răng sữa, sẽ có khoảng cách nhất định giữa các răng. Trong một số trường hợp, hàm răng hoàn toàn không có khoảng hở, được gọi là răng đều đặn.

Tuy nhiên, đối với hệ răng sữa, giữa các răng, đặc biệt là các răng trước, thường có khoảng cách sinh lý. Điều này nghĩa là hệ răng sữa bình thường có thể chấp nhận được khoảng hở giữa các răng tối thiểu 0,5mm ở những răng phía trước.

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến - Quyền điều hành Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

3. Răng thưa ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Răng thưa có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ không, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Đầu tiên và dễ nhận thấy nhất, răng thưa sẽ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ. Phụ huynh luôn mong muốn con trẻ có hàm răng đều, ít khoảng cách giữa các răng nhất có thể.

Khoảng cách giữa các răng sẽ khiến thức ăn đọng lại ở kẽ răng, khó vệ sinh dẫn đến tình trạng sâu răng, đặc biệt là sâu răng ở kẽ.

Bên cạnh đó, khoảng hở giữa các răng còn làm trẻ gặp vấn đề trong phát âm.

4. Khắc phục răng thưa dựa trên nguyên nhân

Răng thưa ở giai đoạn răng sữa có cần được can thiệp không, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Trước hết, tôi xin nhắc lại nguyên nhân hình thành răng thưa, gồm nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.

Ở hệ răng sữa sẽ có những khoảng cách sinh lý, điều này hoàn toàn bình thường và có thể chấp nhận được, từ các răng nanh sữa bên trái đến răng nanh sữa bên phải. Khoảng cách này ở mỗi hàm tương đương 0,5mm cho mỗi răng.

Chính vì vậy, nếu phụ huynh thấy răng sữa của con có khoảng hở nhưng vẫn nằm tròn đều, không bị biến dạng, không bị sâu răng mặt bên thì xem như có thể tạm chấp nhận được.

Tuy nhiên, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng thưa như những chiếc răng mọc không đúng, nghĩa là có sự rối loạn về phát triển mọc răng; trẻ có 1 chiếc răng bị dư, làm xô lệch hai chiếc răng bên cạnh tạo thành khoảng cách; trẻ bị thiếu răng.

Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là dính thắng môi hàm trên. Thắng môi là bộ phận giúp giữ cho môi không bị dịch chuyển quá nhiều trong quá trình vận động. Nhưng nếu bám ở vị trí không đúng, đặc biệt là bám giữa hai răng, sẽ làm cho khoảng cách giữa răng bị rộng hơn, dẫn đến thưa hai răng cửa hàm trên.

Một nguyên nhân khác đến từ thói quen chưa tốt hình thành trong giai đoạn đầu đời hoặc giai đoạn trước 6 tuổi của trẻ, gồm mút tay, đẩy lưỡi, ngậm mút, cắn móng...

Chính vì vậy, để xác định được tình trạng răng thưa do sinh lý hay bệnh lý, cần phải được thăm khám ở chuyên khoa răng hàm mặt. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, chụp X-quang hoặc làm các xét nghiệm cần thiết để khẳng định vấn đề của trẻ đến từ đâu.

Về nguyên nhân sinh lý, chúng ta phải chấp nhận việc trẻ bị thưa răng. Vì kích thước của răng sữa và răng vĩnh viễn có sự chênh lệch, khoảng cách sinh lý ở hệ răng sữa giúp răng vĩnh viễn của trẻ sau này đều đặn, không bị tình trạng chen chúc.

Về nguyên nhân bệnh lý như trẻ dư răng hoặc thiếu răng, do đẩy lưỡi, xô lệch thắng môi, bác sĩ sẽ khắc phục dựa trên những nguyên nhân này. Sau khi đã giải quyết nguyên nhân, biện pháp cuối cùng có thể nghĩ đến là chỉnh lại răng, niềng răng cho trẻ.

5. Xử trí răng thưa ở răng vĩnh viễn

BS có thể chia sẻ thêm, liệu có biện pháp nào để khắc phục răng thưa khi trẻ đã thay răng vĩnh viễn?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Không phải trường hợp răng thưa nào cũng nhất thiết phải xử lý sớm, trừ khi ảnh hưởng đến chức năng và sinh lý quá nhiều.

Đôi khi, giữa 2 răng cửa vẫn có khoảng cách nhất định. Khoảng cách này còn thay đổi, giảm dần khi những răng cửa bên mọc lên. Khi gặp tình trạng này, bác sĩ sẽ hẹn thăm khám định kỳ để theo dõi.

Nếu khoảng hở giữa các răng có thể đóng được bằng cách sinh lý tự nhiên, sau khi mọc đủ răng phía trước, chúng ta sẽ đánh giá lại xem khoảng cách này có cần tái tạo hay đóng kín bằng các biện pháp cơ học khác hay không.

6. Những phương pháp khắc phục răng thưa

Thưa BS, hiện nay có những phương pháp nào để khắc phục vấn đề răng thưa ở trẻ? Ưu và nhược điểm của từng phương pháp ra sao?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Đối với từng nguyên nhân khác nhau sẽ có phương án điều trị khác nhau. Răng thưa do có 1 răng bị thừa được xử lý bằng cách nhổ răng thừa. Răng thưa do thiếu răng hoặc thói quen đẩy lưỡi, mút tay, cắn bút viết được điều chỉnh bằng các khí cụ chức năng chuyên biệt trong điều trị niềng răng.

7. Trẻ từ 5-7 tuổi có thể niềng răng để khắc phục răng thưa

Trẻ ở độ tuổi nào có thể niềng răng để khắc phục tình trạng răng thưa, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Niềng răng được ưu tiên trong giai đoạn răng hỗn hợp (từ 5-7 tuổi). Đây là giai đoạn những chiếc răng cửa bắt đầu được thay thế bằng răng vĩnh viễn.

Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ đánh giá lại khoảng cách giữa các răng. Nếu cần thiết, trẻ sẽ được mang một khí cụ chức năng để đóng kín các khe hở hoặc trực tiếp sử dụng phương pháp cố định bằng mắc cài. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng và có sự ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ, nhất là trong quá trình đi học.

8. Thăm khám chuyên khoa rất quan trọng trong giai đoạn con trẻ thay răng

Câu hỏi độc giả: Chảo BS, con gái tôi năm nay 5 tuổi nhưng cháu bị mọc răng sữa thưa. Tôi hơi lo lắng, không biết trẻ bị răng thưa phải làm như thế nào để khắc phục.

Liệu sau này răng vĩnh viễn có bị thưa như răng sữa không? Mong BS giải đáp giúp, cảm ơn BS rất nhiều.

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Vấn đề răng thưa của trẻ, đặc biệt là ở những trẻ dưới 6 tuổi. Lời khuyên cho mẹ là nên đưa con đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt. Đây là bước rất quan trọng trong giai đoạn thay răng của con.

Vấn đề răng thưa có thể đã hình thành từ trước hoặc vừa xuất hiện gần đây, tuy nhiên nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ. Vì vậy, với những nguyên nhân khác nhau như đã đề cập ở trên, chúng ta sẽ có hướng giải quyết phù hợp.

Nếu chỉ là khoảng cách sinh lý, chúng ta sẽ đợi đến khi trẻ thay tối thiểu 4 chiếc răng cửa vĩnh viễn ở hàm trên và 4 chiếc ở hàm dưới để đánh giá chính xác về chức năng và thẩm mỹ.

Nếu bác sĩ phát hiện con có mầm răng dư nằm ở hàm trên, mầm răng đó sẽ được xử lý để đảm bảo răng của con không bị thưa khi mọc răng vĩnh viễn.

9. Niềng răng có thể cải thiện rõ rệt tình trạng răng thưa

Câu hỏi độc giả: Con tôi năm nay 13 tuổi, răng cửa thưa quá mức. Nhiều người nói rằng nướu của con còn non nên vẫn chưa sửa răng được. Tôi nên làm gì trong trường hợp này, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Trước tiên, xin khẳng định với quý phụ huynh, khi trẻ 13 tuổi, những chiếc răng vĩnh viễn đã mọc được khoảng 6 năm. Như vậy, chúng ta không cần lo lắng về việc nướu còn non nớt nên chưa can thiệp được.

Tuy nhiên, với những chiếc răng trong, răng cối, chúng ta không cải thiện sớm ở giai đoạn này. Nếu tình trạng thưa răng chỉ xảy ra ở răng cửa, phụ huynh có thể đưa trẻ đến thăm khám và điều trị bằng phương pháp niềng răng.

Phương pháp niềng răng có thể thay đổi vị trí cũng như đóng các khoảng cách giữa các răng của con, cải thiện rõ rệt tình trạng răng thưa.

10. Chải răng đúng cách góp phần bảo vệ răng của trẻ

BS có lời khuyên gì gửi đến quý phụ huynh trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng của con như thế nào để trẻ có hàm răng chắc khỏe, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Nhiệm vụ chăm sóc răng miệng của trẻ giai đoạn trước 6 tuổi hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ.

Việc thăm khám định kỳ với nha sĩ và bác sĩ răng hàm mặt cũng là một trong những yếu tố giúp con cải thiện được tình trạng răng miệng.

Các biện pháp chăm sóc tại nhà bao gồm chải răng đúng cách, dùng bàn chải và kem đánh răng đúng độ tuổi cũng như những tác động hỗ trợ khác, chẳng hạn tăm nước, chỉ nha khoa... sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc bảo vệ những chiếc răng xinh của con, giúp con có một hàm răng khỏe mạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X