Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì để phòng ngừa bệnh tuyến giáp, khi nào nên bổ sung i ốt?

Bệnh tuyến giáp gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở nữ giới. Hiện nay chỉ cần qua siêu âm đã có thể phát hiện các vấn đề bệnh lý tuyến giáp. Vậy làm thế nào để phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp? Cùng tìm câu trả lời qua chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy - Hội viên Hội Nội tiết TPHCM, bác sĩ Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh.

1. Bổ sung i ốt, thay đổi lối sống, theo dõi định kỳ để ngăn chặn diễn tiến bệnh tuyến giáp

Liệu có thể ngăn chặn tiến triển bằng thay đổi thói quen, sinh hoạt, hoặc dinh dưỡng?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Tuyến giáp là nơi sản xuất hormon chuyển hóa nên tất cả các vấn đề liên quan đến chuyển hóa sẽ kích thích lên tuyến giáp làm tăng kích thước tuyến giáp hoặc tăng hoạt các nhân có sẵn. Vì vậy cần điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, dùng thuốc… để nhân giáp không diễn tiến.

Thứ nhất về vấn đề chuyển hóa, cần bổ sung đủ i ốt nếu sống ở vùng thiếu i ốt, một số khu vực ở Việt Nam hiện nay vẫn bù i ốt qua muối.

Thứ hai, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, quản lý căng thẳng, stress, tránh thức khuya để ngăn chặn sản xuất hormon tuyến giáp. Một số yếu tố khác như thừa cân, béo phì sẽ làm rối loạn chuyển hóa gây ra rối loạn chức năng tuyến giáp, do đó khi điều chỉnh lối sống cần tập trung đầu tiên vào các vấn đề này.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào diễn tiến của bệnh tự miễn trong cơ thể đáp ứng như thế nào bệnh nhân cần đi khám và theo dõi định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, có thể 3 tháng, 6 tháng, các ca khó phải theo dõi thường nhật.

 BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy - Hội viên Hội Nội tiết TPHCM, bác sĩ Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

2. Có phải tất cả bệnh tuyến giáp đều cần bổ sung i ốt?

Trong các nhóm bệnh tuyến giáp, loại nào nên bổ sung i ốt? Loại nào không nên bổ sung i ốt, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Những bệnh lý cường giáp cần hạn chế i ốt, còn những bệnh được đánh giá do thiếu i ốt bệnh nhân cần bổ sung thêm thành phần này.

Ví dụ phình giáp hoặc có bướu giáp đơn thuần bác sĩ khuyến khích bệnh nhân bù i ốt. Nhóm người lớn tuổi bị bướu giáp đa nhân đã lâu có khả năng hóa thành cường giáp, bác sĩ sẽ chỉ định hạn chế i ốt đối với những bệnh nhân này, nếu đã hóa thành cường giáp, người bệnh được chỉ định ngưng ăn muối i ốt.

3. Sự khác nhau giữa bệnh phình giáp và nhân giáp

Làm thế nào để phân biệt phình giáp và nhân giáp, điểm khác nhau của hai bệnh lý này là gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Phình giáp là tình trạng mô tuyến giáp to ra bất thường và hoàn toàn không có nhân, thông thường sẽ không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, xét nghiệm TSH, FT4 bình thường.

Còn nhân giáp là tổn thương xuất phát từ tế bào tuyến giáp, khu trú như một khối u, thường mô tả nhân giáp với những đặc điểm theo phân loại của TIRADS, bệnh lý này khác với phình giáp.

4. Nhân giáp có thể hóa cường giáp nếu không quản lý tốt stress, căng thẳng

Dinh dưỡng cho người bị phình giáp nên ăn và không nên ăn gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Hiện nay nguyên nhân đầu tiên gây ra phình giáp là thiếu i ốt, nếu sống ở vùng núi cao hoặc vùng không gần biển, i ốt có nhiều nhất trong nước biển và vùng đất ven biển, i ốt không thể tự sinh ra trong cơ thể, do đó cần nạp vào bằng đường tiêu hóa giúp i ốt hấp thu vào trong máu đưa đến tuyến giáp để tạo ra hormon giáp.

Nếu ở vùng thiếu i ốt hoặc người bệnh bị nhân giáp do nguyên nhân thiếu i ốt nên bổ sung i ốt, ngược lại trường hợp bị nhân giáp có khả năng diễn tiến thành cường giáp nên hạn chế muối i ốt.

Đồng thời, tuyến giáp là cơ quan sản xuất hormon phục vụ cho quá trình chuyển hóa, vì vậy cần điều chỉnh về mặt lối sống, quản lý căng thẳng, giảm stress, ngủ đủ giấc, giảm các vấn đề thừa cân, béo phì, tránh rối loạn chuyển hóa, giảm nguy cơ to tuyến giáp…

Những nhân giáp bình thường nếu người bệnh không quản lý được căng thẳng, stress… có nguy cơ hóa thành cường giáp, do đó phải điều chỉnh lối sống lành mạnh, có nhân giáp nên tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ để theo dõi, không nên bỏ qua vì miễn dịch trong cơ thể có thể thay đổi nếu không tiên lượng hoặc biết trước, nhiều trường hợp các bạn trẻ trải qua kỳ thi, thay đổi công việc bị stress có thể hóa cường giáp.

5. Rối loạn chuyển hóa, di truyền là hai yếu tố có liên quan giữa bệnh tuyến giáp và tiểu đường

Mối liên hệ giữa tuyến giáp và bệnh tiểu đường và các loại bệnh khác?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Mối liên hệ giữa nhóm bệnh tuyến giáp và tiểu đường được nhiều người quan tâm, xét về bệnh lý người bệnh mắc bệnh suy giáp nguyên nhân do diễn tiến của bệnh, thông thường bệnh nhân sẽ có rối loạn chuyển hóa, tăng đường huyết, rối loạn lipid máu, béo phì, đó là những yếu tố nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Như vậy khi bệnh nhân suy giáp sẽ dễ mắc tiểu đường type 2 hơn do những rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

Về mặt di truyền có hội chứng suy đa tuyến nội tiết type 2 là hội chứng Schmidt bao gồm bệnh lý tự miễn tại tuyến tụy gây ra tiểu đường type 1, suy tuyến thượng thận, suy giáp, cường giáp… đó là các bệnh tự miễn liên quan đến đa gen có yếu tố gia đình.

6. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao gấp 3 lần so với nam giới

Gần đây siêu âm kiểm tra sức khoẻ có nhiều người trẻ phát hiện bị bệnh tuyến giáp. Theo Bs nguyên nhân từ đâu? Do sinh hoạt, do môi trường ô nhiễm, do hoá chất từ dụng cụ nấu ăn, do món ăn có nhiều chất kích thích tăng trưởng hay trồng bằng biến đổi gen, do gen di truyền hoặc do nguyên nhân nào khác? Do béo phì, dư cân?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Nguyên nhân bệnh lý tuyến giáp phát hiện ngày càng nhiều do đây là bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, theo thống kê người từ 20-70 tuổi đều có thể mắc bệnh lý này. Bệnh tuyến giáp phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới với tỷ lệ gấp 3 lần, do đó phụ nữ là yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp.

Ngoài ra trong thời đại công nghệ số phát triển, chẩn đoán hình ảnh phát triển, siêu âm là phương tiện chẩn đoán hữu hiệu bệnh lý tuyến giáp do đó nhiều người được đi siêu âm trong khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra bệnh lý… hầu như bệnh nhân đến khám đều được siêu âm, do đó việc phát hiện bệnh tuyến giáp ngày càng nhiều nhờ vào siêu âm. Những tuyến giáp nhỏ hầu như bệnh nhân không sờ thấy, thường phát hiện trên siêu âm.

Ngày nay về mặt lối sống, hormon tuyến giáp là hormon chuyển hóa do đó những yếu tố ảnh hưởng đến chuyển hóa như căng thẳng, thức khuya, stress, chế độ ăn uống nạp quá nhiều i ốt thì bệnh tuyến giáp sẽ sinh ra cường giáp, nhân giáp.

Tuy nhiên, về những yếu tố đồ dùng, thực phẩm biến đổi gen… đến nay vẫn chưa có dữ liệu chính xác về các thực phẩm này, nhưng những loại thức ăn, nhóm rau như đậu nành, họ cải, súp lơ, su hào chứa nhiều chất tổng hợp hormon i ốt do đó cần hạn chế sử dụng.

7. Làm gì để phòng ngừa bệnh tuyến giáp?

Nhờ BS chia sẻ những lưu ý để phòng ngừa bệnh tuyến giáp?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Tuyến giáp là cơ quan sản xuất hormon phục vụ quá trình chuyển hóa của cơ thể, mỗi người cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh lý tuyến giáp, vì một số trường hợp rối loạn chức năng tuyến giáp do phản ứng tự miễn của cơ thể không thể biết trước.

Cần có chế độ sinh hoạt dinh dưỡng hợp lý, bù i ốt do cơ thể không thể tự tổng hợp hay tự sinh ra được mà cần nạp vào qua đường ăn uống, vì vậy nên để ý đến các thực phẩm giàu i ốt, bù đủ i ốt cho nhu cầu tuyến giáp.

Đặc biệt là nhóm tuổi dậy thì, nhu cầu về hormon tuyến giáp nhiều hơn nên có thể xuất hiện phình giáp ở độ tuổi này. Bên cạnh đó phụ nữ có thai cũng cần bổ sung i ốt vì cần cho cả mẹ và thai nhi phát triển, vì vậy tuyến giáp có thể to ra.

Đồng thời cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, quản lý stress, quản lý căng thẳng, ngủ đủ giấc. Nếu có tiền căn gia đình mắc bệnh tuyến giáp nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X