Hotline 24/7
08983-08983

Làm chủ cuộc sống bằng cách rèn luyện sức khỏe tinh thần

Con người mải chạy theo guồng quay cuộc sống, ngay cả khi, bản thân có vấn đề về tinh thần và tâm lý cũng khó nhận ra. Vậy sức khỏe tinh thần quan trọng ra sao? Câu hỏi được BS Hồ Nhật Quang - Chuyên gia huấn luyện trị liệu tâm lý giải đáp.

1. Sức khỏe tinh thần là gì?

Đa số mọi người đều quan tâm đến sức khỏe thể chất mà bỏ quên sức khỏe tinh thần bên trong. Vậy sức khỏe tinh thần nên hiểu như thế nào là đúng, thưa BS?

BS Hồ Nhật Quang trả lời: Trong cuộc sống, lời chào và lời chúc sau mỗi cuộc gặp gỡ chính là giá trị tinh thần. Tinh thần đóng vai trò quan trọng, nếu tình thần đi xuống sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Theo định nghĩa của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), tinh thần là sức khỏe và phải luyện tập mới có được. Sức khỏe tinh thần là trạng thái khỏe mạnh mà con người có thể nhận biết được năng lực bản thân, có thể vượt qua những căng thẳng thông thường, làm việc hiệu quả và trao giá trị cho cộng đồng.

Bất kỳ cộng việc nào đều cần tinh thần, nếu làm việc không có tinh thần, hiệu quả sẽ không như mong muốn.

Ví dụ, khi làm một chương trình, phải biết nên có một tinh thần như thế nào và cần chuẩn bị những gì cho tinh thần đó. Bên cạnh đó, cần biết được năng lực bản thân, những giá trị cho đi khi thực hiện chương trình, cũng là một tinh thần tích cực. Điều này sẽ mang lại hiệu quả tốt.

2. Tại sao con người không biết bản thân đang buồn?

Về thể chất mọi người có thể thấy rõ tình trạng chảy máu, đau nhức. Tuy nhiên, về cảm xúc, tinh thần, không thể chạm đến được. Về khía cạnh khoa học, nhờ BS chia sẻ về việc buồn nhưng không biết lý do tại sao, thưa BS?

BS Hồ Nhật Quang trả lời: Các vấn đề về thể chất như bị bỏng, cơ thể có vết thương,… đều có thể quan sát bên ngoài, nhưng cảm xúc là vấn đề bên trong.

Đều là những công việc hàng ngày thường làm nhưng đến một thời điểm, bản thân làm việc trong trạng thái tiêu cực, không biết có làm được không. Như vậy, trạng thái tinh thần đến từ cảm xúc đau đớn bên trong, không bình thường, kèm theo suy nghĩ tiêu cực và không có hành vi cụ thể.

Có các tác nhân từ bên ngoài như tác nhân gây căng thẳng, áp lực xảy đến, lúc này, phản ứng của con người vô cùng quan trọng. Cùng một vấn đề nhưng mỗi người có cảm xúc khác nhau, một số người không bị ảnh hưởng, còn lại sẽ có cảm xúc buồn và xuống tinh thần. Cảm xúc chính là cách con người suy nghĩ, nhìn nhận và nhận thức về vấn đề.

Thậm chí, vấn đề có thể chạm đến vết thương sâu bên trong từ rất lâu. Thân thể và tâm trí là một thể thống nhất, sức khỏe về tinh thần và thể chất luôn đi kèm. Những tác động từ bên ngoài làm con người thay đổi, buồn nhưng không biết tại sao buồn, có suy nghĩ tiêu cực nhưng luôn cho là đúng. Từ đó, khiến con người thực hiện các hành vi không đúng, từ trạng thái tâm lý đó sẽ tác động đến sinh lý của con người và gây ra các trạng thái thay đổi từ bên trong.

Cơ thể sẽ tiết ra adrenaline, cortisone là những hormon gây stress. Khi tiết ra liên tục sẽ gây ảnh hưởng tim, phổi, não bộ, khiến cơ thể khó chịu và đau nhức. Khi biểu hiện ra sức khỏe thể chất, lúc này người bệnh mới để ý đến vấn đề. Nếu con người hiểu được vấn đề thay đổi cảm xúc, suy nghĩ có thay đổi nhẹ để điều chỉnh, con người sẽ có trạng thái sức khỏe và thể chất tốt hơn.

3. Sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống

Nếu con người không thể cân đối được cảm xúc, có thể xảy ra những hệ lụy nào, thưa BS?

BS Hồ Nhật Quang trả lời: Nếu con người không kiểm soát được cảm xúc, cơ thể sẽ mất cân bằng, từ đó sinh ra bệnh. Việc này xảy ra ở cả vấn đề thể chất, các cơ quan đang vận hành bình thường, sinh lý không xảy ra vấn đề nhưng nếu mất cân bằng sẽ gây ra sinh lý bệnh, biểu hiện ra bên ngoài những điều bất thường.

Tương tự với cảm xúc sinh lý, cảm xúc và suy nghĩ mất cân bằng, hay gọi là mâu thuẫn nội tâm. Mỗi người phải đấu tranh giữa cảm xúc và suy nghĩ của mình. Con người muốn làm việc nhưng không làm được vì không mang lại niềm vui cho họ, lâu dần, mâu thuẫn và sự mất cân bằng giữa tâm trí, suy nghĩ sẽ diễn ra, dẫn đến tâm bệnh.

Giai đoạn này sẽ biểu hiện ra bên ngoài, những biểu hiện cơ bản như căng thẳng là vấn đề phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, rất nhiều người không biết bản thân đang căng thẳng, stress và họ cho rằng, trong cuộc sống ai cũng gặp vấn đề như vậy, do công việc quá nhiều khiến bản thân rơi vào tình trạng căng thẳng. Từ đó, vấn đề tiếp tục tiếp diễn và không ai nhận ra bản thân đang mất cân bằng từ trong chính suy nghĩ, nhận thức của mình về cuộc sống. Họ gồng lên để thực hiện những công việc phải làm.

Có một số vấn đề biểu hiện ra bên ngoài. Ví dụ, khi căng thẳng, stress làm da dễ lên mụn, không còn căng bóng, da nhăn lại, thiếu ngủ khiến mắt thâm quầng. Bên cạnh đó, khi stress, con người sẽ không chăm sóc cơ thể, dẫn đến đau nhức, mệt mỏi, nhiều người stress hay căng thẳng quá nhiều sẽ bị đau bao tử, tim đập nhanh, hồi hộp.

Những vấn đề bên trong sẽ gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, béo phì, tiểu đường. Điều quan trọng là thời điểm con người căng thẳng quá mức, hormon adrenaline, cortisone tiết ra quá nhiều, hệ miễn dịch và sức đề kháng sẽ giảm xuống.

Trong cơ thể con người tồn tại nhiều loại vi sinh vật có lợi và có hại, nếu bản thân đang còn vui vẻ, năng lượng, làm việc,… tạm thời các vi khuẩn, virus gây bệnh sẽ nằm ở đó. Tuy nhiên, nếu con người căng thẳng, hệ miễn dịch giảm xuống và những tác nhân cuộc sống gây áp lực,… các loại virus, vi khuẩn gây bệnh sẽ trỗi dậy.

Về góc nhìn thể chất, hiện nay, các bạn sẽ “cắm đầu, cắm cổ” làm rất nhiều mà quên chăm sóc bản thân, dẫn đến tình trạng người trẻ hiện nay mắc nhiều bệnh lý của người lớn tuổi, tình trạng bệnh lý trẻ hóa ngày càng tăng.

Về tinh thần, có nhiều người bề ngoài rất đẹp nhưng gương mặt có biểu hiện không vui, nghĩa là trạng thái tinh thần có vấn đề. Nặng hơn là người đó dễ bực bội, cáu gắt và dễ khó chịu, khó kiểm soát cảm xúc so với trước đây. Một vấn đề đơn giản có thể khiến người đó thấy khó chịu, bắt đầu có những hành động mất kiểm soát như đập đồ hoặc nói ra lời không hay.

Ngoài ra, vấn đề này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ, một người có năng lượng, vui vẻ, cuộc gặp gỡ sẽ tạo không khí thoải mái. Tuy nhiên, nếu để cảm xúc chi phối, không kiểm soát được hành vi, lời nói, đưa áp lực đến nơi làm việc hoặc đem áp lực công việc về gia đình, sẽ làm ảnh hưởng đến không khí và năng lượng ở môi trường đó căng thẳng theo.

Qua đó cho thấy, sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống. WHO cho biết, sức khỏe tinh thần đóng vai trò then chốt trong sức khỏe toàn diện của con người. Nếu con người có sức khỏe tinh thần tốt, cơ thể sẽ tốt hơn.

Ví dụ, bác sĩ đi huấn luyện cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Nếu họ vui vẻ, tích cực, cơ thể sẽ thoải mái hơn. Hay khi huấn luyện cho các cô bác lớn tuổi, bị đau khớp, sau một thời gian có cải thiện hơn. Bởi vì, họ tập thể dục và điều trị bệnh với niềm vui, hiệu quả mang lại sẽ tốt hơn.

Sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thân ảnh hưởng nhiều đến công việc, nếu cảm thấy thoải mái, vui vẻ, năng suất làm việc cao. Ngược lại, nếu tinh thần đi xuống, chất lượng công việc và sức khỏe đều không tốt. Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ bị cạn kiệt năng lượng do làm việc liên tục, thể chất, tinh thần “cháy sạch”, công việc không còn hiệu quả.

Sức khỏe tinh thần quyết định “sức khỏe tài chính”. Khi vui vẻ, kiếm tiền dễ hơn, nghĩ ra nhiều cách kiếm tiền hơn. Nhưng nếu có suy nghĩ cuộc sống kiếm tiền khó khăn, con người sẽ rơi vào bế tắc, tiêu cực, đổ thừa và bị bệnh,… sẽ không có thời gian để đi kiếm tiền.

Sức khỏe tinh thần quyết định “sức khỏe mối quan hệ”. Gặp nhau vui vẻ, cười đùa, thoải mái, lạc quan, giúp đỡ nhau, những ai gặp khó khăn, nên dừng vấn đề ở góc độ tích cực. Nếu bản thân đi xuống, luôn suy nghĩ tiêu cực, không thể động viên và tư vấn cho các mối quan hệ xung quanh. Ví dụ, ba mẹ đang có áp lực về công việc, tài chính, con cái rơi vào tình trạng học hành khó khăn, ba mẹ cũng không thể hỗ trợ. Vì vậy, ba mẹ cần thay đổi, đó là ảnh hưởng sức khỏe trong gia đình.

Vì vậy, sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến rất nhiều mặt trong cuộc sống, không chỉ đơn giản về vấn đề thể chất mà còn gây mất cân bằng của nhiều vấn đề.

4. Vượt qua những căng thẳng thông thường để rèn luyện sức khỏe tinh thần

Trong cuộc sống, chúng ta luôn khuyên nhau sống tích cực, lạc quan lên, vậy nên làm cách nào để thực hiện điều đó?

BS Hồ Nhật Quang trả lời: Đối với những người buồn bã, suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, mọi người đều động viên hãy tích cực lên. Tuy nhiên, lời khuyên đó không đúng và điều đó không thể thực hiện. Bởi vì nếu có thể, bản thân người đó đã không có những suy nghĩ tiêu cực.

Vì vậy, đứng trước mọi việc, điều đầu tiên cần là sự cảm thông, và đối với góc nhìn khoa học về  tiếng cười và hạnh phúc, có những cách tự cảm thông cho vấn đề của chính mình. Trong định nghĩa về sức khỏe tinh thần của WHO cho biết, phải đối diện và vượt qua những căng thẳng thông thường, từ đó, có thể rèn luyện sức khỏe tinh thần.

Ví dụ, có một bức tường cứng, bên cạnh bức thường là một cái nệm, hai cái đặt cạnh và giống nhau, không thể phân biệt. Nếu đấm tay vào nệm, nệm sẽ biến dạng, ngược lại nếu đấm vào tường tay sẽ “biến dạng”. Bởi vì nệm và tường có cấu tạo bên trong khác nhau, cũng như con người.

Giả sử, bản thân không thể kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ, thì một ánh mắt, lời nói của người đối diện tác động vào, bản thân mình sẽ biến dạng theo cảm xúc của họ. Nhưng nếu bản thân rèn luyện được tinh thần, rèn luyện được sức khỏe, sức đề kháng vững vàng hơn để đối mặt tốt với những khó khăn, áp lực xung quanh cuộc sống. Có thể đối diện một cách tích cực với những điều đang diễn ra cho dù thuận lợi hay không thuận lợi.

Trong khoa học tiếng cười có câu “Trăm sự do tâm khởi, nụ cười giải ngàn sầu”, mọi thứ đến, mỗi người đều có thể cảm nhận. Nhưng nếu chúng ta chủ động được tiếng cười, là một liều thuốc bổ giúp bản thân tốt hơn ở giai đoạn này, đối diện sự việc bằng góc độ lành mạnh, lạc quan, hài hước hơn.

Vì cần rèn luyện nên được gọi là sức khỏe tinh thần, phải rèn luyện, đánh giá sức khỏe hiện tại là bao nhiêu. Sẽ có những cách đo lường, bảng biểu, đánh giá về năng lực vận hành cảm xúc và suy nghĩ. Từ đó, có chiến lược để vận hành bản thân tốt hơn, nâng cao hiệu quả làm việc.

Tuy nhiên, việc giữ vững tinh thần khá khó, có thể thực hiện trong một ngày, nhưng một tuần hay một tháng là khoảng thời gian khiến nhiều người phải suy nghĩ liệu bản thân có làm được không.

Công việc có thể làm một tháng hay một năm nhưng tinh thần không vững, trong suốt thời gian làm việc, cảm thấy chán nản, tâm trạng buồn bã, từ bỏ không làm. Việc giữ được trạng thái tinh thần vui vẻ lạc quan một đời, cần rèn luyện.

Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, không ai để ý vấn đề này. Nhưng sau dịch, đa phần con người đều bị tổn thương, có suy nghĩ cuộc sống bấp bênh và khó khăn. Nhiều người thấy rằng cuộc sống vô thường, ai cũng bị tổn thương, nếu không biết cách dừng lại để chữa lành cho bản thân về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, khi mang cảm xúc đó ra ngoài, một va chạm nhỏ cũng cảm thấy đau đớn. Nếu không kiểm soát được hành vi, con người sẽ đưa ra những hành động, lời nói tiêu cực, vô tình làm tổn thương thêm người khác.

Mọi người đang sống trong một môi trường không lành mạnh, những chương trình chia sẻ về tâm lý, sức khỏe tinh thần sẽ giúp chúng ta khỏe hơn về thể chất, tinh thần. Bản thân mình có năng lượng, sức khỏe sẽ chia sẻ được với những người xung quanh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X