Hotline 24/7
08983-08983

Lá chắn bảo vệ người bệnh thận mạn, tiểu đường trong mùa dịch COVID-19

Những ngày cuối tháng 7, Việt Nam bắt đầu ghi nhận những ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Quan trọng hơn, trong đợt dịch tái bùng phát lần này, chúng ta đã ghi nhận những bệnh nhân tử vong, phần lớn đều mắc suy thận mạn và đái tháo đường. Vậy vì sao COVID-19 nhắm vào người bệnh suy thận, tiểu đường mà “ra tay”? Phác đồ điều trị COVID-19 trên người bệnh thận mạn, tiểu đường như thế nào?... BS.CK2 Tạ Phương Dung và BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên sẽ giải đáp những thắc mắc này trong bài giao lưu sau đây.

Bệnh thận mạn là gì? COVID-19 ảnh hưởng người bệnh thận mạn như thế nào?

Thực tế mà nói, chỉ đến khi Việt Nam có những trường hợp COVID-19 tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh thận mạn tính thì căn bệnh này mới được nhiều người quan tâm như vậy. Trước tiên, xin được hỏi BS.CK2 Tạ Phương Dung, bệnh thận mạn là gì? COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh thận mạn?

Vừa qua, đã có trường hợp ca bệnh COVID-19 tử vong khi còn ở độ tuổi rất trẻ, ngoài 30 trên nền suy thận mạn. Liệu có phải căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa? Nguyên nhân do đâu?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Bệnh thận mạn là những nguời xuất hiện bệnh ít nhất 3 tháng. Bình thường thận có rất nhiều chức năng, hiểu nôm na là đào thải nước dư thừa và các chất độc trong cơ thể. Ngoài ra, thận còn có các chức năng khác, ví dụ như sản xuất Erythropoietin giúp tạo hồng cầu, hoặc hỗ trợ điều hòa trong cơ thể về muối nước. Ví dụ, bình thường chúng ta uống nhiều nước thì thận thải nhiều, uống ít nước thì thận giữ lại, nhưng một khi đã suy giảm chức năng thận thì các chức năng đào thải nước dư thừa sẽ kém đi.

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân dẫn lớn đến bệnh thận mãn tính. Người ta đã thống kê có tới trên 50% bệnh nhân suy thận do nguồn gốc từ đái tháo đường. Chính vì thế, khi bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận không may nhiễm COVID-19 sẽ giảm sức đề kháng trong cơ thể và dễ bị bệnh nặng hơn những người khác. Do đó, trong số những người bệnh tử vong bởi COVID-19 thời gian qua tại Việt Nam (và ngay cả thế giới), bệnh nhân thận mạn hoặc có đái tháo đường chiếm khá nhiều.

COVID-19 tấn công tất cả mọi lứa tuổi: người lớn, thanh niên, trung niên và ngay cả những em bé vài tháng tuổi. Câu hỏi đặt ra là tại sao người trẻ chiếm khá nhiều? Thứ nhất, người trẻ có sức đề kháng tốt hơn những người lớn tuổi hoặc em bé, nên đôi khi họ có bệnh nhưng không biểu hiện ra ngoài. Do đó họ chủ quan và không biết.

Thứ hai, đối với người trẻ, sự tuân thủ kém hơn những người khác. Có thể đối với những hướng dẫn không nên tập trung nhiều người, hoặc đừng ra ngoài nhiều, nhưng bản tính của tuổi trẻ lại thích tụ tập, thích giao lưu. Chính vì sự chủ quan đó dẫn đến nhiều người trẻ mắc COVID-19 hơn, chứ không phải bệnh tập trung vào người trẻ.

Nói như vậy thì chỉ người nào bệnh thận giai đoạn cuối phải chạy thận, lọc màng bụng mới đáng lo, còn bệnh nhân ở giai đoạn khác thì yên tâm hơn vì COVID-19 ít ghé thăm hay sao ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Đối với COVID-19, không chỉ bệnh nhân  bệnh thận mà ngay cả những người khác đều phải đề phòng, bởi nó có thể làm nặng thêm trên bất cứ ai. Nhưng với riêng người mắc bệnh thận, họ đã mất đi sức đề kháng, khi thận suy càng nặng thì sức đề kháng càng kém đi. Chính vì vậy, không chỉ riêng những bệnh nhân đã lọc máu mà ngay cả những bệnh nhân chưa lọc máu, bệnh nhân ở giai đoạn đầu, thậm chí những người không mắc bệnh thận cũng không được chủ quan. Đối với bệnh phải điều trị tới nơi tới chốn ở những đơn vị y tế được chỉ định điều trị COVID-19.

Nhiều người cho rằng, COVID-19 vào cơ thể thì sẽ tấn công phổi đầu tiên. Vậy vì đâu mà nó lại chuyển hướng xuống cả thận, cơ chế tác động của virus mới này với thận như thế nào, có khác gì so với “họ hàng” của nó gây dịch MERS và SARS những năm trước?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Virus SARS-CoV-2 đầu tiên tấn công vào phổi qua đường hô hấp (mũi, họng). Nó sẽ đóng ở trên các thụ thể ACE-2 của phổi. Thế nhưng những thụ thể này không chỉ tồn tại ở phổi mà còn ở thận, ruột, gan và các tế bào, vì thế mà nó sẽ lần lượt tấn công các cơ quan khác trong cơ thể và gây bệnh trên các phủ tạng không chỉ riêng phổi.

Do đó, khi nhiễm SARS-CoV-2, ngoài việc tầm soát chức năng hô hấp, các bác sĩ phải có trách nhiệm tầm soát thêm các chức năng khác trong cơ thể như gan, thận hay các phủ tạng khác.

Bệnh đái tháo đường gây biến chứng lên thận nguy hiểm như thế nào?

Thưa BS, thực tế MC thấy các bệnh mạn tính thường hay đi kèm với nhau. Người bị suy thận thì ảnh hưởng đến cả tim, gây tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim và ngược lại. Người bệnh đái tháo đường cũng có khả năng biến chứng lên thận. Điều này dẫn đến một người có thể mắc nhiều bệnh cùng lúc. Xin hỏi, vì sao các bệnh này lại có mối quan hệ mật thiết với nhau ạ? Gây bất lợi như thế nào cho người bệnh, nhất là trong đại dịch COVID-19?

BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên trả lời:

Bệnh lý đái tháo đường là tình trạng đường huyết tăng cao, kéo dài mạn tính. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiễm độc đường trong thời gian dài. Khi đó, cơ thể sẽ xảy ra hai vấn đề: hệ thống miễn dịch bị suy yếu và các cơ quan trong cơ thể bị biến chứng. Biến chứng chủ yếu là liên quan đến mạch máu lớn, biến chứng mạch máu nhỏ và biến chứng thần kinh.

Biến chứng mạch máu lớn sẽ ảnh hưởng đến não, tim, gây nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. Các biến chứng mạch máu nhỏ ảnh hưởng đến mắt, thận… Một khi bệnh nhân mắc đái tháo đường có biến chứng thận (gọi là bệnh thận mạn) gần như khó có thể lội ngược dòng. Vì vậy, khi đã mắc bệnh thận mạn là yếu tố tiên lượng xấu, nghĩa là khi một người đái tháo đường đã mắc bệnh thận mạn gần như các cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ như tăng nguy cơ suy tim hoặc nhồi máu cơ tim, hoặc bệnh lý võng mạc đái tháo đường.

Đái tháo đường là bệnh lý ảnh hưởng đến nhiều cơ quan. Do đó nguy cơ người bệnh đái tháo đường mắc thận mạn và những bệnh khác (chủ yếu ở các cơ quan tim, mắt, não) rất cao.

Phổ đái tháo đường rất rộng. Tôi có những bệnh nhân đái tháo đường 45 năm, nhưng hầu như những biến chứng của họ giống như người không mắc đái tháo đường, ví dụ như cao huyết áp một chút, mỡ máu cao một chút. Đó là do họ kiểm soát đường huyết rất tốt. Vì vậy không phải bệnh nhân đái tháo đường nào cũng bị biến chứng. Có nhiều người sống và sinh hoạt gần như bình thường khi kiểm soát đường huyết tốt.

Do đó, phổ đái tháo đường - nói một cách dễ hiểu là những người kiểm soát đường huyết tốt, thường được định nghĩa HbA1c dưới 7% (hoặc dưới 7.5% theo một số tổ chức). Kiểm soát tốt biến chứng sẽ có cuộc sống tương đương như những người không mắc đái tháo đường.

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Như BS Khuyên đã nói, đái tháo đường gây biến chứng nhiều ở phủ tạng, trong đó có tim, thận, não, mắt. Vì vậy đã có những hướng dẫn đối với người đái tháo đường type 2, ngay từ khi phát hiện cần tầm soát bệnh tim, thận. Để kiểm tra có biến chứng mắt hay không rất đơn giản - chỉ cần soi đáy mắt.

Với đái tháo đường type 1, trong vòng 5 năm nên tầm soát chức năng thận. Nhưng thực sự điều này có thể xảy ra ở những quốc gia quản lý sức khỏe tốt. Ở Việt Nam, dù đã có sự phát triển rất tốt hệ thống y tế đến tận phường xã nhưng không phải ai cũng tới bệnh viện. Và từ khi phát hiện đái tháo đường chưa chắc đã điều trị chuẩn. Chính vì vậy, là một bác sĩ chuyên khoa Thận học, tôi khuyên mọi người nếu có đái tháo đường dù type 1 hay type 2 thì nên tầm soát thêm chức năng tim, thận và đi khám mắt.

Thực tế, như BS Khuyên đã nói, nếu đã ổn định đường huyết, việc dẫn tới suy tim, suy gan, suy thận sẽ rất lâu. Như ở các quốc gia châu Âu, mặc dù tỷ lệ đái tháo đường khá nhiều, nhưng tỷ lệ dẫn đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối chỉ chiếm hơn 20%. Nhưng ngược lại, ở châu Á và ngay cả Mỹ, tỷ lệ đái tháo đường là nguyên nhân của suy thận chiếm tới 50-60%. Vì thế, đã bị bệnh nên đi khám và điều trị bài bản theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tại sao người bệnh thận mạn và đái tháo đường lại bị COVID-19 hạ gục nhanh?

Trong 25 bệnh nhân COVID-19 tử vong có đến 13 người mang bệnh nền đái tháo đường và rất nhiều bệnh nhân khác đang điều trị cũng mắc bệnh này. Xin hỏi BS, nguyên nhân nào khiến người đái tháo đường trở thành đối tượng dễ bị COVID-19 “hạ gục” nhanh như vậy, thưa bác sĩ? Hệ miễn dịch yếu có phải là một trong những nguyên nhân chính? Liệu có phải ai mắc đái tháo đường cũng bị suy giảm miễn dịch không thưa bác sĩ?

BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên trả lời:

Chúng ta cần làm rõ hai khái niệm: dễ mắc COVID-19 hay có nguy cơ diễn tiến nặng do COVID-19. Hiện nay, theo các báo cáo trên thế giới, chưa có tài liệu nào chứng minh khi bị đái tháo đường dễ mắc COVID-19 hơn so với những người không bị đái tháo đường. Nhiều báo cáo cho thấy đối với một người đái tháo đường không kiểm soát tốt, khi đã mắc COVID-19, nguy cơ diễn biến nặng và tiên lượng xấu cao so với người không mắc đái tháo đường.

Đa phần những người mắc đái tháo đường kiểm soát kém, hệ thống miễn dịch sẽ bị suy yếu. Bởi các tế bào của hệ thống tự miễn làm nhiệm vụ liên quan đến miễn dịch, ví dụ khi mức đường huyết trong cơ thể cao, các đại thực bào sẽ hoạt động và di chuyển kém hơn, khả năng bắt dính các tác nhân gây bệnh (như vi trùng) kém hơn, đồng thời liên quan đến chuyển hóa Interleukin; nhưng nếu hạ đường huyết sẽ tăng tiết adrenaline liên quan đến hệ thống miễn dịch.

Vì vậy, khi đái tháo đường kiểm soát kém, không những hệ thống miễn dịch suy yếu mà tất cả các cơ quan trong cơ thể cũng suy yếu luôn. Do vậy, khi đã mắc bệnh, nhiều yếu tố cộng hưởng lại làm diễn biến bệnh nặng hơn.

Nhưng ngược lại có những người hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh khiến các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân COVID-19 có thể gục ngã vì chính hệ miễn dịch của mình. Liệu có phải những người mắc bệnh nền như thận mạn, đái tháo đường dễ bị hội chứng này hơn không? Ai sẽ bị hệ miễn dịch "phản bội"? Phương pháp nào có thể chế ngự cytokine?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Ở người bình thường, trong cơ thể luôn có sự điều hòa cytokine. Nếu sự điều hòa kém sẽ kích thích phản ứng, nếu phản ứng quá sẽ kiềm chế lại. Nhưng một khi người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường hoặc thận mạn, sự điều hòa này sẽ mất đi.

Chính vì vậy, điều quan trọng của người bác sĩ là, đối với những trường hợp hoạt động kém phải có những biện pháp kích thích. Ngược lại, nếu trong trường hợp quá mẫn phải có phương pháp ức chế. Ví dụ trường hợp ở bệnh nhân COVID-19 số 91 hoặc những bệnh nhân sau này, trong quá trình điều trị, bác sĩ phải làm sao để giảm sự phóng thích cytokine bằng thuốc, và chủ yếu là lọc máu sẽ giảm bớt sự kích thích này.

Thời gian ủ bệnh, diễn tiến và các triệu chứng khi nhiễm SARS-CoV-2 ở người khỏe mạnh, trẻ tuổi có khác gì so với những người mắc sẵn các bệnh lý nền như suy thận mạn, đái tháo đường không thưa BS? Vì đã có ca bệnh tử vong chỉ sau 4 ngày công bố dương tính.

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Thời kỳ ủ bệnh của SARS-CoV-2 là từ 2-14 ngày, thậm chí có những người đến lúc xét nghiệm dương tính mới biết mắc COVID-19 bởi bình thường không có biểu hiện bệnh. Có những thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ có triệu chứng khi mắc COVID-19 là 34.5%, tức là chỉ 1/3 có triệu chứng và 2/3 không có triệu chứng. Những triệu chứng được khuyến cáo như sốt, ho cũng rất hiếm xảy ra.

Trong thống kê của các thầy, tỷ lệ sốt chỉ có 22.8%, ho chỉ có 18%, rát họng chưa đến 10%. Chính vì thế nên đôi khi bệnh nhân không biết. Nếu bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 lại mang thêm bệnh lý nền làm cho sức đề kháng giảm. Một khi đã bị bệnh dễ trở thành nặng, vì thế chúng ta nghĩ rằng thời kỳ ủ bệnh ở họ sẽ sớm hơn. Thông thường từ 4-14 ngày, triệu chứng rầm rộ nhất và dễ xuất hiện nhất khoảng từ 7-10 ngày. Nhưng đôi khi, đối với những người bệnh mạn tính, tính từ lúc họ mắc bệnh sẽ ngắn hơn những người khác.

COVID-19 tác động đến bệnh nhân đái tháo đường như thế nào?

Kiểm soát đường huyết kém có tác động như thế nào đến nguy cơ bị COVID-19 ở bệnh nhân đái tháo đường type 2?  Những yếu tố nào có thể dẫn đến kiểm soát đường huyết kém ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 trong giai đoạn đại dịch COVID-19 này?

BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên trả lời:

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, không chỉ COVID-19 mà tất cả các bệnh lý khác, việc kiểm soát đường huyết là cực kỳ quan trọng. Nếu kiểm soát đường huyết tốt, cơ thể bệnh nhân, các hoạt động cũng như biến chứng gần như tương đương người bình thường. Đối với người kiểm soát đường huyết kém, khi mắc bất kỳ bệnh gì, thời gian điều trị sẽ lâu hơn và dùng thuốc mạnh hơn.

Ví dụ, một người bình thường mắc bệnh lý A thì chỉ cần 1 tuần dùng kháng sinh; nhưng đối với người đái tháo đường, ngoài việc kiểm soát đường huyết, việc dùng kháng sinh phải 2 tuần; đối với những người đái tháo đường có nhiễm trùng chân, không có khái niệm dùng kháng sinh 1 tuần mà phải kéo dài đến 1 tháng, thậm chí có thể hơn.

Đối với COVID-19 hay những bệnh lý khác, một khi đái tháo đường kiểm soát không tốt, nếu không may mắc COVID-19, cơ thể bệnh nhân suy sụp nhanh và tiên lượng xấu.

Có một nghiên cứu trên 5.500 bệnh nhân tại Pháp thấy rằng, đối với người có HbA1c (chỉ số đường gắn hồng cầu, hiểu nôm na là mức độ kiểm soát đường huyết), nếu mức độ càng cao thì kiểm soát càng kém. Với những người có HbA1c trên 7.5% có tỷ lệ tử vong gấp 7 lần so với người dưới 7.5%, có nghĩa là kiểm soát đường huyết càng kém thì tỷ lệ tử vong càng cao.

Một nghiên cứu khác ở Hồng Kông cho thấy những người có HbA1c trên 10% có tỷ lệ tử vong cao gấp 7 lần so với nhóm kiểm soát đường huyết tốt.

Do đó, chúng ta rút ra kết luận rằng, đối với người kiểm soát đường huyết kém, khi mắc COVID-19, nguy cơ tử vong rất cao.

Có 3 yếu tố dẫn để kiểm soát đường huyết tốt: phải dùng thuốc đúng, phù hợp; có chế độ dinh dưỡng lành mạnh; chế độ luyện tập tốt.

Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đang “hoành hành” như hiện nay, vấn đề vận động thể lực dường như bị bỏ quên bởi Bộ Y tế khuyến cáo mọi người (nhất là những người dân ở vùng dịch) hạn chế ra ngoài.

Thứ hai, mọi người ở nhà nhiều sẽ ăn vặt nhiều hơn, gây khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết.

Thứ ba, nhiều người mắc đái tháo đường bị stress kéo dài, không chỉ trong thời gian COVID-19 mà ngay cả khi bình thường, do đó sẽ dẫn đến tăng đường huyết.

Thứ tư, nhiều bệnh nhân lo ngại đến bệnh viện nên muốn dùng toa thuốc cũ. Do đó, bác sĩ phải hiểu rõ về bệnh nhân của mình và hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi đường huyết ở nhà, tự chăm sóc bản thân, tự biết các triệu chứng để theo dõi, do đó có thể trì hoãn khám 1-2 tuần. Nhưng đối với một số bệnh nhân cần phải đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thích hợp.

Như vậy, những yếu tố như vận động thể lực, giảm stress, ăn uống hợp lý theo hướng dẫn bác sĩ, dùng thuốc đều đặn, đúng chỉ dẫn, tái khám định kỳ sẽ giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết tốt và giảm nguy cơ nếu mắc COVID-19.

Một vấn đề thường gặp nhất ở người đái tháo đường là họ dễ bị thừa cân, béo phì. Liệu điều này có làm gia tăng thêm mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19? Hơn nữa, dịch bệnh khiến họ căng thẳng hơn, dẫn đến việc thèm ăn nhiều hơn. Trong giai đoạn này, có biện pháp nào để vẫn ăn đủ mà không lo mập không ạ?

BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên trả lời:

Khi xảy ra đại dịch, mọi người sẽ ở nhà theo lệnh giãn cách của địa phương. Do đó, trong thời gian này mọi người có thể tập thể dục tại nhà như tập thiền, tĩnh tâm; giảm stress bằng những sở thích như vẽ tranh, tập đàn, thêu thùa...; ăn uống và sinh hoạt điều độ… Như vậy sẽ giết được thời gian và không bị stress, dẫn đến việc không bị tăng cân cũng như kiểm soát đường huyết tốt.

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Trong thời gian ở nhà để phòng chống COVID-19, mọi người có xu hướng ăn nhiều hơn, do đó nên chọn những thực phẩm ít năng lượng, ít đường. Ví dụ, đối với những bệnh nhân mắc bệnh thận có thể tiểu bình thường nên chọn ăn quả thanh long bởi giá thành rẻ, không nhiều kali; nhưng thanh long nhiều nước, những bệnh nhân suy thận hoặc đã lọc máu không nên ăn. Có rất nhiều thứ có thể thay đổi và không bắt buộc nhịn ăn, nhịn uống…

Phải làm gì nếu đang điều trị bệnh đái tháo đường mà có các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi hay sốt?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Để phân biệt ho sốt thông thường hay nhiễm trùng hô hấp không phải SARS-CoV-2 thì bác sĩ cần trao đổi với bệnh nhân họ có liên quan đến dịch tễ hay không như: có đến/ đi/ đi qua vùng có dịch hay không. Ví dụ như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, hay mới đây là Hải Dương; hoặc ở TPHCM có một số điểm đã được thông báo như BV Chợ Rẫy, Triều An, CIH… đã qua thời gian 14 ngày nên sẽ giảm sự lo lắng và trấn an bệnh nhân.

Thực ra, đối với bệnh thận, đái tháo đường hay những người suy giảm miễn dịch, có thể họ bị suy giảm miễn dịch mắc phải hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, chúng ta vẫn nên cẩn thận và đề nghị làm thêm xét nghiệm SARS-CoV-2.

Trong thời gian chờ đợi kết quả âm tính hay dương tính, tốt nhất những bệnh nhân này nên tạm thời cách ly. Không bắt buộc bệnh nhân phải cách ly tại bệnh viện hay các trung tâm mà có thể ở nhà, sự giao  tiếp giữa họ và người thân trong gia đình nên hạn chế, giữ khoảng cách 2m trở lên, thường xuyên rửa tay và mang khẩu trang đã có thể đảm bảo.

BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên trả lời:

Đối với bệnh nhân đang điều trị đái thái đường, nếu mắc một số bệnh lý khác nhưng triệu chứng thuyên giảm theo thời gian có thể yên tâm. Nhưng nếu triệu chứng tăng nặng nên liên hệ bác sĩ để có hướng dẫn chi tiết, bởi với mỗi trường hợp sẽ có chỉ dẫn khác nhau.

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Với những bệnh nhân suy thận đang lọc máu, nếu có sốt, ho mà phải đến bệnh viện lọc máu thì ở bệnh viện đã có sự sắp xếp sẵn sàng, nếu nghi ngờ sẽ được lọc máu trong khu riêng. Trước khi tới bệnh viện, bệnh nhân sẽ liên hệ và trình bày trước với bệnh viện. Khi đến bệnh viện sẽ có nhân viên mặc đồ bảo hộ đưa họ tới phòng riêng, tùy từng trường hợp sẽ có tư vấn nên cách ly riêng hay được trở về nhà. Cho dù về nhà người bệnh cũng phải bảo vệ bản thân và người thân như tôi đã trình bày ở trên.

Bệnh nhân mắc COVID-19 liệu có tổn thương thận về sau?

Thưa bác sĩ, người bệnh thận mạn nếu chẳng may mắc COVID-19 thì nguy cơ tử vong cao hơn thì ai cũng biết rồi. Nhưng liệu có trường hợp nào vì mắc COVID-19 mà mới tiến triển thành bệnh thận cấp và mạn sau đó không ạ? Vì sao lại tiến triển như vậy? Có cách nào để ngăn chặn tình trạng này không thưa BS?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

COVID-19 chỉ mới xuất hiện vào cuối năm ngoái, về lâu dài ảnh hưởng thận như thế nào thì chưa thể dám nói, nhưng bệnh nhân bị suy thận cấp, tổn thương đa cơ quan ở bệnh nhân COVID-19 đã có rồi, cho nên chắc chắn có tổn thương của thận. Các bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 phải lưu ý vấn đề tổn thương đa cơ quan, trong đó có thận. Về lâu dài liệu có trở thành bệnh thận mạn không thì chưa có đủ thời gian để đưa ra kết luận.

Với những bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn 1, 2, chẳng may bị COVID-19 thì bệnh thận sẽ nặng hơn, y khoa gọi là đợt cấp của bệnh thận mạn, nếu may mắn qua khỏi, không bị tử vong thì thận cũng tổn thương nhiều hơn trước khi bị bệnh.

COVID-19 khiến nhiều người bệnh e ngại việc tái khám và thường chọn cách giải quyết tự ngưng thuốc chờ đến hết dịch sẽ đi khám hoặc chọn phương án tiếp tục mua thuốc theo toa cũ trong thời gian không đến khám. Điều này nên hay không? Trường hợp nào có thể dùng lại toa cũ, trường hợp nào nhất thiết phải đi khám? Trong trường hợp nếu không tái khám, người bệnh cần những biện pháp nào để đạt được mức đường huyết ổn định?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Trong giai đoạn này, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể, Bộ Y tế luôn cố gắng và nỗ lực hết sức dập tắt dịch, cho nên không thể nói là lúc nào hết dịch hay bớt dịch. Vì thế, nếu có bệnh thì nên đi khám, trừ một số bệnh nhân đang ổn định điều trị. Ví dụ những bệnh nhân đái tháo đường của BS Khuyên, trước giờ đường huyết ổn định, nhưng nếu trong bữa ăn hơi nhiều hoặc quên uống thuốc một liều nên đường huyết cao hơn, có thể xin ý kiến BS Khuyên. Nhưng nếu như BS Khuyên đã cho lời khuyên rồi nhưng đường huyết không kiểm soát được thì bệnh nhân cần đến bệnh viện.

Bệnh thận cũng vậy. Ngay cả khi Bộ Y tế cho phép cấp thuốc 2 tháng, nhưng trong 2 tháng đó có bất thường cũng phải đến bệnh viện. Bởi bệnh nhân cần lưu ý rằng, có thể bản thân họ không nhiễm COVID-19 nhưng biến chứng của sự bất thường đó có thể dẫn tới tử vong.

Mặt khác, tất cả các đơn vị y tế đều có sự chuẩn bị các phương án. Bộ Y tế đã ra Bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện cùng 37 tiêu chí với 8 chương, trong đó có sự chuẩn bị sẵn sàng bệnh viện tiếp đón và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Gia An của chúng tôi cũng vậy, ngay từ cửa đã được đo nhiệt độ và thực hiện khai báo dịch tễ cũng như các vấn đề có thể liên quan. Nếu gặp trường hợp nghi ngờ sẽ được hướng dẫn sang khu vực riêng. Vào Cấp cứu  hay phòng khám cũng vậy, chúng tôi có một phòng riêng để tiếp đón.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã để sẵn một container tiếp đón bệnh nhân cách ly riêng. Thêm một container bên cạnh thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu bệnh phẩm được chuyển đi theo đúng quy định. Nếu những bệnh nhân này không có yếu tố dịch tễ sẽ được khám, hoặc nếu có sẽ được các bác sĩ tiếp xúc khám có mang đồ bảo hộ. Trong trường hợp có chỉ định của HCDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM) hướng dẫn ca này có thể cho về nhà, chúng tôi sẽ cấp thuốc cho bệnh nhân, còn nếu không chúng tôi sẽ hướng dẫn bệnh nhân theo chỉ định của cấp trên.

Trong trường hợp bệnh nhân đã vào trại, nếu trong thời gian điều trị có vấn đề nghi ngờ cũng đã có phòng cách ly của từng khoa. Hay nếu bệnh nhân bị COVID-19 thì cấp trên đã quy định những bệnh viện được điều trị. Hoặc ngay cả những bệnh nhân phải lọc máu đã có những khu cách ly riêng ở từng bệnh viện. Nếu bệnh nhân đang lọc máu bị COVID-19 đã có Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận điều trị ở TPHCM.

Nói tóm lại, hạn chế ra đường khi không cần tiết, còn khi bị bệnh là cần thiết, đừng từ chối đến bệnh viện bởi COVID-19 chưa nhiễm nhưng biến chứng của bệnh có thể cướp đi mạng sống của mình.

Phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh thận mạn và đái tháo đường

Khó khăn trong điều trị bệnh thận mạn cho người mắc COVID-19 là gì? Với những người bệnh mạn, nếu có thể chiến thắng virus SARS-CoV-2, liệu có để lại di chứng gì về sau không ạ? Trong số ca đang điều trị COVID-19 có nhiều bệnh nhân có sẵn bệnh thận mạn, bác sĩ có lời khuyên gì cho họ.

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Những bệnh nhân bị bệnh thận nhiễm thêm SARS-CoV-2 thì đầu tiên phải điều trị theo phác đồ chung của nhiễm COVID-19. Ngoài ra, phải tiến hành điều trị song song với bệnh thận. Bệnh nhân cần lọc máu thì vẫn phải lọc máu, bệnh nhân chưa tới giai đoạn lọc máu thì cố gắng duy trì các loại thuốc. Tóm lại phải có sự phối hợp hài hòa giữa hai phương pháp.

Có một số loại thuốc sẽ làm cho bệnh thận xấu đi, các bác sĩ phải có trách nhiệm luân chuyển làm sao để vẫn điều trị SARS-CoV-2 cho dù chức năng thận có xấu đi. Bởi vì nếu chức năng thận có xấu hơn thì cũng còn phương pháp lọc máu, nên quan trọng nếu bệnh nhân khỏi SARS-CoV-2 rồi thì vẫn phải theo dõi vì giai đoạn sau có thể sẽ xấu hơn giai đoạn trước.

Ngoài ra, cũng có một số loại thuốc buộc phải ngưng hoặc giảm liều hay có thuốc lúc trước chưa sử dụng nhưng bây giờ buộc bệnh nhân phải dùng để điều trị. Mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị riêng, không ai giống ai.

Đối với các bệnh nhân khi tới bệnh viện, chúng tôi thường khuyến cáo chỉ nên có 1 người đưa đi thôi, nếu bệnh nhân mệt hay yếu thì đã có các nhân viên y tế giúp đỡ. Nếu có quá nhiều người nhà đến bệnh viện vô hình chung sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Trong phác đồ điều trị lần này chúng ta thấy rằng, ngoài phác đồ điều trị bằng thuốc còn có thêm điều trị tâm lý, dinh dưỡng. Bởi khi tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân tốt sẽ giúp đáp ứng phác đồ, sức chống đỡ với SARS-CoV-2 tốt hơn và tâm lý người bệnh cũng thêm lạc quan, bởi hầu hết bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều lo lắng.

Vậy còn vấn đề điều trị cho người đái tháo đường khi nhiễm COVID 19 thì sao ạ? Người bệnh đái tháo đường mắc thêm COVID-19, các bác sĩ và người bệnh sẽ phải đối diện với những thách thức nào trong việc điều trị?

BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên trả lời:

Với bệnh nhân bị đái tháo đường kiểm soát đường huyết tốt, tình trạng sức khỏe ổn định, nhưng có triệu chứng nhiễm COVID-19 nhẹ thì đầu tiên nên tự cách ly tại nhà, dùng thuốc điều trị đái tháo đường hiện tại, ăn uống đầy đủ, luyện tập thể dục, duy trì chế độ sinh hoạt tốt, liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn theo dõi các triệu chứng của SARS-CoV-2 và thực hiện khai báo y tế đầy đủ nếu được yêu cầu.

Đối với những bệnh nhân nặng bắt buộc phải nhập viện sẽ có một số vấn đề liên quan đến điều trị và dùng thuốc. Đa phần việc sử dụng thuốc viên kiểm soát đường huyết ở đối tượng này phải ngưng vì sẽ gây nhiễm toan nặng hơn, mất nước nhiều hơn và đa phần phải kiểm soát đường huyết bằng insulin.

Nếu đường huyết quá cao hoặc quá thấp thì nguy cơ rơi vào “cơn bão” cytokine sẽ cao hơn những người kiểm soát đường huyết ổn định. Do đó, mục tiêu của các bác sĩ là phải kiểm soát đường huyết tốt.

Chúng ta đã thấy có một trường hợp đái tháo đường type 1 ở miền Trung tử vong, bệnh nhân vừa bị đái tháo đường, kiểm soát kém, suy kiệt, thậm chí người chỉ nặng hơn 30kg, cộng với nhiễm SARS-CoV-2 nữa. Đối tượng này rất dễ rơi vào tình trạng nhiễm toan, mà nhiễm toan là một cấp cứu nội khoa do thiếu insulin, thiếu dịch, thiếu nước, ăn uống không đầy đủ, bù dịch không kịp thời, người bệnh dễ bị tử vong.

Trong điều trị SARS-CoV-2 sẽ có một số thuốc tương tác gây hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết, cho nên phải kiểm soát và theo dõi đường huyết chặt chẽ, thường xuyên.

Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được kiểm soát chặt chẽ

Trong dịch bệnh COVID-19 hiện nay, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đóng vai trò như thế nào? Nhất là đối với những người suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo định kỳ, dường như bệnh viện là ngôi nhà thứ 2 của họ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Các bệnh nhân lọc máu ít đi lại bởi vì họ biết bản thân cần phải giữ sức khỏe. Ngày thường dù không có dịch COVID-19 thì cũng có thể có dịch khác hoặc nhiễm trùng khác, nên đa số người bệnh đều tự ý thức.

Bác sĩ cũng nên động viên, hướng dẫn bệnh nhân hạn chế tiếp xúc càng tốt và tất cả bệnh nhân đến bệnh viện đều phải tầm soát nhiệt độ ngay từ bên ngoài. Những bệnh nhân nằm viện không chỉ mỗi sáng mà cả chiều cũng sẽ được các y bác sĩ đo nhiệt độ.

Đặc biệt ở bệnh nhân bệnh thận đã lọc máu có sức đều kháng kém hơn. Vì vậy, khi có dấu hiệu ho, sốt phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 và theo dõi sát sao hàng ngày.

Tất cả những điều đó đều nằm trong quy trình mà bệnh nhân nào cũng phải trải qua. Thông thường bệnh nhân đều chấp nhận vì họ biết mình đang được bảo vệ và không cảm thấy phiền hà.

BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên trả lời:

Đối với Bệnh viện Gia An 115, theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêu chí an toàn đối với SARS-CoV-2, nhân viên y tế thường xuyên phải có diễn tập và thực hành phòng chống nhiễm khuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang… Với những bệnh nhân có các vấn đề nhiễm khuẩn kháng nhiều vi khuẩn sẽ cho nằm phòng cách ly riêng biệt.

Thứ hai, đối với người nhà thăm nuôi nên hạn chế những vấn đề như BS.CK2 Tạ Phương Dung vừa trình bày.

Thứ ba, bệnh viện luôn nhắc nhở đội ngũ điều dưỡng thường xuyên hướng dẫn người nhà, bệnh nhân rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần…

Bệnh thận mạn giai đoạn cuối được lọc màng bụng tại nhà

Người bệnh đang chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, nhưng do dịch bệnh phức tạp và muốn chuyển sang lọc màng bụng tại nhà thì có được không thưa BS? Điều kiện để lọc màng bụng là gì? Ai có thể áp dụng phương pháp này và có lưu ý gì đặc biệt không thưa BS? Chi phí lọc màng bụng so với chạy thận nhân tạo thì như thế nào? BHYT có chi trả cho trường hợp này?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Không chỉ trong dịch COVID-19 mà từ trước đến nay ở Việt Nam đã phát triển lọc màng bụng để điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối.

Hiện nay có ba phương pháp điều trị là: ghép thận, lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo.

Lọc màng bụng phát triển từ năm 1997, nhưng thực sự phát triển mạnh mẽ là từ năm 2004. Phương pháp này có nhiều ưu điểm và trong giai đoạn dịch COVID-19 này lại chiếm ưu thế. Đó là, đối với bệnh nhân lọc màng bụng có thể tự thực hiện ở nhà không cần phải tới bệnh viện, ít tiếp xúc với vật tư y tế, nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng ít hơn.

Thông thường, trước đó bệnh nhân đã được các bác sĩ hướng dẫn kỹ càng về cách thay dịch, kể cả trường hợp người lớn tuổi hoặc mắt kém, tinh thần không minh mẫn thì người nhà, thậm chí người giúp việc cũng có thể giúp họ thay dịch được.

Trong đại dịch COVID-19, các hiệp hội về Thận học trên thế giới cũng khuyến cáo là đối với bệnh nhân mới có chỉ định lọc máu thì nên ưu tiên lựa chọn phương pháp lọc màng bụng tại nhà.

Nhiều quốc gia cho phép lọc máu tại nhà bao gồm thận nhân tạo, lọc màng bụng, nhưng ở Việt Nam, Cục Quản lý khám chữa bệnh chưa cho phép chạy thận thận nhân tạo ở nhà, bởi liên quan tới hệ thống nước, trang bị máy móc, kỹ năng… nhưng đã cho phép lọc màng bụng tại nhà. Do đó nên chuyển bệnh nhân sang lọc màng bụng nếu không có chống chỉ định.

Thực tế trong giai đoạn COVID-19 trước (tháng 2, 3, 4), Bộ Y tế cho phép các bệnh viện cấp thuốc và cấp dịch ở nhà trong 2 tháng và thời gian đó bệnh nhân rất ổn định, không có trường hợp nào đến bệnh viện vì biến chứng cả.

Cách đây mấy hôm, chúng tôi cũng mới tổ chức hội thảo trực tuyến với các bác sĩ Thận học trên toàn quốc và đều thống nhất rằng trong suốt giai đoạn dịch bệnh lần trước, chúng tôi cấp thuốc cho bệnh nhân lọc màng bụng không ai gặp biến chứng. Đây là tin vui và khích lệ mọi người nếu đang lọc màng bụng thì hãy yên tâm và nếu như chưa thực hiện lọc màng bụng thì hãy sẵn sàng để tiếp nhận phương pháp này.

BHYT cũng đã thanh toán phương pháp lọc màng bụng.

Đối với người bệnh thận mạn tính nói chung và bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ nói riêng thì cần chăm sóc bản thân như thế nào, chế độ dinh dưỡng ra sao, lưu ý gì khi điều trị để nâng cao sức đề kháng, chống lại COVID-19?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Trước giờ chúng ta hay nói bệnh thận không được ăn chất đạm nhưng thực tế nhiều bệnh nhân bị suy dinh dưỡng và đặc biệt bệnh nhân đã lọc máu có tỷ lệ suy dinh dưỡng chiếm đến 1/3, do đó cần phải có chế độ ăn hợp lý.

Trước giờ chúng tôi tổ chức rất nhiều câu lạc bộ hướng dẫn bệnh nhân chế độ ăn cho những người suy thận chưa lọc máu, suy thận lọc máu nhân tạo hoặc lọc màng bụng. Thậm chí sau khi ghép thận, việc ăn uống bình thường nhưng không có nghĩa là bình thường, mà vẫn phải tuân thủ theo quy định.

Các câu lạc bộ này của chúng tôi thu hút rất nhiều người tới nghe và AloBacsi đã nói về vấn đề dinh dưỡng rồi, nên mọi người có thể dowload xuống và tham khảo bài sau: BS.CK2 Tạ Phương Dung tư vấn: Nâng niu quả thận của bạn như thế nào?


Những phương pháp kiểm soát tốt đường huyết

Với người bệnh đái tháo đường thì nên sinh hoạt như thế nào ạ? Lưu ý gì để kiểm soát đường huyết tốt hơn? Vấn đề kiểm soát cân nặng rất quan trọng với người bệnh, vậy trong giai đoạn dịch bệnh thì họ nên tập luyện như thế nào để duy trì việc vận động mà tránh bị COVID-19 ghé thăm?

BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên trả lời:

Đối với người còn trẻ và chưa có biến chứng đái tháo đường nặng, việc kiểm soát đường huyết cần thực hiện chặt chẽ. Chỉ số HbA1c từ 6.5 - 7% được gọi là kiểm soát tốt, ngược lại cao hơn chỉ số này được xem là kiểm soát chưa tốt (ví dụ 6.8 - 8% hoặc trên 8%).

Với những người đã có biến chứng, việc kiểm soát đường huyết quá chặt chẽ nhiều khi lại không có lợi vì làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, bởi những đối tượng này ăn uống rất kém.

Hay những người tai biến mạch máu não không thể tự chăm sóc bản thân, khi tụt đường huyết họ không biết hoặc không thể nói ra, cũng như không tự lấy đồ ăn được thì việc việc kiểm soát đường huyết chặt chẽ không còn nhiều ý nghĩa, mà chỉ có thể kiểm soát tương đối.

Trong thời điểm đang có dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân ngại đến bệnh viện. Tuy nhiên, nếu người bệnh có máy đo đường huyết cá nhân, nếu đường huyết khoảng 120 - 140 được coi là tốt, và đừng nên để quá thấp, ví dụ như dưới 80 là cần dè chừng vì nguy cơ hạ đường huyết đang “rình rập” bản thân. Nếu hơi cao (khoảng 180) thì cần điều tiết chế độ ăn hợp lý.

Nhưng nếu thời điểm này bệnh nhân đái tháo đường mắc COVID-19 có đường huyết 240 thì bác sĩ phải đặc biệt lưu ý, nhất là các bệnh nhân kiểm soát đường huyết kém có nguy cơ nhiễm ceton gây nhiễm toan và tử vong rất nhanh.

Lúc trước, tôi có thực hiện một nghiên cứu về hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng ở người hạ đường huyết rất cao, do bệnh nhân kiêng khem quá nhiều hoặc không có sự tư vấn kỹ của bác sĩ…

Do đó dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý ở người đái tháo đường cần được quan tâm, trong đó bệnh nhân/ người nhà cần phải hiểu thức ăn nào gây tăng đường huyết (như tinh bột hay tất cả thứ gì xay ra thành bột làm bánh, ví dụ gạo, nếp, bột mì, bắp, các loại đậu như đậu nành, đậu hũ…) và thức ăn không gây tăng đường huyết (thanh long, trái cây ít ngọt hoặc hơi chua).

Một ngày ăn 3 bữa, tuy nhiên người bệnh nên nắm bàn tay lại và vẽ một vòng tròn bằng nắm tay đó, mỗi bữa ăn tinh bột tương đương với một nắm tay.

Ăn trái cây ít ngọt ăn tương đương với một nắm tay/ ngày, bệnh nhân có thể ăn nhiều trái cây hơn nhưng phải giảm tinh bột lại.

Ngoài ra, nên ăn đủ chất xơ và bổ sung chất đạm, không nên kiêng quá mức sẽ gây suy dinh dưỡng.

Khi nào người bệnh thận mạn, đái tháo đường cần đến bệnh viện?

Khi nào, dấu hiệu nào cho thấy người bệnh thận mạn, người bệnh đái tháo đường cần phải đến bệnh viện ngay, không nên trì hoãn dù trong giai đoạn COVID-19? Việc đến BV mùa dịch khiến nhiều người e ngại, hai bác sĩ có thể cho biết những nguy cơ nếu đến bệnh viện trễ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Bệnh nhân thận mạn, đái tháo đường bị sốt, ho cần phải đến bệnh viện, thậm chí phải liên hệ và trình bày triệu chứng trước để bệnh viện đưa ra phương án đón tiếp như thế nào để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Mặt khác, khi điều trị tại nhà, bệnh nhân có thể cảm thấy chóng mặt, đôi khi bệnh nhân suy thận có thêm vấn đề thiếu máu nữa, nếu uống thuốc, chích thuốc không đủ liều (mặc dù đã được bệnh viện cấp) vẫn có thể gây thiếu máu. Tuy nhiên bây giờ có nhiều công nghệ thông tin qua webcam hoặc video bác sĩ có thể thấy tình trạng bệnh nhân và đưa ra những chỉ dẫn kịp thời. Một khi bác sĩ đã yêu cầu đến bệnh viện thì bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay.

BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên trả lời:

Đối với bệnh đái tháo đường, nếu đường huyết thấp tới mức người bệnh hôn mê thì bắt buộc phải đến bệnh viện ngay. Nếu hạ dưới 70, người bệnh có thể tự uống thuốc và đo đường huyết bằng máy cá nhân, người nhà cho bệnh nhân ăn đồ có đường để giảm triệu chứng hạ đường huyết.

Sau ăn 15 phút phải thử đường huyết lại, nếu đường chưa lên thì thử lại lần nữa và ngưng thuốc điều trị đái tháo đường, theo dõi đường huyết dưới sự hướng dẫn của bác sĩ…

Đối với tình trạng kiểm soát đường huyết kém, sau khi điều chỉnh chế độ ăn một lần mà đường huyết trên 240 thì người nhà phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Đối với vấn đề bệnh nhân tự nhiên đi tiểu ít, khó thở nhiều, phải ngồi dậy thở, phù nhiều hoặc yếu nửa người, đau ngực,… thì phải liên lạc ngay tới bệnh viện.

Ổn định tâm lý cho bệnh nhân và người thân

Trong phác đồ điều trị COVID-19 mới được Bộ Y tế cập nhật, ngoài việc nâng cao thể trạng, điều trị thuốc thì yếu tố tâm lý được nhấn mạnh. Hiện nay với hàng loạt thông tin về COVID-19 khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Xin hỏi 2 chuyên gia, trong giai đoạn này người bệnh nên làm gì để ổn định tâm lý, người thân có thể giúp bằng cách nào để không chủ quan và cũng đừng lo lắng thái quá, nếu chẳng may một ngày nào đó nhận kết quả dương tính?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Trong đại dịch COVID-19 hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng đã làm rất tốt. Cụ thể hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc các cơ quan quan truyền thông về phòng tránh, phát hiện ra sao, thực hiện cách ly như thế nào người dân đã thực hiện rất tốt.

Riêng đối tượng bệnh nhân, nếu bệnh nhân ổn định, bác sĩ nên cấp toa dài ngày nhưng không có nghĩa không đến bệnh viện. Hoặc khi có vấn đề gì bất thường thì việc đầu tiên là trao đổi với bác sĩ điều trị của mình và có thể gọi qua video hỏi bác sĩ xem tình trạng của mình có cần tới bệnh viện không.

Chúng ta cứ sống lạc quan, tin tưởng và luôn nghĩ rằng mình không đơn độc trên mọi con đường. Đảng và Nhà nước hay các cơ quan thông tấn đã kiên quyết không để lại ai phía sau, các bác sĩ của chúng tôi cũng không để lại bệnh nhân nào mà không được điều trị, mọi người hãy cứ yên tâm.

Câu hỏi cuối là tình cảm của rất nhiều bệnh nhân thận mạn đã từng được BS Tạ Phương Dung điều trị. Khi về BV Gia An 115, BS có những dự định nào dành cho bệnh nhân có vấn đề về thận nói chung và bệnh nhân thận mạn nói riêng?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Tôi đã nghỉ theo chế độ dành cho người nghỉ hưu, nhưng thực sự tôi luôn nghĩ rằng mình cần phải tiếp tục cống hiến khi vẫn còn sức khỏe, còn thời gian và sẽ phải tiếp tục con đường của mình.

Đối với bệnh nhân, tôi không có giới hạn về số lượng, hay giới hạn về bệnh viện, bệnh nhân của bất kỳ bệnh viện nào như Gia An hay 115 hoặc bất kỳ bệnh viện nào khác cần tôi đều phục vụ, vì đó là tâm niệm của tôi.

Những bệnh nhân đã đồng hàng cùng tôi tới Bệnh viện Gia An thì tôi vẫn tiếp tục phục vụ cho họ, nhưng ngược lại nếu bệnh nhân vẫn đang điều trị tại Bệnh viện 115 đã ổn định, có chế độ chính sách BHYT, hoặc đã quen ở đó rồi,… thì tôi cũng không có gì phải lo lắng cả, bởi nhiều năm qua tôi đã đào tạo được nhóm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên giỏi tại bệnh viện.

Kinh nghiệm của bác sĩ không phải dựa trên việc điều trị cho nhiều bệnh nhân mà còn là việc truyền kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau, nên tôi không có gì phải băn khoăn.

Hơn nữa tôi vẫn làm cố vấn cho Bệnh viện 115, mặt khác, khi về Bệnh viện Gia An tôi cũng tiếp tục công việc của mình và cùng đồng nghiệp phát triển chuyên ngành Thận.

Chính sách trước giờ không chỉ chú trọng đến điều trị cho bệnh nhân mà còn phải phòng chống bệnh nữa. Chữa bệnh là một nhiệm vụ nhưng phòng chống bệnh cũng là một nhiệm vụ rất cần thiết.

Những câu lạc bộ dành cho bệnh nhân, thân nhân, cho cộng đồng tôi vẫn tiếp tục thực hiện. Tôi có may mắn là Ban giám đốc Bệnh viện Gia An rất ủng hộ tôi, tiếc rằng dịch COVID-19 nên chúng tôi phải gác lại kế hoạch này một thời gian.

Tôi luôn luôn sẵn sàng phục vụ và không nghĩ mình là người của Bệnh viện Gia An hay Bệnh viện 115, tất cả là vì bệnh nhân của tôi và mọi người.

[DAP]BS.CK2 TẠ PHƯƠNG DUNG

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM năm 1988, sau khi hoàn thành khóa học chuyên khoa 1 năm 2003 và bác sĩ chuyên khoa 2 năm 2006, bà còn dành thời gian tu nghiệp tại Bỉ, Pháp để tích lũy thêm kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu về thận và ghép tạng, sau đó tiếp tục cống hiến cho ngành Y nước nhà.

Hơn 30 qua, hàng chục công trình nghiên cứu về điều trị thận, lọc máu, ghép tạng đã được nữ bác sĩ thực hiện. Với tinh thần ham học, cầu toàn, bà là cái tên bảo chứng cho nhiều hội nghị quy tụ các giáo sư, chuyên gia đến từ các nước Pháp, Mỹ, Hà Lan, Bỉ… và các bác sĩ đầu ngành trên mọi miền đất nước.

Bà đã có hơn 10 năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, kiêm nhiệm Trưởng khối Thận Niệu tại Bệnh viện Nhân dân 115, hiện là cố vấn chuyên môn khối Nội chung và cố vấn chuyên môn khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115.

Đồng thời, bà còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Thận - Tiết niệu và Lọc máu trẻ em Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ghép tạng Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội vận động Ghép tạng Việt Nam, Thường vụ Ban chấp hành Hội Tiết niệu Thận học TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Thận học TPHCM.

Với những cống hiến, đóng góp to lớn cho ngành y, nhiều năm liền bà được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Sở Y tế TP.HCM, 10 lần nhận được Bằng khen của UBND TPHCM, Nhận được Bằng khen của Tổng Hội Y học Việt Nam, Bằng khen của Bộ y tế về xây dựng hướng dẫn quy trình kỹ thuật và chẩn đoán điều trị người bệnh thận mạn.

Đặc biệt, bà đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 và Huân chương Lao động Hạng Ba theo Quyết định của Chủ tịch nước năm 2019.

Nữ bác sĩ uyên bác, tài đức vẹn toàn, niềm hi vọng của các bệnh nhân thận, bà là BS.CK2 Tạ Phương Dung - Phó Giám đốc Bệnh viện Gia An 115.

BS.CK2 TRƯƠNG THỊ VÀNH KHUYÊN

Tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa vào năm 1997 tại trường Đại học Y Dược TPHCM, sau đó tiếp tục đào tạo chuyên sâu về Nội tiết - Đái tháo đường, 23 năm khoác áo blouse, nữ bác sĩ đã đồng hành cùng hàng ngàn bệnh nhân trong cuộc chiến với bệnh tật.

Nhiều năm cống hiến trong ngành Y, nữ Trưởng khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Gia An 115 vẫn đều đặn tích lũy kinh nghiệm, kiến thức qua việc khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học. Rất nhiều công trình khoa học do bà làm Chủ nhiệm về đái tháo đường tạo được tiếng vang trong giới Y khoa.

Là người năng nổ, ngoài công tác chuyên môn, bà cũng thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng, truyền thông vì người bệnh, dành thời gian biên soạn những bài viết chuyên sâu về y tế đăng tải trên các tờ báo, tạp chí uy tín.

Dù ở cương vị nào, công tác tại cơ sở nào, bà vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, vừa chăm sóc người bệnh, vừa dìu dắt, đồng hành cùng tập thể, từ đó xây dựng khoa Nội Tổng hợp trở thành một trong những chuyên khoa được các bệnh nhân tin tưởng, yêu mến nhất tại Bệnh viện Gia An 115.

Bà là BS.CK2 Trương Thị Vành Khuyên, Trưởng khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Gia An 115.[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X