Hotline 24/7
08983-08983

Kiêng đường tuyệt đối để bỏ đói tế bào ung thư, não và thận sẽ chết trước 

Tế bào ung thư “thích” đường, nhưng não và thận cũng cần có đường để duy trì hoạt động. Nếu bệnh nhân kiêng tuyệt đối không tiêu thụ đường thì trước hết não và thận sẽ suy kiệt. Do đó, bệnh nhân ung thư vẫn nên ăn đường ở mức độ cho phép.

Tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu, diễn ra ngày 7/9/2023 với chủ đề “Quản lý tác dụng phụ của hóa trị trong điều trị ung thư vú”, nhiều câu hỏi của người bệnh và thân nhân đưa ra đã được các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM giải đáp cụ thể.

Trong đó, một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là bệnh nhân ung thư có nên kiêng ăn đường hay không?

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu, diễn ra ngày 7/9/2023 với chủ đề “Quản lý tác dụng phụ của hóa trị trong điều trị ung thư vú” tại Bệnh viên Ung bướu TPHCM, cơ sở 2

BS.CK1 Nguyễn Thanh Thủy Trang – khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TPHCM trả lời:

Đường có nhiều loại như fructose, glucose, lactose, maltose… đường đơn chất, đường đa chất. Đường mà bệnh nhân nên hạn chế là đường mía, đường cát, mật ong… còn đường trong cơm gạo, trái cây thì không cần thiết phải kiêng quá mức.

Các nhà nghiên cứu có thử nghiệm bằng cách gắn chất chỉ thị vào đường và cho bệnh nhân ung thư uống, sau đó họ ghi nhận được rằng đường gắn vào tế bào ung thư (ứng dụng trong chụp PET-CT - PV). Trong khi gắn chất chỉ thị lên chất đạm hoặc chất béo thì nó không đến với tế bào ung thư. Dựa vào nghiên cứu này người ta kết luận tế bào ung thư “thích” đường, vì vậy mới có quan niệm bệnh nhân nên kiêng đường.

Tuy nhiên, chúng ta quên mất một điều là có 2 cơ quan trên cơ thể chỉ sử dụng đường để có năng lượng hoạt động mà không sử dụng chất đạm và chất béo, đó là não thận.

Do đó nếu chúng ta kiêng đường hoàn toàn, kiêng cả tinh bột và trái cây thì não và thận sẽ “chết” trước tế bào ung thư, bởi tế bào ung thư có thể “tranh giành” đường trong cơ thể (đường tân tạo) để sử dụng.

Một người bình thường mỗi ngày được ăn 2 muỗng cà phê đường vun (muỗng đầy), tương đương 5 muỗng cà phê đường gạt (không múc đầy mà gạt ngang muỗng đường). Những trường hợp sau nên giảm đường:

- Bệnh nhân đang có khối ung thư chưa phẫu thuật được, khối u đang lở loét thì phải ăn ít đường vì đường huyết cao sẽ khiến vết thương khó lành, 

- Người có khối u trên cơ địa dễ viêm nhiễm,

- Người có tình trạng kháng insulin khiến đường huyết tăng 

Giảm đường nghĩa là không ăn quá nhiều nhưng vẫn sử dụng trong giới hạn cho phép để nêm nếm thức ăn, bởi vì với bệnh nhân ung thư sự ngon miệng rất quan trọng, nếu kiêng đường tuyệt đối thì họ sẽ không muốn ăn.

Còn việc tính toán lượng đường trong tinh bột (cơm gạo, bún, phở, hủ tiếu, bánh canh…) và trái cây thì bệnh nhân phải tư vấn với bác sĩ dinh dưỡng để xem nhu cầu mỗi ngày của mình là bao nhiêu để có thể “can thiệp cá thể” chứ không có một mức tiêu thụ chung cho nhiều người.

Bác sĩ dinh dưỡng sẽ tìm hiểu bệnh nhân có bị đái tháo đường hay không, có phẫu thuật liên quan tới đường tiêu hóa hay không, hay vấn đề nào khác cần phải giảm đường. 

Quý bệnh nhân cũng lưu ý là không có món gì phải kiêng cả đời. Sau một thời gian điều trị và cần phải kiêng ăn thì người bệnh nên hỏi lại bác sĩ là mình đã được ăn lại món đó hay chưa.

Ví dụ: Bệnh nhân mổ xong không cần kiêng nước cam, nhất là trường hợp thiếu máu, cần ăn món ăn bổ máu thì cần phải có vitamin C mới dễ hấp thu chất sắt. Do đó chỉ có bệnh nhân bị đau dạ dày mới cần kiêng nước cam. Đã từng có bệnh nhân vì thiếu thông tin nên sau mổ 2 năm vẫn không dám ăn cam, trong khi 7 ngày vết thương đã lành rồi.

Ghi nhận từ buổi sinh hoạt CLB trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu,

Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X