Kiên Giang: Thiếu máu não cho siêu âm ổ bụng để...tận thu
Bệnh viện và nhà đầu tư đặt máy CT tại bệnh viện có thỏa thuận mỗi ngày chụp tối thiểu cho 5 bệnh nhân. Chuyện hi hữu này xuất hiện tại BVĐK thị xã Hà Tiên, Kiên Giang.
Nhà đầu tư đặt máy CT tại BVĐK thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) với thỏa thuận mỗi ngày chụp CT tối thiểu cho 5 bệnh nhân - Ảnh: KHOA NAM |
Lần đầu tiên trong quá trình thanh tra tại các bệnh viện, ông Đặng Văn Chính, chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho biết đoàn đã phát hiện một hợp đồng đặc biệt như thế.
“Tuy nhiên, thực tế bệnh viện chỉ chụp được bình quân 3 ca/ngày, nên nhà đầu tư yêu cầu bệnh viện bồi thường cho công ty theo thỏa thuận với mức 12 x 30 ngày x 5 bản chụp x đơn giá hai bên thỏa thuận” - ông Chính cho biết.
Những hợp đồng tận thu
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, tính đến ngày 20/3/2017 có 54/63 tỉnh, thành được khảo sát có đặt máy xã hội hóa tại các bệnh viện, với tổng số trên 2.600 máy.
Có 3 hình thức xã hội hóa: công ty trúng thầu hóa chất cho mượn máy; bệnh viện được cho, tặng máy, cán bộ nhân viên bệnh viện góp vốn mua máy và xã hội hóa y tế theo quy định năm 2007 của Bộ Y tế.
Trong đó có khoảng 200 máy đang làm sai quy định, sử dụng hóa chất, vật tư y tế không qua đấu thầu, thậm chí là thỏa thuận số lượng dịch vụ có sử dụng thiết bị mỗi ngày.
Trong 2 năm 2015 - 2016, riêng quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả khoảng 350 tỉ đồng cho dịch vụ có sử dụng 200 thiết bị này.
Qua khảo sát tại Nghệ An, ông Lê Văn Phúc - phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN - cho biết có đến 38-40% bệnh nhân nội trú ở một số bệnh viện tư nhân của tỉnh này có chỉ định chụp cộng hưởng từ.
Trong khi Viện Chiến lược và chính sách y tế khảo sát trên diện rộng thì tỉ lệ chụp cộng hưởng từ chung chỉ chiếm 4%/tổng bệnh nhân nội trú.
“38-40% bệnh nhân nội trú có chỉ định chụp cộng hưởng từ là rất bất thường” - ông Phúc cho hay.
Theo ông Phạm Lương Sơn - phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, qua khảo sát Bảo hiểm xã hội VN phát hiện rất nhiều tỉnh, thành có thiết bị xã hội hóa kèm theo cam kết số lượt sử dụng, cho mượn máy kèm thỏa thuận độc quyền cung cấp hóa chất và vật tư y tế.
“Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Cà Mau... đều có thiết bị dạng này” - ông Sơn nói.
Và chính bởi thiết bị xã hội hóa cần cam kết số lượng dịch vụ, nên đã có những chỉ định bất hợp lý bổ lên đầu bệnh nhân.
Mới đây, bộ phận giám định bảo hiểm ghi nhận một nữ bệnh nhân vào viện khám và có chẩn đoán “cơn thiếu máu não thoáng qua”, nhưng bệnh viện lại chỉ định siêu âm ổ bụng, tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, định lượng đường máu...
Riêng xét nghiệm máu đã thực hiện tới 7 chỉ tiêu không có ý nghĩa gì với chẩn đoán thiếu máu não thoáng qua. Còn trong phần chỉ định thuốc thì không hề có thuốc điều trị, tất cả đều là sản phẩm bổ trợ, như vitamin B1, B6, B12, uống bổ sung sắt!
Lạm dụng kỹ thuật
Ông Lê Hoàng Anh - giám đốc Sở Y tế Kiên Giang - cho biết máy chụp CT cắt lớp ở BVĐK thị xã Hà Tiên do doanh nghiệp đầu tư là theo chủ trương thí điểm xã hội hóa để có điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Mục đích là vậy nhưng ban đầu phía doanh nghiệp và BVĐK thị xã Hà Tiên cũng như lãnh đạo ngành y tế Kiên Giang tranh cãi khá gay gắt về việc doanh nghiệp giao “chỉ tiêu” chụp CT cho bệnh viện.
Nhưng do chủ trương mới thí điểm, có nghĩa là sẽ có rút kinh nghiệm, đánh giá, điều chỉnh... nên cuối cùng vẫn chấp nhận các điều khoản tranh cãi do phía doanh nghiệp đưa ra. Sắp tới sẽ tổ chức họp đánh giá rồi rút kinh nghiệm sau 2 năm triển khai thí điểm việc này.
Ông Liêu Khắc Dũng - phó chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên - cũng khẳng định vấn đề bất ổn ở chỗ doanh nghiệp đòi phía bệnh viện phải chụp cho đạt “chỉ tiêu”.
Ông nói: “Đâu phải cứ bệnh nào cũng phải chụp CT. Nếu người bệnh không có bảo hiểm y tế thì tốn tiền nhà, còn có bảo hiểm y tế thì gây thiệt hại cho nguồn quỹ bảo hiểm. Trong khi số tiền lãng phí do lạm dụng kỹ thuật này có thể dùng để chữa bệnh cho nhiều người khác.
Chúng tôi đã nghe lùm xùm chuyện chụp CT, đang yêu cầu phía bệnh viện báo cáo, khi nào báo cáo xong chúng tôi sẽ xin ý kiến UBND tỉnh xử lý vụ việc”.
Theo Sở Y tế TPHCM, hình thức đối tác lắp đặt trang thiết bị, bệnh viện tổ chức cung cấp dịch vụ y tế có ưu điểm đáp ứng nhanh nguồn vốn đang thiếu hụt của đơn vị, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, cơ sở y tế được đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Về chuyên môn, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỉ lệ tử vong. Các đối tượng nghèo, cận nghèo, trẻ em, chính sách xã hội cũng được hưởng lợi từ trang thiết bị này và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Ngoài ra, phương thức này cũng góp phần giảm tải tuyến trên, giảm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi của người bệnh.
Tuy nhiên, Sở Y tế cho rằng hình thức này hiện chưa có cơ sở pháp lý hướng dẫn việc xác định giá trị góp vốn của đơn vị về năng lực, chất lượng và uy tín nên việc xác định tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa cơ sở y tế và đối tác thường là cảm tính, chưa tương xứng với giá trị góp vốn của hai bên.
Đặc biệt, mong muốn phải thu hồi vốn nhanh trong liên doanh, liên kết còn dẫn đến tình trạng có đơn vị lạm dụng, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, gây tốn kém chi phí cho người bệnh.
Từ thực tế này, Bộ Y tế hiện khuyến khích các đơn vị ưu tiên lựa chọn hình thức vay vốn để thay cho hình thức này.
Tìm hình thức khác tốt hơn |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình