Hotline 24/7
08983-08983

Khuynh hướng và cập nhật mới về phương pháp điều trị suy tim

Suy tim hiện đang trở thành gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu. Những năm gần đây, các khuyến cáo và nhiều loại thuốc mới được đưa ra nhằm cải thiện việc điều trị bệnh lý này. Trong kỳ thứ 7 của "Tâm Điểm 2023" diễn ra ngày 17/8 vừa qua, với chủ đề “Tiếp cận điều trị suy tim qua lăng kính lâm sàng”, đã tập trung đề cập các khuynh hướng và góc nhìn mới trong điều trị bệnh nhân suy tim trên lâm sàng.

“Tâm điểm 2023” - Thảo luận tim mạch kỳ 7

GS.TS Trương Quang Bình - Chủ tịch Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam chia sẻ trong buổi thảo luận: “Suy tim là vấn đề trầm trọng và rất thường gặp trong thực hành lâm sàng. Trong những năm gần đây, có rất nhiều loại thuốc xuất hiện để điều trị tình trạng suy tim cho người bệnh. Đồng thời nhiều khuyến cáo về bệnh lý này cũng được ra đời. Tôi nghĩ rằng, quý đồng nghiệp đã đọc và ứng dụng những khuyến cáo, sử dụng các loại thuốc mới trong thực hành lâm sàng hàng ngày.

Tuy nhiên, có thể mỗi người sẽ nhìn nhận theo một góc độ khác nhau. Vì vậy, Chương trình thảo luận về tim mạch, chủ đề “Tiếp cận điều trị suy tim qua lăng kính lâm sàng” có thể giúp khẳng định lại những điều chúng ta hiểu biết và áp dụng như thế nào?”.

GS.TS Trương Quang Bình - Chủ tịch Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam

Tứ trụ ACE-I/ARNI, BB, MRA và SGLT2i giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân suy tim

Đến với vấn đề “Các khuynh hướng mới trong điều trị suy tim”, ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Bộ môn nội, Đại học Y dược TPHCM chia sẻ, việc điều trị nội khoa suy tim thể hiện qua một vòng xoắn rất nổi tiếng về diễn tiến của bệnh tim mạch, khởi đầu đơn giản bằng một bệnh lý yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, sau đó chuyển sang bệnh mạch vành, tiếp theo là đột quỵ, tới nhồi máu cơ tim và cuối cùng dẫn đến suy tim.

Hiện nay, suy tim chiếm tới 1-2% dân số người trưởng thành. Ở những nước Bắc Mỹ, Tây Âu, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm. Còn ở những nước thuộc khu vực Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương thì có xu hướng tăng lên.

Tỷ lệ suy tim có phân suất tống máu giảm (HFrEF) đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, suy tim có phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF) có xu hướng tăng. Đồng thời, bệnh lý tim mạch thường có các bệnh đi kèm như: bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường,...

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Bộ môn nội, Đại học Y dược TPHCM

Theo Global, hướng dẫn của ACCF/AHA, có một nửa bệnh nhân nhận được điều trị kép hoặc dạng ức chế beta, thì chỉ có ⅓ tỷ lệ bệnh nhân đạt được điều trị đích với loại thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể. Ở một số khu vực khác, tỷ lệ đáp ứng điều trị đích, phối hợp thuốc cũng tương tự, chưa đạt tỷ lệ cao.

Chuyên gia nhấn mạnh, trong chẩn  đoán lâm sàng bệnh suy tim, thực hiện mọi con đường đều dẫn đến máy siêu âm tim. Vì vậy, kỹ thuật siêu âm tim vô cùng quan trọng, cần có các nhân viên y tế sử dụng máy siêu âm tim thuần thục.

Trong điều trị suy tim, từ năm 2016 đến năm 2021, đã có sự tiến hóa của hướng dẫn điều trị suy tim. Trước đó, việc thực hiện từng bước, với “3 hòn đá tảng” bao gồm: Ức chế men chuyển, chẹn beta và MRA. Sau đó, kết quả không cải thiện mới bắt đầu nghiên cứu bổ sung và cho ra “4 cột trụ” trong điều trị suy tim là: ACE-I/ARNI, BB, MRA và SGLT2i. Đến năm 2022, phương pháp này cũng đã được áp dụng tại Hoa Kỳ.

Hiện nay, các khuyến cáo hiện hành đều nhấn mạnh 4 cột trụ điều trị suy tim HFrEF: “Phối hợp sớm - Cá thể hóa”. Sau khi kết hợp 4 loại thuốc này, lợi ích nhận được là số người cần điều trị (NNT) chỉ có 3.9 trong vòng 24 tháng đã giảm được 72,9% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh bày tỏ: “Lần đầu tiên thấy được con số NTT nhỏ đến vậy! Cho thấy, nếu chúng ta gieo nhân 4 loại thuốc nền tảng ACE-I/ARNI, BB, MRA và SGLT2i theo Rapide Sequencing, bệnh nhân HFrEF sẽ gặt hái quả ngọt - Cải thiện tiên lượng sống. Từ đó cứu sống được rất nhiều người bệnh”.

Đối với HFpEF, vào khoảng năm 2020, bắt đầu có những nghiên cứu về HFpEF. Theo nghiên cứu Empagliflozin trên bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu bảo tồn, giúp giảm 21% nguy cơ biến cố gộp tử vong tim mạch hoặc nhập viện vì suy tim. Lợi ích có được là bệnh nhân có thể xuất viện sau ngày thứ 18.

Nghiên cứu Deliver vào năm 2022, sử dụng Dapagliflozin so với Placebo, tỷ lệ điều trị phối hợp đạt kết quả giảm hơn 27% về tỷ lệ tử vong và nhập viện. Theo đó, SGLT2i giúp giảm nhập viện và tử vong ở bệnh nhân HFmrEF và HFpEF.

Qua trình bày, ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh nhận định, việc áp dụng 4 cột trụ ACE-I/ARNI, BB, MRA và SGLT2i phải phối hợp càng sớm càng tốt, ngay trong giai đoạn bệnh nhân nhập viện và lợi ích của các thuốc trải dài trên mọi phân nhóm EF, từ HFrEF cho đến HFpEF.

1-2 triệu bệnh nhân suy tim tại Việt Nam đối mặt với tử vong sau  5 năm

Trong chủ đề thảo luận “Điều trị bệnh nhân suy tim ổn định dưới góc nhìn của nhà lâm sàng”, ThS.BS Trần Công Duy - Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, bộ môn Nội tổng quát Đại học Y dược TPHCM cho biết, Suy tim hiện đang là một gánh nặng đối với chăm sóc y tế toàn cầu.

Cụ thể, theo ước tính tại Việt Nam hiện nay có khoảng 1-2 triệu bệnh nhân suy tim, những bệnh nhân này phải đối mặt với tỷ lệ tử vong sau 5 năm lên đến 50%. Tỷ lệ này hiện đang cao hơn một số bệnh ung thư như: ung thư vú, ung thư đại trực tràng,...

Trong những vấn đề tử vong của bệnh nhân HFrEF sẽ tăng dần theo thời gian. Nếu bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ tử vong trong bệnh viện những ngày đầu là 4-10%, sau 30 ngày là 10-16%, sau 1 năm là 20-30% và sau 5 năm lên đến 50%. Trong số tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, có 50% bệnh nhân tử vong do đột tử.

ThS.BS Trần Công Duy - Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, bộ môn Nội tổng quát Đại học Y dược TPHCM 

Theo dữ liệu của 11.064 bệnh nhân HFrEF từ nghiên cứu số bộ quốc gia Pinnacle, bệnh nhân suy tim có khả năng tái nhập viện nhiều lần có tỷ lệ 50-70%. Nếu bệnh nhân nhập viện nhiều lần sẽ làm gia tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân.

Do diễn tiến tự nhiên của suy tim, bệnh nhân suy tim không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ. Và đối với những bệnh nhân suy tim NYHA độ II, vẫn đối diện với nguy cơ tim dễ tổn thương và nguy cơ đột tử cao mà không có triệu chứng cảnh báo. Chính vì ít triệu chứng nên đôi khi bác sĩ lâm sàng chủ quan, không tối ưu hóa hoặc không có dụng cụ hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị, liều thuốc cũng ít hơn so với khuyến cáo. Do đó, tỷ lệ đột tử của các bệnh nhân suy tim tăng dần theo thời gian.

Để giải quyết các vấn đề về đột tử ở các bệnh nhân suy tim, ngay cả những bệnh nhân suy tim được xem là ổn định, cần giải quyết, tác động vào các thành phần của tam giác Coumel. Cần dùng các loại thuốc như: BB, BB Ablation, ICD, MRA, ACE-I, ARNI Ablation.

Chuyên gia cho biết, Sacubitril/Valsartan giúp làm giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân HFrEF bao gồm như cải thiện phân suất tống máu giảm, đảo ngược tái cấu trúc thất trái và dự phòng đột tử.

Cụ thể, một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, thực hiện trên 8442 bệnh nhân HFrEF so sánh 2 nhóm sử dụng thuốc Sac/Val và enalapril trên nền điều trị chuẩn bệnh nhân suy tim, thời gian theo dõi trung vị là 27 tháng. Cho thấy, nhóm sử dụng Sac/Val giảm 20% tỷ lệ tử vong do tim mạch, giảm 21% nguy cơ nhập viện lần đầu do suy tim và 16% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu kéo dài 52 tuần ở Hoa Kỳ, tiến hành trên 794 bệnh nhân HFrEF có phân độ NYHA II-IV được khởi trị Uperio. Khi sử dụng Sac/Val, giúp cải thiện LVEF và các chỉ số siêu âm tim phản ánh tái cấu trúc cơ tim. Theo đó kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ sau 12 tháng, 25% bệnh nhân có LVEF tăng hơn 13%.

Ngoài ra, trong điều trị suy tim, sử dụng ARNI còn giúp giảm tái cấu trúc thất trái một cách rõ rệt, cải thiện 9-15% phân suất tống máu thất trái so với các loại thuốc điều trị nội khoa khác.

Một nghiên cứu khác còn cho thấy, Sacubitril/Valsartan làm giảm nguy cơ đột tử so với enalapril bất kể ICD ở bệnh nhân suy tim.

Trong vấn đề thực hành lâm sàng, việc áp dụng các khuyến trong điều trị suy tuy vô cùng quan trọng. Qua trình bày các nghiên cứu, chuyên gia nhấn mạnh, cần tối ưu hóa điều trị sớm cho bệnh nhân suy tim, giúp giảm đáng kể nguy cơ về các biến cố lâm sàng nghiêm trọng. Từ đó, bệnh nhân sống lâu hơn, khỏe hơn và theo dõi bệnh nhân trong các chương trình quản lý suy tim. Đồng thời, tiếp tục sử dụng các thuốc nền tảng điều trị suy tim ở bệnh nhân có EF cải thiện.

“Tâm điểm 2023” là chuỗi Hội thảo trực tuyến chuyên ngành Tim mạch hàng đầu tại Việt Nam, quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bác sĩ khắp cả nước trao đổi về những chủ đề cấp thiết, kiến thức mới theo xu hướng thế giới.

Các buổi thảo luận sẽ được livestream trong nhóm kín của “Tâm điểm 2023” với 5.333 thành viên và ứng dụng Zoom vào tối thứ 5 mỗi 2 tuần, từ 20:00 đến 21:30.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X