Hotline 24/7
08983-08983

Không tự ý cho trẻ ngưng kháng sinh điều trị viêm tai giữa

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM chia sẻ, kháng sinh điều trị viêm tai giữa cần được chỉ định bởi bác sĩ. Cha mẹ nên tuân thủ hướng dẫn và không tự ý cho trẻ ngưng kháng sinh, có thể khiến viêm tai giữa tái lại, ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.

1. Vi khuẩn phế cầu là tác nhân chính gây viêm tai giữa ở trẻ nhỏ

Viêm tai giữa ở trẻ em do nguyên nhân nào gây ra, những thói quen nào tác động gây ra bệnh viêm tai giữa ở trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng dễ dàng bỏ sót, bởi vì, người lớn không biết trẻ mắc bệnh.

Ngoài siêu vi, tác nhân gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhiều nhất là vi khuẩn phế cầu.

Cụ thể, có 3 loại vi khuẩn gây bệnh, bao gồm: Vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae, Haemophilusenzae không thuộc type B, và Moraxella catarrhalis. Đó là 3 loại vi khuẩn gây bệnh viêm tai giữa và nhiều nhất là vi khuẩn phế cầu.

Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh viêm tai giữa hơn trẻ lớn hay người lớn. Nguyên nhân do đường mũi họng có một vòi eustache, đi từ họng lên lỗ tai trong. Con đường này ở trẻ nhỏ rất ngắn, do đó, chạy lên tai khá nhanh. Đặc biệt, với những trẻ bú nằm, khả năng sữa chạy lên tai trong nhiều hơn. Áp lực ở tai trong của trẻ dễ gây ra viêm tai giữa hơn người lớn. Đó là những tác nhân và yếu tố khiến trẻ bị viêm tai giữa.

2. Bú nằm khiến trẻ dễ mắc viêm tai giữa

Thưa BS, viêm tai giữa thường gặp ở trẻ từ độ tuổi nào, trẻ nào có nguy cơ bị viêm tai giữa cao hơn ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, viêm tai giữa dễ gặp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt ở trẻ sau 2 hoặc 6 tháng đến 3-4 tuổi, rất dễ mắc viêm tai giữa, sau đó bớt dần. Các trường hợp khác dễ mắc bệnh này như: bé bú nằm hoặc có tật ở vùng tai mũi họng. Trẻ bú mẹ khó mắc viêm tai giữa hơn những trẻ bú bình, bởi thói quen ngậm bình của trẻ.

3. Quấy khóc, chà tai liên tục, biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ

Viêm tai giữa cấp và viêm tai giữa mạn tính khác nhau như thế nào? Triệu chứng của hai vấn đề này liệu có khác nhau?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm tai giữa cấp là cấp tính, mắc lần đầu. Còn viêm tai giữa mạn là tình trạng chảy mủ tai tái lại nhiều lần.

Viêm tai giữa cấp khá khó phát hiện, vì vậy, cha mẹ cần để ý đến biểu hiện của trẻ như: khóc vô cớ, lấy tay chà vùng tai liên tục,… có khả năng trẻ đã bị viêm tai giữa. Trẻ sẽ không sốt li bì, chỉ quấy khóc và sốt nhẹ, nếu cha mẹ không phát hiện kịp thời, sẽ để trẻ chảy mủ tai mới có thể phát hiện bệnh.

Còn với viêm tai mạn sẽ tái đi tái lại. Khi thấy trẻ quấy khóc và sờ vào tai nhiều lần, cha mẹ nên kéo ngược tai trẻ lên, nếu trẻ khóc nhiều hơn, đó là viêm tai giữa. Hoặc trường hợp nhiều trẻ khi ngủ lắc đầu liên tục, không nằm im, có thể trẻ đã bị viêm tai giữa; hay trẻ dùng tay đập liên tục vào vùng tai, không quấy khóc, cha mẹ cần quan sát kỹ những vấn đề này.

Viêm tai giữa ở trẻ là vấn đề cha mẹ cần chú ý, ngay cả khi trẻ chỉ bị sốt không cũng có thể con đã mắc viêm tai giữa vì đây là bệnh lý thường gặp.

4. Viêm màng não, thủng màng nhĩ, hai biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa

Viêm tai giữa có thể dẫn đến những biến chứng nào, trong đó, những biến chứng nào nguy hiểm và thường gặp nhất, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm tai giữa nếu không điều trị khỏi, biến chứng nguy hiểm nhất là lên màng não. Cụ thể, bắt đầu từ viêm tai xương chũm, tới áp xe não và gây viêm màng não.

Tuy nhiên, vấn đề cần lo lắng và thường gặp hơn là thủng màng nhĩ. Khi đó, bé sẽ bị khiếm khuyết về thính lực, ảnh hưởng lâu dài.

Đó là hai vấn đề cần chú ý khi trẻ bị viêm tai giữa.

5. Điều trị viêm tai giữa bằng kháng sinh

Viêm tai giữa được điều trị như thế nào? Trường hợp nào trẻ được điều trị tại nhà, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, ngay tại các nước tiên tiến vẫn còn nhiều bất cập trong điều trị viêm tai giữa. Do đó, phương pháp điều trị hiện nay là dùng kháng sinh, vì vậy, bệnh lý này được khuyến cáo phòng ngừa là chủ yếu.

Tại các nước tiên tiến, bác sĩ khi nghe đến viêm tai giữa, tỷ lệ quyết định dùng kháng sinh tương đương với các nước đang phát triển. Bởi vì, các loại vi khuẩn sẽ ảnh hưởng đến màng nhĩ.

Đa số trường hợp viêm tai giữa đều được điều trị tại nhà, uống thuốc và tái khám. Một số trường hợp phải chọc màng nhĩ để rút mủ, hoặc đặt ống dẫn lưu mủ, tránh tổn thương đến vùng tai giữa của trẻ, giảm khả năng biến chứng thính lực. Sau đó, cho trẻ tái khám định kỳ, bệnh sẽ khỏi dần.

6. Sử dụng thuốc điều trị viêm tai giữa cần chỉ định của bác sĩ

Khi bị viêm tai giữa, các loại thuốc không kê đơn nào có thể áp dụng điều trị cho trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu nghi ngờ bị viêm tai giữa, nên đi khám để bác sĩ đánh giá, xác định có phải viêm tai giữa hay không. Vì đa số trường hợp viêm tai giữa phải sử dụng kháng sinh.

Có thể dùng những loại thuốc uống tại nhà như thuốc giảm đau, tuy nhiên, phải nhỏ tai bằng kháng sinh. Điều quan trọng, phải có chỉ định của bác sĩ để được phép xài những loại thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa. Còn thông thường, chỉ được sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau.

7. Không được tự ý vệ sinh tai khi bị viêm tai giữa

Nhờ BS hướng dẫn cho phụ huynh cách nhỏ tai, vệ sinh tai trong trường hợp trẻ bị viêm tai giữa như thế nào là an toàn nhất, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu bị viêm tai giữa, nên đi khám, khi đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn nhỏ tai và cách vệ sinh tai. Bởi vì, bệnh nhân không được tự chọc vào hay ngoáy tai để vệ sinh khi bị viêm tai giữa, việc này cần bác sĩ hướng dẫn.

Phụ huynh chỉ có thể tự chăm sóc tai khi con hoặc bản thân không mắc viêm tai giữa. Hay khi ra ngoài bơi lội, gặp trường hợp côn trùng bò vào tai, khi đó có thể tự xử lý. Còn trường hợp viêm tai giữa, không được tự chăm sóc tai nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.

8. Viêm tai giữa phải được bác sĩ chẩn đoán chính xác

Vì sao phụ huynh không được tự ý dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa cho trẻ khi chưa có các chỉ định của BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vấn đề khó nhất đối với viêm tai giữa là việc chẩn đoán đúng. Không nên thấy trẻ đau tai, cha mẹ liền cho sử dụng kháng sinh. Việc điều trị kháng sinh phải theo chỉ định của bác sĩ.

9. Tự ý ngưng kháng sinh điều trị viêm tai giữa có nguy cơ tái bệnh và kháng thuốc

Sử dụng kháng sinh khi có chỉ định điều trị viêm tai giữa, cần tuân thủ những nguyên tắc gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tất cả các chỉ định sử dụng kháng sinh đúng cách phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Riêng bệnh viêm tai giữa, cần đặc biệt tuân thủ, không nên tự ý ngưng thuốc khi thấy tình trạng bệnh giảm, khi đó, bệnh có thể tái lại và nguy cơ kháng thuốc.

Vì vậy, viêm tai giữa nên đi khám để được bác sĩ chỉ định thời gian điều trị. Một số trường hợp phụ huynh không tin tưởng bác sĩ khi khám tại phòng mạch thì nên đi bệnh viện. Không được tự ý ngưng kháng sinh.

10. Trẻ điều trị viêm tai giữa lâu ngày không bớt, phải làm sao?

Nhiều trường hợp bác sĩ chỉ định kháng sinh cho trẻ điều trị viêm tai giữa, những khi thấy tình trạng của con giảm bớt, cha mẹ liền tự ý ngưng thuốc kháng sinh cho con, bởi vì, họ sợ con sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe và lờn thuốc. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu bị viêm tai giữa, thời gian điều trị phụ thuộc vào diễn tiến của tai, vì vậy, cần đi tái khám. Nếu phụ huynh không tin bác sĩ, có thể đổi một bác sĩ khác hoặc đến bệnh viện, không được tự ý ngừng thuốc khi thấy tình trạng thuyên giảm, có thể bệnh chưa khỏi và nguy cơ tái lại cao. Nếu viêm tai giữa tái lại nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến màng nhĩ và giảm thính lực của trẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X