Hotline 24/7
08983-08983

Tiêm vắc xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn để phòng ngừa viêm tai giữa

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ tái phát thường xuyên, kết hợp với các bệnh lý đường hô hấp trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM sẽ cùng chia sẻ với phụ huynh về vấn đề điều trị dứt điểm và năng ngừa viêm tai giữa tái phát ở trẻ.

Không điều trị triệt để khiến viêm tai giữa dễ tái phát

Nguyên nhân gây viêm tai giữa là gì và vì sao viêm tai giữa thường xuyên tái phát, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hệ thống tai có tai trong, tai giữa, tai ngoài. Tai giữa có các xương để truyền âm thanh. Tai giữa rất dễ bị viêm, đặc biệt là ở trẻ em, vì có đường thông từ vùng hầu họng thông lên tai giữa. Do cách sinh hoạt và tùy vào áp suất ở trong và ở ngoài mà có thể đẩy vi khuẩn, virus từ vùng hầu họng lên.

Khi bị viêm tai giữa lại thêm vùng hầu họng không sạch, tình trạng viêm tai giữa ở trẻ có thể tái đi tái lại nhiều lần. Viêm tai giữa cũng khó hết hẳn nếu không điều trị triệt để và đúng cách.

Nguy cơ viêm tai giữa khi trẻ bú bình ở tư thế nằm

Những trẻ nào dễ bị viêm tai giữa? Độ tuổi nào thường xuyên viêm tai giữa? Một trẻ có thể bị viêm tai giữa bao nhiêu lần?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, trẻ có thể bị viêm tai giữa một lần sau đó tái phát. Việc tái phát tùy thuộc vào cách chữa trị, số lần tái phát cũng không đếm chính xác được.

Những em bé bú nằm, bú bình dễ bị viêm tai giữa. Trẻ có cấu trúc VA bị viêm, sưng to mà không giải quyết dứt điểm cũng có thể bị viêm tai giữa.

Viêm tai giữa tái phát có khác biệt so với lần đầu mắc bệnh?

Dấu hiệu viêm tai giữa tái phát có khác biệt gì so với lần đầu bị viêm tai giữa không? Sự khác biệt về nguyên nhân gây bệnh có làm thay đổi các triệu chứng điển hình của viêm tai giữa hay không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm tai giữa cấp là do virus hoặc vi khuẩn gây ra, khi bị tái lại, người ta gọi đó là viêm tai giữa mãn tính. Những đợt cấp do vi khuẩn hay chỉ tiết dịch thì phải khám và theo dõi mới biết rõ được tình trạng viêm tai giữa có cần dùng đến kháng sinh không.

Trẻ bị viêm tai giữa, coi chừng biến chứng suy giảm thính lực

Tình trạng viêm tai giữa thường xuyên tái phát sẽ để lại hậu quả gì cho trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm tai giữa không điều trị tới nơi tới chốn sẽ ảnh hưởng đến màng nhĩ, giảm thính lực của trẻ. Khả năng nghe bị giảm xuống chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chất lượng học tập của trẻ.

Một số trường hợp khác hiếm gặp hơn, viêm tai giữa có thể gây biến chứng làm viêm tai xương chũm, hay thậm chí là viêm não, áp xe não. Đó là những điều mà phụ huynh cần phải lưu ý.

Điều trị viêm tai giữa tái phát sao cho hiệu quả?

Đâu là những giải pháp hiệu quả để điều trị viêm tai giữa tái phát? Điều trị viêm tai giữa tái phát có những khó khăn gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều trị viêm tai giữa tái phát có thể xem xét đặt ống trong tai để thay đổi áp lực và cũng cần xem xét trẻ có VA hay không. Nếu có VA thì phải nạo. Điều trị kháng sinh cho tình trạng viêm tai giữa dứt hẳn, vì nếu điều trị không hết thì sẽ tái đi tái lại.

Ở trẻ bị viêm tai giữa mãn tính, việc điều trị rất khó khăn, phải phối hợp nhiều yếu tố mới có thể giảm thiểu việc tái phát.

Tiêm vắc xin phòng phế cầu để bảo vệ sức khỏe của trẻ

Cha mẹ cần lưu ý điều gì khi chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa tái phát để trẻ nhanh khỏi bệnh? Làm sao để nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ bị viêm tai giữa cần tránh những bệnh lý viêm mũi họng, tránh để nước vào trong tai, hạn chế cho trẻ đi bơi. Cha mẹ cũng cần kiểm tra xem trẻ có VA hay không để tiến hành nạo. Phụ huynh cho trẻ đến tái khám và chăm sóc tai định kỳ, thường xuyên.

Đặc biệt, trẻ phải được tiêm ngừa những vi khuẩn như phế cầu, một tác nhân gây viêm tai giữa.

Tiêm ngừa phế cầu sẽ giảm được nguy cơ viêm tai giữa

Để phòng ngừa viêm tai giữa tái phát, phụ huynh cần làm những gì? Có vắc xin nào bảo vệ trẻ tránh được tình trạng này không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phòng ngừa viêm tai giữa phải thực hiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Trẻ được tiêm ngừa phế cầu sẽ giảm được nguy cơ viêm tai giữa. Khi viêm tai giữa bớt được một lần cũng khó tái phát hơn. Thông thường, trẻ bị viêm tai giữa không được chữa dứt điểm sẽ rất dễ tái phát.

Tuy nhiên, không phải chỉ cần tiêm ngừa là đủ mà còn phải chăm sóc vùng tai - mũi - họng không bị viêm để giảm nguy cơ viêm tai giữa.

Liệu trình tiêm ngừa phế cầu cho trẻ bao nhiêu mũi?

Vắc xin phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ có thể tiêm từ độ tuổi nào? Lộ trình tiêm ra sao? Sau bao lâu cần cho trẻ tiêm nhắc lại?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Viêm tai giữa có nhiều tác nhân nhưng chỉ có tác nhân phế cầu là có thể ngừa được. Ngoài ra, tác nhân H.I không định type cũng có thể có vắc xin.

Thông thường, trẻ từ 1,5 tháng tuổi có thể tiêm vắc xin. Phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm, không chỉ ngừa viêm tai giữa mà tác nhân phế cầu còn có thể gây viêm phổi và nhiều bệnh khác. Nên cho trẻ tiêm đủ 3 mũi trong vòng 6 tháng. Đến khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ tiêm nhắc lại mũi thứ tư. Có thể tiêm mũi thứ tư khi trẻ trên 24 tháng trong trường hợp cha mẹ quên lịch tiêm.

Vắc xin phế cầu là vắc xin dịch vụ

Vắc xin phòng bệnh viêm tai giữa có thể tiêm cùng lúc với vắc xin nào, cần tránh tiêm cùng với vắc xin nào, thưa BS? Đây là vắc xin dịch vụ hay nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin ngừa phế cầu gây viêm tai giữa là vắc xin dịch vụ, chưa có trong chương trình mở rộng. Ở các nước tiên tiến, vắc xin này đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ lâu, nhưng tại Việt Nam, do điều kiện kinh tế nên đây vẫn là vắc xin dịch vụ. Vắc xin ngừa phế cầu có thể tiêm cùng lúc với bất cứ loại vắc xin nào.

Phòng ngừa viêm tai giữa, những giải pháp nào khả thi?

Việc tiêm vắc xin phòng bệnh viêm tai giữa quan trọng như thế nào, đặc biệt là đối với những trẻ thường bị tái phát tình trạng này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ phải phòng ngay từ khi còn nhỏ, chứ không phải chờ viêm tái phát rồi mới tìm cách ngừa. Cần tiêm ngừa phế cầu cho trẻ từ sớm. Viêm tai giữa do phế cầu thường được bác sĩ điều trị bằng kháng sinh. Tiêm vắc xin phế cầu phòng viêm tai giữa có thể giảm việc dùng kháng sinh ở trẻ.

Viêm tai giữa do phế cầu dễ gây lãng tai, dễ biến chứng nên cần thiết phải tiêm vắc xin phòng bệnh viêm tai giữa. Khi đã bị viêm tai giữa tái phát, việc điều trị là rất khó khăn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X