Hotline 24/7
08983-08983

Áp xe não do không điều trị kịp thời viêm tai giữa

Trẻ em thích đi bơi vào mùa hè nhưng nếu nguồn nước hồ bơi ô nhiễm hay sau khi bơi không vệ sinh đúng cách có thể gây viêm tai giữa, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương - Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố sẽ giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về việc phát hiện, điều trị và phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ em.

Viêm tai giữa ở trẻ gia tăng trong thời tiết nắng nóng

Số ca đến khám căn bệnh này tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố có nhiều không, nhất là trong thời điểm mùa hè như hiện nay?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Khi vào mùa nóng, tình trạng viêm hô hấp ở trẻ tăng lên và làm tình trạng viêm tai giữa tăng lên. Mùa hè là thời điểm tình trạng viêm tai giữa ở trẻ xuất hiện nhiêu hơn so với những lúc thời tiết dễ chịu.

Tai chúng ta chia làm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Viêm tai giữa là một tình trạng viêm nhiễm ở vùng tai giữa. Cấu trúc giải phẫu của tai là thông từ mũi, họng nên tai - mũi - họng thường liên đới với nhau. Tình trạng viêm tai giữa có thể xuất phát từ nguyên nhân viêm nhiễm vùng tai hoặc từ vùng mũi, họng lan lên tai, gây đau tai.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa

Nguyên nhân gây viêm tai giữa là gì? Bơi lội trong mùa hè có liên quan đến vấn đề viêm tai giữa không, vì sao?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Viêm tai giữa có nhiều nguyên nhân:

- Viêm mũi, họng làm bít tắc vòi nhĩ, vi khuẩn tấn công ngược lên vùng tai giữa. Nguyên nhân thường gặp là do phế cầu vi khuẩn Haemophilus influenza. Việc tiêm chủng phòng chống viêm tai giữa, tiêm ngừa phế cầu chỉ ngừa được phần nào chứ không đảm bảo hoàn toàn không bị viêm tai giữa.

Phế cầu chiếm đến 40% tỷ lệ viêm tai giữa. Vi khuẩn Haemophilus influenza chiếm 30- 40% nguyên nhân gây viêm tai giữa. Tiêm chủng là tốt và gia đình nên tiêm chủng cho trẻ.

- Bơi lội: Khi trẻ bơi lội, nước tích tụ trong vùng cổ họng, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, gây bệnh viêm tai giữa ở những trẻ mẫn cảm. Khả năng mắc bệnh tùy thuộc vào nguồn nước có ô nhiễm hay không và thời gian trẻ bơi lội. Những trẻ lặn sâu trong khi bơi, áp lực nước đẩy vi khuẩn ngược lên phần vòi nhĩ, là yếu tố tác động gây viêm tai giữa.

Triệu chứng cảnh báo viêm tai giữa ở trẻ

Những triệu chứng cảnh báo viêm tai giữa ở trẻ là gì? Những dấu hiệu này có khác biệt gì so với viêm tai thông thường?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Bệnh viêm tai luôn đi kèm với đau tai. Khi bị viêm thường có triệu chứng sốt, sưng đỏ, nóng, đau. Cảm giác đau tùy thuộc vào tình trạng viêm của trẻ. Trẻ viêm ít thì chỉ bị đau nhẹ, đau thoáng qua. Có nhiều trẻ đến khám vì bị ho, sổ mũi nhưng bác sĩ phát hiện màng nhĩ xung huyết, căng, đã có tình trạng viêm. Khi được hỏi có đau không thì trẻ trả lời không đau.

Triệu chứng điển hình nhất là sốt, chán ăn, ở trẻ nhỏ sẽ có khóc ré khi chạm vào tai vì đau. Trẻ lớn hơn có thể than đau tai. Khi có tình trạng này, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để được thăm khám và điều trị chuẩn bệnh hơn.

​Thủng màng nhĩ vì không điều trị viêm tai giữa đúng cách

Viêm tai giữa có thể tự khỏi không?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Viêm tai giữa có thể tự khỏi tuy nhiên còn tùy vào đợt bệnh. Ví dụ như cảm cũng có thể tự khỏi. Những trẻ viêm ít, sức đề kháng tốt có thể tự khỏi được. Bệnh viêm, nhiễm do vi khuẩn nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tình trạng như viêm tai giữa, mưng mủ, thủng nhĩ,...

Viêm tai giữa mạn tính, viêm tai xương chủm có thể phải phẫu thuật; thủng nhĩ không lành phải vá nhĩ,... Những bệnh về viêm nhiễm do vi khuẩn nên được điều trị đúng cách và kịp thời.

Bệnh viêm tai giữa có lây không?

Viêm tai giữa có lây hay không, thưa BS?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Viêm tai giữa là một bệnh viêm nhiễm nhưng không lây. Tuy nhiên, viêm tai giữa có thể thứ phát sau khi viêm mũi họng. Viêm mũi họng có thể lây khi bệnh nhân ho, hắt hơi, sổ mũi, khạc đàm,... Những trẻ có sức đề kháng thấp có thể bị lây viêm hô hấp nếu tiếp xúc gần. Viêm hô hấp lại là nguy cơ gây viêm tai giữa.

Viêm tai giữa không lây nhưng tình trạng văng nước bọt khi ho, hắt hơi sẽ lây bệnh viêm hô hấp.

Xử trí viêm tai giữa ở trẻ

Phải làm gì để điều trị viêm tai giữa cho trẻ? Phụ huynh cần chăm sóc vùng tai của trẻ như thế nào khi bị viêm?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Khi chẩn đoán bị viêm tai giữa, bệnh nhi sẽ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế và dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Viêm tai giữa có thể có mủ hoặc không mủ.

Viêm tai giữa không mủ thường có triệu chứng sốt, đau nên sẽ dùng thuốc giảm đau, hạ sốt. Tình trạng viêm nhiễm nói chung cần phải uống đủ nước, ăn những thức ăn dễ tiêu, ăn nhiều trái cây, rau củ quả, ngủ đủ giấc.

Ở những trẻ bị viêm tai giữa có mủ, nếu mủ ít có thể nhỏ thuốc vào tai, nằm nghiêng từ 3 - 5 phút để thuốc có tác dụng. Sau đó dùng tăm bông lau nhẹ, tuyệt đối không chọc ngoáy sâu hay tì đè mạn vì sẽ gây viêm ống tai.

Tình trạng mủ nhiều phải đến bác sĩ mỗi ngày để chăm sóc, hút mủ, rửa tai.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa ở trẻ

Khi bị viêm tai giữa, nếu điều trị tốt, khoảng bao lâu trẻ có thể khỏi? Ngược lại, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, những biến chứng nào sẽ xảy ra ở trẻ?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Điều trị viêm tai giữa kéo dài trung bình khi điều trị khoảng từ 7 - 21 ngày, tùy vào đợt viêm. Trường hợp kém đáp ứng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định nhập viện để truyền thuốc, truyền kháng sinh, rửa tai thường xuyên.

Những biến chứng nếu không phát hiện kịp thời là: gây viêm tai xương chũm, gây áp xe liên quan đến não. Với sự ra đời của kháng sinh và y tế được nâng cao, biến chứng về viêm màng não đã ít hơn. Tuy nhiên, tình trạng viêm tai xương chũm vẫn còn khá nhiều.

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ, phụ huynh nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.

Trẻ đi bơi cần lưu ý những gì?

Bơi lội là một trong những yếu tố khởi phát viêm tai giữa ở trẻ. Nhưng bên cạnh đó, bơi lội là một môn thể thao lành mạnh và được yêu thích trong mùa hè nóng nực. Khi cho trẻ đi bơi, phụ huynh cần chuẩn bị những gì và sau khi bơi nên vệ sinh tai như thế nào để phòng viêm tai giữa?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Trẻ em rất thích bơi lội, đặc biệt là trong thời tiết nóng nực mùa hè. Tuy nhiên, thời gian bơi lâu cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nói chung và viêm tai giữa nói riêng. Có thể mặc đồ giữ nhiệt để tránh nhiễm lạnh, dễ bị bệnh.

Về tai, phụ huynh nên trang bị cho trẻ nút nhét tai khi bơi để hạn chế nước vào tai. Không nên để trẻ lặn sâu vì áp lực nước có thể làm vi khuẩn ngược dòng lên tai. Áp lực nước cũng có thể làm đau tai.

Sau khi bơi xong, cần vệ sinh mũi, vệ sinh tai, súc họng. Có thể dùng xịt mũi hoặc rửa mũi để làm sạch những vi khuẩn, chất dơ trong nước hồ bơi. Dùng tăm bông lau nhẹ tai, không tì mạnh lên vành tai.

Phụ huynh phải lựa chọn hồ bơi sạch khi cho trẻ đi bơi.

Xử lý nước vào tai đúng cách

Nước vào tai có thể gây ù tai, khó chịu. Nếu không xử lý lượng nước trong tai này có thể gây viêm tai giữa hay các bệnh lý khác về tai không? Xử trí ù tai khi bị nước vào tai như thế nào?

BS.CK1 Tống Hồ Từ Phương trả lời: Nước vào tai không gây viêm tai giữa mà chỉ có thể gây viêm tai ngoài hoặc viêm màng nhĩ. Nước không qua được màng nhĩ để gây viêm tai giữa.

Đa phần khi nước vào trong tai sẽ gây cảm giác khó chịu, nặng tai, nhiều người sẽ có hành động vỗ vào tai để làm nước rơi ra.

Ngoài ra, có thể kéo tai thẳng trục để giúp nước chảy ra hoặc dùng tăm bông lau nhẹ để làm khô tai.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X