Hotline 24/7
08983-08983

Không phải thay khớp gối nhờ ghép sụn tự thân

Hàng chục bệnh nhân (BN) đã tránh được nguy cơ đối diện với ca phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo nhờ kỹ thuật ghép sụn sương tự thân.

Khong phai thay khop goi nho ghep sun tu than
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Hàng chục bệnh nhân (BN) đã tránh được nguy cơ đối diện với ca phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo nhờ kỹ thuật ghép sụn sương tự thân điều trị khuyết sụn khớp gối qua phẫu thuật nội soi. Đây sẽ là vị cứu tinh cho rất nhiều người bởi tỷ lệ nam nữ trung niên, thanh niên mắc phải chứng thoái hóa khớp gối ngày càng gia tăng.

Chưa đến 50 tuổi, anh Trần Văn Tuấn đã bị thoái hóa khớp gối độ IV, khuyết sụn ở lồi cầu trong vùng chịu lực. Anh thường xuyên bị đau và đi lại khó khăn. Dù được chỉ định phải thay khớp gối nhân tạo nhưng anh ngần ngại vì tuổi thọ của khớp gối nhân tạo chỉ được khoảng 10-15 năm. Như vậy, đến 60-65 tuổi, nếu vẫn muốn duy trì sinh hoạt và vận động như bình thường, anh sẽ lại phải tiếp tục thay khớp gối nhân tạo lần hai.

Thật may mắn, khi đến khám tại BV ĐH Y Dược TPHCM, anh được đề nghị trở thành đối tượng của đề tài nghiên cứu “Ghép sụn xương tự thân điều trị khuyết sụn khớp gối qua phẫu thuật nội soi”. Chi phí phẫu thuật chỉ 15 triệu đồng, bằng 1/5 chi phí thay khớp gối nhân tạo. Quan trọng hơn cả là không phải thay khớp gối. Ca phẫu thuật thành công. Chỉ sau sáu tuần, anh Tuấn đã có thể đi lại, không còn đau, sinh hoạt bình thường.

Đây là một trường hợp điển hình trong hơn 50 ca thuộc đề tài trên mà nhóm các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐH Y Dược TPHCM thực hiện. BS Trưởng khoa - Bùi Hồng Thiên Khanh, phấn khởi cho biết: phương pháp này thực sự có ý nghĩa bởi giúp điều trị sớm căn bệnh thoái hóa khớp cho BN trẻ tuổi và trung niên; giúp người bệnh không phải đối diện với ca phẫu thuật thay khớp nhân tạo; trở về với sinh hoạt bình thường; kéo dài tuổi thọ của khớp gối.

Tuổi thọ dân số ngày càng tăng, vì vậy nếu còn trẻ (dưới 55-60 tuổi) mà phải thay khớp gối nhân tạo thì hầu hết sẽ phải thay lần hai (nếu còn sống và có điều kiện). Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại, biến chứng ở lần thay thứ hai lại rất cao.

Cụ thể như: sau khi thay, khớp xương bị lỏng, bị đau nhiều hơn trước; thậm chí có thể không thay được. Phẫu thuật thay khớp giả là loại phẫu thuật lớn, xâm lấn nhiều và kéo dài nhiều giờ. Chức năng của khớp giả cũng không thể bằng khớp thật, hầu như không thể chạy bộ trở lại.

Vì vậy, theo BS Mai Thanh Việt, khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐH Y Dược TPHCM: khi có những biểu hiện như đau khe khớp gối, đi đứng đau, hạn chế trong sinh hoạt, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Việc ghép sụn tự thân được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi, giảm thiểu tối đa tổn thương cho người bệnh. Thời gian mổ từ 30-60 phút, người bệnh được gây tê tủy sống chứ không cần gây mê. Sau khi đánh giá đầy đủ thương tổn, bác sĩ sẽ tiến hành “dọn dẹp” vùng thoái hóa (lấy các dị vật, mài các chồi xương, cắt lọc gọn các tổn thương sụn). Một bộ dụng cụ riêng biệt sẽ được dùng để lấy và ghép sụn cho BN.

Vùng sụn xương được lấy để ghép nằm ở vùng rìa ngoài của lồi cầu ngoài. Bác sĩ sẽ mở một đường 1,5cm bên ngoài xương bánh chè vào khớp để đặt dụng cụ lấy sụn xương. Khối sụn xương đã lấy (có độ sâu khoảng 15mm) được bám chặt trùm lên vùng tổn thương (thông qua một dụng cụ khác).

Vì có bản chất tương ứng nên khối sụn xương được ghép vào vẫn tiếp tục có các mạch máu đến nuôi dưỡng, xương liền xương. Nhờ vậy, sau khi phục hồi, người bệnh sở hữu một khớp gối mới hoàn toàn… “thiên nhiên”.

Để đảm bảo việc ghép sụn đạt tỷ lệ thành công cao, sau khi phẫu thuật, người bệnh không chống chân đau trong sáu tuần đầu; vận động khớp sớm phòng ngừa cứng khớp gối; chống chân tăng dần sau sáu tuần; không tăng cân, thậm chí cần giảm cân…

Kỹ thuật này đang được đề nghị đưa vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả để giảm chi phí cho người bệnh.

Trước đây cũng có nhiều kỹ thuật giúp phục hồi mặt sụn khớp hư song hiệu quả rất kém. Chẳng hạn như: phẫu thuật khoan qua lớp xương sụn, chà mặt xương dưới sụn, xốp hóa phần xương dưới sụn… Tuy nhiên, tất cả các phương pháp này chỉ là cách tạo ra một lớp sụn thay thế với tính chất không giống như bản thân lớp sụn khớp nên không mang lại kết quả lâu dài.

BV ĐH Y Dược TPHCM là đơn vị đầu tiên triển khai kỹ thuật sụn xương tự thân điều trị khuyết sụn khớp gối qua phẫu thuật nội soi. Kỹ thuật này cũng đã được chuyển giao cho một số BV khác như: BV Chợ Rẫy, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Trưng Vương. Tỷ lệ ca phẫu thuật thành công lên đến 90%.

Theo An Hà - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X