Không ho cũng có thể mắc bệnh lao
Bệnh lao phổi có thể dễ dàng nhận ra thông qua các dấu hiệu lâm sàng thường gặp như ho kéo dài, khó thở, sốt, đau tức ngực,… Tuy nhiên, ThS.BS Trần Thị Thúy Tường - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh chia sẻ, không phải người bị lao phổi nào cũng xuất hiện đầy đủ những dấu hiệu này, thậm chí không có bất cứ triệu chứng lao phổi nào.
1. Việt Nam vẫn là vùng dịch tễ của lao
Xin hỏi BS, thực trạng bệnh lao phổi ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Độ tuổi nào thường mắc bệnh lao? Bệnh lây lan như thế nào?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Hiện nay, Việt Nam vẫn là vùng dịch tễ của lao. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Những người có nguy cơ suy giảm miễn dịch, chẳng hạn bệnh nhân tiểu đường, người có bệnh nền, người bệnh đang điều trị corticoid kéo dài vì bệnh lý... sẽ có khả năng bị lao cao hơn.
Sau đại dịch COVID-19, các phòng khám hô hấp ghi nhận nhiều bệnh nhân trẻ, không có yếu tố nguy cơ nhưng vẫn mắc lao.
Lao được chia thành rất nhiều nhóm, ví dụ lao tại phổi và lao ngoài phổi. Bệnh lý lao tại phổi lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, dịch tiết... Việc lây lan lao ngoài phổi phụ thuộc nhiều vào hệ miễn dịch.
Lao hạch, lao ruột, lao hồi manh tràng, lao vùng hậu môn, lao thận... là các lao ngoài hô hấp phổ biến trong thời gian gần đây.
2. Bệnh nhân nên tham gia BHYT để thuận tiện trong điều trị bệnh lao
Việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân lao phổi hiện nay đã thay đổi như thế nào so vơi nhiều năm trước, thưa BS?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Nước ta vẫn còn chương trình chống lao quốc gia. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao sẽ nhận thuốc tại các trạm chống lao ở địa phương.
Người bệnh có BHYT sẽ được bảo hiểm chi trả như các bệnh hô hấp khác. Nhà nước đã xếp bệnh lao vào các bệnh được chi trả bằng BHYT, do vậy bệnh nhân nên tham gia BHYT để thuận tiện trong điều trị.
3. Ho kéo dài trên 2 tuần, cần tầm soát lao phổi
Nếu bệnh lao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh phải đối diện với những biến chứng nguy hiểm nào, thưa BS?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Lao là một vi khuẩn đặc biệt. Vi khuẩn tấn công vào đường hô hấp, phát triển khá chậm nên nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện tổn thương phổi nghi lao khi tình cờ khám sức khỏe. Có trường hợp bệnh nhân không hề bị ho.
Đối với những trường hợp lao sớm, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm sâu như nội soi phế quản, lấy đàm trực tiếp từ vị trí tổn thương mới có thể tìm ra vi trùng lao.
Để chẩn đoán xác định lao giai đoạn muộn, khi bệnh nhân đã bị ho đàm, cần phải xét nghiệm đàm.
Khuyến cáo tại Việt Nam, nếu bệnh nhân có triệu chứng ho kéo dài trên 2 tuần, nên đi khám để tầm soát lao.
Bệnh nhân tiểu đường có bệnh lý thần kinh do đái tháo đường, phản xạ ho không tốt nên chỉ có triệu chứng mệt mỏi mơ hồ. Tuy nhiên, kết quả chụp phim phổi cho thấy bệnh nhân bị tổn thương phổi rất nhiều.
Lao điều trị trễ sẽ gây sẹo khó phai mờ. Ở giai đoạn quá muộn, tổn thương lan tỏa và nhiễm trùng nặng, ngoài lao ra, bệnh nhân có thể có thêm các vi khuẩn khác rất nguy hiểm. Đã có những trường hợp tử vong do lao.
4. Triệu chứng ho ở bệnh lao thường không có nhiều khác biệt so với các nguyên nhân khác
Triệu chứng ho cũng thường xuất hiện trong các bệnh lý hô hấp khác. Xin hỏi BS, ho do lao phổi và ho do các bệnh lý hô hấp khác có thể phân biệt như thế nào?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Rất khó để phân biệt ho do lao và ho do những nguyên nhân khác. Các triệu chứng của lao phổi cũng khá mơ hồ. Có người bị ớn lạnh nhẹ về chiều kèm ho, một số khác bị sốt nhưng cũng có người không sốt. Có trường hợp bị đổ mồ hôi đêm, đau ngực mơ hồ, khó thở, ho đàm, ho khan...
Hội chứng chảy nước mũi sau, hội chứng mũi xoang có thể kích thích gây ho mãn. Bệnh nhân có thể kèm theo sổ mũi, ngạt mũi. Trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân gây ho phổ biến, thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị ợ hơi, ợ chua. Bên cạnh đó, nếu gối đầu thấp khi nằm, dịch axit dễ trào lên, kích ứng gây ho.
Ở những người lớn tuổi có điều trị tăng huyết áp, một số loại thuốc ức chế men chuyển sẽ gây ho. Bệnh nhân thường mô tả rằng họ bị ngứa cổ, ho khan, ho từng cơn dữ dội...
Triệu chứng ho ở bệnh lao thường không có nhiều khác biệt so với các nguyên nhân khác. Bệnh nhân lao có thể kèm theo đổ mồ hôi, sụt cân, chán ăn... Tuy nhiên, đây là các dấu hiệu muộn màng của bệnh lý lao.
5. Các phương pháp chẩn đoán bệnh lao
Khi bệnh nhân có những triệu chứng của bệnh lao đến khám, bác sĩ sẽ chỉ định thêm những cận lâm sàng nào để chẩn đoán chính xác bệnh?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Đầu tiên, bệnh nhân cần được chụp phim X-quang phổi. Nếu kết quả hoàn toàn bình thường nhưng bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ, có thể chỉ định chụp CT phổi liều thấp.
Những tổn thương phổi nằm sau bóng tim, nằm ở vị trí cung sườn hoặc nằm ở trung tâm phổi sẽ không nhìn thấy được trên hình ảnh chụp X-quang. Chụp CT là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán sớm bệnh lao.
Nếu kết quả chụp CT cho thấy có những tổn thương nghi ngờ bệnh lao, bệnh nhân được xét nghiệm đàm. Trường hợp bệnh nhân ho khan, không khạc được đàm sẽ dùng những xét nghiệm cao cấp hơn như nội soi phế quản để lấy đàm trực tiếp ở vị trí tổn thương.
Những trường hợp lao màng phổi, có dịch trong phổi sẽ được rút dịch trong phổi để xét nghiệm.
6. Lao vi trùng âm là gì?
Kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh lao, bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm chưa, thưa BS?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Nhiều người chưa biết đến chẩn đoán lao phổi vi trùng âm nên thắc mắc tại sao cần điều trị trong khi không tìm thấy vi trùng.
Để có kết quả xét nghiệm đàm dương tính, bệnh nhân cần phải khạc đàm chuẩn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đến phòng khám vào thời điểm không có đàm, không khạc được đàm, dẫn đến đàm không đủ nồng độ vi trùng để người đọc xét nghiệm chẩn đoán được vi trùng lao.
Bên cạnh đó, nếu tổn thương phổi nghi ngờ có hang hốc, nghĩa là có tổn thương kinh điển của lao nhưng kết quả xét nghiệm đàm không đạt, một số cơ sở cần lấy ý kiến từ 2 bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Nếu vẫn nghi ngờ khả năng bị lao cao, bệnh nhân có thể được điều trị lao, trong trường hợp bệnh nhân không có điều kiện nội soi phế quản, làm các xét nghiệm chuyên sâu.
Khi nội soi phế quản, cần soi đúng vị trí thùy phổi có lao, nếu không, kết quả xét nghiệm có thể âm tính.
Nhiều trường hợp nghi ngờ lao nhưng kết quả lao âm, triệu chứng lâm sàng điều trị không đáp ứng (bệnh nhân vẫn tiếp tục ho khi điều trị phổi thông thường, tiếp tục sốt, sụt cân, ớn lạnh về chiều), bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn và quyết định điều trị lao vi trùng âm.
7. Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có thể thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu về lao
Trong quá trình BS công tác tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, những bệnh nhân phát hiện mắc bệnh lao đã phục hồi như thế nào?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có nhiều chuyên khoa sâu, có nhiều bác sĩ chuyên ngành hô hấp, điều trị lao và bệnh phổi không lao. Phòng khám tiếp nhận nhiều bệnh nhân điều trị lao.
Trừ trường hợp kháng thuốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị, những trường hợp khác đều được điều trị theo phác đồ và hồi phục tốt.
Phác đồ chung điều trị bệnh lao tại Việt Nam hiện nay kéo dài 6 tháng. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng tổn thương của bệnh nhân, tùy vào các xét nghiệm đã thực hiện, ngoài lao phổi, còn có non-TB.
Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có thể thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu về lao như lao kháng thuốc. Nếu không đáp ứng điều trị, bệnh nhân sẽ được cấy tìm vi trùng kháng thuốc.
Rất nhiều bệnh nhân điều trị tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh đã hồi phục.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình