Khó thở, đau ngực: Đề phòng thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là tình trạng cục máu đông làm tắc mạch máu ở trong phổi và thường gây ra bởi cục máu đông được hình thành từ 1 tĩnh mạch (thường là ở cẳng chân hoặc vùng chậu, hoặc ít phổ biến hơn là ở cánh tay) và di chuyển theo dòng máu tới phổi.
BS Lê Đức Duẩn - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dẫn chứng, ở Mỹ, thuyên tắc phổi ảnh hưởng khoảng 370.000 người mỗi năm và gây tử vong từ 60.000-100.000 người mỗi năm. Một số bệnh nhân hình thành hội chứng sau thuyên tắc phổi bao gồm khó thở và giảm chất lượng cuộc sống vài tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc chống đông.
“Khoảng 1-4 % bệnh nhân thuyên tắc phổi cấp phát triển tăng áp lực động mạch phổi mạn tính. Tình trạng này có tỷ lệ tử vong từ 25-30% sau 3 năm nếu không được điều trị, nhưng cũng có thể điều trị khỏi hoặc cải thiện khi phẫu thuật” - BS Duẩn cho biết.
1. Ai có nguy cơ mắc thuyên tắc phổi?
Theo BS Duẩn, các yếu tố nguy cơ của thuyên tắc phổi bao gồm tiền sử bản thân hoặc gia đình có bệnh lý hình thành cục máu đông, đang mắc ung thư, sử dụng các thuốc tránh thai có chứa estrogen, phụ nữ mang thai, hoặc sau sinh đẻ (có thể tới 3 tháng sau sinh). Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi bao gồm: phẫu thuật gần đâu, chấn thương, gẫy xương hoặc bất động (ví dụ như di chuyển bằng máy bay hoặc xe hơi dài thời gian).
Bệnh nhân có thuyên tắc phổi nhỏ thường không có triệu chứng. Với các thuyên tắc phổi lớn thường gây ra khó thở, đau ngực. Thuyên tắc phổi rất lớn có thể ngăn cản khả năng vận chuyển máu từ tim đến phổi và gây ra huyết áp thấp (gọi là sốc), ngất hoặc tử vong.
2. Cần làm gì để chẩn đoán thuyên tắc phổi?
Bước đầu tiên để chẩn đoán thuyên tắc phổi là xác định khả năng có thuyên tắc phổi hay không sử dụng các thang điểm chuẩn hóa hoặc các ý kiến của các bác sĩ lâm sàng. Bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc phổi thấp hoặc trung bình được thực hiện xét nghiệm D-Dimer, đây là sản phẩm chuyển hóa của cục máu đông. Nếu D-Dimer thấp, không cần làm thêm xét nghiệm khác.
BS Duẩn cho rằng, xét nghiệm hình ảnh được thực hiện ở tất cả các bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc phổi cao và những người có nguy cơ thấp hoặc trung bình mà có D-Dimer tăng cao. Xét nghiệm hình ảnh được ưa chuộng là chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi có sử dụng chất cản quang đường tĩnh mạch để xác định cục máu động ở động mạch phổi.
3. Điều trị thuyên tắc phổi như thế nào?
Điều trị thuyên tắc phổi cần sử dụng các thuốc chống đông máu. Cần sử dụng các thuốc này ngay khi có chẩn đoán thuyên tắc phổi và thường dùng kéo dài 3-6 tháng. Bệnh nhân mà có kèm theo các yếu tố nguy cơ thuyên tắc phổi dai dẳng (chẳng hạn như có các rối loạn đông máu di truyền) có thể điều trị kéo dài, thậm chí là suốt đời.
Theo BS Duẩn, các thuốc ưa thích cho phần lớn bệnh nhân thuyên tắc phổi là các thuốc chống đông đường uống (DOAC) như: apixaban, edoxaban, dabigatran. Các thuốc đối kháng vitamin K (như warfarin) được dùng cho các bệnh nhân có các bệnh lý làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông (như hội chứng kháng phospholipid). Các bệnh nhân là phụ nữ mang thai nên được điều trị bằng heparin trọng lượng phân tử thấp vì các thuốc này không ảnh hưởng đến thai nhi.
“Các bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong do thuyên tắc phổi (các bệnh nhân có sốc) và không có nguy cơ cao chảy máu thì được điều trị bằng các thuốc ly giải cục huyết khối (thuốc tiêu sợi huyết). Các lựa chọn điều trị khác bao gồm: lấy cục máu đông qua ống thông hoặc phẫu thuật” - BS Duẩn cho biết.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình