Hotline 24/7
08983-08983

Khám tiền hôn nhân, khám tiền sản, khám tiền thai là kiểm tra những gì?

Nhiều người đã biết khám tiền sản giúp phát hiện sớm dị tật thai nhi, nhưng để có thai kỳ an toàn, em bé khỏe mạnh còn cần phải khám tiền hôn nhân và khám tiền thai.

TS.BS Lê Văn Hiền AloBacsi khám tiền sảnTS.BS Lê Văn Hiền, Tổng Thư ký Hội Sản Phụ Khoa TPHCM (HOGA), Giám đốc Phòng khám Sản phụ khoa Hiền Đức

I. Phân biệt khám tiền hôn nhân, khám tiền thai, khám tiền sản

Khám tiền hôn nhân: trước khi kết hôn, bác sĩ khám cho cả hai vợ chồng để xem có mắc bệnh lây qua đường tình dục, bệnh viêm nhiễm, bệnh di truyền… hay không và tư vấn về di truyền.

Khám tiền thai: là khám trước khi có thai nhằm kiểm tra sức khỏe, kiểm tra vấn đề di truyền để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh. Khám tiền thai cũng khám cho cả hai vợ chồng, bởi vì phải khám cả người nam thì bác sĩ mới đánh giá được di truyền có vấn đề gì hay không.

Khám tiền sản: là khám khi đã có thai rồi để tầm soát bất thường của thai nhi và kiểm tra sức khỏe của mẹ trong quá trình mang thai.

Đây là 3 thuật ngữ chúng ta cần phân biệt.

Với những cặp đôi mà chồng là người nước ngoài hay Việt kiều thì việc khám tiền hôn nhân là chắc chắn. Tuy nhiên, ở nước ta việc khám tiền hôn nhân chưa được các cặp đôi chú trọng. Rất nhiều chị em bỏ qua bước khám tiền hôn nhân và khám tiền thai, đến khi có thai rồi mới đi khám tiền sản.

II. Khám tiền sản mục đích để làm gì?

Khám tiền sản là khám sàng lọc trước sinh các vấn đề sức khỏe của cả người mẹ và em bé: tiên lượng vấn đề xảy ra với người mẹ trong tháng cuối của thai kỳ hay quá trình chuyển dạ, tiên lượng những dị tật của thai nhi, không phải mục đích để bỏ thai mà xem mức độ dị tật tới đâu, có thể sửa chữa được hay không, có thể can thiệp vào thời điểm nào?...

Ví dụ: Thai nhi có thoát vị hoành (đây là dị tật dễ chữa), nhưng nếu không phát hiện trước thì khi bé vừa sinh ra, cất tiếng khóc chào đời thì ruột gan theo lỗ thoát vị “chạy” lên lồng ngực, chèn ép tim phổi, có thể khiến em bé ngưng tim ngưng thở, không cứu kịp. Nhưng nếu thai phụ đi khám tiền sản và phát hiện em bé có thoát vị hoành thì khi đỡ sinh, bé vừa ra sẽ được bác sĩ đặt nội khí quản, sau đó phẫu thuật và em bé có thể sống khỏe mạnh bình thường.

Khi chúng tôi đề nghị khám tiền sản, siêu âm, xét nghiệm tầm soát dị tật cho em bé, một số chị em đã từ chối, nói rằng “dù con em bình thường hay bất thường em vẫn giữ thai này, cho nên em không muốn khám tiền sản…” thì đây là cách hiểu chưa đúng về khám tiền sản.

III. Khám tiền sản có cần chồng đi cùng hay không?

Nếu hai vợ chồng không khám tiền hôn nhân thì khi khám tiền sản, trong 3 tháng đầu bác sĩ cho thai phụ làm các xét nghiệm cơ bản, thông qua đó có cái nhìn sơ khởi để xem có cần mời người chồng đến hay không.

Nếu có bất thường, ví dụ người vợ có nhóm máu Rh- (O-, A-, B-, AB-) người chồng sẽ phải tham gia khám tiền sản để xét nghiệm nhóm máu. Nếu người chồng có nhóm máu Rh+ thì khả năng em bé có nhóm máu Rh+ rất cao. Phụ nữ có nhóm máu Rh- khi mang thai phải theo dõi hết sức nghiêm ngặt để phòng ngừa sảy thai, phòng ngừa tán huyết khi phải truyền máu, dự phòng băng huyết khi sinh (bác sĩ chuẩn bị máu sẵn sàng khi cần).

Trong khám tiền sản 3 tháng đầu cũng có xét nghiệm công thức máu, bác sĩ sản khoa sẽ xem kỹ dung tích hồng cầu, hồng cầu có nhược sắc hay không… bởi vì 20% người Đông Nam Á có nguy cơ bị bệnh thiếu máu di truyền thalassemia, nếu người vợ có dấu hiệu này thì cũng cần phải mời người chồng đến xét nghiệm xem có bị tình trạng giống như vợ hay không? Nếu cả hai vợ chồng có thalassemia cùng thể (α thalassemia, β thalassemia) thì cần chọc ối để xem thai nhi có bị thalassemia đồng hợp tử hay không.

Hoặc trong quá trình khám thai có nghi ngờ về bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi thì cũng phải mời người chồng đến để kiểm tra về nhiễm sắc thể.

IV. Khám tiền thai là kiểm tra những gì?

Khám tiền thai cũng cần cả hai vợ chồng cùng đi để sàng lọc xem có bị bệnh gì không để ưu tiên điều trị bệnh đó trước khi mang thai.

Các xét nghiệm máu sẽ cho biết là cặp đôi có hay không có các bệnh di truyền, bất đồng nhóm máu, bệnh lây nhiễm (viêm gan, giang mai, HIV, rubella…) để lên kế hoạch chích ngừa trước khi mang thai.

Qua việc đo chiều cao, cân nặng, bác sĩ cũng xem người phụ nữ có bị thừa cân, béo phì hay không bởi đây là một trong những yếu tố ức chế rụng trứng khiến cho khó mang thai, bác sĩ sẽ khuyên những bạn này giảm cân.

Và trước khi mang thai phụ nữ cũng cần uống những viên thuốc bổ sung vitamin, khoáng chất, đặc biệt là phải bổ sung axit folic 400µg/ngày để phòng ngừa dị tật ống thần kinh và phòng ngừa sảy thai, thai chết lưu.

Có chị em quan niệm rằng khi nào có thai thì mới uống bổ sung axit folic, điều này là không đúng vì khi biết có thai thì mọi thứ đã bắt đầu hình thành rồi, lúc này việc uống bổ sung axit folic không còn ý nghĩa dự phòng. Những viên uống bổ sung này còn chứa vitamin, canxi, sắt, DHA… do đó chị em nên uống dự phòng trước khi mang thai 1-3 tháng.

Bài tiếp theo: Khám tiền thai, khám tiền sản với phụ nữ có sẵn bệnh lý

Hồng Nhung (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X