Thành viên Hội Nội tiết và Đái tháo đường TPHCM - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh
Yếu tố để kiểm soát tốt đường huyết giữa dịch COVID-19?
Câu hỏi
Kiểm soát đường huyết kém có tác động như thế nào đến nguy cơ bị COVID-19 ở bệnh nhân đái tháo đường type 2? Những yếu tố nào có thể dẫn đến kiểm soát đường huyết kém ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 trong giai đoạn đại dịch COVID-19 này, thưa bác sĩ?
Trả lời
Ăn uống hợp lý theo hướng dẫn bác sĩ để kiểm soát tốt đường huyết
Chào bạn,
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, không chỉ COVID-19 mà tất cả các bệnh lý khác, việc kiểm soát đường huyết là cực kỳ quan trọng. Nếu kiểm soát đường huyết tốt, cơ thể bệnh nhân, các hoạt động cũng như biến chứng gần như tương đương người bình thường. Đối với người kiểm soát đường huyết kém, khi mắc bất kỳ bệnh gì, thời gian điều trị sẽ lâu hơn và dùng thuốc mạnh hơn.
Ví dụ, một người bình thường mắc bệnh lý A thì chỉ cần 1 tuần dùng kháng sinh; nhưng đối với người đái tháo đường, ngoài việc kiểm soát đường huyết, việc dùng kháng sinh phải 2 tuần; đối với những người đái tháo đường có nhiễm trùng chân, không có khái niệm dùng kháng sinh 1 tuần mà phải kéo dài đến 1 tháng, thậm chí có thể hơn.
Đối với COVID-19 hay những bệnh lý khác, một khi đái tháo đường kiểm soát không tốt, nếu không may mắc COVID-19, cơ thể bệnh nhân suy sụp nhanh và tiên lượng xấu.
Có một nghiên cứu trên 5.500 bệnh nhân tại Pháp thấy rằng, đối với người có HbA1c (chỉ số đường gắn hồng cầu, hiểu nôm na là mức độ kiểm soát đường huyết), nếu mức độ càng cao thì kiểm soát càng kém. Với những người có HbA1c trên 7.5% có tỷ lệ tử vong gấp 7 lần so với người dưới 7.5%, có nghĩa là kiểm soát đường huyết càng kém thì tỷ lệ tử vong càng cao.
Một nghiên cứu khác ở Hồng Kông cho thấy những người có HbA1c trên 10% có tỷ lệ tử vong cao gấp 7 lần so với nhóm kiểm soát đường huyết tốt.
Do đó, chúng ta rút ra kết luận rằng, đối với người kiểm soát đường huyết kém, khi mắc COVID-19, nguy cơ tử vong rất cao.
Có 3 yếu tố dẫn để kiểm soát đường huyết tốt: phải dùng thuốc đúng, phù hợp; có chế độ dinh dưỡng lành mạnh; chế độ luyện tập tốt.
Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đang “hoành hành” như hiện nay, vấn đề vận động thể lực dường như bị bỏ quên bởi Bộ Y tế khuyến cáo mọi người (nhất là những người dân ở vùng dịch) hạn chế ra ngoài.
Thứ hai, mọi người ở nhà nhiều sẽ ăn vặt nhiều hơn, gây khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết.
Thứ ba, nhiều người mắc đái tháo đường bị stress kéo dài, không chỉ trong thời gian COVID-19 mà ngay cả khi bình thường, do đó sẽ dẫn đến tăng đường huyết.
Thứ tư, nhiều bệnh nhân lo ngại đến bệnh viện nên muốn dùng toa thuốc cũ. Do đó, bác sĩ phải hiểu rõ về bệnh nhân của mình và hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi đường huyết ở nhà, tự chăm sóc bản thân, tự biết các triệu chứng để theo dõi, do đó có thể trì hoãn khám 1-2 tuần. Nhưng đối với một số bệnh nhân cần phải đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thích hợp.
Như vậy, những yếu tố như vận động thể lực, giảm stress, ăn uống hợp lý theo hướng dẫn bác sĩ, dùng thuốc đều đặn, đúng chỉ dẫn, tái khám định kỳ sẽ giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết tốt và giảm nguy cơ nếu mắc COVID-19.
Thân mến.
(Trích từ Livestream Lá chắn bảo vệ người bệnh thận mạn, tiểu đường trong mùa dịch COVID-19)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình