Hotline 24/7
08983-08983

Viêm cân gan chân có thể điều trị hết hẳn được không bác sĩ?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Cách đây 2 tháng, em bị đau phần giữa lòng bàn chân (không đau phần ngón và gót chân), khi đi có lúc có cảm giác như kim chích, thốn thốn 1 lúc rồi hết, có khi đi lại bình thường không đau. Em có đi khám và chụp Xquang thì kết quả bình thường, không bị gai gót chân, bác sĩ nói là viêm cân gan chân. Em có uống thuốc 2 đợt : đợt 1 Prednisolon 5 mg, Paracetamol 500 mg trong 14 ngày. Đợt 2: Celebrex 200 mg, Paracetamol 500 mg trong 14 ngày. Sau khi uống thuốc 1 tháng vẫn chưa hết hẳn tình trạng, có khi đi bị đau, nhất là mỗi khi ngồi 1 thời gian lâu và mỗi buổi sáng thức dậy. Cho em hỏi 1 số câu: 1. Bệnh này có điều trị hết hẳn được không và phải uống thuốc trong bao lâu? Tiền sử em có bị loét bao tử em sợ uống thuốc nhiều sẽ ảnh hưởng. 2. Em có chạy bộ vào buổi sáng.Vậy hiện tại em có chạy tiếp được không hay nên đợi hết đau rồi mới chạy lại? 3. Bác sĩ có khuyên em nên mua các loại giày y khoa mang, em có tìm hiểu và thấy sản phẩm giày Spenco hỗ trợ bệnh viêm cân gan chân có đúng không? Em xin cám ơn.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Viêm cân gan chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Viêm cân gan chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Viêm cân gan chân khá phổ biến ở tuổi trung niên nhưng cũng có thể gặp ở người trẻ hơn. Bệnh thường gặp ở những người phải đi bộ nhiều, đứng lâu hoặc có thói quen ngồi chồm hổm, đi chân đất, đi dép đế quá cứng, mang giày và miếng lót giày không thích hợp, người béo phì hay quá cân, tập thể dục quá mức, các vận động viên… Một số trường hợp là do dị tật vòm gan chân quá cao, co rút cơ cẳng chân…

Giai đoạn đầu của bệnh có thể điều trị dứt điểm nếu tổn thương chưa nghiêm trọng, quan trọng là bạn cần có thời gian để nghỉ ngơi cho đến khi tổn thương lành hẳn, hết đua và có chế độ tập luyện phù hợp với sức khoẻ của bạn thân trong thời gian sau đó.

Các phương pháp điều trị viêm cân gan chân cơ bản bao gồm: thay đổi thói quen đi đứng, luôn đi giày khi xuống giường ngay cả khi chỉ đi vào nhà vệ sinh, chườm đá tại chỗ, dùng thuốc giảm đau chống viêm dạng uống hoặc tiêm cortisone tại chỗ, mang nẹp chỉnh hình và tập vật lý trị liệu.

Các phương tiện chỉnh hình hay các miếng lót giày được sử dụng để khi đi không đè ép lên các gai ở mặt dưới xương gót. Tương tự, tập chạy với mang giày có đệm mềm ở đế cũng có ích, làm giảm kích thích các mô viêm ở cân gan chân. Ngoài ra, còn có bài tập kéo duỗi cân gan chân không chịu sức nặng để giúp tăng sức khoẻ cho gân cơ vùng này.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Viêm cân gan chân hay còn được gọi là viêm cân gan bàn chân. Đây là tình trạng cơ gân bàn chân bị viêm (sưng) dẫn đến đau gót chân. Cơ gan bàn chân là một dải mô bền giống như dây cao su nằm bên dưới xương chân. Nó được gắn ở phần cuối xương gót chân và ở gần ngón chân. Khi bị viêm cân bàn chân, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói ở gần gót chân, nhất là khi bắt đầu đi lại vào sáng sớm.

Các triệu chứng viêm cân gan chân bao gồm các cơn đau buốt hoặc đau âm ỉ ở gót chân và thường đau hơn khi bạn đi ngay sau khi ngủ dậy. Cơn đau thường đỡ hơn khi bạn đi lại càng nhiều. Trong các trường hợp bệnh nặng hơn, bạn luôn bị đau khi đi lại. Đôi khi, cơn đau trải dài từ gót đến ngón chân và gót chân trở nên sưng hoặc bầm tím.

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm cân gan chân:

- Để chân nghỉ nhiều hơn, giảm cân và mang giày phù hợp;
- Ngưng tập thể dục trong một thời gian cho đến khi bệnh lành hẳn;
- Gọi bác sĩ nếu các triệu chứng không đỡ dù đã điều trị;
- Căng cơ thường xuyên, đặc biệt là trước khi tập luyện. Bạn có thể ngăn ngừa cơn đau quay trở lại.



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X