Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh cơ xương khớp có nên vận động không?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, tôi 56 tuổi, bị bệnh về xương khớp, nên ngại vận động vì sợ đau, và sợ tập nhiều sẽ không tốt cho bệnh lý của mình. Nhờ BS cho lời khuyên trong trường hợp này? Tôi chân thành cảm ơn. 

Trả lời

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan

Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Bệnh nhân cơ xương khớp vẫn nên vận động nhẹ

Chào bạn,

Bệnh lý cơ xương khớp gắn liền với triệu chứng đau, và chính triệu chứng đau làm cho bệnh nhân ngại vận động và không muốn vận động. Tuy nhiên, khi không vận động sẽ bị cứng khớp và làm giảm cho đến mất chức năng của khớp.

Các chứng cứ khoa học cũng cho thấy, trên bệnh nhân cơ xương khớp, nếu vận động đúng mức sẽ giảm tình trạng đau của người bệnh cũng như cải thiện tình trạng cứng khớp và làm giảm/ hồi phục chức năng vận động cho bệnh nhân.

Vận động ở bệnh nhân cơ xương khớp là biện pháp điều trị luôn luôn được nhắc tới với một cái tên quen thuộc: vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.

Trên bệnh nhân bệnh lý cơ xương khớp có 2 loại hình vận động khác nhau. Loại hình thứ nhất là vận động chung ở mức độ nhẹ hoặc vừa, chỉ cần 30 phút/ ngày để cải thiện tình trạng sức khỏe chung cũng như tinh thần để giảm đau, tập nhẹ nhàng bằng những phương pháp vận động đơn giản như đi bộ, đạp xe đạp hoặc vận động dưới nước (đối với những trường hợp đau nhức chi dưới).

Loại hình thứ hai, bên cạnh các hoạt động nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe chung, tùy theo bệnh nhân có tổn thuong vùng lưng, chi trên hoặc chi dưới sẽ có những bài tập đặc biệt ở từng vùng khớp này nhằm mục đích chống cứng khớp và cải thiện chức năng vận động với có 2 mức: cải thiện biên độ hoạt động của khớp và tăng sức mạnh của cơ giúp hoạt động của khớp đó.

Ví dụ như vùng lưng có các bài tập cho khối cơ vùng lưng, vùng cạnh sống, vùng bụng. Nếu ở chi dưới có những bài tập tập trung làm mạnh cơ đùi, cơ tứ đầu đùi, cơ bắp chân. Ở chi trên là những động tác làm mạnh cơ cánh tay, cơ cẳng tay; ở bàn tay là những động tác đơn giản như bóp bóng hoặc tập từng ngón tay. Những động tác riêng cho từng khối cơ sẽ được hướng dẫn bởi các bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu.

Cường độ và thời gian tập phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Trên bệnh nhân cơ xương khớp khác với người bình thương và không tập quá căng trong thời gian dài, mà chia ra từng khoảng nhỏ, ví dụ như bệnh nhân được yêu cầu tập 30 phút/ ngày, nhưng thay vì tập một lần 30 phút thì chia ra 2-3 lần, mỗi lần từ 10-15 phút. Đối với những bệnh nhân đang ở giai đoạn cấp, cường độ chẳng những phải giảm mà thời gian mỗi lần tập chỉ khoảng 5 phút/ lần, 1-2 tiếng tập lại. Với những phân bố như vậy sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh nhân và không làm cho tổn thương khớp tăng nặng hơn.

Thân mến.

(Trích từ GLTT ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Trẻ mấy tuổi có thể tập tạ?)

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X