Hotline 24/7
08983-08983

Kháng Insulin có triệu chứng như thế nào?

Câu hỏi

Chào bác sĩ.
Tôi 70 tuổi, chỉ số HBA1C 53mmol/moL (IFCC) GLYCEMIE 7,94 mmol/l 1,42g/l. Xin hỏi BS, làm sao để biết tế bào nhận hay không nhận được insulin. Cám ơn BS.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa

Chào bác,

Insulin là một hormon do tuyến tụy - cơ quan nằm phía sau dạ dày sản xuất. Vai trò của insulin luôn gắn liền với glucose - sản phẩm của quá trình tiêu hóa chất bột, đường (carbonhydrat). Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động của tế bào.

Sau khi ăn chất bột, đường, glucose được hấp thu vào máu với số lượng lớn làm tăng đường huyết. Bằng cách tác động đến quá trình dự trữ và sử dụng glucose trong các tế bào, trong đó chủ yếu là tế bào gan, cơ và mô mỡ, insulin là hormon duy nhất giúp hạ đường huyết của cơ thể. Bên cạnh đó, insulin còn đóng vai trò trong việc giúp cơ thể phân bố và dự trữ chất béo (mỡ) đúng cách.

Kháng insulin là tình trạng bệnh lý, trong đó tế bào không đáp ứng tốt với insulin.

Để dễ hiểu hơn, bác hãy tưởng tượng rằng nếu tế bào giống như một nhà máy, thì glucose chính là nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng để nhà máy đó hoạt động. Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu này muốn vận chuyển vào được bên trong thì cần có chìa khóa “insulin” để mở cửa của nhà máy. Glucose từ máu đi vào bên trong tế bào sẽ giúp hạ đường huyết. Kháng insulin là khi những “ổ khóa” hoặc “chìa khóa insulin” đã bị rỉ sét khiến cho rất khó khăn khi mở cánh cửa nhà máy để glucose có thể đi vào bên trong.

Tế bào thiếu năng lượng để hoạt động trong khi glucose trong máu lại dự thừa, lúc này tuyến tụy sẽ cố gắng để khắc phục bằng cách tăng sản xuất những chiếc “chìa khóa insulin” mới nhằm mở cách cửa tế bào nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Theo thời gian, tình trạng kháng insulin nặng dần lên trong khi khả năng bù đắp bằng việc tăng sản xuất insulin lại chỉ có giới hạn. Hệ quả là đường huyết bắt đầu tăng, kéo theo các rối loạn chuyển hóa khác như rối loạn chuyển hóa chất béo, rối loạn chuyển hóa chất đạm là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Ở nhiều người bệnh, dấu hiệu của kháng insulin là không rõ ràng, tuy nhiên một số người bệnh có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Hay cảm thấy đói
- Mệt mỏi thường xuyên
- Khó tập trung
- Tăng huyết áp
- Tăng cholesterol máu
- Tăng tích mỡ ở bụng
- Xuất hiện các vùng da tối màu ở các vị trí cơ thể có nhiều nếp gấp da như cổ, bẹn, nách…

Tình trạng kháng insulin càng nặng thì các triệu chứng càng rõ ràng.

Với kết quả xét nghiệm bác cung cấp thì bác đã đủ tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường, ở tuổi của bác thì cơ chế bệnh sinh đái tháo đường thường gặp nhất là do tuỵ giảm tiết insulin, đồng thời với hiện tượng đề kháng insulin, bác nhé. Bác không cần làm thêm xét nghiệm để tìm xem có đề kháng insuline hay không, mà chỉ cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nội tiết thôi, bác nhé.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X