Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Hẹp động mạch cảnh 40% nên điều trị thế nào?
Câu hỏi
Chào bác sĩ.
Ba em bị xơ vữa hẹp khít động mạch cảnh trái 40% nên điều trị thế nào ạ? Ba còn bị cao huyết áp, tiểu đường thì có phẫu thuật được không, thưa bác sĩ?
Trả lời
Chào em,
Động mạch cảnh là động mạch có kích thước khá lớn, nằm ở cổ, gồm động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải mà ta có thể sờ thấy được nhịp đập của chúng ở hai bên cổ. Ở mỗi bên, động mạch cảnh gồm đoạn động mạch cảnh chung, sau đó chia thành động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài. Động mạch cảnh trong đưa máu chủ yếu vào não.
Xơ vữa động mạch cảnh là hiện tượng tích tụ các mảng chất béo trong lòng động mạch cảnh. Các mảng bám này bao gồm cholesterol, canxi, mô sợi và các mảnh vụn tế bào khác tụ tập lại ở vị trí tổn thương trong lòng động mạch.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch cảnh bao gồm:
- Cao huyết áp: Việc tăng áp lực lên thành động mạch có thể làm chúng bị yếu đi và dễ bị tổn thương.
- Hút thuốc: Chất Nicotine trong thuốc có thể kích thích lớp áp trong của động mạch. Hút thuốc cũng làm tăng nhịp tim và huyết áp.
- Tiểu đường: Bệnh tiểu đường làm giảm khả năng chuyển hóa chất béo, làm bạn tăng khả năng bị tăng huyết áp và xơ vữa động mạch.
- Tăng mức mỡ máu: Tăng mức cholesterol LDL (lipoprotein nồng độ thấp) và triglyceride, một loại mỡ máu, làm tăng sự tích tụ của các mảng bám.
- Tiền căn gia đình: Nguy cơ bệnh động mạch cảnh sẽ tăng cao nếu bạn có người thân bị xơ vữa động mạch hoặc bệnh động mạch vành.
- Tuổi tác: Theo tuổi tác động mạch trở nên kém giãn nở và dễ bị tổn thương.
- Béo phì: Tăng cân làm tăng khả năng bạn bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch và tiểu đường.
- Ngưng thở khi ngủ: Bị ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng khả năng bạn bị đột qụy.
- Thiếu vận động: Điều này góp phần làm tổn thương động mạch, bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì.
Vào giai đoạn muộn, mảng xơ vữa có thể gây hẹp lòng mạch và làm hạn chế lưu lượng máu lên não gây thiếu máu não. Khi động mạch cảnh bị xơ vữa thì thường các mạch máu khác trên cơ thể như mạch vành, mạch máu não, mạch máu ngoại biên có thể cũng đã bị “chung cảnh ngộ”.
Tùy mức độ hẹp tắt động mạch cảnh và triệu chứng của bệnh nhân mà BS xem xét xem có chỉ định can thiệp mạch (nong động mạch cảnh, đặt stent) hay không. Cụ thể, những trường hợp hẹp nhẹ-trung bình, ít triệu chứng thì có thể uống thuốc tích cực, theo dõi thêm một thời gian đánh giá lại. Nhưng cũng có những trường hợp tắt hoàn toàn lòng động mạch cảnh, vôi hóa thì không thể nong hay đặt stent được, khi đó cách khắc phục tốt nhất là điều trị bảo vệ động mạch cảnh bên còn lại, bao gồm việc dùng thuốc và tái khám theo chỉ định của BS, đồng thời phải thay đổi lối sống sẽ giúp duy trì kết quả tốt.
Ba của em bị hẹp động mạch cảnh 40% là hẹp ở mức trung bình thôi, không phải hẹp khít (hẹp khít là hẹp từ 90% trở lên). Ở mức độ hẹp này thì sẽ điều trị nội khoa tích cực nếu ba em chỉ bị 1 bên và không có triệu chứng thiếu máu não, nhưng phải khảo sát cả mạch vành và các mạch máu khác nữa để điều trị toàn diện cùng 1 lúc luôn.
Nếu ba em có triệu chứng thiếu máu lên não, nguy cơ đột quỵ cao thì bác sĩ sẽ xem xét đặt stent chứ không phải phẫu thuật. Đặt stent là kỹ thuật xâm lấn tối thiếu có thể làm trong ngày, không cần gây mê, bệnh nhân có bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp vẫn có thể thực hiện được.
Gia đình cần bàn bạc vấn đề này với BS chuyên khoa mạch máu (tim mạch can thiệp, ngoại lồng ngực mạch máu) để được tư vấn hướng điều trị toàn diện, em nhé.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình