Hotline 24/7
08983-08983

Hen phế quản kèm trào ngược dạ dày, điều trị sao để tránh tái phát?

Câu hỏi

Chào bác sĩ. Tôi bị hen phế quản mãn tính kèm trào ngược dạ dày thực quản, đi khám rất nhiều lần nhưng cứ uống thuốc thì khỏi được mấy bữa lại bị tái lại, vậy xin bác sĩ tư vấn phải điều trị sao để tránh tái phát ạ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa

Chào bạn,

Những người mắc bệnh hen suyễn có khả năng cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh hen suyễn khi phát triển bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trên thực tế các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có hơn 75% người trưởng thành mắc bệnh hen suyễn đồng thời cũng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, mối liên quan giữa hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản khá rõ ràng, trong đó:

Trào ngược dạ dày có thể kích hoạt bệnh hen suyễn: Đầu tiên, khả năng này có thể do sự lặp lại nhiều lần của dòng chảy acid dạ dày vào thực quản làm tổn thương niêm mạc họng và đường dẫn khí đến phổi. Điều này dẫn đến khó thở cũng như ho dai dẳng. Việc tiếp xúc thường xuyên với acid có thể khiến phổi nhạy cảm hơn với các chất kích thích, chẳng hạn như: phấn hoa, bụi và đây có thể là nguy cơ trào ngược dạ dày gây hen suyễn. Một khả năng khác có thể do trào ngược acid kích hoạt phản xạ thần kinh bảo vệ. Phản xạ này làm cho đường thở bị thắt lại để ngăn acid dạ dày xâm nhập vào phổi. Sự thu hẹp đường thở có thể dẫn đến các triệu chứng hen suyễn.

Hen suyễn có thể kích hoạt trào ngược dạ dày thực quản: Giống như trào ngược dạ dày thực quản có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn, thì hen suyễn cũng tương tự. Nó cũng là nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản trở nên trầm trọng. Hen suyễn sẽ làm thay đổi áp suất xảy ra bên trong ngực và bụng, khi đó sẽ làm cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản trở nên nặng hơn. Khi phổi sưng lên, áp lực lên dạ dày tăng lên có thể khiến các cơ ngăn chặn chứng trào ngược acid trở nên rời rạc. Điều này sẽ cho phép acid dạ dày chảy ngược vào thực quản.

Bệnh hen suyễn có thể liên kết với bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường có dấu hiệu ợ nóng. Tuy nhiên, khi mắc đồng thời cả hen suyễn và trào ngược dạ thực quản thường các triệu chứng là hen suyễn nhiều hơn chẳng hạn như ho khan, khó nuốt. Hai bệnh này sẽ liên kết với nhau nếu:

- Triệu chứng hen suyễn bắt đầu ở tuổi trưởng thành
- Các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn sau một bữa ăn lớn hoặc luyện tập thể dục
- Triệu chứng hen suyễn xảy ra trong khi uống đồ uống có cồn
- Triệu chứng hen suyễn xảy ra vào ban đêm hoặc trong khi nằm
- Thuốc hen suyễn kém hiệu quả

Như vậy, việc bạn bị bệnh hen phế quản mãn tính kèm trào ngược thực quản là việc rất thường gặp, để kiểm soát tránh bệnh tái phát, bạn cần duy trì tái khám chuyên khoa Nội tiêu hóa và Hô hấp để bác sĩ có thể phối hợp thuốc, cân đối để điều trị cả hai bệnh. Bác sĩ sẽ đánh giá và cho bạn xét nghiệm tầm soát vi khuẩn HP, xét nghiệm máu, X-quang, nội soi tùy tình trạng lúc khám. Tình trạng hen suyễn được cải thiện đồng thời cũng sẽ kiểm soát được bệnh trào ngược dạ dày thực quản và ngược lại. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:

- Những người mắc bệnh nên tránh xa các thực phẩm giàu chất béo. Đây là yếu tố gây phản ứng với cả hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản.
- Không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn và thuốc lá
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân có thể ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn như: bụi, phấn hoa, lông vật nuôi,...
- Lựa chọn thực phẩm kiểm soát trào ngược dạ dày như bánh mì, yến mạch...

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X