Hotline 24/7
08983-08983

Em luôn sợ hãi khi thấy sàn nhà nứt bể, khắc phục như thế nào?

Câu hỏi

Em chào bác sĩ, Em có 1 nỗi sợ đó là khi nhìn thấy sàn nhà mà bị nứt hay bể 1 miếng là không hiểu sao em lại sợ và khó chịu, đặc biệt nếu sàn nhà mà nằm trong không gian hẹp (ví dụ như trong nhà tắm) là em càng sợ hơn. Từ bé em đã sợ như vậy rồi, giờ em đã lớn mà vẫn chưa hết sợ, mặc dù em biết sàn nhà bể nứt không gây nguy hiểm cho em. Em phải làm sao để khắc phục được ạ?

Trả lời
Sàn nhà nứt bể. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Sàn nhà nứt bể. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em

Bình thường, mỗi người chúng ta đều có một nỗi sợ và khó chịu "đặc biệt theo cách riêng của mình", có người sẽ khó chịu với điều này nhưng điều đó lại là bình thường với người khác. Nếu như cảm giác khó chịu với sàn nhà bị nứt không đến nỗi quá nặng nề và em có thể kiểm soát được thì không nguy hiểm và em chưa cần điều trị, em chỉ tập chấp nhận và nhìn nhận con người của mình, vốn dĩ là không thích điều đó.

Nhưng nếu cảm giác khi thấy sàn nhà bị nứt khiến em không kiểm soát được bản thân, khó chịu đến mức khó thở, muốn nôn, tim đập nhanh...và không làm việc, sinh hoạt bình thường, thì em cần khám bác sĩ chuyên khoaTâm thần để được điều trị (bằng tâm lý trị liệu và thuốc dùng ngắn hạn) sẽ giúp được em.

Em đừng bị “dị ứng” hay quá sợ hãi với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn ám ảnh sợ, mất ngủ, rối loạn lo âu... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Chứng ám ảnh sợ hãi là chứng sợ quá mức và vô lý với các vật hoặc các tình huống không thực sự quá nguy hiểm. Không giống như những lo âu ngắn hạn bình thường như khi phải phát biểu hoặc làm bài kiểm tra, một ám ảnh sợ hãi là một tình trạng lâu dài, gây ra các phản ứng thể chất và tâm lý căng thẳng.

Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của bạn tại nơi làm việc hoặc trong môi trường xã hội.

Mục đích của việc điều trị là nhằm giảm chứng sợ xuống mức không còn gây sợ hãi nghiêm trọng và hạn chế việc phải tránh xa những thứ gây sợ.

Điều trị chứng ám ảnh sợ hãi xã hội thường kéo dài vài tháng nhưng điều trị cho một chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể khác thì ngắn hơn. Hầu hết bệnh nhân có chứng ám ảnh sợ hãi có thể vượt qua chứng sợ sau khi điều trị bằng liệu pháp hành vi.

Cả thuốc và các liệu pháp hành vi có thể được phối hợp sử dụng cùng nhau. Các thuốc này làm giảm một số triệu chứng gây ra do lo lắng. Phương pháp sử dụng thuốc thường hiệu quả với chứng ám ảnh sợ hãi xã hội hơn là chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể.

Ngoài ra, phương pháp điều trị dựa trên cho tiếp xúc trong tưởng tượng hoặc thực tế là cách tốt nhất đối với chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể. Biện pháp tiếp xúc sẽ đạt hiệu quả nhất nếu các buổi điều trị được sắp xếp gần nhau. Các phương pháp khác như phản hồi sinh học, thôi miên và các phương pháp khác có thể giúp bệnh nhân giảm lo lắng và kiểm soát nhịp tim.

Để hạn chế diễn tiến của chứng ám ảnh sợ hãi, bạn nên:

- Nói với bác sĩ về tình trạng của bạn. Đừng xấu hổ khi thú nhận các chứng sợ của mình;
- Nhớ rằng các chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể có thể điều trị được sau một vài buổi;
- Tránh các tình huống căng thẳng nếu có thể;
- Tập thể dục để giảm lo âu;
- Tránh những thứ gây ra cho bạn nỗi sợ;
- Gọi bác sĩ nếu bạn có các cơn sợ hãi thường xuyên hoặc có các biến chứng về thể chất do lo lắng nhiều hoặc trầm cảm và có ý định tự tử.



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X