Hotline 24/7
08983-08983

Đau buốt khó chịu khi đứng trúc mũi chân xuống sau té ngã, xử trí như thế nào?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em mới bị ngã xe máy cách đây 2 ngày, bị trầy xước vùng mu bàn chân và sưng bàn chân. Em đi chụp chiếu thì xương khớp không sao, nằm trên giường thì chân cũng không đau. Tuy nhiên khi em đứng dậy cứ trúc mũi chân xuống là chân lại bị đau buốt rất khó chịu. Bác sĩ cho em hỏi chân em như vậy có bị sao không và làm thế nào cho nhanh khỏi được ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Chân đau buốt khó chịu khi đứng trúc mũi xuống. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chân đau buốt khó chịu khi đứng trúc mũi xuống. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Trên phim Xquang bàn chân thì mình sẽ quan sát xem là có gãy xương, nứt xương hay không. Do vậy, khi bác sĩ xem kết quả phim Xquang nói là không sao hết nghĩa là không thấy gãy xương hay nứt xương. Sau chấn thương, mặc dù không có gãy xương bàn chân, nhưng bàn chân bị va đập vẫn có thể sưng đau do chấn thương mô mềm, tổn thương dây chằng - gân cơ, nhiễm trùng (vài ngày sau chấn thương hở)...

Em cần phải phân biệt giữa kỹ thuật viên chụp Xquang và bác sĩ chấn thương chỉnh hình. Người chụp và đọc phim Xquang thường chỉ là kỹ thuật viên, do vậy sẽ không kèm theo điều trị. Còn bác sĩ chấn thương chỉnh hình thì cho chỉ định chụp phim, xem kết quả và điều trị.

Mặt khác, tôi không hiểu rõ ý của em "khi em đứng dậy cứ trúc mũi chân xuống là chân lại bị đau buốt" là sao, nghĩa là em mang giày cao gót thì bị đau chân hay thực hiện động tác gập bàn chân thì bị đau, hay thả lỏng chân xuống giường không chạm đất là đau, và khi em đi lại trên mặt phẳng cứng không giày dép có bị đau nhiều không?

Do đó, với tình trạng này, em nên tái khám kiểm tra lại tại chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình để bác sĩ xem xét mức độ đau của em, có cần dùng thuốc hay mang đai cố định 1 thời gian ngắn không, em nhé. Trong thời gian này, em nên hạn chế đi lại, xoa bóp nhẹ nhàng với dầu nóng, rượu thuốc sẽ giúp ích.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Sưng bầm là cách gọi dân gian để chỉ những chấn thương phần mềm tương đối nhẹ, không gây tổn thương da nhiều; gân, cơ, xương cũng chưa bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên vẫn có hiện tượng tổn thương phần mềm, mao mạch, gây viêm, sưng, đau, chảy máu trong mô mềm, gây ra tình trạng bầm tím.

Đối với các sang chấn nhẹ vết bầm tím thường tan từ từ. Tuy nhiên vết bầm tím da có thể làm khó chịu, mất thẩm mỹ vì thời gian tan vết bầm tím thường kéo dài. Lúc đầu, vết bầm màu đỏ hay hồng, rồi đỏ tím sau 1 - 2 ngày chuyển sang màu xanh tím. Từ 5 - 10 ngày vết bầm dần dần trở thành xanh lá cây, nhạt dần và chuyển vàng. Sau 10 - 14 ngày vết bầm sẽ chuyển sang màu vàng nâu rồi mờ dần. Quá trình này kéo dài hơn 2 tuần lễ da mới trở lại màu sắc bình thường.

Để điều trị vết bầm hữu hiệu nhất, cần phải xử lý khi nó còn là một vết đỏ. Ngay khi bị va đập vào bất cứ phần nào trên cơ thể, hãy nhanh chóng chườm đá lên vùng đang đau nhức từ 5 - 10 phút. Nên chườm nhiều lần, giữa những lần chườm phải cách nhau khoảng 1 giờ. Chườm đá chỉ có tác dụng trong vòng 72 giờ từ kể từ lúc bị chấn thương. Chườm đá giúp các mạch máu, mô bị dập do chấn thương co rút lại và từ đó giảm tình trạng xuất huyết dưới da và làm bớt sưng. Việc chườm đá có thể áp dụng với những chấn thương khác như bong gân, căng cơ, côn trùng cắn và kể cả đau ở các khớp viêm do bệnh gút.

Không chườm đá trực tiếp lên da mà hãy quấn đá vào một chiếc khăn trước khi chườm. Hoặc cũng có thể lấy khăn mặt nhúng vào nước lạnh và sau đó đặt lên chỗ đau.

Nếu vết bầm tím ở chân có thể khi ngồi hoặc nằm kê chân có vết bầm tím lên cao để giúp máu lưu thông dễ dàng và giảm sưng. Hạn chế vận động ở chân có những vị trí bị bầm.

Nếu sau 48 giờ chỗ bầm vẫn còn đau thì áp dụng phương pháp chữa trị bằng nhiệt, chườm ấm bằng khăn ấm, một chai nước nóng hoặc túi nóng nhưng đủ để ấm tránh trường hợp bị bỏng.

Trong trường hợp vết bầm tím có kèm theo các dấu hiệu sau đây cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu: Khi vết bầm tím kèm theo sốt; vết bầm tím vùng gần mắt; vết bầm sưng lên, chuyển sang màu đỏ và rất đau; trẻ không cử động được; vết bầm không biến mất sau 2 tuần; những vết bầm bất ngờ, không rõ nguyên nhân hoặc xuất hiện nhiều lần, thường xuyên không giải thích được.

Dân gian thường xoa dầu nóng khi bị sưng bầm nhưng thực tế, việc xoa bóp với dầu nóng càng làm tổn thương thêm các mao mạch, chảy máu trong nhiều hơn. Cần tránh bóp nắn, xoa dầu và đặc biệt là không nên dùng thuốc tan máu bầm hoặc bôi mật gấu quá sớm (trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị va chạm) vì có thể gây chảy máu nhiều thêm, sẽ làm tăng hiện tượng sưng, bầm.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X