Hotline 24/7
08983-08983

Có thể điều trị dị ứng không rõ nguyên nhân?

Câu hỏi

Chào các bác sĩ, Em bị dị ứng 4 năm nay mà không biết lí do, da thường xuyên nổi mẩn đỏ, ngứa, em phải uống thuốc mỗi ngày. Em ăn các loại hải sản như tôm, thịt bò thì bị dị ứng, nhiều khi không ăn cũng bị. Lúc ở VN, em đi xét nghiệm máu nhưng không phát hiện ra nguyên nhân. Máu cũng không nhiễm giun… Mọi thứ trong em đều bình thường. BS nghi da em quá mẫn cảm với không khí ở Sài Gòn, nhưng từ khi em sang Mỹ thì vẫn tiếp tục dị ứng. Hiện em phải uống Cetirizine, Sagofine, vitamin C, Triamlife vào buổi sáng và tối. Mong AloBacsi tư vấn cho em về bệnh dị ứng cũng như cách chẩn đoán và điều trị? Thuốc dị ứng mua từ VN sắp hết, bên Mỹ không tìm thấy các thuốc này. Em nên dùng loại thuốc nào để thay thế? Xin cám ơn AloBacsi. (Ngọc Kiều - Chicago, Mỹ)

Trả lời

BS Đoàn Mạnh Khải

BS Đoàn Mạnh Khải

Bác sĩ khoa Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Từ Dũ

Ảnh minh họa - nguồn internet 
Ảnh minh họa - nguồn internet

Ngọc Kiều thân mến,
 
Dị ứng là một phản ứng mạnh, đôi khi đến đỗi dư thừa của hệ thống miễn dịch cơ thể khi chúng ta tiếp xúc với một “vật chất lạ” bên ngoài cơ thể, gọi là dị ứng nguyên.
 
Những năm gần đây, những nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh dị ứng tăng dần do môi trường khí hậu ô nhiễm, do việc sử dụng các hóa chất, phẩm màu trong thực phẩm ngày càng tăng,…
 
Bệnh dị ứng, còn được gọi dưới thuật ngữ “quá mẫn cảm”, bởi vì một chất có thể hoàn toàn “an toàn” cho nhiều người, nhưng lại khởi phát một phản ứng dị ứng ở một người có cơ địa nhạy cảm.
 
Nguyên nhân gây dị ứng có thể là:
 
- Phấn hoa: được phát tán nhờ gió và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh dị ứng. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, phấn hoa có thể phát tán trong phạm vi đường kính 400km, do đó khả năng ảnh hưởng của chúng rất lớn.

- Lông động vật: do dịch tiết như nước bọt, mồ hôi, phân…dính trên lông và được phát tán trong không khí,... Có thể nhà bạn không có nuôi động vật, nhưng những gia đình xung quanh bạn có nuôi, thì vẫn có thể bị dị ứng.

- Động vật bụi nhà là những động vật rất nhỏ, kích thước từ 0,1-0,5mm, khó nhìn thấy bằng mắt thường, chúng rất thích môi trường nóng ẩm, và thường cư trú trong rèm cửa, thảm hoặc vật dụng bám bụi lâu ngày,… Những dịch tiết từ chúng được bụi phát tán trong không khí.

- Dịch tiết, nọc độc côn trùng

- Bào tử nấm

- Thức ăn: nhiều thức ăn thường khởi phát phản ứng dị ứng như: sữa và các chế phẩm từ sữa, hải sản, trứng gà, bột mì, trái cây như táo, dâu, cà chua,…

- Thuốc: vaccines, thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm non-steroide,…thường khởi phát dị ứng.

- Phản ứng dị ứng chéo ví dụ như một người dị ứng với phấn hoa (dị ứng đường hô hấp), nhưng cũng có thể dị ứng khi ăn những thức ăn có thành phần cấu tạo kháng nguyên tương tự (dị ứng đường tiêu hóa).

- Dị ứng ánh sáng mặt trời.
 
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng cũng thường diễn biến khác nhau:
 
- Triệu chứng đường hô hấp: viêm mũi dị ứng, hen suyễn,..
- Ở da như chàm thể tạng, viêm da tiếp xúc, mề đay, phù Quincke,…
- Đường tiêu hóa như: hội chứng dạ dày-ruột: tiêu chảy, ói mửa, trào ngược dạ dày thực quản, tiêu hóa kém,…
 
Đôi khi triệu chứng có thể trở nên nặng và đe dọa tính mạng như suyễn cấp tính, hay sốc phản vệ.
 
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây dị ứng rất khó và phải thực hiện nhiều bước:
 
- Phải tìm hiểu kỹ tiền căn bản thân và gia đình, cũng như môi trường làm việc, cách sống và sinh hoạt.
- Phân tích kỹ các triệu chứng dị ứng trước đó.
- Khoanh vùng tác nhân gây dị ứng và thực hiện các test xét nghiệm: test trong da (tiêm kháng nguyên vào da), test trên da (patch test: cho da tiếp xúc với kháng nguyên), prick test và Scratch test.
 
Điều trị dị ứng tốt nhất là tránh tiếp xúc hoàn toàn với tác nhân gây dị ứng, điều này nói dễ nhưng thực hiện khó. Vì cho dù có xác định chính xác được tác nhân gây dị ứng đi chăng nữa thì nhiều tác nhân như bụi bặm, phấn hoa, thức ăn,… cũng không thể tránh được hoàn toàn.
 
Điều trị trên triệu chứng dị ứng bằng các thuốc kháng viêm, kháng histamine, thuốc dãn phế quản,…
 
Điều trị trên hệ thống miễn dịch: giảm khả năng nhạy cảm của cơ thể bằng thuốc ức chế miễn dịch.
 
Nhìn chung, thật không dễ tiên lượng trước những tiến triển của một bệnh dị ứng, mức độ phản ứng và độ nặng của bệnh thay đổi khác nhau tùy theo các giai đoạn của cuộc sống.
 
Càng lớn tuổi thì khả năng miễn dịch của cơ thể càng giảm và khi đó các phản ứng dị ứng cũng dần biến mất.
 
Ngọc Kiều thân, hiện em sống ở Mỹ, nơi điều kiện xét nghiệm hiện đại và tiên tiến, em không nên tự uống thuốc theo kiểu “đối phó được ngày nào hay ngày ấy”. Tốt nhất, em nên thực hiện các xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây dị ứng cho mình. Từ đó có phương pháp phòng bệnh và điều trị phù hợp, em nhé.
 
Thân mến!


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X