Hotline 24/7
08983-08983

Buồng khử khuẩn, nên hay không nên dùng?

Câu hỏi

Tuy Bộ Y tế đã khuyến cáo không dùng buồng khử khuẩn, nhưng với tâm lý là “có còn hơn không”, hoặc cho dù hít phải hóa chất độc hại nhưng chỉ chút ít ở dạng phun sương, và thời gian sử dụng ngắn cũng không gây hại nhiều, còn hơn là nhiễm virus SARS-CoV-2 thì nguy hiểm gấp bội. Suy nghĩ vậy có đúng không bác sĩ?

Trả lời

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư

Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM - Bệnh viện Chợ Rẫy

buồng khử khuẩn

Chưa có nghiên cứu chắc chắn tác dụng diệt virus của buồng khử khuẩn

Chào bạn,

Đến thời điểm này, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo là buồng khử khuẩn chưa được chứng minh khoa học. Nhiều người có suy nghĩ hay là cứ xem có hiệu quả hay không, kiểu như “có bệnh thì vái tứ phương”.

Tuy nhiên, trong y học khi sử dụng bất kỳ điều gì cho con người đều phải chứng minh được 2 điểm, thứ nhất là có hiệu quả hay không, thứ 2 là có an toàn hay không.

Đối với khử khuẩn cho bề mặt môi trường hay xịt khử khuẩn lên dụng cụ thì rất đơn giản, chỉ cần chứng minh là diệt được virus, vi khuẩn thôi. Nhưng với con người thì khác, không chỉ chứng minh nó diệt được virus, vi khuẩn trên da, niêm mạc mà còn phải có đầy đủ chứng cớ an toàn, không gây viêm, kích ứng hay thậm chí là khả năng ung thư về sau này. Do đó, việc sử dụng trên người phải rất cẩn trọng.

Hiện, chưa có nghiên cứu nào chứng minh được việc bước vào buồng khử khuẩn đó trong vòng 30 giây thì những con virus, vi khuẩn bị tiêu diệt. Điều này chỉ mới được chứng minh ở phòng thí nghiệm với dạng ngâm, còn ở đây là dạng xịt thì lại khác. Do đó, hoàn toàn chưa chứng minh được nó có hiệu quả hay không.

Xin chia sẻ với bạn, tôi cũng có thử buồng khử khuẩn này rồi. Khi bước ra khỏi đây thì cảm giác đầu tiên là bị ướt. Lúc này tôi lại lo lắng hơn, vì virus, vi khuẩn rất thích môi trường nước. Giả sử với người ướt như vậy và sau đó đến một khu vực nào đó có yếu tố nguy cơ, thì môi trường nước này sẽ giúp vi khuẩn phát triển nhanh hơn, cao hơn và biết đâu sẽ làm tăng mức độ nguy cơ nhiễm cao hơn.

Thứ hai là về độ an toàn, hiện Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, không nên xịt, phun hóa chất như clo hay cồn vào trong niêm mạc, mũi, miệng vì khi chúng ta hít vào có thể bị viêm niêm mạc mũi, họng. Đây là vấn đề sức khỏe đơn giản nhất có thể gặp phải. Chưa kể nếu hít các hóa chất vào phổi, thì lại càng nguy hiểm hơn. Do đó, tôi thấy về cả tính hiệu quả và an toàn thì buồng khử khuẩn này chưa rõ ràng.

Thân mến.

(Trích từ Livestream Tình hình COVID-19 lại “nóng” lên, làm sao để phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng?)

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X